Mẫu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mới nhất

Hợp đồng tặng cho nhà đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho bên được tặng cho. Hợp đồng này chỉ có giá trị pháp lý khi được công chứng tại các tổ chức công chứng có thẩm quyền. Để hiểu rõ hơn về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất như thế nào mời các bạn cùng eLib tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Mẫu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mới nhất

1. Tặng cho đất đai là gì?

Tặng cho đất đai là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cùng diện tích thửa đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù.

Trên thực tế, việc tặng cho quyền sử dụng đất xảy ra dưới 02 dạng phổ biến:

  • Bố mẹ tặng cho đất cho con;
  • Người có đất đai tặng cho đất của mình cho người khác (không phải là bố mẹ cho đất cho con).

Hiện nay, khi nhận tặng cho là quyền sử dụng đất nhưng không làm thủ tục sang tên thì dẫn tới tình trạng: Đất là của bố mẹ, nhà là của con. Trong trường hợp này dễ xảy ra tranh chấp.

Ví dụ: Khi vợ chồng người con ly hôn mà chia tài sản thì bố mẹ vì nhiều lý do khác nhau cho rằng đất đó là cho “mượn” để xây nhà chứ không phải "tặng cho" nên thửa đất đó không được chia và muốn lấy lại.

Để tránh những rủi ro như trên dù là được bố mẹ tặng cho quyền sử dụng thì cũng nên làm thủ tục sang tên (pháp luật quy định là thủ tục đăng ký biến động đất đai khi tặng cho quyền sử dụng đất).

2. Điều kiện thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận; Trừ 02 trường hợp sau:

+ Trường hợp 1: Người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận nhưng được quyền tặng cho.

+ Trường hợp 2: Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 được quyền tặng cho đất đai khi:

  • Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền tặng cho đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;
  • Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận);
  • Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài ra, việc tặng cho quyền sử dụng đất không thuộc các Trường hợp không được nhận tặng cho quyền sử dụng đất sau đây theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai:

Hộ gia đình, cá nhân nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng do chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác hoặc do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động. (Khoản 1 Điều 40 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Như vậy, nếu việc tặng cho quyền sử dụng đất vẫn diễn ra trong khoảng thời gian dưới 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất thì việc chuyển giao đó là trái luật vì không đủ điều kiện để được tặng cho quyền sử dụng đất.

Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng.

3. Cách viết mẫu hợp đồng tặng cho nhà, đất

Mục “tại”: Nêu rõ địa chỉ của Văn phòng/Phòng công chứng – nơi chứng nhận Hợp đồng tặng cho nhà, đất.

Ví dụ: Tại Văn phòng công chứng ABC, tỉnh X.

Nếu công chứng tại nhà theo yêu cầu của các bên thì ghi địa điểm Công chứng viên thực hiện việc công chứng hợp đồng tặng cho này.

Nêu rõ họ tên, năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu kèm cơ quan cấp và ngày tháng năm cấp.

Tài sản tặng cho: Tài sản tặng cho có thể là nhà ở và đất ở, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu căn hộ chung cư…

Do đó, ở phần này nêu rõ thông tin về số thửa, tờ bản đồ, địa chỉ, diện tích…. Kèm theo thông tin về Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà, đất.

4. Hợp đồng tặng cho có phải công chứng không?

Hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, một bên giao tài sản của mình, một bên nhận tài sản và không có sự yêu cầu đền bù. Khi đó, bên tặng cho có thể tặng cho tài sản là:

  • Động sản: Xe máy, xe ô tô, sổ tiết kiệm...
  • Bất động sản: Nhà, đất...

Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản công chứng, chứng thực. Nếu tài sản đó bắt buộc phải đăng ký thì phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định.

Lúc này, nếu tài sản không phải đăng ký thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ ngày hai bên chuyển giao tài sản. Nếu tài sản phải đăng ký theo quy định thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu.

Hồ sơ công chứng hợp đồng tặng cho nhà đất: Căn cứ vào khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014, thì hồ sơ công chứng hợp đồng tặng cho nhà đất gồm các giấy tờ sau:

  • Phiếu yêu cầu công chứng;
  • Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất; lưu ý là đối với một số tổ chức công chứng cung cấp cả dịch vụ soạn thảo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, khi đó, bạn đọc phải trả thêm phí soạn thảo và không tính vào phí công chứng.
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của các bên: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của các bên; Sổ hộ khẩu của các bên trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. 
  • Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất tặng cho;
  • Trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất: Thực hiện theo trình tự, thủ tục của các Tổ chức công chứng cụ thể.

5. Thủ tục sang tên sổ đỏ

Trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ được quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
  • Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

Bước 2. Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở tài nguyên và môi trường Tỉnh. Nếu người sang tên sổ đỏ nộp hồ sơ tại UBND xã nơi có đất thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND xã phải chuyển hồ sơ đó cho Văn phòng đăng ký đất đai.

Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên môi trường huyện.

Lưu ý: Nếu hồ sơ không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ được trả lại cho người nộp trong thời hạn 03 ngày.

Bước 3. Thẩm định hồ sơ

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các việc sau:

Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;

Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Bước 4. Thực hiện nghĩa vụ tài chính

Người nộp hồ sơ yêu cầu sang tên sổ đỏ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo Thông báo của cơ quan có thẩm quyền trước khi nhận Giấy chứng nhận.

Bước 5. Trả Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ hoặc giao UBND xã trao cho người nộp hồ sơ nếu hồ sơ được người nộp hồ sơ nộp tại UBND xã.

Thời gian thực hiện thủ tục: không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Lưu ý:

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.

Thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

6. Mẫu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tham khảo

Mẫu 1:

Mẫu Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (Mẫu 1)

Mẫu 2:

Mẫu Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (Mẫu 2)

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất!

Ngày:14/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM