Địa lí 8 Bài 11: Dân cư và kinh tế khu vực Nam Á

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt các kiến thức về đặc điểm của dân cư và kinh tế khu vực Nam Á trong chương trình Địa lí 8, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 11 Địa lí 8. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 8 Bài 11: Dân cư và kinh tế khu vực Nam Á

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Dân cư 

  • Dân cư tập trung đông đúc, chủ yếu theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
  • Dân cư không đều phần lớn tập trung sống ở các đồng bằng châu thổ và vùng ven biển, các vùng có khí hậu gió mùa.

Lược đồ phân bố dân cư Nam Á

1.2. Đặc điểm kinh tế – xã hội 

- Khu vực Nam Á trước kia mang tên chung là Ấn Độ, thuộc địa của đế quốc Anh. Nam Á trở thành nơi cung cấp nguyên liệu, nông sản nhiệt đới và tiêu thụ hàng công nghiệp của các công ty tư bản Anh.

- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc phát triển, đế quốc Anh buộc phải trao trả độc lập cho vùng đất đai rộng lớn và giàu có này. Nhưng trước đó nhằm thực hiện âm mưu thâm độc chia để trị của chủ nghĩa đê quốc, chúng đã chia khu vực này thành nhiều nước để chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc và các tôn giáo.

- Năm 1947, các nước Nam Á giành được độc lập và xây dựng nền kinh tế tự chủ của mình. Tuy nhiên, do bị đế quốc Anh đô hộ kéo dài gần 200 năm (từ 1763 - 1947), lại luôn có những mâu thuẫn xung đột xảy ra giữa các dân tộc, sắc tộc và các tôn giáo, nên tình hình chính trị trong khu vực thiếu ổn định. Đây là những trở ngại lớn đối với sự phát triển nền kinh tế vốn đã nghèo nàn, lạc hậu của các nước Nam Á.

- Các nước Nam Á có nền kinh tế đang phát triển. 

- Ấn Độ là nước lớn nhất, đông dân nhất và có nền kinh tế phát triển nhất khu vực

- Thành tựu:

  • Công nghiệp hiện đại, công nghiệp phần mềm, hàng không vũ trụ. 
  • Công nghiệp Ấn Độ có nhiều ngành đạt trình độ cao, sản lượng công nghiệp đứng hàng thứ 10 trên thế giới.
  • Dịch vụ phát triển. 
  • Hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu.
  • Nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn, nhờ cuộc “cách mạng xanh” “cách mạng trắng”, Ấn Độ đã giải quyết được nạn đói triền miên xưa kia. Cuộc cách mạng xanh tiến hành trong ngành trồng trọt đã làm tăng sản lượng lương thực của Ân Độ. Cuộc cách mạng trắng tập trung vào ngành chăn nuôi làm tăng sản lượng sữa, món ăn ưa thích của người Ấn Độ vốn thường kiêng ăn thịt bò. Không những cung cấp đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân, Ấn Độ còn dư thừa để xuất khẩu.

2. Luyện tập

Câu 1: Quan sát hình 11.1, em có nhận xét gì về sự phân bố dân cư của Nam Á?

Gợi ý làm bài

Dân cư Nam Á phân bố không đều:

- Tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hằng, đồng bằng ven biển chân núi dãy Gát Đông và Gát Tây và vùng phía nam dãy Hi-ma-lay-a.

+ Dân cư tập trung đông đúc, tập trung nhiều đô thị trên 8 triệu dân (Niu Đê-li, Mum-bai, Côn-ca-ta...)

+ Do đây là khu vực đồng bằng, mưa lớn, khí hậu nóng ẩm, vị trí dễ dàng giao lưu với các khu vực trên thế giới.

- Thưa thớt ơ vùng Tây Bắc và trên sơn nguyên Đê-can, đây là hai khu vực khí hậu khô hạn, khắc nghiệt, mưa ít.

 Câu 2: Dựa vào bảng 11.1, em hãy kể tên hai khu vực đông dân nhất châu Á.

Trong hai khu vực nào có mật độ dân số cao hơn?

Gợi ý làm bài

- Hai khu vực đông dân nhất châu Á  là: Đông Á và Nam Á.

- Mật độ dân số của Nam Á cao hơn Đông Á (302 người/km2 > 128 người/km2)

Câu 3: Qua bảng 11.2, em hãy nhận xét về sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Ấn Độ. Sự chuyển dịch đó phản ánh xu hướng phát triển kinh tế như thế nào?

Gợi ý làm bài

- Nhận xét: cơ cấu ngành kinh tế Ấn Độ có sự chuyển dịch theo hướng

+ Tăng tỉ trọng ngành  dịch vụ (từ 44,5% lên 48%).

+ Giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp (từ 28,4% xuống 25%).

+ Tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng có giảm nhẹ và chưa ổn định, nhưng nhìn chung không đáng kể (27,1% xuống 27%).

⟹ Sự chuyển dịch trên thể hiện những thành tựu trong sự phát triển kinh tế Ấn Độ, đã xây dựng được một nền kinh tế tự chủ, nền công nghiệp hiện đại.

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung:

- Nắm được đây là khu vực tập trun đông dân, có mật độ dân số cao nhất châu Á.

- Hiểu rõ dân cư Nam Á chủ yếu theo đạo Ấn Độ giáo, Hồi giáo. Tôn giáo ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam Á.

- Hiểu được các nước trong khu vực có nền kinh tế phát triển, Ấn Độ có nền kinh tế phát triển nhất.

Ngày:30/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM