Địa lí 8 Bài 1: Vị trí địa lí, địa hình và khoáng sản

Mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài 1 Địa lí 8 để ôn tập các kiến thức như: thiên nhiên, con người ở châu Á châu lục rộng lớn nhất. Có lịch sử phát triển lâu đời nhất mà cũng là quê hương của chúng ta. Nội dung chi tiết tham khảo tại đây!

Địa lí 8 Bài 1: Vị trí địa lí, địa hình và khoáng sản

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Vị trí địa lý và kích thước của châu lục

Vị trí Châu Á trên Địa Cầu

- Châu Á là một bộ phận của lục địa Á – Âu.

- Châu Á là châu lục rộng lớn nhất thế giới, nằm kéo dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo.

  • Chiều dài từ điểm cực Bắc đến Cực Nam là 8500km
  • Chiều rộng từ bờ Tây sang bờ Đông là 9200km

- Tiếp giáp: 

  • Châu Á giáp với châu Âu ở phía Tây ranh giới tự nhiên là dãy Uran, giáp châu Phi ở phía Tây Nam.
  • 3 đại dương: Bắc Băng Dương ở phía Bắc, Thái Bình Dương phía Đông và phía Đông Nam, Ấn Độ Dương phía Nam.

- Lãnh thổ châu Á trải rộng phần lớn phía đông của bán cầu Bắc, do đó tự nhiên châu Á phức tạp và đa dạng.

1.2. Đặc điểm địa hình và khoáng sản

Lược đồ khoáng sản Châu Á

a. Đặc điểm địa hình

- Châu Á có nhiều hệ thống núi, sơn nguyên cao, đồ sộ và nhiều đồng bằng rộng bậc nhất thế giới.

- Các dãy núi chạy theo hai hướng chính: đông - tây hoặc gần đông - tây và bắc - nam hoặc gần bắc - nam làm cho địa hình bị chia cắt rất phức tạp.

- Các núi và sơn nguyên cao tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm. Trên các núi cao có băng hà bao phủ quanh năm.

- Các đồng bằng rộng: Ấn- Hằng, Tây Xi-bia, Hoa Bắc, Hoa Trung, Lưỡng Hà,...

Dãy núi Himalaya

b. Khoáng sản

- Phong phú, đa dạng, có trữ lượng lớn.

- Quan trọng nhất là: dầu mỏ, khí đốt, than, sắt, crôm, kim loại màu.

2. Luyện tập

Câu 1: Hãy nêu các đặc điểm về vị trí địa lí, kích thước của lãnh thổ châu Á và ý nghĩa của chúng đối với khí hậu?

Gợi ý làm bài

- Đặc điểm về vị trí địa lí, kích thước lãnh thổ châu Á:

  • Vị trí địa lí: Châu Á là một bộ phận của lục địa Á – Âu, nằm kéo dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo, tiếp giáp với châu Âu, châu Phi và các đại dương Thái Bình Dương, Băc Băng Dương và Ấn Độ Dương. 
  • Kích thước lãnh thổ: là châu lục rộng lớn nhất với diện tích 44,4 triệu km2 (kể cả các đảo).

- Ý nghĩa của chúng đối với khí hậu:

  • Vị trí kéo dài từ vùng cực Bắc xuống vùng xích đạo làm cho lượng bức xạ mặt trời phân bố không đều, hình thành các đới khí hậu thay đổi từ bắc xuống nam.
  • Kích thước lãnh thổ rộng lớn làm cho khí hậu phân hóa thành các kiểu khác nhau: Khí hậu ẩm ở gần biển và khí hậu khô hạn ở vùng lục địa.

Câu 2: Dựa vào lược đồ, em hãy nêu tên các núi cao và các đồng bằng lớn của châu Á? Nhìn trên bản đồ, các em thấy các dãy núi cao và sơn nguyên nào tập trung thành một vùng địa hình cao đồ sộ nhất châu Á?

Gợi ý làm bài

- Dãy núi cao: dãy Himalaya, dãy Côn Luân, dãy Hin-du-cuc, dãy Nam Sơn, dãy Thiên Sơn. Dãy An-tai, dãy Đại Hưng An, dãy Xai-an…

- Đồng bằng lớn: ĐB. Hoa Bắc, ĐB. Ấn Hằng, ĐB. Tây Xi-bia, ĐB. Tu-ran, ĐB. Lưỡng Hà

- Các dãy núi: Hi-ma-lay-a, Côn Luân, Nam Sơn và sơn nguyên Tây Tạng đã tập trung thành một vùng địa hình cao đồ sộ nhất châu Á.

Câu 3: Em hãy nêu tên các khoáng sản chính của Châu Á?

Gợi ý làm bài

Dầu mỏ, khí đốt, than, sắt, đồng, thiếc, mangan, crôm,..

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

- Trình bày lược đồ và nêu đặc điểm về vị trí, giới hạn của châu Á?

- Vị trí châu Á có ảnh hưởng như thế nào tới khí hậu châu Á?

Ngày:22/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM