Thuốc Nafcillin - Điều trị nhiều các bệnh nhiễm khuẩn

Thuốc nafcillin được dùng để điều trị nhiều các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là do vi khuẩn staphylococcus gây ra (nhiễm khuẩn “staph”). Mời các bạn cùng tham khảo thông tin về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, cảnh báo, tương tác thuốc và đối tượng dùng thuốc nafcillin  mà eLib.VN đã tổng hợp dưới đây. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích dành cho mọi người.

Thuốc Nafcillin - Điều trị nhiều các bệnh nhiễm khuẩn

Tên gốc: nafcillin

Tên biệt dược: Unipen®, Nallpen®

Phân nhóm: thuốc kháng sinh penicillin

1. Tác dụng

Tác dụng của thuốc nafcillin là gì?

Nafcillin là một kháng sinh có tác dụng kháng vi khuẩn. Nafcillin thuộc nhóm kháng sinh penicillin.

Nafcillin được dùng để điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là do vi khuẩn staphylococcus gây nên (nhiễm khuẩn “staph”).

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc nafcillin cho người lớn là gì?

Liều dùng thông thường dành cho người lớn bị nhiễm trùng máu

Bạn được tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 4 giờ trong 14 ngày, phụ thuộc vào nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng.

Đối với bệnh viêm màng trong tim do khuẩn staphylococci

Bác sĩ tiêm tĩnh mạch 2g nafcillin mỗi 4 giờ hoặc tiêm tĩnh mạch 3g mỗi 6 giờ (tổng cộng 12g/ngày), kèm hoặc không kèm với liều gentamicin 3 mg/kg/ngày, chia thành 2 hoặc 3 liều.

Thời gian điều trị trong 6 tuần.

Đối với chứng viêm màng trong tim trên van nhân tạo do khuẩn staphylococci:

Bạn được tiêm tĩnh mạch 2g nafcillin mỗi 4 giờ hoặc tiêm tĩnh mạch 3g mỗi 6 giờ (tổng cộng 12g/ngày) cộng thêm liều uống rifampin 300mg mỗi 8 giờ, kèm hoặc không kèm với gentamicin 3mg/kg/ngày, chia thành 2 hoặc 3 liều.

Thời gian điều trị: 6 tuần hoặc dài hơn.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn bị nhiễm trùng khớp

Bạn được tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 4 giờ trong vòng 3 đến 4 tuần, phụ thuộc vào nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Bác sĩ có thể yêu cầu thời gian điều trị lâu hơn, trong vòng 6 tuần hoặc hơn đối với bệnh nhiễm trùng khớp nhân tạo.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn bị viêm màng não

Bạn được tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 4 giờ trong 14 ngày.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn bị viêm tủy xương

Bác sĩ sẽ tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 4 giờ trong 4 đến 6 tuần, phụ thuộc vào nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Bệnh viêm tủy xương mạn tính cần phải được điều trị thêm thuốc uống kháng sinh, có thể kéo dài lên đến 6 tháng.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn bị viêm phổi

Bạn được tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 4 giờ. Việc điều trị nên được tiếp tục đến 21 ngày, phụ thuộc vào nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn bị nhiễm trùng da hoặc mô mềm

Bác sĩ sẽ tiêm tĩnh mạch từ 1 đến 2g, mỗi 4-6 giờ trong 7 ngày hoặc trong 3 ngày khi tình trạng sưng viêm cấp tính đã biến mất, phụ thuộc vào nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Đối với các nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, như nhiễm trùng mô mềm do bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị từ 14-21.

Liều dùng thuốc nafcillin cho trẻ em là gì?

Liều dùng thông thường dành cho trẻ em bị viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng da và cấu trúc da

Trẻ em từ 0 đến 4 tuần tuổi: bác sĩ sẽ tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 25mg/kg mỗi 12 giờ.

Trẻ em 7 ngày tuổi hoặc dưới 7 ngày tuổi:

Trẻ từ 1.200 đến 2.000g: trẻ được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 25 mg/kg mỗi 12 giờ; Trẻ nặng trên 2.001g: bác sĩ tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 25mg/kg mỗi 8 giờ.

Trẻ em từ 8 ngày tuổi cho đến 1 tháng tuổi:

Trẻ từ 1.200 đến 2.000g: tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 25 mg/kg mỗi 8 giờ; Trẻ nặng trên 2.001g: trẻ được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp từ 25 đến 35mg/kg mỗi 6 giờ.

Trẻ em từ 1 tháng tuổi cho đến 18 tuổi:

Bệnh nhiễm trùng ở mức độ từ nhẹ đến vừa: trẻ được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp từ 12,5 đến 25mg/kg mỗi 6 giờ; Bệnh nhiễm trùng ở mức độ nặng: trẻ được tiêm tĩnh mạch từ 100 đến 200mg/kg/ngày, chia thành các liều bằng nhau mỗi 4 đến 6 giờ.

Liều tối đa là 12g/ngày.

Liều dùng thông thường dành cho trẻ bị viêm màng trong tim

Đối với chứng viêm màng trong tim do khuẩn staphylococci: bác sĩ sẽ tiêm tĩnh mạch 200mg/kg/ngày, chia thành các liều bằng nhau mỗi 4 đến 6 giờ trong 6 tuần.

Đối với chứng viêm màng trong tim trên van nhân tạo do khuẩn staphylococci: trẻ được tiêm tĩnh mạch 200mg/kg/ngày, chia thành các liều bằng nhau mỗi 4 đến 6 giờ trong 6 tuần hoặc lâu hơn 6 tuần, kèm với rifampin và gentamicin trong 2 tuần đầu điều trị.

Liều tối đa là 12g/ngày.

3. Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc nafcillin như thế nào?

Nafcillin được tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Bạn có thể được hướng dẫn cách tiêm tĩnh mạch tại nhà. Không được tự tiêm thuốc nếu bạn không hiểu rõ cách tiêm và vứt bỏ kim tiêm, ống tiêm cùng các vật dụng khác dùng để tiêm thuốc.

Nafcillin phải được pha với một chất lỏng (pha loãng) trước khi sử dụng. Nếu bạn tiêm thuốc tại nhà, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ cách pha thuốc và bảo quản thuốc.

Bạn không được sử dụng nafcillin nếu thuốc bị biến màu hoặc bị vón cục. Hãy liên hệ với dược sĩ để lấy thuốc mới.

Trong khi sử dụng thuốc nafcillin, bạn có thể cần được thử máu thường xuyên.

Thuốc này có thể gây ra các kết quả bất thường trong một số xét nghiệm. Hãy thông báo với bác sĩ đang điều trị cho bạn rằng mình đang dùng nafcillin.

Nafcillin thường được sử dụng trong khoảng thời gian lên đến 2 ngày sau khi kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhiễm khuẩn đã khỏi. Các bệnh nhiễm khuẩn trầm trọng có thể cần được điều trị trong vài tuần.

4. Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc nafcillin?

Gọi cấp cứu nếu bạn mắc phải bất kỳ các dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng sau đây: phát ban, ngứa, sốt, đau bụng, đau cơ hoặc khớp, khó thở, sưng tấy ở mặt, môi, lưỡi, họng. Phản ứng dị ứng chậm đối với nafcillin có thể xuất hiện từ 2 ngày đến 4 tuần sau khi bạn dùng thuốc.

Hãy gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn mắc phải bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

Tiêu chảy có nước hoặc máu; Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, có các triệu chứng cảm cúm, lở loét ở miệng hoặc họng; Phát ban da, thâm tím, ngứa nhiều, tê cóng, đau nhức, yếu cơ; Có máu trong nước tiểu, tiểu tiện ít hơn bình thường hoặc không tiểu tiện; Đau, sưng tấy, nhạy cảm hoặc thay đổi ở nơi tiêm thuốc.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn có thể xảy ra, như:

Buồn nôn, nôn mửa; Ngứa hoặc tiết dịch ở âm đạo; Lưỡi có màu đen.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc nafcillin, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

Bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Bạn cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này; Bạn dị ứng với nafcillin, penicillin, các cephalosporin, ví dụ như cefaclor (Ceclor®), cefadroxil (Duricef®) hoặc cephalexin (Keflex®) hoặc với bất kỳ thuốc khác; Bạn đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng); Bạn định dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi;

Bạn đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý như hen suyễn, sốt cỏ khô, bệnh thận, gan hoặc dạ dày-ruột (đặc biệt là viêm ruột kết), đái tháo đường.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

6. Tương tác thuốc

Thuốc nafcillin có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc nafcillin gồm:

Cyclosporin; Warfarin (Coumadin®, Jantoven®); Một kháng sinh tetracyclin như: doxycyclin minocyclin.

Thuốc có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến nafcillin?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

Hen suyễn; Bệnh gan; Bệnh thận; Tiền sử mắc bất kỳ dị ứng nào (đặc biệt là đối với kháng sinh nhóm cephalosporin như Omnicef®, Cefzil®, Ceftin®, Keflex® và các loại thuốc khác).

7. Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc nafcillin như thế nào?

Sau khi pha nafcillin, bạn bảo quản thuốc trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 7 ngày. Bạn bảo quản các lọ thuốc nafcillin còn nguyên ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

8. Dạng bào chế

Thuốc nafcillin có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc nafcillin có những dạng sau:

Dung dịch, tiêm tĩnh mạch với hàm lượng 1g/50ml (50ml), 2g/100ml (100ml); Dung dịch được hoàn nguyên, thuốc tiêm với hàm lượng 1g, 2g, 10g; Dung dịch được hoàn nguyên, tiêm tĩnh mạch với hàm lượng 1g, 2g.

Trên đây là các thông tin về thuốc nafcillin - điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là do vi khuẩn staphylococcus gây nên. eLib không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Khi sử dụng thuốc cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và có ý kiến của chuyên gia y tế. 

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM