Địa lý 7 Bài 28: Thực hành: Phân tích lược đồ phân bố các môi trường tự nhiên, biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa ở châu Phi
Bài thực hành Địa lý 7 Bài 28 "Phân tích lược đồ phân bố các môi trường tự nhiên, biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa ở châu Phi" giúp các em củng cố kiến thức về các môi trường tự nhiên ở châu Phi. Đồng thời rèn luyện kĩ năng phân tích, nhận xét biểu đồ.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Mục tiêu
- Củng cố kiến thức về các môi trường tự nhiên ở châu Phi
- Xác định kiểu môi trường tự nhiên ở châu Phi
- Kĩ năng đọc, phân tích biểu đồ
- Kĩ năng nhận xét, phân tích hiện tượng
1.2. Chuẩn bị
- Bản đồ các môi trường tự nhiên ở châu Phi
- Biểu đồ khí hậu của bốn địa điểm.
- Một số hình ảnh về môi trường tự nhiên châu Phi.
- Sách giáo khoa
- Tập bản đồ
2. Nội dung tiến hành
2.1. Sự phân bố các môi trường tự nhiên
Quan sát hình 27.2 và dựa vào kiến thức đã học:
- So sánh diện tích của các moi trường ở châu Phi.
- Giải thích vì sao các hoang mạc ở châu Phi lại lan ra sát bờ biển?
Gợi ý trả lời
- Trong các môi trường thiên nhiên ở châu Phi, chiếm diện tích lớn nhất là môi trường nhiệt đới và môi trường hoang mạc; tiếp theo là môi trường xích đạo ẩm, môi trường địa trung hải; chiếm diện tích nhỏ nhất là môi trường cận nhiệt đới ẩm.
- Các hoang mạc ở châu Phi lan ra sát bờ biển vì:
+ Chí tuyến Bắc đi qua giữa Bắc Phi nên quanh năm Bắc Phi nằm dưới áp cao cận chí tuyến, thời tiết rất ổn định, không có mưa; ven bờ tây bắc châu Phi có dòng biển lạnh Ca – na – ri chảy qua nên hoang mạc Xa – ha – ra ăn lan ra biển
+ Dòng biển lạnh Ben – ghê – la và vị trí đường chí tuyến Nam đã hình thành nên khí hậu hoang mạc ở ven biển Tây Nam châu Phi
2.2. Phân tích biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa
Phân tích biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa A. B, C, D trong hình 28.1; sắp xếp các biểu đồ vào vị trí 1, 2, 3, 4 trong hình 27.2 cho phù hợp.
- Phân tích các biểu đồ nhiệt đô và lượng mưa dưới đây theo gợi ý sau:
+ Lượng mưa trung bình năm, sự phân bố lượng mưa trong năm.
+ Biên độ nhiệt trong năm, sự phân bố nhiệt độ trong năm
+ Cho biết từng biểu đồ thuộc kiều khí hậu nào. Nêu đặc điểm chung của kiểu khí hậu đó.
Gợi ý trả lời
a) Biểu đồ A
- Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình > 10°C, có 2 tháng cực đại là tháng 3 và tháng 11 khoảng 25°C, tháng lạnh nhất là tháng 7, nhiệt độ 18°C.
- Lượng mưa: lượng mưa trung bình là 1244 mm, mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 3.
- Biểu đồ A phù hợp với vị trí 3.
b) Biểu đồ B
- Nhiệt độ: nhiệt độ cao nhất (tháng 5) là 35°C, nhiệt độ thấp nhất (tháng 1 ) khoảng 20°C.
- Lượng mưa: lượng mưa trung bình năm là 897 mm, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9.
- Biểu đồ B phù hợp với vị trí 2.
c) Biểu đồ C
- Nhiệt độ: nhiệt độ cao nhất (tháng 4) khoảng 28°C, nhiệt độ thấp nhất (tháng 7) khoảng 20°C.
- Lượng mưa: lượng mưa trung bình năm là 2592 mm, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 5.
- Biểu đồ c phù hợp với vị trí 1.
d) Biểu đồ D
- Nhiệt độ: nhiệt độ cao nhất (tháng 2) khoảng 22°C, nhiệt độ thấp nhất (tháng 7) khoảng 10°C.
- Lượng mưa: lượng mưa trung bình năm là 506 mm, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8.
- Biểu đồ D phù hợp với vị trí 4.
3. Kết luận
Qua bài học này các em cần lưu ý các nội dung quan trọng như sau
- Nắm vững các môi trường tự nhiên của châu Phi.
- Giải thích được nguyên nhân dẫn đến sự phân bố các môi trường tự nhiên của châu Phi.
- Nắm vững cách phân tích một biểu đồ khí hậu ở châu Phi
- Xác định được trên lược đồ các môi trường tự nhiên ở châu Phi, vị trí địa điểm có biểu đồ đó.
Tham khảo thêm
- doc Địa lý 7 Bài 26: Thiên nhiên châu Phi
- doc Địa lý 7 Bài 27: Thiên nhiên châu Phi (tiếp theo)
- doc Địa lý 7 Bài 29: Dân cư, xã hội châu Phi
- doc Địa lý 7 Bài 30: Kinh tế châu Phi
- doc Địa lý 7 Bài 31: Kinh tế châu Phi (tiếp theo)
- doc Địa lý 7 Bài 32: Các khu vực châu Phi
- doc Địa lý 7 Bài 33: Các khu vực châu Phi (tiếp theo)
- doc Địa lý 7 Bài 34: Thực hành: So sánh nền kinh tế của ba khu vực châu Phi