Sinh học 8 Bài 53: Hoạt động thần kinh cấp cao ở người
Qua nội dung Bài 53: Hoạt động thần kinh cấp cao ở người các em được tìm hiểu về sự thành lập và ức chế các phản xạ có điều kiện ở con người, vai trò của tiếng nói và chữ viết đối với con người. Hiểu được tư duy trừu tượng và vai trò của tiếng nói và chữ viết đối với tư duy trừu tượng.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Sự thành lập và ức chế các phản xạ có điều kiện ở người
- Phản xạ có điều kiện được hình thành ở trẻ mới sinh từ rất sớm.
- Ức chế PXCĐK xảy ra nếu PXCĐK đó không cần thiết đối với đời sống.
- Sự hình thành và ức chế PXCĐK là 2 quá trình thuận nghịch, quan hệ mật thiết với nhau làm thích nghi với điều kiện môi trường luôn thay đổi.
- Ở người, học tập, rèn luyện, xây dựng các thói quen, các tập quán tốt, nếp sống văn hoá chính là kết quả của quá trình hình thành và ức chế các phản xạ có điều kiện.
1.2. Vai trò của tiếng nói và chữ viết
a. Tiếng nói và chữ viết cũng là tín hiệu gây ra các phản xạ có điều kiện cấp cao
- Tiếng nói và chữ viết giúp ta mô tả sự vật => đọc, nghe và tưởng tượng.
- Tiếng nói và chữ viết là kết quả của quá trình học tập => hình thành các phản xạ có điều kiện cấp cao (vui, buồn, tức giận,…)
b. Tiếng nói và chữ viết là phương tiện để con người giao tiếp trao đổi kinh nghiệm với nhau
- Nhờ tiếng nói và chữ viết con người có thể trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, lao động, sản xuất, học tập,…
- Truyền từ đời này sang đời khác, dân tộc này cho dân tộc khác, giúp nhân loại văn minh.
1.3. Tư duy trừu tượng
- Nhờ có tiếng nói và chữ viết, con người đã trừu tượng hóa các sự vật, các hiện tượng cụ thể.
- Từ những cái chung của sự vật, con người khái quát hóa chũng thành khái niệm được diễn đạt bằng các từ và hiểu được nội dung ý nghĩa của nó .
- Con người có khả năng phân tích các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh dựa trên những khái niệm mà không cần tiếp xúc với thực tiễn.
- Khả năng khái quát hóa và trừu tượng hóa là cơ sở tư duy trừu tượng chỉ có ở người.
2. Bài tập minh họa
Bài 1: Nhờ có tiếng nói và chữ viết mà con người có thể
A. trao đổi kinh nghiệm với nhau.
B. giao lưu với các dân tộc trên thế giới.
C. học tập và rèn luyện dễ dàng hơn.
D. Cả 3 đáp án trên.
Hướng dẫn giải:
- Chọn đáp án: D
- Giải thích: Tiếng nói và chữ viết giúp con người trao đổi kinh nghiệm với nhau, giao lưu với các dân tộc trên thế giới và cùng nhau học tập rèn luyện dễ dàng hơn.
Bài 2: Phương án nào dưới đây không thuộc vai trò của chữ viết và tiếng nói?
A. Tiếng nói và chữ viết là phương tiện để con người trao đổi kinh nghiệm với nhau.
B. Tiếng nói và chữ viết giúp các dân tộc trên thế giới giao lưu học hỏi lẫn nhau.
C. Tiếng nói và chữ viết cùng là tín hiệu gây ra các phản xạ có điều kiện cấp cao.
D. Tiếng nói và chữ viết là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi con người.
Hướng dẫn giải:
- Chọn đáp án: D
- Giải thích: Tiếng nói và chữ viết là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi con người không thuộc vai trò của tiếng nói và chữ viết.
Bài 3: Điền từ còn thiếu: “Sự hình thành và ức chế phản xạ có điều kiện ở người là hai quá trình … quan hệ mật thiết với nhau.”
Hướng dẫn giải:
- Sự hình thành và ức chế phản xạ có điều kiện ở người là hai quá trình thuận nghịch quan hệ mật thiết với nhau.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Ý nghĩa của sự thành lập và ức chế các phản xạ có điều kiện trong đời sống con người?
Câu 2: Tiếng nói và chữ viết có vai trò gì trong đời sống con người?
Câu 3: Nêu rõ ý nghĩa của sự hình thành và ức chế các phản xạ có điều kiện đó: với đời sống của động vật và người?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Ở người, học tập, rèn luyện, xây dựng các thói quen, các tập quán tốt, nếp sống văn hóa chính là
A. kết quả của quá trình hình thành và ức chế các phản xạ có điều kiện.
B. kết quả của quá trình hình thành và ức chế các phản xạ không điều kiện.
C. kết quả của quá trình hình thành phản xạ có điều kiện.
D. kết quả của quá trình ức chế các phản xạ không điều kiện.
Câu 2: Điều nào dưới đây là không đúng?
A. Phản xạ có điều kiện có thể hình thành ở trẻ em từ rất sớm.
B. Trẻ càng lớn, số lượng phản xạ có điều kiện xuất hiện càng nhiều.
C. Phản xạ không điều kiện khi nào lớn lên mới được hình thành.
D. Bên cạnh việc thành lập các phản xạ mới cũng xảy ra quá trình ức chế phản xạ.
Câu 3: Tiếng nói và chữ viết là
A. Tín hiệu gây ra các phản xạ có điều kiện cấp cao.
B. Kết quả của sự khái quát hóa và trừu tượng hóa các sự vật, hiện tượng.
C. Là phương tiện để con người giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
D. Cả 3 đáp án trên.
Câu 4: Cùng là tín hiệu của sự vật nhưng thuộc hệ thống tín hiệu thứ 2 là
A. Thính giác và tiếng nói.
B. Tiếng nói và chữ viết.
C. Ngôn ngữ.
D. Nghe, nói, đọc, viết.
Câu 5: Ví dụ nào dưới đây có sự tham gia của hệ thống tin hiệu thứ 2?
A. Thí nghiệm của Paplop.
B. Tiết nước bọt khi nghe đến chữ “chanh”.
C. Tiết nước bọt khi ăn chanh.
D. Chạy nhanh bị toát mồ hôi.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này học sinh cần nắm được những yêu cầu sau:
- Nêu được ý nghĩa của sự thành lập và ức chế của PXCĐK
- Phân biệt được những đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa các phản xạ có điều kiện ở người với các động vật và thú nói riêng
- Trình bày được vai trò của tiếng nói, chữ viết và khả năng tư duy trừu tượng ở con người
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 8 Bài 43: Giới thiệu chung hệ thần kinh
- doc Sinh học 8 Bài 44: Thực hành: Tìm hiểu chức năng (Liên quan đến cấu tạo) của tuỷ sống
- doc Sinh học 8 Bài 45: Dây thần kinh tuỷ
- doc Sinh học 8 Bài 46: Trụ não, tiểu não, não trung gian
- doc Sinh học 8 Bài 47: Đại não
- doc Sinh học 8 Bài 48: Hệ thần kinh sinh dưỡng
- doc Sinh học 8 Bài 49: Cơ quan phân tích thị giác
- doc Sinh học 8 Bài 51: Cơ quan phân tích thính giác
- doc Sinh học 8 Bài 52: Phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện
- doc Sinh học 8 Bài 54: Vệ sinh hệ thần kinh