Giải bài tập SGK Lịch Sử 10 Bài 35: Các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ và sự bành trướng thuộc địa

Bài này sẽ giúp các em nắm vững được lý thuyết cũng như cách giải các bài tập của bài Các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ và sự bành trướng thuộc địa với cách làm đầy đủ, chi tiết và rõ ràng. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh

Giải bài tập SGK Lịch Sử 10 Bài 35: Các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ và sự bành trướng thuộc địa

1. Giải bài 1 trang 177 SGK Lịch sử 10

Vì sao nói chủ nghĩa đế quốc Anh là “chủ nghĩa đế quốc thực dân” và chủ nghĩa đế quốc Pháp là “chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi”?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung SGK Lịch sử 10 trang 175, 176 về chủ nghĩa đế quốc Anh và Pháp để lí giải. 

Gợi ý trả lời

* Chủ nghĩa đế quốc Anh:

- Giai cấp thống trị Anh đẩy mạnh tốc độ xâm lược để mở rộng thuộc địa, đặc biệt ở châu Á và châu Phi.

- Trước năm 1914, thuộc địa Anh trải khắp địa cầu, chiếm tới 1/4 diện tích lục địa và 1/4 dân số thế giới. Người ta ví nước Anh là nước “Mặt trời không bao giờ lặn”.

- Đế quốc Anh tồn tại và phát triển dựa trên sự bóc lột một hệ thống thuộc địa rộng lớn và giàu có nằm rải rác khắp các châu lục.

→ Lênin gọi chủ nghĩa đế quốc ở Anh là “chủ nghĩa đế quốc thực dân”.

* Chủ nghĩa đế quốc Pháp:

- Thời kì này, ở Pháp hình thành nhiều tổ chức độc quyền dần dần chi phối nền kinh tế đất nước. Đặc điểm nổi bật của tổ chức độc quyền ở Pháp là sự tập trung ngân hàng đạt mức cao.

- Pháp là nước đứng thứ hai về xuất khẩu tư bản (sau Anh), nhưng hình thức khác Anh ở chỗ phần lớn số vốn đem cho các nước vay với lãi suất nặng.

→ Đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc Pháp là "chủ nghĩa đế quốc cho vay lãi"

2. Giải bài 2 trang 177 SGK Lịch sử 10

Em có nhận xét gì về tình hình kinh tế của Anh và Pháp cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX?

Phương pháp giải

Từ nội dung tình hình kinh tế của Anh và Pháp cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX dược trình bày ở SGK Lịch sử 10 trang 174, 175, 176 để đưa ra nhận xét.

Gợi ý trả lời

* Kinh tế Anh:

- Kinh tế chậm phát triển, Anh mất dần vị trí độc quyền công nghiệp. Nhưng vẫn đứng đầu thế giới về tài chính, xuất cảng tư bản, thương mại, hải quan và thuộc địa.

- Anh xuất khẩu tư bản ra nước ngoài là chủ yếu, đặc biệt là các nước thuộc địa.

* Kinh tế Pháp:

- Công nghiệp chậm phát triển, tụt xuống hạng thứ 4 sau Mĩ.

- Tư bản Pháp chủ yếu xuất khẩu tư bản ra bên ngoài với hình thức cho vay để lấy lãi.

* Nhận xét chung:

- Nhìn chung kinh tế Anh và Pháp có tốc độ phát triển chậm lại do tập chung xuất khẩu tư bản và xâm chiếm thuộc địa.

- Có thể thấy, hai nước dần mất những vị trí hàng đầu trong một số ngành, đầu tư cho sản xuất không nhiều như các nước Mĩ, Đức và bị các nước này cạnh tranh gay gắt.

- Anh, Pháp đã trở thành các nước "đế quốc già". Điều này dẫn tới việc nền kinh tế Anh, Pháp tuy vẫn phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn trong đó những nguy cơ tụt hậu so với các nước tư bản "trẻ" khác.

3. Giải bài 1 trang 182 SGK Lịch sử 10

Trình bày những nét lớn về tình hình kinh tế, chính trị nước Đức cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Phương pháp giải

Dựa những kiến thức đã học và nội dung SGK Lịch sử 10 trang 178, 179, 180 về tình hình kinh tế, chính trị nước Đức cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX để trả lời.

Gợi ý trả lời

* Tình hình kinh tế:

- Sau khi đất nước thống nhất (1871), nền kinh tế Đức phát triển với tốc độ mau lẹ, vượt Pháp và gần đuổi kịp Anh.

- Năm 1900, Đức vượt Anh về sản xuất thép. Về tổng sản lượng công nghiệp, Đức dẫn đầu châu Âu và đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ).

- Điểm nổi bật của quá trình phát triển công nghiệp Đức bấy giờ là sự tập trung sản xuất và hình thành các tổ chức độc quyền diễn ra sớm hơn nhiều nước khác ở châu Âu. Hình thức độc quyền phổ biến ở Đức là cácten và xanhđica.

* Tình hình chính trị:

- Hiến pháp 1871 quy định nước Đức là một Liên bang gồm 22 bang và 3 thành phố tự do, theo chế độ quân chủ lập hiến.

- Các bang vẫn giữ hình thức vương quốc (có vua, chính phủ và quốc hội riêng), nhưng quyền hạn bị thu hẹp.

- Nhà nước liên bang được xây dựng trên cơ sở liên minh giữa giai cấp tư sản và quý tộc tư sản hoá, đứng đầu là Hoàng đế Vin-hem I và Thủ tướng Bi-xmác.

- Chế độ chính trị ở Đức thời kì này thực chất là chế độ nửa chuyên chế, áp dụng sự thống trị của Phổ trên toàn nước Đức.

- Tính chất quân phiệt hiếu chiến là đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa đế quốc Đức.

4. Giải bài 2 trang 182 SGK Lịch sử 10

Hãy cho biết những nét lớn về tình hình kinh tế, chính trị của nước Mĩ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung SGK Lịch sử 10 trang 180, 181, 182 về tình hình kinh tế, chính trị của nước Mĩ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX để trả lời.

Gợi ý trả lời

* Tình hình kinh tế:

- Trong những năm 1865 - 1894, Mĩ từ hàng thứ tư vươn lên hàng đầu thế giới về sản xuất công nghiệp.

- Nông nghiệp Mĩ cũng đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành vựa lúa và nơi cung cấp thực phẩm cho châu Âu.

- Quá trình tập trung sản xuất và tư bản của Mĩ diễn ra mạnh mẽ. Các nhà tư bản lớn liên minh với nhau thành những tơrớt khổng lồ.

* Tình hình chính trị:

- Đề cao vai trò Tổng thống thông qua đại diện của một trong hai đảng thắng cử, thay phiên nhau cầm quyền - Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ.

- Sau cuộc nội chiến 1861 - 1865, đời sống chính trị của người da đen được cải thiện phần nào. Song họ vẫn bị loại ra khỏi các cơ quan chính quyền và mất quyền công dân, nạn phân biệt chủng tộc đã đẩy họ vào tình cảnh hết sức tồi tệ.

- Mĩ đẩy mạnh việc thôn tính những đất đai rộng lớn ở miền Trung và miền Tây của thổ dân In-đi-an, mở rộng biên giới đến bờ Thái Bình Dương và bành trướng ảnh hưởng ở hầu khắp các khu vực trên thế giới. 

Ngày:18/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM