Bệnh bóng đè - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bóng đè là tình trạng bạn cảm giác tỉnh táo nhưng không thể cử động cơ thể, thậm chí không thể nói chuyện trong vài giây hoặc vài phút. Nhiều người cho rằng bóng đè thường liên quan đến tình trạng siêu nhiên, nhưng đây là một vấn đề sức khỏe. Vậy nguyên nhân nào gây nên tình trạng này? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh bóng đè - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh bóng đè là gì?

Bóng đè là tình trạng bạn cảm giác tỉnh táo nhưng không thể cử động cơ thể, thậm chí không thể nói chuyện trong vài giây hoặc vài phút. Nhiều người cho rằng bóng đè thường liên quan đến tình trạng siêu nhiên, nhưng đây là một vấn đề sức khỏe.

Một số người có thể cảm thấy áp lực hoặc nghẹt thở khi bị bóng đè. Tình trạng này thường đi cùng với các rối loạn giấc ngủ khác, như chứng ngủ rũ.

Bệnh bóng đè thường diễn ra trong thời gian ngắn và không nguy hiểm, nhưng người bệnh có thể bị ám ảnh và sợ hãi.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh bóng đè là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng bóng đè bao gồm:

  • Không có khả năng di chuyển cơ thể khi ngủ hoặc khi thức dậy trong vài giây hoặc vài phút;
  • Tỉnh táo nhưng không thể nói chuyện ;
  • Có ảo giác và cảm giác sợ hãi ;
  • Cảm thấy áp lực lên ngực;
  • Khó thở ;
  • Cảm giác như cái chết đang đến gần ;
  • Đổ mồ hôi ;
  • Trở nên nhạy cảm với những âm thanh hoặc mọi vật xung quanh.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào khiến bạn bị bóng đè?

Khi bạn ngủ, cơ thể sẽ thư giãn và thả lỏng cơ bắp. Bệnh bóng đè sẽ liên quan đến việc giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) bị gián đoạn.

Khi ngủ, cơ thể sẽ luân phiên trải qua hai giai đoạn REM và NREM (mắt không chuyển động nhanh). Thông thường, một chu kỳ REM và NREM kéo dài 90 phút và phần lớn thời gian cơ thể ở giai đoạn NREM. Những giấc mơ thường xuất hiện trong giai đoạn REM. Lúc này, mắt sẽ chuyển động nhanh nhưng cơ thể vẫn thư giãn.

Đối với người bị bóng đè, quá trình chuyển đổi cơ thể từ REM sang NREM và ngược lại không được não đồng bộ. Do đó, ý thức của họ tỉnh táo, nhưng cơ thể vẫn ở trạng thái bất động.

Các yếu tố khác cũng có thể liên quan đến bệnh bóng đè như:

  • Chứng ngủ rũ;
  • Giờ giấc ngủ không ổn định, có thể do chênh lệch múi giờ hoặc làm việc theo ca ;
  • Nằm ngửa ;
  • Bệnh sử gia đình bị bóng đè.

Ngoài ra, bóng đè cũng có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe khác, như trầm cảm, đau nửa đầu, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, tăng huyết áp và rối loạn lo âu.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị bóng đè?

Bệnh bóng đè là một tình trạng phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Thông thường, bóng đè thường có tính di truyền. Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm bạn có nguy cơ bị bóng đè cao hơn như:

  • Thiếu ngủ;
  • Thay đổi thời gian ngủ;
  • Các tình trạng tâm thần như căng thẳng hoặc rối loạn lưỡng cực ;
  • Nằm ngửa;
  • Các vấn đề về giấc ngủ như ngủ rũ hoặc chuột rút vào ban đêm ;
  • Một số loại thuốc, như thuốc điều trị ADHD;
  • Vận động quá sức.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh bóng đè?

Nếu thấy không thể di chuyển cơ thể hoặc nói chuyện trong vài giây hoặc vài phút khi bạn ngủ hoặc thức dậy, bạn có thể bị bóng đè. Thông thường, tình trạng này không cần điều trị.

Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:

  • Bạn cảm thấy lo lắng về các triệu chứng bóng đè;
  • Các dấu hiệu bệnh khiến bạn mệt mỏi;
  • Bạn không thể ngủ được.

Bác sĩ có thể sẽ tìm hiểu về thói quen ngủ của bạn bằng cách:

  • Yêu cầu bạn miêu tả chi tiết triệu chứng bóng đè và ghi lại nhật ký giấc ngủ trong vài tuần;
  • Tìm hiểu tất cả các bệnh bạn đã và đang mắc, đặc biệt là các tình trạng về rối loạn giấc ngủ.

Những phương pháp nào giúp điều trị bệnh bóng đè?

Hầu hết mọi người không cần điều trị bóng đè. Việc điều trị bất kỳ tình trạng tiềm ẩn nào như chứng ngủ rũ có thể giúp ích nếu bạn lo lắng hoặc không thể ngủ ngon. Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:

  • Cải thiện thói quen ngủ – chẳng hạn như ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi đêm;
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm kê đơn để giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ;
  • Điều trị bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào có thể gây ra tê liệt giấc ngủ ;
  • Điều trị các vấn đề về rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như chứng ngủ rũ hoặc chuột rút ở chân.

6. Chế độ sinh hoạt hợp lý

Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát bệnh bóng đè?

Mặc dù không có cách điều trị cụ thể cho bệnh bóng đè, nhưng việc kiểm soát căng thẳng, duy trì giờ ngủ đều đặn và có thói quen ngủ tốt có thể làm giảm khả năng bị bóng đè.

Một số mẹo giúp bạn ngủ ngon như:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày;
  • Đảm bảo môi trường ngủ thoải mái, chẳng hạn như giường và quần áo ngủ phù hợp, phòng ngủ sạch sẽ, tối và mát mẻ ;
  • Hạn chế tiếp xúc với tivi, máy vi tính hoặc điện thoại trước khi ngủ ;
  • Tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều và lâu hơn 90 phút ;
  • Không ăn quá nhiều vào buổi tối hoặc trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ;
  • Kiêng rượu buổi tối hoặc các đồ uống có caffeine ;
  • Tập thể dục hàng ngày, nhưng không tập trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ ;
  • Nên đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, một số biện pháp khác giúp kiểm soát bệnh bóng đè như:

  • Kiểm soát bất kỳ tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu;
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, như thuốc lá, rượu bia;
  • Tập thiền hoặc yoga thường xuyên ;
  • Không nằm ngửa khi ngủ.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh bóng đè, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:28/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM