Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 17: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Với mong muốn giúp các em học sinh nắm vững phương pháp giải bài tập và củng cố kiến thức về vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, elib.vn xin giới thiệu nội dung hướng dẫn giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 17 "Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ". Các em cùng tham khảo nhé!

Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 17: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

1. Giải bài 1 trang 65 SGK Địa lí 9

Hãy nêu những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức về điều kiện tự nhiên của TDMN Bắc Bộ để chỉ ra những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên.

Gợi ý trả lời

Những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của Trung du và miền núi Bắc Bộ:

- Địa hình, đất: vùng có địa hinh đồi bát úp xen kẽ những cánh đồng thung lung bằng phẳng, kết hợp với đất feralit màu mỡ=> thuận lợi cho việc phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp (cây chè,...), xây dựng các khu công nghiệp và đô thị.

- Khí hậu: khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông lạnh, phân hóa đa dạng.

⟹ Thuận lợi để phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới và cận nhiệt; trồng rừng, chăn nuôi gia súc lớn.

- Tài nguyên khoáng sản: vùng tập trung khoáng sản đa dạng và giàu có nhất cả nước (than, sắt, đồng, thiếc, apatit, kẽm, crom…), đặc biệt là than đá (Quảng Ninh).

⟹ Phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản.

- Tài nguyên rừng khá giàu có, vùng có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, trong rừng còn nhiều lâm sản quý và các loài chim thú.

-  Tài nguyên nước:

+ Vùng biển Quảng Ninh có nhiều vũng vịnh đẹp (vịnh Hạ Long), các bãi biển, bãi tôm bãi cá.

⟹ Thuận lợi cho du lịch biển, xây dựng cảng biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

+ Có nhiều hệ thống sông lớn, chảy qua địa hình dốc nên tiềm năng thủy điện lớn (lớn thứ 2 cả nước sau Tây Nguyên).

+ Các nguồn nước nóng, nước khoáng…

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên rất phong phú: SaPa, Hồ Ba Bể.

2. Giải bài 2 trang 65 SGK Địa lí 9

Tại sao trung du Bắc Bộ là địa bàn đông dân và phát triển kinh tế - xã hội cao hơn miền núi Bắc Bộ?

Phương pháp giải

So sánh về đặc điểm địa hình, dân cư, vị trí trong giao lưu kinh tế giữa 2 vùng để thấy Đông Bắc có những mặt gì thuận lợi hơn so với Tây Bắc.

Gợi ý trả lời

Trung du Bắc Bộ là địa bàn đông dân và phát triển kinh tế - xã hội cao hơn miền núi Bắc Bộ vì:

* Vì Trung du có nhiều điều kiện thuận lợi:

- Khu vực trung du nằm liền kề với đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, tạo nhiều cơ hội giao lưu trao đổi hàng hóa, tiếp thu nhiều công nghệ thành tựu mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của miền.

- Trung du có địa hình thấp và bằng phẳng và ít hiểm trở hơn miền núi, giao thông đi lại dễ dàng hơn, nhiều cơ sở công nghiệp và đô thị đang được hình thành và phát triển tập trung đông dân.

 - Nguồn nước cho sản xuất và cho sinh hoạt dân cư ở vùng trung du đảm bảo tốt hơn, it xảy ra tai biến thiên nhiên hơn (lũ quét, trượt lở đất đá...).

- Trung du có lịch sử khai thác sớm hơn miền núi Bắc Bộ.

* Miền núi Bắc Bộ có khó khăn cho sản xuất và đời sống:

- Địa hình núi cao hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn.

- Thời tiết diễn biến thất thường, nhiều thiên tai: mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

3. Giải bài 3 trang 65 SGK Địa lí 9

Vì sao việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên?

Phương pháp giải

Liên hệ các tác động trực tiếp của các hoạt động khai thác chủ yếu ở vùng này; hiện trạng môi trường, thiên tai ở đây để giải thích việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

Gợi ý trả lời

Việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vì: 

- Các thế mạnh kinh tế  của Trung du và miền núi Bắc Bộ chủ yếu là các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông nghiệp (khai thác khoáng sản, thủy năng, khai thác, chế biến lâm sản, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, du lịch sinh thái…). Đây là những hoạt động kinh tế có tác động trực tiếp đến điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng.

- Trong điều kiện địa hình đồi núi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nếu khai thác không chú trọng việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên sẽ làm cho các nguồn tài nguyên cạn kiệt dần, môi trường suy thoái, làm hạn chế việc phát triển kinh tế và đời sống các dân tộc.

- Trong thực tế, việc khai thác nhiều loại tài nguyên không hợp lí trước đây (đất trồng, rừng, nguồn nước, khoáng sản…) đã làm cho các tài nguyên trên bị suy giảm, các tai biến thiên nhiên (lũ quét, trượt lở đất đá, khô hạn…) gia tăng, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và đời sống dân cư.

Ngày:23/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM