Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 Ngữ văn 8 đầy đủ

Bài soạn Viết bài tập làm văn số 3 giúp các em rèn luyện kĩ năng viết bài văn thuyết minh. Dưới đây eLib đã biên soạn bốn đề văn để các em tham khảo. Mời các em tham khảo bài soạn dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 Ngữ văn 8 đầy đủ

1. Đề số 1

Kính mắt là một vật dụng rất quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Kính không chỉ có vai trò điều trị các tật khúc xạ của mắt mà còn mang lại giá trị thẩm mỹ với nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú.

Ít ai biết chiếc kính đầu tiên ra đời khi nào. Nhưng theo các tài liệu cổ ghi lại kính có từ thế kỉ XIII và phổ biến rộng rãi ở phương Tây. Đến thế kỉ XV, kính xuất hiện ở Châu Âu nhưng kính còn rất cổ điển, chưa có gọng để gác lên tai và chủ yếu dùng cho người có địa vị trong xã hội. Mãi đến năm 1730 đến đầu thế kỉ XVIII, một chuyên gia khoa học ở Luân Đôn đã sáng chế ra hai gọng kính để mắt kính có thể mắc vào tai một cách chắc chắn. Đến năm 1748, một kỹ sư tên là Bedzamin Franklin, người Đức, đã sáng tạo ra chiếc kính với hai tiêu điểm đầu tiên. Đến năm 1887, kính áp tròng lần đầu tiên ra đời.

Xét về cấu tạo, chiếc kính hiện đại ngày nay có ba bộ phận chính là mắt kính, gọng kính và giá đỡ. Gọng kính đeo vào tai để khi keo kính không bị rơi. Gọng thường được làm từ kim loại, nhựa hay mê ca gắn với mắt kính bởi hai con ốc vít chắc chắn. Mắt kính hay còn gọi là tròng kính được làm bằng nhựa chống trầy hoặc thủy tinh nhưng cần tuân theo quy tắc chống tia UV và tia cực tím. Những loại kính này được tráng một lớp chất đặc biệt có màu xanh, khả năng chống tia cực cao, hơn hẳn những loại chỉ có nhựa hay thủy tinh. Hình dáng mắt kính rất phong phú, nó phụ thuộc vào hình dáng gọng kính: tròn, vuông, chữ nhật... Giữa hai mắt kính có giá đỡ đệm bằng cao su để gác lên mũi. Giá đỡ đệm thường làm bằng nhựa dẻo để tránh gây thương tích cho người sử dụng và thường có màu trong suốt. Ngoài ra, một chiếc kính đeo mắt còn có một số bộ phận phụ như ốc, vít... Chúng có kích thước rất nhỏ nhưng lại khá quan trọng, dùng để neo giữ các bộ phận của chiếc kính.

Kính mắt có rất nhiều công dụng. Đối với những người bị tật khúc xạ thì kính được coi là vật bất ly thân, vì nó giúp họ điều chỉnh mắt để nhìn tốt hơn và bảo vệ mắt. Đối với những người không bị cận thị, viễn thị, loạn thị,… thì kính cũng rất cần thiết. Khi chúng ta đi ra đường vào mùa hè thì những chiếc kính râm là lựa chọn tối ưu để bảo vệ mắt, tránh những tia cực tím có hại. Những người thợ hàn, thợ lặn, vận động viên bắn súng cũng không thể không có cho mình một chiếc kính. Các cụ già thường đeo kính lão vì khi có tuổi, mắt không thể điều tiết, khiến người già không thể nhìn thấy vật ở gần cũng như ở xa. Những người làm việc lâu ngày ở công ty, cơ quan, những người tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như máy tính, laptop cần đeo kính để chống mỏi mắt.

Một chiếc kính to, cồng kềnh khá là bất tiện trong cuộc sống, vì thế người ta đã phát min ra một loại kính nhỏ, mỏng, được đặt sát vào tròng mắt, gọi là kính áp tròng. Loại kính này vừa điều trị được các tật khúc xạ của mắt, vừa đem lại sự tiện lợi khi hoạt động. Nhưng vì thiết kế nhỏ gọn, lại đặt sát với mắt nên khi sử dụng sự hướng dẫn sử dụng tỉ mỉ của bác sĩ chuyên ngành. Nếu người đeo chủ quan, không lựa chọn kỹ loại kính, đeo phải kính kém chất lượng, lâu dần ,mắt sẽ khó điều tiết, dẫn đễn nhiều bệnh lí.

Việc sử dụng kính tác động rất lớn đến sức khoẻ của mắt bởi vậy cần sử dụng kính đúng cách. Để lựa chọn 1 chiếc kính phù hợp với đôi mắt, cần phải theo tư vấn của bác sĩ. Không nên đeo loại kính có độ làm sần vì loại kính này được lắp hàng loạt theo những số đo nhất định nên chưa chắc đã phù hợp với từng người. Mỗi loại kính cũng cần có cách bảo quản riêng để tăng tuổi thọ cho kính. Khi lấy và đeo kính cần dùng cả hai tay, sau khi dùng xong cần lau chùi cẩn thận và bỏ vào hộp đậy kín. Kính dùng lâu cần lau chùi bằng dung dịch chuyên dụng. Đối với loại kính tiếp xúc trực tiếp với mắt như kính áp tròng, cần phải nhỏ mắt từ sáu lần đến tám lần trong vòng từ mười đến mười hai tiếng để bảo vệ mắt. Kính áp tròng đưa thẳng vào mắt nên phải luôn luôn ngâm trong dung dịch, nếu không sẽ rất dễ bám bụi gây đau mắt, nhiễm trùng các vết xước... Trong quá trình học tập, làm việc, đeo kính phù hợp sẽ giúp chúng ta tránh khỏi nhức mỏi mắt, đau đầu, mỏi gáy, mỏi cổ...

Kính ngoài công dụng bảo vệ mắt, còn được coi như là một món đồ trang sức, tô điểm cho mắt và khuôn mặt. Mọi người thường đeo những chiếc kính 0 độ, đi kèm với các phụ kiện như túi xách, lắc, dây chuyền…tôn thêm vẻ trang trọng, quý phái. Với các bạn trẻ, chiếc kính làm nổi bật phong cách cá tính, “xì tin” hay kiểu “tri thức” mà bạn bè vẫn thường gọi nhau.

Chiếc kính mắt rất quan trọng trọng trong đời sống của mỗi người. Vì thế, mỗi người hãy bảo vệ chiếc kính đúng cách để nó luôn là người bạn đồng hành bảo vệ đôi mắt – cửa sổ của tâm hồn.

2. Đề số 2

Cuộc đời mỗi người ai chẳng gắn bó với một thời học sinh hồn nhiên, với vết vực đen, với trang giấy trắng. Cùng với sách vở, bút cũng là một người bạn đồng hành không thể thiếu của học sinh trên con đường tri thức. Bút bi là đồ dùng phổ biến nhất của học sinh hiện nay.

Đồng hành với sự phát triển của loài người là sự cải tiến của chữ viết và các loại bút viết. Chiếc bút đầu tiên được làm từ lông gà mở ra một nền văn hóa về Hán học rực rỡ. Đến đầu thế kỉ XIX, xuất hiện loại bút mực cán sắt dùng để chấm mực nhưng lại có hạn chế là dễ gây mực và không tiện lợi. Cho đến cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX, Bi-rô, một người Hungary đã sáng chế ra bút bi và được người Anh hoàn thiện. Bút bi du nhập vào Việt Nam vào những năm 70- 80 của thế kỉ XX.

Trong cuộc sống luôn cách tân và thay đổi, chiếc bút bi nhỏ bế cũng có những hình dáng, kích thước và kiểu mẫu khác nhau nhưng cơ bản về cấu tạo đều có những bộ phận và đặc điểm chung nhất định. Một chiếc bút thông thường gồm có 2 bộ phận: phần vỏ và phần ruột. Phần vỏ được làm bằng nhựa hay kim loại, có chiều dài từ 14- 15cm, hình trụ, đường kính khoảng 1cm. Trên thị trường hiện nay phổ biến hai loại, là bút liền và bút có nắp. Bút thân liền nhỏ dần về phía đầu bút, có đệm cao su và đuôi bút có đai cài gắn với nút bấm để điều khiển ngòi bút. Còn bút có nắp đậy thì thân có ren xoay, có nắp đậy. Về phần ruột bút được làm bằng nhựa, ngắn hơn vỏ bút, đường kính cũng nhỏ hơn gấp nhiều lần. Đầu phần ruột bút có gắn một mảnh kim loại mà ở đầu là một viên bi rất nhỏ có nhiệm vụ giúp cho mực ra đều trên giấy. Phần ruột bút của bút bấm có thêm phần lo xo, nhận tác động từ nắp bấm để điều khiển ngòi bút.

Những chiếc bút với những cái tên quen thuộc như Thiên Long, Bến Nghé hay Hồng Hà, … với những chiếc bút đa dạng về kiểu dáng, tốt về chất lượng và giá thành hợp lí đang được học sinh và người dùng rất ưa chuộng, phù hợp với mọi đối tượng.

Bút bi so với những chiếc bút truyền thống hay viết máy có ưu điểm viết nhanh hơn, đẹp hơn, không bị dây mực mà lại nhỏ gọn, có thể mang theo bất kì đâu. Chiếc bút bị giúp học sinh ghi chép những bài giảng nhanh chóng và hữu ích trên lớp. Bút bi là người bạn đồng hành trong mỗi hợp đồng, gia dịch thành công của các doanh nhân. Những ghi chú nhanh, những dòng viết ý nghĩa cũng là từ những chiếc bút bi mà ra. Hiện nay, trong giới trẻ còn hình thành một môn nghệ thuật gọi là pentapping- dùng những câu bút gõ xuống bàn để tạo ra những âm thanh vui tai, những âm điệu đệm cho bài hát hay tạo ra một bài hát mới. Những chiếc bút không chỉ tham gia vào học vấn, hội họa mà còn cả âm nhạc, mọi mặt trong đời sống.

Những chiếc bút bi đơn giản nên cách bảo quản chúng không có gì quá phức tạp. Khi viết xong, chú ý đậy nắp hoặc bấm bút để ngòi bút không bị tổn thương khi bị va chạm. Tránh để bút rơi xuống đất bởi nó có thể gây gãy thân bút hoặc làm hỏng viên bi ở đầu, mực ra không đều. Những chiếc bút còn có thể thay ngòi khi viết xong, rất tiết kiệm và hữu ích.

Chiếc bút đã trở thành người bạn đồng hành của biết bao thế hệ học sinh trên con đường lãnh hội và chinh phục tri thức, là một món đồ không thể thiếu trên con đường đến với thành công.

3. Đề số 3

Lịch sử Việt Nam đã in dấu bao bước hành quân của những anh lính xanh màu áo. Che chở cho các anh là núi rừng bạt ngàn, là bát cơm sẻ chia của nhân dân. Cùng các anh ra chiến trường là khẩu súng “ngửi trời”, là chiếc mũ tai bèo, và là đôi dép lốp cụ Hồ giản dị mà thân thương. Đôi dép lốp nhỏ bé và bình thường ấy lại là chứng nhân cho những năm tháng hào hùng của dân tộc, là hiện hữu cho một thời máu lửa vàng son. 

Ở Việt Nam, nhiều thông tin cho rằng dép lốp được Đại tá Hà Văn Lâu sáng tạo ra, tuy nhiên chính Đại tá cũng đã thừa nhận ông lấy nguyên mẫu từ đôi dép mo cau hay ruột xe kéo của những người phu xe cho ý tưởng của mình. Kháng chiến chống Pháp gian lao đã khiến người con yêu nước nảy ra những sáng tạo nhằm chống lại hoàn cảnh khắc nghiệt, tạo ra một loại dép tiện lợi và bền rẻ như vậy. Không chỉ phổ biến trong đời sống hàng ngày và chiến đấu mà đôi dép lốp còn được chính lãnh tụ Hồ Chí Minh sử dụng trong sinh hoạt, thậm chí là trong một số lần ngoại giao. Tấm gương của lãnh đạo khiến cho dép lốp ngày càng được rộng rãi sử dụng và được mọi người gọi với cái tên thân thương: dép cụ Hồ. 

Dép lốp là một loại dép đơn giản, làm bằng săm và lốp. Một phần lốp xe ô tô đã qua sử dụng được cắt ra để làm đế dép. Quai dép được cắt từ săm ô tô cũ, hẹp từ một đến một centimet rưỡi, độ dài tùy thuộc vào kích cỡ của dép. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song và vắt ngang cổ chân. Các quai được cố định vào dép bằng cách xỏ vào những lỗ đục trên dép, không cần đến bất kì chất kết dính là khác mà chỉ dựa tính co dãn của cao su. Trên đường hành quân, người chiến sĩ không tránh khỏi những chỗ trơn trượt, vì thế mà đế dép lốp cũng được thiết kế thêm những rãnh hình thoi để giảm độ trơn cho dép. Trong những năm 1970-1985, nhân dân ta còn sản xuất dép cao su bằng phương pháp đúc cao su thành đế và quai nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu. 

Đôi dép giản dị nhưng lại là cả một thời kì kháng chiến dội vang của dân tộc. Đôi dép lốp đã nâng đỡ bao đôi chân hành quân, đã đi qua bao miền đau thương của tổ quốc, cùng bao chiến sĩ oanh liệt diệt giặc ngoại xâm. Nó hiện lên như một biểu tượng cho giai đoạn kháng chiến anh dũng của dân tộc, như một hình ảnh gắn liền với anh bộ đội cụ Hồ gần gũi và giản dị. Mặc dù dép lốp không còn phổ biến với đời sống sinh hoạt ngày nay nữa những đôi dép mộc mạc ấy vẫn được bán ở nhiều điểm du lịch như một món quà lưu niệm, vẫn được lưu giữ trong những bảo tàng lịch sử để gợi nhắc mỗi người dân về quá khứ anh dũng và đáng tự hào, về người lãnh đạo vĩ đại của dân tộc với đôi dép lốp giản đơn.

“Còn đôi dép cũ, mòn quai gót
Bác vẫn thường đi giữa thế gian”

Tố Hữu đã viết về đôi dép lốp, viết về Bác với sự kính trọng và đáng mến như thế. Qua bao đổi thay, qua bao sự bào mòn của năm tháng, đôi dép lốp vẫn phảng phất và in dấu trong lịch sử, trong tâm trí của những người con đất Việt, vẫn song hành với lịch sử, với những người chiến sĩ cộng sản trên bước đường cách mạng quang vinh. 

4. Đề số 4

"Tà áo em bay bay trên phố nhẹ nhàng"

Đó là lời hát ngân nga trong âm điệu du dương đưa tâm hồn ta về với dân tộc quê hương, với chiếc áo dài Việt Nam thướt tha duyên dáng.

Văn hóa áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều tiếp biến, giao lưu và có đời sống lịch sử qua nhiều triều đại. Mỗi triều đại, chiếc áo dài phản ánh một sự phát triển mới về cảm quan thẩm mỹ của một đất nước đa dân tộc. Mỗi dân tộc người trên đất Việt có thể sáng tạo mãi trên chiếc áo dài của mình mà không hề lẫn lộn với các tộc người khác. Sự sáng tạo thể hiện không chỉ ở các kiểu cách, các màu sắc mà còn ở các tiết họa, kết cấu trang trí trên áo dài. Mỗi bước tiến của văn hóa, văn minh, chiếc áo dài của mỗi tộc người càng gắn liền với bản sắc dân tộc - hiện đại hơn

Chiếc áo dài là thể hiện sự thống nhất giữa cái đúng, cái tốt và cái đẹp trong văn hóa Việt Nam. Chiếc áo dài Việt đã từng được trần bông để mặc trong lúc hàn giá, đã từng được may bằng lụa mỏng để mặc trong những ngày nóng nực. Mùa Xuân, mùa Thu, chiếc áo dài Việt có thể được may bằng những chất liệu phù hợp với thời tiết.

Đời sống thẩm mỹ phong phú của chiếc áo dài Việt biểu hiện tập trung ở sự thể hiện khác nhau của cái đẹp. Áo dài có thể biểu hiện trong cái đẹp kiêu sa, lộng lẫy, choáng ngợp, lại cũng có thể biểu hiện trong cái đẹp dịu dàng đoan trang thùy mị, trong cái đẹp giản dị, thường nhật. Áo dài Việt có thể đẹp khi mang lại sự ấm áp trong mùa Đông, mát mẻ trong mùa hè, dịu dàng trong mùa Xuân, kiều diễm trong mùa Thu. Những gam màu, những kiểu dáng vô tận được thể hiện thông qua chiếc áo dài Việt không chỉ tạo nguồn cảm xúc thẩm mỹ bất tận cho các nhà sáng tạo mà còn làm rung động hàng triệu trái tim về sự xuất hiện của nó trong những tình huống nhất định của cuộc sống.

Cảm xúc về chiếc áo dài Việt Nam cũng đã làm nên những ca khúc bất từ, đi vào thơ ca, phảng phất được cái riêng, cái giản dị của cuộc sống:

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong

Hôm xưa em đến mắt như lòng

Nở bừng ánh sáng em đi đến

Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng

Do tính đa dạng kỳ diệu trong đời sống thẩm mỹ của xã hội, chiếc áo dài có thể là hình ảnh tạo dựng về cái đẹp của người phụ nữ khi sử dụng nó. Khoác chiếc áo dài lên mình, bước ra đường phố, đến nơi công sở người phụ nữ đã tự cảm thấy mình đẹp hơn và đối diện cũng như hòa chung vào với cái đẹp khác của xã hội. Người phụ nữ mặc chiếc áo dài để nâng cao giá trị của mình và hy vọng được mọi người cổ vũ cho giá trị ấy. Những người yêu nhau nhớ mãi màu áo dài của người con gái khi hò hẹn lần đầu.

Áo dài Việt đã xuất hiện mọi nơi trong nền văn hóa từ truyền thống đến hiện đại và ăn sâu vào cảm thụ thẩm mỹ của người Việt. Nó tạo nên niềm tự hào của các người đẹp khi thi hoa hậu, trở thành biểu tượng của Việt Nam trên các chuyến bay của tiếp viên hàng không.

Ngày nay, trong thời đại mới, văn hóa thẩm mỹ mới cần xác lập được văn hóa áo dài mới. Chỉ có những sản phẩm áo dài kết hợp được trong nó cái đúng, cái tất yếu và cái đẹp của cuộc sống mới có thể thuyết phục được người tiêu dùng rất khó tính hiện nay. Nền kinh tế càng phát triển, giao lưu văn hóa càng mở rộng, các giá trị thẩm mỹ càng được tôn vinh. Các nhà tạo mẫu đang thổi thêm sức sống mới vào chiếc áo dài Việt trong quá trình chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Hơn thế nữa, trong muôn vàn sự cách tân về trang phục, áo đầm, áo thời trang......thì chiếc áo dài Việt Nam vẫn chiếm độc tôn về bản sắc dân tộc, mang theo phong cách và bản sắc người Việt đến với năm châu và trở thành một loại trang phục công sở xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều mảnh đất; mang cái riêng, cái truyền thống của Việt Nam không ngừng vươn xa.

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM