Sinh học 8 Bài 61: Cơ quan sinh dục nữ

Sau khi tìm hiểu xong cấu tạo cơ quan sinh dục nam chúng ta tiếp tục tìm hiểu về đặc điểm cấu tạo, vai trò chức năng các cơ quan sinh dục nữ, những đặc điểm sinh lý của cơ quan sinh dục nữ tù đó hình thành ý thức chăm sóc bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh. mời các em tìm hiểu Bài 61: Cơ quan sinh dục nữ.

Sinh học 8 Bài 61: Cơ quan sinh dục nữ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Các bộ phận của cơ quan sinh dục nữ

Các bộ phận của cơ quan sinh dục nữ

- Cơ quan sản xuất trứng là buống trứng.

- Trứng được thu vào ống dẫn trứng qua phễu dẫn trứng.

- Tiếp theo ống dẫn trứng là tử cung nằm ở phía sau bóng đái, nơi đón trứng đã thụ tinh xuống để làm tổ và phát triển thành bào thai. Tử cung (hay dạ con) thông với âm đạo nhờ 1 lỗ ở cổ tử cung.

- Phía ngoài, từ trên xuống dưới có âm vật tương ứng với dương vật ở nam

- Phía dưới là ống dẫn nước tiểu thông với bóng đái, tiếp đến là âm đạo, dẫn vào tử cung.

- Thuộc cơ quan sinh dục nữ còn có hai tuyến tiền đình nằm 2 bên âm đạo, có lỗ đổ vào bên trong môi bé gần cửa mình, tiết dịch nhờn như tuyến hành ở nam.

1.2. Buồng trứng và trứng

- Trứng được sinh ra từ buồng trứng bắt đầu từ tuổi dậy thì.

- Trứng có kích thước lớn hơn tinh trùng, chứa nhiều chất dinh dưỡng và không di chuyển được

- Trứng chỉ có một loại (X).

- Trứng sống được trong tử cung từ 2 -3 ngày và chỉ có khả năng thụ tinh trong vòng 1 ngày nếu gặp được tinh trùng.

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Khi nào thì cơ thể nữ bắt đầu sản sinh trứng?

A. Mới sinh ra

B. Tuổi dậy thì

C. Tuổi trưởng thành

D. Bất kể khi nào

Hướng dẫn giải:

  • Chọn đáp án: B
  • Giải thích: Trứng được sinh ra từ buồng trứng bắt đầu từ tuổi dậy thì

Bài 2: Đặc điểm KHÔNG phải của trứng?

A. Có kích thước lớn

B. Chứa nhiều chất dinh dưỡng

C. Không di chuyển được

D. Di chuyển được

Hướng dẫn giải:

  • Chọn đáp án: D
  • Giải thích: Trứng có kích thước lớn hơn tinh trùng, chứa nhiều chất dinh dưỡng và không di chuyển được

Bài 3: Bé gái khi sinh ra chứa khoảng bao nhiêu trứng?

Hướng dẫn giải:

  • Vào tháng thứ năm của thời kỳ thai nghén, buồng trứng bào thai có khoảng 7 triệu trứng. Nhưng khi sinh ra, buồng trứng bé gái chỉ chứa khoảng 2 triệu trứng, đến tuổi dậy thì còn khoảng 400.000 trứng.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Trình bày quá trình phát triển của trứng trong buồng trứng cho đến khi chín và rụng? Nêu rõ đặc điểm cấu tạo của tế bào trứng? 

Câu 2: Hiện tượng kinh nguyệt là gì? Xảy ra khi nào? Và xảy ra như thế nào? 

Câu 3: Giải thích vì sao coi hành kinh lần đầu là dấu hiệu quan trọng nhất, đánh dấu tuổi dậy thì chính thức ở người con gái? 

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Bộ phận nào dưới đây KHÔNG thuộc cơ quan sinh dục nữ?

A. Tử cung

B. Âm đạo

C. Tuyến tiền liệt

D. Tuyến tiền đình

Câu 2: Bộ phận nào dưới đây thuộc cơ quan sinh dục nữ?

A. Tử cung

B. Âm đạo

C. Tuyến tiền đình

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 3: Bộ phận nào trong cơ quan sinh dục nữ làm nhiệm vụ sản sinh trứng?

A. Buồng trứng

B. Ống dẫn trứng

C. Tử cung

D. Âm đạo

Câu 4: Bộ phận nào làm nhiệm vụ đón và thu trứng đã thụ tinh?

A. Buồng trứng

B. Ống dẫn trứng

C. Tử cung

D. Âm đạo

Câu 5: Tuyến tiền đình trong cơ quan sinh dục nữ có chức năng gì?

A. Trung hòa acid trong ống đái

B. Tạo tinh dịch

C. Tiết dịch nhờn

D. Bảo vệ

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần nắm được những yêu cầu sau:

  • kể tên và xác định được trên tranh các bộ phận của cơ quan sinh dục nữ. Nêu được chức năng cơ bản của từng bộ phận, nêu rõ đặc điểm của trứng
  • Kĩ năng giao tiếp: tự tin nói với các bạn trong nhóm, lớp tên gọi các bộ phận của cơ quan sinh dục nữ và chức năng của chúng.
  • Kĩ năng thu thập và xử lí thông tin khi đọc sgk, quan sát tranh ảnh để tìm hiểu đặc điểm cấu tạo và chức năng của các bộ phận trong cơ quan sinh dục nữ.
Ngày:26/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM