Bài học Ngữ Văn 12
Mục lục nội dung
1. Giới thiệu bài học Ngữ văn 12
2. Hướng dẫn học hiệu quả môn Ngữ văn 12
2.1. Nghiên cứu kĩ cấu trúc đề thi
2.3. Tìm hiểu những chi tiết nghệ thuật đặc sắc
2.4. Đọc, đọc và đọc thật nhiều
2.5. Sử dụng sơ đồ tư duy để ghi nhớ
3. Những lưu ý để học tốt môn Văn lớp 12
3.1. Tránh lạm dụng sách tham khảo
1. Giới thiệu bài học Ngữ văn 12
Ngữ văn là một trong những môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nội dung thi chủ yếu tập trung trong chương trình Ngữ văn 12, vì vậy mà việc nắm chắc các kiến thức cơ bản của chương trình đóng vai trò rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến điểm số bài thi. Để giúp các em có cơ sở học tập và ôn thi hiệu quả, eLib xin chia sẻ hệ thống bài giảng Ngữ văn lớp 12. Nội dung bài giảng trải dài qua 34 tuần, có 75 bài học tương ứng với 3 phân môn Tiếng Việt, Tập làm văn và Văn bản được biên soạn đầy đủ, chi tiết, bám sát nội dung SGK hứa hẹn sẽ mang đến những kiến thức hữu ích phục vụ nhu cầu học tập. Mời các em cùng tham khảo cụ thể từng bài giảng ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.
2. Hướng dẫn học hiệu quả môn Ngữ văn 12
Nhiều em thường cho rằng môn Văn thật rất khó học, dài và không dễ dàng để có thể nhớ hết từng tác phẩm, đặc biệt là những văn bản trong chương trình 12 có nội dung rộng với nhiều phương diện cần phân tích, khám phá. Nhưng nếu chúng ta biết cách học, cách chiếm lĩnh tác phẩm thì Ngữ văn 12 không hề khó khăn mà trái lại nó còn có nhiều điều thú vị, thôi thúc ta khám phá. Dưới đây là một số phương pháp học tập hiệu quả để các em ôn luyện môn học này nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
2.1. Nghiên cứu kĩ cấu trúc đề thi và đề thi những năm gần đây
Cấu trúc đề thi gồm:
- Phần đọc hiểu thường chiếm 3 điểm trong tổng số điểm của bài thi. Phần này sẽ bao gồm một đoạn văn hoặc đoạn thơ cùng với 4 câu hỏi nhỏ liên quan đến nó. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ cấp độ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng như: thể thơ, nội dung chính, đặt nhan đề, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, các hình thức thể hiện của văn bản,... Đặc biệt, cần nhận diện được một số biện pháp tu từ quen thuộc như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, phép điệp,...và sau đó nêu tác dụng của nó. Vì vậy, học sinh phải căn cứ vào nội dung đoạn văn và đưa ra câu trả lời chính xác, đúng trọng tâm, tránh viết lan man kiểu “gợi hình, gợi cảm, mang tính chất văn chương”.
- Làm văn chiếm 7 điểm, phần này bao gồm 2 câu hỏi: Viết bài nghị luận ngắn (khoảng 200 từ) về một hiện tượng xã hội hay một tư tưởng đạo lý và viết bài nghị luận văn học về các tác phẩm nằm trong chương trình.
+ Đối với bài nghị luận xã hội:Trong dạng này, các thí sinh cần nắm vững cấu trúc của một đoạn văn nghị luận về tư tưởng đạo lí hay hiện tượng xã hội như chỉ ra nguyên nhân, thực trạng, đưa ra luận điểm, lấy dẫn chứng thực tế, nêu lên các giải pháp và cuối cùng là áp dụng vào bản thân mình như thế nào.
+ Đối với bài nghị luận văn học: Học sinh cần nắm vững nội dung, nghệ thuật của những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Các dạng bài của câu này thường là cảm nhận về một đoạn văn được trích ra từ văn bản, sau đó phân tích, nhận xét về nội dung được nói đến hay bút pháp nghệ thuật của tác giả. Ngoài ra còn nhiều cách ra đề khác nhau nên, các em không nên chủ quan ôn tủ, học vẹt.
+ Ngoài ra, việc nghiên cứu đề thi cũ cũng là một cách học thông minh giúp các bạn hiểu được bố cục của đề, từ đó có cách học hợp lý.
2.2. Nắm chắc nội dung cơ bản nhất trong từng tác phẩm
Không cần phải quá cầu kì, hoa mĩ, phân tích những thứ xa xôi, trừu tượng. Điều quan trọng để học tốt môn Văn đó chính là bạn hãy cố gắng hiểu rõ nội dung chính trong đó rồi sau đó sẽ triển khai ra các ý mới.
Ví dụ: Với tác phẩm: “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam thì nội dung cốt yếu của nó chính là cuộc sống phố huyện về đêm qua cái nhìn của cô bé Liên, từ đó ta sẽ khai triển thêm các ý như: cuộc sống thiếu thốn, tù túng qua lời kể của nhà văn, các hình ảnh biểu tượng, biểu trưng, tấm lòng nhân đạo của tác giả...
Tương tự như với tác phẩm: “Rừng xà nu” hiểu rõ nội dung chính đó là cuộc chiến của buôn làng Xô Man qua lời kể của cụ Mết mà nhân vật chính là Tnú, ta dễ dàng liên tưởng, móc nối thêm được nhiều ý chính khác.
Các em cần lưu ý những tác phẩm: Văn xuôi: Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Ngọc Phủ Tường), Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ). Thơ: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh).
2.3. Tìm hiểu sâu những chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong mỗi tác phẩm
Phân tích về đề thi THPTQG, cô Nguyễn Thị Tuyết cho rằng: Câu nghị luận văn học trong đề thi Ngữ văn luôn là thách thức lớn đối với mọi học sinh, vừa đòi hỏi sự sâu chuỗi những giá trị của tác phẩm với kiến thức lý luận văn học, vừa đòi hỏi sự thấu hiểu ở cả nội dung và nghệ thuật thể hiện của tác phẩm đó. Để hoàn thành mục tiêu đạt điểm 8, 9 trong bài thi môn Ngữ văn, đòi hỏi học sinh phải đạt từ mức điểm 4/5 đối với phần đề bài này.
Thời gian này các em cần ôn lại nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm trong SGK Ngữ văn 12. Nắm được ý chính, chủ đề của tác phẩm. Đối với văn xuôi phải thuộc dẫn chứng, nội dung bài; thơ thì phải thuộc bài, nét nghệ thuật đặc sắc từng bài thơ. Thường xuyên đọc văn và bài văn mẫu để tăng vốn từ vựng. Thường xuyên làm văn để luyện viết.
Đối với phần nghị luận văn học, để làm bài tốt, cô Nguyễn Thị Tuấn Anh cũng cho rằng: HS cần nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm (chủ yếu chương trình lớp 12). Tìm hiểu sâu những chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong mỗi tác phẩm. Rèn luyện kĩ năng so sánh, liên hệ. Có khả năng đánh giá, bình luận về vấn đề.
Với đề văn nghị luận văn học thường là nghị luận về một đoạn thơ/bài thơ (nhất là nghị luận về một đoạn trích thơ); Nghị luận về một đoạn trích/tác phẩm văn xuôi (nghị luận về một đoạn trích /nhân vật/chi tiết/tình huống truyện…); Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; Nghị luận về một khía cạnh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học.
Để đạt kết quả tốt nhất ở câu nghị luận văn học, trong quá trình ôn tập, HS cần biết nhóm các tác phẩm (cả khía cạnh nội dung tác phẩm) theo đề tài, chủ đề, giai đoạn văn học, theo tác giả, khuynh hướng (lãng mạn, hiện thực, sử thi...), trào lưu, theo thể loại (trữ tình - tự sự - kịch - nghị luận)...
Cách ôn tập theo cách nhóm các tác phẩm không chỉ để phục vụ cho dạng đề liên hệ, so sánh mở rộng theo định hướng đề minh họa mà còn để làm tốt các dạng đề khác.
2.4. Đọc, đọc và đọc thật nhiều
Không phải cứ cầm cuốn sách lên, chăm chăm học thuộc lòng từng câu, từng chữ một là được. Đó là một cách học vô cùng thụ động, khiến chúng ta càng thêm khó tiếp thu và tâm lý càng chán nản. Như đã nói ở trên, nắm được nội dung chính tác phẩm thì sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng điều quan trọng là mỗi ngày bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày: 30 phút - 1 tiếng để đọc lại. Nhớ là đọc chứ không phải học thuộc lòng, đây thực sự là một cách rất hiệu quả để giữ ý văn luôn trôi chảy trong đầu và có thể bật ra bất cứ lúc nào khi bạn đang thi hay kiểm tra.
2.5. Sử dụng sơ đồ tư duy để ghi nhớ
Bản đồ tư duy (Mindmap) là phương pháp được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh.
Khi cảm thấy bài giảng có quá nhiều ý khiến lan man, khó học thì các em hãy gạch dưới những ý chính được thầy cô lưu ý nhiều trong bài. Các em có thể áp dụng sơ đồ cây để học dàn ý. Ý chính nằm ở giữa, các ý phụ ý nhỏ hơn sẽ là những nhánh cây đâm ra. Văn học là môn thiên về cảm xúc nhưng nếu bài viết rất tình cảm mà thiếu ý cũng khó được điểm cao. Sơ đồ cây sẽ giúp bài viết đi đúng hướng. Đồng thời, phương pháp cũng rất hiệu quả trong việc rèn luyện trí nhớ của các em.
3. Những lưu ý để học tốt môn Ngữ văn lớp 12
3.1. Tránh lạm dụng sách tham khảo
Sách tham khảo có thể cho các em nhiều ý tưởng hay ho, nhưng sẽ khiến các em bị phụ thuộc mỗi khi hết ý. Văn học chính môn học để chúng ta sáng tạo, chính vì thế hãy viết bằng cảm xúc, tâm hồn thật của mình thay vì đi “vay mượn” những câu chữ rập khuôn đó. Một cách khác để các em có thể tham khảo hiệu quả là: hãy viết một bài văn theo suy nghĩ, cảm nhận của mình rồi sau đó sẽ đọc lại bài tham khảo đó. Cách này sẽ giúp ta bổ sung thêm được nhiều ý mới bên cạnh những ý mình đã triển khai trước đó.
Dùng sách tham khảo không phải là xấu nhưng quan trọng là các em nên tiếp thu được thêm nhiều ý tưởng khi dùng sách tham khảo, thay vì bị phụ thuộc vào nó.
3.2. Thận trọng khi làm bài thi
- Đọc kĩ đề, tránh trả lời lan man
Nhiều em không đọc kĩ đề dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm, dài dòng, thiếu ý dẫn đến kết quả không cao. Ví dụ đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính nhưng các em lại chỉ ra tất cả các phương thức biểu đạt.Các em chỉ dừng lại ở việc nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ mà không gọi tên biện pháp tu từ và chỉ ra biểu hiện của biện pháp ấy trong câu thơ. Các em chỉ nêu nội dung hiện thực được tác giả phản ánh trong văn bản mà không chú ý đến tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm. Vì vậy, trước khi làm bài cần đọc kĩ đề, xác định trọng tâm câu hỏi để có câu trả lời chính xác.
- Sử dụng thời gian hợp lý khi làm bài thi
Về thời gian, các em cần phân phối hợp lý:
+ Đọc, hiểu: phần này gồm 4 câu hỏi từ yêu thấp đến nâng cao, nhưng nhìn chung không khó. Cho nên các em dành tối đa 15 phút.
+ Phần làm văn gồm có 2 câu. Đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ. Có thể viết đến 250 từ. Yêu cầu viết đoạn là khai thác một giác độ của vấn đề chứ không hoàn chỉnh như một bài. Cho nên tránh viết lê thê và dài mấy ngàn từ. Bài văn nghị luận văn học các em nên dành thời gian lớn, khoảng 85 phút (dư 5 phút dành cho việc xem lại bài). Xu hướng đề thường yêu cầu khai thác 2 vấn đề trong cùng một tác phẩm hoặc ở 2 tác phẩm, nhưng cùng chương trình 12.
- Trình bày dễ nhìn, chữ rõ nét khi làm bài
Các em hãy nhớ hình thức trình bày vài tự luận rất quan trọng. Em tẩy xóa, trình bày xấu, chữ viết quá tệ thì rất dễ bị giám khảo "âm thầm" trừ điểm. Cho nên cố gắng trình bày dễ nhìn. Chữ viết nếu không đẹp, phải rõ nét, đủ dấu dễ đọc. Lưu ý thêm tránh dùng từ ngữ khó hiểu, dùng từ ngữ của mạng xã hội, hạn chế tối đa từ ngữ của văn nói.
3.3. Đừng tạo áo lực cho bản thân khi học Văn
Điều cuối cùng tuy đơn giản mà thật cần thiết. Hãy nhớ việc học Văn cũng như các môn khác là một hành trình khám phá từ từ, đừng vì tư tưởng bị nhồi ép, bắt buộc mà tự ép bản thân. Học với niềm vui, niềm yêu thích, sự thoải mái thật sự các em sẽ thấy việc học Văn không hề khó khăn một chút nào, hơn hết sẽ cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp mà những giá trị văn chương mang lại.
Đừng ngại viết ra những điều mới, những suy nghĩ, ý kiến riêng của mình cũng như lo lắng không đúng theo sách. Đôi khi một chút sáng tạo ngoài lề đó lại khiến bài văn của các em thêm nổi bật và khả năng ngôn từ thêm vững chắc hơn.
Sự học là chiếc thang không nấc chót, các em sẽ tự tìm ra cho mình một khả năng riêng cũng như cách học phù hợp với bản thân nhất. Để chinh phục chiếc thang cao đó các bạn luôn cần một lòng quyết tâm, nghị lực và đừng bao giờ bỏ cuộc. Các em sẽ thành công không chỉ với môn Văn mà còn với tất cả các môn khác.
Tham khảo thêm
- doc
Ôn tập phần văn học
- doc
Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận
- doc
Những ngày đầu của nước Việt Nam mới
- doc
Ai đã đặt tên cho dòng sông
- doc
Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận
- doc
Người lái đò sông Đà
- doc
Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
- doc
Quá trình văn học và phong cách văn học
- doc
Tự do (Đọc thêm)
- doc
Bác ơi (Đọc thêm)