Soạn bài Xây dựng đoạn văn trong văn bản Ngữ văn 8 đầy đủ

Mời các em cùng tham khảo bài soạn văn chi tiết Xây dựng đoạn văn trong văn bản dưới đây. Các câu hỏi cụ thể trong SGK được hướng dẫn làm bài đầy đủ giúp định hướng làm bài, soạn bài hiệu quả. Chúc các em học tốt!

Soạn bài  Xây dựng đoạn văn trong văn bản Ngữ văn 8 đầy đủ

1. Khái niệm về đoạn văn

1.1. Soạn câu 1 trang 34 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Văn bản gồm 2 ý chính, mỗi ý được viết thành 1 đoạn.

  • Khái quát về tác giả Ngô Tất Tố.
  • Tổng kết về giá trị nổi bật của tác phẩm tắt đèn.

1.2. Soạn câu 2 trang 35 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Nhận diện đoạn văn dựa vào:

  • Chữ đầu tiên của đoạn viết lùi vào đầu dòng và viết hoa, kết đoạn chấm xuống dòng.
  • Mỗi đoạn văn thường gồm nhiều câu văn.
  • Về mặt nội dung: Đoạn văn thể hiện trọn vẹn một ý (luận điểm).
  • Hai đoạn văn trong văn bản trên thể hiện tương ứng với hai ý.

1.3. Soạn câu 3 trang 35 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Đoạn văn là đơn vị trực tiếp cấu thành văn bản, diễn đạt một nội dung nhất định. Hình thức được mở đầu bằng việc lùi đầu dòng, kết thúc chấm và ngắt đoạn. Nội dung của đoạn văn phù hợp, hoàn chỉnh trọn vẹn ý. Những thành phần, đơn vị khác trong đoạn văn không phải lúc nào cũng có sự hoàn chỉnh về nội dung.

2. Từ ngữ và câu trong đoạn văn

2.1. Soạn câu 1 trang 35 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

a. Từ ngữ chủ đề ở đoạn 1 : Ngô Tất Tố, ông, nhà văn, Tác phẩm chính của ông.

b. Câu chủ đề văn bản trong đoạn 2 : Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố.

Ta biết đó là câu chủ đề của đoạn vì nó nêu khái quát nội dung của đoạn, ngắn gọn và đứng ở cuối đoạn.

c. 

  • Từ ngữ chủ đề là các từ ngữ thường lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm duy trì đối tượng được biểu đạt.
  • Câu chủ đề là câu mang nội dung khái quát, đứng ở đầu hoặc cuối đoạn văn.

2.2. Soạn câu 2 trang 35 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

a. Phân tích cách trình bày đoạn văn ở văn bản Ngô Tất Tố và tác phẩm Tắt đèn:

  • Đoạn một: Không có câu chủ đề, yếu tố để duy trì đối tượng trong đoạn văn là những từ ngữ then chốt, quan hệ các câu trong đoạn văn là quan hệ song hành mỗi câu trình bày một khía cạnh trong tiểu sử của tác giả, nội dung của đoạn văn triển khai theo trình tự từ tiểu sử (quê quán, tên tuổi) đến sự nghiệp (những thành tựu đạt được) ⇒  song hành.
  • Đoạn hai: Câu chủ đề của đoạn thứ hai được đặt ở vị trí đầu câu, ý của đoạn văn được triển khai theo trình tự từ khái quát đến cụ thể ⇒ diễn dịch.

b. Đoạn văn

“Các tế bào của lá cây có chứa nhiều lục lạp. Trong các lục lạp này có chứa một chất gọi là diệp lục, tức là chất xanh của lá. Sở dĩ cây diệp lục có màu xanh vì nó hút các tia sáng có màu khác, nhất là màu đỏ và màu lam, nhưng không thu nhận màu xanh lục mà phản chiếu màu này và do đó mắt ta mới nhìn thấy màu xanh lục. Như vậy, lá có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào.

  • Câu chủ đề của đoạn văn trên nằm ở cuối đoạn.
  • Nội dung đoạn văn được trình bày theo lối quy nạp.

3. Luyện tập

3.1. Soạn câu 1 trang 36 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

  • Văn bản trên gồm hai đoạn với hai ý chính, mỗi ý được diễn đạt bằng một đoạn văn.
  • Thầy đồ chép văn tế của ông thân sinh.
  • Gia chủ trách thầy đồ viết nhầm, thầy cãi liều "chết nhầm".

3.2. Soạn câu 2 trang 36 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

a. Câu chủ đề "Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương" -  triển khai theo kiểu diễn dịch (từ khái quát đến cụ thể).

b. Không có câu chủ đề, chủ đề của đoạn được duy trì bằng những từ ngữ chủ đề như mưa ngớt, tạnh, trời - triển khai theo kiểu song hành.

c. Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng các từ ngữ chủ đề (Nguyên Hồng, ông, ngòi bút, sáng tác… - triển khai theo kiểu song hành.

3.3. Soạn câu 3 trang 37 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Đoạn diễn dịch:

Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Muôn người như một, trên dưới một lòng, dân ta trong quá khứ đã hai lần thắng quân Tống, ba lần thắng quân Nguyên Mông, mười năm kháng chiến anh dũng đuổi quân Minh, một lần quét sạch quân Thanh xâm lược. Đặc biệt gần đây là non một thế kỉ chống Pháp đã thắng lợi sau chín năm kháng chiến trường kì gian khổ và hai mươi năm đánh Mĩ, thắng Mĩ thống nhất đất nước.

- Biến đổi đoạn văn diễn dịch thành quy nạp:

Muôn người như một, trên dưới một lòng, dân ta trong quá khứ đã hai lần thắng quân Tống, ba lần thắng quân Nguyên Mông, mười năm kháng chiến anh dũng đuổi quân Minh, một lần quét sạch quân Thanh xâm lược. Đặc biệt gần đây là non một thế kỉ chống Pháp đã thắng lợi sau chín năm kháng chiến trường kì gian khổ và hai mươi năm đánh Mĩ, thắng Mĩ thống nhất đất nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta.

3.4. Soạn câu 4 trang 37 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

a. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: (quy nạp)

Thành công là đạt được mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống của mình. Thất bại đối lập với thành công, là vấp ngã, là không đạt được kết quả như mong muốn. “Thất bại là mẹ thành công” là một câu tục ngữ cô đọng, sâu sắc, là lời khuyên chân thành đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn rằng thất bại chính là con đường dẫn đến thành công.

b. Giải thích tại sao người xưa lại nói Thất bại là mẹ thành công.

Vì sao người xưa lại nói “Thất bại là mẹ thành công”? Mới nghe tưởng chừng mâu thuẫn nhưng không phải vậy, nó rất chính xác. Sau mỗi lần thất bại, ta sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến những sai sót, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu, giúp ta tránh phạm những sai lầm đó nữa và ngày càng tiến tới thành công.

c. Nêu bài học vận dụng câu tục ngữ ấy trong cuộc sống.

Trong thực tế, để đạt được thành công, ai cũng từng trải qua thất bại. Muốn đi vững trên đôi chân, ta phải chập chững và ngã biết bao lần khi tập đi. Thomas Edison tìm ra dây tóc bóng đèn phù hợp, ông từng 10000 lần thất bại. Nhưng ông cho rằng “Tôi đã tìm ra 10000 cách không hoạt động”. Còn rất nhiều tấm gương khác nữa. Phải thất bại chúng ta mới rút ra được kinh nghiệm, có động lực để tiếp tục tìm tòi học hỏi để từng bước tiến đến thành công.

 

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM