Giải bài tập SGK Lịch Sử 10 Bài 33: Hoàn thành cách mạng tư sản ở châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX
Hướng dẫn Giải bài tập SGK Lịch Sử 10 Bài 33 dưới đây sẽ giúp các em học sinh nắm vững phương pháp giải bài tập và ôn luyện tốt kiến thức. Mời các em cùng theo dõi.
1. Giải bài 1 trang 169 SGK Lịch sử 10
Tại sao nói: Sự nghiệp thống nhất nước Đức, thống nhất I-ta-li-a và nội chiến Mĩ mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản.
Phương pháp giải
Dựa vào các kiến thức đã học và nội dung SGK Lịch sử 10 trang 163-169 về cách mạng tư sản để suy luận trả lời.
Gợi ý trả lời
Nói sự nghiệp thống nhất nước Đức, thống nhất I-ta-li-a và nội chiến Mĩ mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, vì:
- Về mục tiêu: đều nhằm thủ tiêu những tàn dư của chế độ cũ, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
- Về lãnh đạo: quý tộc tư sản hoá (I-ta-li-a, Đức) hoặc tư sản (Mĩ).
- Về lực lượng: được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.
- Xu thế phát triển: xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhanh chóng vươn lên trở thành những nước tư bản phát triển, chủ nghĩa tư bản dần trở thành hệ thống trên thế giới.
2. Giải bài 2 trang 169 SGK Lịch sử
Hãy cho biết hệ quả của cuộc đấu tranh thống nhất Đức, thống nhất I-ta-li-a đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung SGK Lịch sử 10 trang 164, 167 để suy luận hệ quả của cuộc đấu tranh thống nhất Đức, thống nhất I-ta-li-a đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Gợi ý trả lời
Hệ quả của cuộc đấu tranh thống nhất Đức, thống nhất I-ta-li-a đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là:
- Thống nhất đất nước, thị trường dân tộc được thống nhất.
- Tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Đức, I-ta-li-a và ở các nước hình thành các công ti độc quyền rồi đi đến chủ nghĩa đế quốc.
- Chính cách thống nhất bằng quân sự góp phần khiến hai nước Đức và I-ta-li-a sau này trở thành những lò lửa chiến tranh.