Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 35: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để giúp các em học sinh nắm vững phương pháp giải bài tập và củng cố kiến thức về điều kiện tự nhiên và đặc điểm dân cư xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, elib.vn xin giới thiệu nội dung hướng dẫn giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 35. Các em cùng tham khảo nhé!

Giải bài tập SGK Địa lí 9 Bài 35: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

1. Giải bài 1 trang 128 SGK Địa lí 9

Nêu thế mạnh của một số tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải

Cần nắm rõ đặc điểm về điều kiện tự nhiên như đất, địa hình, khí hậu, sông ngòi và tài nguyên biển để chỉ ra những thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Gợi ý trả lời

Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất lương thực, thực phẩm:

- Đất : là tài nguyên quan trọng hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Đất phù sa ngọt có diện tích 1,2 triệu ha. Đây là loại đất tốt nhất, độ phì tương đối cao, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biết là trồng lúa nước.

+ Đất phèn được cải tạo để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả.

+ Đất mặn thích hợp để phát triển rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản.

- Địa hình thấp và bằng phẳng, thuận lợi cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm với quy mô lớn.

- Khí hậu cận xích đạo, nóng ẩm quanh năm với số giờ nắng trong năm là 2200 – 2700 giờ. Chế độ nhiệt cao, ổn định với nhiệt độ trung bình năm là 25 – 27oC. Lượng mưa trung bình năm lớn 1300mm – 2000mm. Thời tiết ít biến động, thuận lợi cho việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ.

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, kênh rạch chằng chịt : nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho việc tưới tiêu.

- Tài nguyên biển hết sức phong phú với nhiều bãi cá và tôm tạo điều kiện phát triển khai thác thủy hải sản.

2. Giải bài 2 trang 128 SGK Địa lí 9

 Ý nghĩa của việc cải tạo đất phèn, đất mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương pháp giải

Dựa vào đặc điểm diện tích, mức độ phèn, mặn đồng thời dựa vào hiệu quả trong việc tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để nêu lên ý nghĩa của việc cải tạo đất phèn, đất mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Gợi ý trả lời

Ý nghĩa của việc cải tạo đất phèn, đất mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long:

- Hai loại đất phèn, đất mặn chiếm diện tích lớn (khỏang 60 % diện tích tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long), với mức độ phèn, mặn khác nhau; trong điều kiện thiếu nước ngọt vào mùa khô, việc cải tạo và sử dụng hai loại đất này càng gặp khó khăn hơn. Cần phải áp dụng các biện pháp thau chua, rửa mặn, xây dựng hệ thống thủy lợi.

- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lương thực của cả nước, đẩy mạnh cải tạo hai loại đất trên sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng (tăng sản lượng lương thực, thực phẩm, góp phần phân bố dân cư và xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu).

3. Giải bài 3 trang 128 SGK Địa lí 9

Nêu những đặc điểm chủ yếu về dân cư, xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại sao phải đặt vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển đô thị ở đồng bằng này?

Phương pháp giải

- Dựa vào lý thuyết phần dân cư, xã hội để nêu lên những đặc điểm chủ yếu về dân cư, xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long.

- Dựa vào vai trò của  yếu tố dân trí và dân cư thành thị cũng như xu hướng phát triển của đất nước để giải thích vì sao phải đặt vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển đô thị ở đồng bằng này.

Gợi ý trả lời

- Đặc điểm chủ yếu về dân cư, xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long

+ Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đông dân (đứng thứ hai Đồng bằng sông Hồng).

+ Ngoài người Kinh, còn có người Khơ-me, người Chăm, người Hoa.

+ Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số bằng mức bình quân của cả nước; GDP/người, tỉ lệ người lớn biết chữ, tỉ lệ dân số thành thị còn thấp hơn mức trung bình của cả nước.

+ Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn và tuổi thọ trung bình cao hơn mức trung bình của cả nước.

- Phải đặt vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển đô thị ở đồng bằng này vì:

+ Các yếu tố dân trí và dân cư thành thị có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc đổi mới.

+ Xu hướng phát triển của đất nước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực và lao động đã qua đào tạo.

+ Tỉ lệ người lớn biết chữ và tỉ lệ dân số thành thị của đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với mức trung bình cả nước.

+ Nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển đô thị sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Ngày:24/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM