Địa lí 8 Bài 7: Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các nước châu Á

Châu Á là nơi có nhiều nền văn minh cổ xưa, đã từng có mặt hàng nổi tiếng thế giới như thế nào? Ngày nay trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia ra sao? Đó là những điều mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài: Bài 7: Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các nước châu Á

Địa lí 8 Bài 7: Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các nước châu Á

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Vài nét về lịch sử phát triển của các nước Châu Á

a. Thời Cổ đại và Trung đại:

  • Thời Cổ đại và Trung đại, nhiều dân tộc châu Á đã đạt trình độ phát triển cao của thế giới.
  • Vào thời đó cư dân ở nhiều nước châu Á đã biết khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển nghề thủ công, trồng trọt, chăn nuôi và nghề rừng. Họ đã tạo ra nhiều mặt hàng nổi tiếng, được các nước phương Tây ưa chuộng và nhờ đó, thương nghiệp phát triển.
  • Đã có các con đường vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và Tây Nam Á sang các nước châu Âu.

b. Từ thế kỉ XVI đến XIX

  • Do chế độ thực dân phong kiến kìm hãm nên kinh tế chậm phát triển, kinh tế Châu Á rơi vào tình trạng chậm phát triển kéo dài.
  • Riêng Nhật Bản nhờ cải cách "Minh Trị" → Kinh tế phát triển sớm nhất.

1.2. Đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội của các nước và vùng lãnh thổ châu Á hiện nay

Lược đồ phân loại và lãnh thổ châu Á theo mức thu nhập

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nền kinh tế các nước ở châu Á có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trình độ phát triển kinh tế giữa các nước và các vùng lãnh thổ không đồng đều, chia làm 4 nhóm nước:

a. Các nước có mức thu nhập cao

Nhật Bản, Cô-oét,.. chiếm tỉ lệ nhỏ: có nền kinh tế phát triển cao hoặc nhờ vào nguồn dầu mỏ.

Nhật Bản là quốc gia phát triển nhất châu Á

b. Các nước có mức thu nhập trung bình trên

Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a: có mức độ công nghiệp hóa khá cao và nhanh  → Có tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP nhỏ.

c. Các nước có mức thu nhập trung bình dưới

Trung Quốc, Xi-ri: có tốc độ công nghiệp hóa nhanh.

Một góc thành phố Du-bai

d. Các nước có mức thu nhập thấp

Lào, Việt Nam…, chiếm tỉ lệ cao nhất. → Có tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP lớn.

2. Luyện tập

Câu 1: Dựa vào hình 7.1 (trang 24 SGK Địa lý 8), hãy thống kê tên các nước vào nhóm có mức thu nhập như nhau và cho biết số nước có thu nhập cao tập trung nhiều nhất ở khu vực nào?

Lược đồ phân loại và lãnh thổ châu Á theo mức thu nhập

Gợi ý làm bài

  • Các nước có thu nhập thấp: Mông Cổ, Gru-di-a,Ác-mê-ni-a, A-dec-bai-gian, U-dơ-bê-ki-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Tat-gi-ki-xtan, Ap-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Nê-pan, In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét, Ấn Độ, Mi-an-ma, Lào, Việt Nam, Cam-phu-chia, Triều Tiên, Y-ê-men.
  • Các nước có thu nhập trung bình dưới: Liên bang Nga (Phần lãnh thổ châu Á), Trung Quốc, Ca-dắc-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan, Xi-ri, I-rắc, Giooc-da-ni, I-ran, Thái Lan, Xri-lan-ca, Phi-lip-pin.
  • Các nước có thu nhập trung bình trên: Thổ Nhĩ Kì, Li-Băng, A-rập-xê-út, Ô-man, Ma-lay-si-a, Hàn Quốc.
  • Các nước có thu nhập cao: Nhật Bản, Xin-ga-po, I-xa-en, Cô-oét, Ca-ta, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Bru-nây, lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công.
  • Số nước có thu nhập cao tập trung nhiều nhất ở Tây Nam Á và Đông Á.

Câu 2: Em hãy cho biết vì sao Nhật Bản lại trở thành nước phát triển sớm nhất của châu Á?

Gợi ý làm bài

Nhật Bản sớm thực hiện cuộc cải cách Minh Trị vào nửa cuối thế kỉ XIX, mở rộng quan hệ với các nước Phương Tây, giải phóng đất nước khỏi mọi ràng buộc lỗi thời phong kiến, tạo điều kiện cho nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng.

Câu 3: 

- Nước có bình quân GDP đầu người cao nhất so với nước thấp nhất chênh nhau khoảng bao nhiêu lần?

- Tỉ trọng giá trị nông nghiệp trong cơ cấu GDP của các nước thu nhập cao khác với các nước thu nhập thấp ở chỗ nào?

Gợi ý làm bài

- Nước có bình quân GDP đầu người cao nhất là Nhật Bản, thấp nhất là Lào, chênh nhau 105,3 lần.

- Các nước thu nhập cao có tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP thấp, các nước thu nhập thấp có tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP cao.

3. Kết luận

Qua bài này các em cần nắm được các nội dung kiến thức sau:

- Nguyên nhân tại sao Nhật Bản lại trở thành nước phát triển sớm nhất Châu Á?

- Thống kê tên các nước vào các nhóm có thu nhập như nhau?

- Các nước có thu nhập cao tập trung nhiều nhất ở khu vực nào?

Ngày:22/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM