Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ Ngữ văn 12

Bài học "Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ" sẽ giúp các em hiểu rõ về cách lập dàn ý cũng như cách làm một bài văn nghị luận. eLIb đã biên soạn một cách chi tiết và đầy đủ nhất, mời các em tham khảo. Chúc các em học tốt!

Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu đề và lập dàn ý

1.1. Khái niệm

Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là quá trình sử dụng những thao tác lập luận để làm rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ đó, đồng thời thể hiện những rung động thẩm mĩ, tư duy nghệ thuật và liên tưởng sâu sắc của người viết.

1.2. Yêu cầu

- Đọc kĩ, nắm chắc hoàn cảnh, mục đích sáng tác và vị trí bài thơ, đoạn thơ.

- Xác định nội dung cơ bản và cảm xúc chủ đọa của bài thơ, đoạn thơ.

- Bài thơ, đoạn thơ có dấu hiệu đặc biệt gì về ngôn ngữ, hình ảnh.

- Bài thơ, đoạn thơ thể hiện quá trình sáng tác của tác giả như thế nào?

2. Luyện tập

Câu 1. Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Vội vàng” của Xuân Diệu

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Gợi ý làm bài:

- Tìm hiểu đề :

+ Nội dung NL : Đoạn thơ trong bài Vội vàng ( Xuân Diệu)

+ Thao tác lập luận: Bình luận + phân tích, chứng minh...( nêu ý kiến đánh giá nhận xét, bác bỏ...)

+ Phạm vi : Bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu)

- Tìm ý, lập dàn ý:

+ Vội vàng là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Xuân Diệu

+ Đoạn trích là phần cao trào cảm xúc của bài thơ

+ Đoạn thơ sử dụng những động từ có giá trị biểu cảm mãnh liệt ( hôn, riết, say, thâu, cắn...), lối lặp kết cấu, giọng điệu sôi nổi, vồ vập

+ Đoạn thơ thể hiện khát vọng hưởng thụ tuổi xuân, hương sắc trần thế vốn không mới nhưng sức mãnh liệt,  cường độ, sự giục giã, vồ vập là rất mới lạ độc đáo

+ Ý thức về thời gian tàn phai nhanh chóng cũng được cảm thụ sâu sắc chưa từng có.

+ Mức độ biểu hiện tình cảm công khai, thành thực, không che đậy cũng là hiếm có

+ Bài thơ đánh dấu sự chín muồi trong ý thức về cái “Tôi” con người, là sự thể hiện rõ rệt cái tôi của nhà thơ, của thơ mới.

+ Ngôn ngữ sử dụng trong đoạn thơ rất mới mẻ, sáng tạo.

Câu 2. Theo em muốn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ người viết cần chú ý những yêu cầu gì?

Gợi ý làm bài:

- Đọc kĩ bài thơ đoạn thơ, nắm kĩ những nết đặc sắc về nội dung và nghệ thuật để làm cơ sở cho việc nhận xét đánh giá.

- Nêu được những nhận xét đánh giá về đoạn thơ, bài thơ (Từ bài đọc- hiểu, cảm nhận của bản thân)

- Sử dụng luận cứ để thuyết phục người đọc về nhận xét của mình (kết hợp nhiều thao tác lập luận)

- Lập dàn ý hợp lí, logic thuyết phục.

- Lưu ý giới thiệu bài thơ, đoạn thơ, tác giả, trích dẫn phải chính xác đến từng dấu chấm, phẩy.

Câu 3. Thử tưởng tượng tình huống Hàn Mặc Tử làm bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” và tâm trạng nhà thơ bộc lộ trong bài thơ. Theo anh (chị) bài thơ gởi đến thông điệp gì?

Gợi ý làm bài:

Có nhiều giả thiết về bài thơ, về mối tình của nhà thơ. Hãy trình bày một giả thiết dựa vào một cứ liệu của những người gần gũi nhà thơ cho biết để hình dung tình huống bài thơ được sáng tác và tâm trạng của nhà thơ.Bài thơ để lại thông điệp gì cho người đời? Đó là khát vọng sống và tình yêu đôi lứa của một người bất hạnh? Lời trách móc đối với những ai xa lánh? Một lời kêu gọi sự đồng cảm và thương xót? Hãy nêu suy nghĩ của anh (chị) về bài thơ?

3. Kết luận

- Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

+ Biết cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

+ Biết nêu luận điểm, nhận xét, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.

+ Biết lập dàn ý một bài văn nghị luận.

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM