Giải bài tập SGK Lịch Sử 10 Bài 5: Trung Quốc thời phong kiến

Hướng dẫn Giải bài tập Lịch Sử 10 Bài 5 dưới đây sẽ giúp các em học sinh nắm vững phương pháp giải bài tập và ôn luyện tốt kiến thức. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SGK Lịch Sử 10 Bài 5: Trung Quốc thời phong kiến

1. Giải bài 1 trang 36 SGK Lịch sử 10

Chế độ phong kiến Trung Quốc được hình thành như thế nào?

Phương pháp giải

Từ những kiến thức đã học và nội dung SGK Lịch sử 10 trang 28 để phân tích quá trình xác lập chế độ phong kiến ở Trung Quốc

Gợi ý trả lời

Chế độ phong kiến Trung Quốc được hình thành dưới thời Tần. Biểu hiện trên các mặt:

* Về chính trị:

- Từ thời cổ đại, trên lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang có nhiều quốc gia nhỏ của người Trung Quốc.

- Giữa các nước này thường xuyên xảy ra các cuộc chiến tranh xâu xé thôn tính lẫn nhau, làm thành cục diện Xuân Thu - Chiến Quốc.

- Đầu thế kỉ IV TCN, Tần trở thành nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn cả.

- Năm 221 TCN, Tần thống nhất Trung Quốc.

* Về kinh tế: Công cụ bằng sắt được sử dụng làm cho nông nghiệp và thủ công nghiệp có điều kiện phát triển mạnh. Xuất hiện của cải dư thừa.

* Về xã hội:

- Với những biến đổi về kinh tế, chính trị, xã hội Trung Quốc dưới thời Tần cũng biến đổi. Các giai cấp mới được hình thành:

+ Quan lại là người có nhiều ruộng đất tư trở thành địa chủ.

+ Nông dân cũng bị phân hóa: Một bộ phận giàu có trở thành địa chủ. Nông dân giữ được một số ruộng đất gọi là nông dân tự canh. Số còn lại là nông dân công xã rất nghèo, nhận ruộng đất để cày cấy gọi là nông dân lĩnh canh.

- Nông dân nhận ruộng đất của địa chủ để cày cấy và nộp một phần hoa lợi cho địa chủ, gọi là tô ruộng đất. Quan hệ bóc lột địa tô của địa chủ đã thay thế cho quan hệ bóc lột của quý tộc đối với nông dân công xã.

→ Chế độ phong kiến được xác lập.

2. Giải bài 2 trang 36 SGK Lịch sử 10

Sự thịnh trị của chế độ phong kiến thời Đường được biểu hiện như thế nào?

Phương pháp giải

Dựa vào SGK Lịch sử 10 trang 30, 31 để phân tích sự phát triển chế độ phong kiến dưới thời Đường qua các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ..từ đó làm cơ sở để trả lời câu hỏi.

Gợi ý trả lời

Sự thịnh trị của chế độ phong kiến thời Đường được biểu hiện trên tất cả các mặt:

* Kinh tế: phát triển tương đối toàn diện.

- Nông nghiệp:

+ Giảm tô thuế, bớt sưu dịch.

+ Thực hiện chế độ quân điền: lấy đất công và ruộng bỏ hoang chia cho nông dân.

+ Áp dụng những kĩ thuật canh tác vào sản xuất như chọn giống, xác định thời vụ,… làm cho năng suất tăng.

- Thủ công nghiệp: Các nghề dệt, in, gốm sứ phát triển. Hình thành các xưởng thủ công luyện sắt, đóng thuyền có hàng chục người làm việc.

- Thương nghiệp: Phát triển thịnh đạt, giao lưu buôn bán được mở rộng, hình thành “con đường tơ lụa” trên đất liền và trên biển.

* Chính trị:

- Hoàn thiện bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương nâng cao quyền lực của Hoàng đế.

* Văn hoá: Thơ Đường phản ánh phản ánh toàn diện bộ mặt xã hội bấy giờ và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Tên tuổi nhiều nhà thơ như Lý Bạch, Đỗ Phù, Bạch Cư Dị,… còn đến ngày nay.

* Đối ngoại: với tiềm lực về kinh tế và quân sự: nhà Đường tiếp tục chính sách xâm lược các nước, lãnh thổ Trung Quốc được mở rộng.

3. Giải bài 3 trang 36 SGK Lịch sử 10

Hãy nêu những thành tựu văn hóa chủ yếu của Trung Quốc thời phong kiến?

Phương pháp giải

Dựa vào SGK Lịch sử 10 trang 33, 34, 35 để nêu ra những thành tựu văn hóa chủ yếu của Trung Quốc thời phong kiến trên nhiều lĩnh vực như: tư tưởng, sử học, văn học, toán học, thiên văn học, y dược, kỹ thuất, kiến trúc nghệ thuật, ...

Gợi ý trả lời

Những thành tựu văn hóa chủ yếu của Trung Quốc thời phong kiến:

* Về tư tưởng:

- Nho giáo: Giữ vai trò quan trọng, trở thành công cụ sắc bén phục vụ cho nhà nước phong kiến, trở thành cơ sở lí luận và tư tưởng của chế độ phong kiến.

- Phật giáo: Thịnh hành nhất là vào thời Đường.

* Lịch sử: người đặt nền móng là Tư Mã Thiên. Bộ Sử kí do ông soạn thảo là một tác phẩn nổi tiếng, có giá trị cao về mặt tư liệu và tư tưởng. Đến thời Đường, cơ quan biên soạn lịch sử của nhà nước (Sử quán) được thành lập.

* Văn học:

- Có nhiều thể loại như: Thơ, tiểu thuyết,…

- Với nhiều tên tuổi, tác phẩm nổi tiếng như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị,... Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am, Tây du kí của Ngô Thừa Ân, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần,…

* Các lĩnh vực Toán học, Thiên văn học, Y dược,… cũng đạt nhiều thành tựu:

- Cửu chương toán thuật nêu các phương pháp tính diện tích và khối lượng khác nhau.

- Phát minh ra nông lịch, chia 1 năm thành 24 tiết để nông dân có thể dựa vào đó mà biết thời vụ sản xuất. Trương Hành còn làm được một dụng cụ để đo động đất gọi là địa động nghi,...

- Có nhiều thầy thuốc giỏi. Nổi tiếng nhất là Hoa Đà (thời Hán), người đầu tiên của Trung Quốc đã biết dùng phẫu thuật để chữa bệnh. Tác phẩm Bản thảo cương mục của lý Thời Trân là một quyển sách thuốc rất có giá trị.

* Về kĩ thuật: Có 4 phát minh quan trọng: giấy, kĩ thuật in, la bàn và thuốc súng. Đó là những cống hiến rất lớn của nhân dân Trung Quốc với nền văn minh thế giới.

* Về nghệ thuật, kiến trúc: Có nhiều công trình đặc sắc: Vạn lí trường thành, những cung điện cổ kính, những bức tượng Phật sinh động,... còn được lưu giữ đến ngày nay.

Cố Cung - Tử Cấm Thành Bắc Kinh

  • Tham khảo thêm

Ngày:18/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM