Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt( tiếp theo) Ngữ văn 12 đầy đủ

Bài học dưới đây giúp các em hiểu thêm về các quy tắc, chuẩn mực sử dụng tiếng Việt, thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói dân tộc. Biết quý trọng và sử dụng tiếng Việt có ý thức. Chúc các em học tốt!

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt( tiếp theo) Ngữ văn 12 đầy đủ

1. Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

1.1. Muốn giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt cần có tình cảm yêu mến và quý trọng tiếng Việt

  • Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc.”
  • Cần có ý thức tôn trọng và yêu quý tiếng Việt.

1.2. Muốn giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt cần hiểu được tiếng Việt

  • Hiểu về chuẩn mực, quy tắc của tiếng Việt ở các phương diện âm thanh, chữ viết, dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản, tiến hành giao tiếp.
  • Tích lũy kinh nghiệm từ giao tiếp, từ sự trau dồi kiến thức qua sách vở, sách báo.

1.3. Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phụ thuộc vào hoạt động sử dụng tiếng Việt có ý thức

  • Cần có thói quen cẩn trọng, cân nhắc lựa lời khi giao tiếp, sao cho lời nói phù hợp với nhân tố giao tiếp để đạt hiệu quả cao nhất.
  • Rèn luyện năng lực nói và viết theo đúng chuẩn mực về ngữ âm và chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, đặc điểm phong cách, phải luôn trau dồi, học hỏi.
  • Loại bỏ những lời núi thô tục, kệch cỡm, pha tạp, lai căng không đúng lúc.
  • Biết cách tiếp nhận những từ ngữ của tiếng nước ngoài.
  • Làm giàu có thêm tiếng Việt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự hội nhập, giao lưu quốc tế hiện nay.

2. Luyện tập

Câu 1: 

Phân tích ý kiến sau đây của Hoàng Phê :

Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ thì phải bảo vệ những đặc trưng của nó, đấu tranh chống những hiện tượng sai chệch chuẩn mực một cách vô cớ, do cẩu thả hoặc do thiếu những hiểu biết cần thiết về ngôn ngữ.

(Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Gợi ý làm bài

  • Sự trong sáng của ngôn ngữ là một phẩm chất biểu lộ ở chính những đặc trưng của nó, nên muốn giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ thì phải bảo vệ được những đặc trưng và bản sắc đó.
  • Trong sáng luôn đi đôi với chuẩn mực, đúng quy tắc ngôn ngữ. Vì thế, nếu cẩu thả, thiếu kiến thức ngôn ngữ mà sai phạm chuẩn mực thì đều làm mất sự trong sáng của ngôn ngữ.

Câu 2: Em hãy phân tích sự trong sáng của các câu văn sau:

a. Nguyễn Đình Chiểu thi sĩ mù của dân tộc.

b. Cô ấy tỏ ra bàng quang với mọi người.

c. Nếu có tình huống bị delay cháu sẽ confirm cho bác trong giấy công tác.

d. Bên cạnh anh ta là một đống liềm và hái để vô tổ chức.

e. Toàn cầu hóa là xu hướng của thời đại hiện nay.

f. Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

(Tố Hữu)

Gợi ý làm bài

a. Sử dụng câu sai cấu trúc, nhầm phần phụ chú là phần vị ngữ ⇒ Câu không trong sáng.

Sửa lại: Thêm vị ngữ vào cuối câu hoặc thêm từ  “là” vào sau “Nguyễn Đình Chiểu”.

b. Sử dụng sai từ bàng quang do không hiểu nghĩa của từ ngữ ⇒ Câu không trong sáng.

  • Bàng quang: một bộ phận trong cơ thể con người.
  • Bàng quan: chỉ thái độ của con người.

c. Lạm dụng từ nước ngoài quá mức trong khi tiếng Việt có những từ ngữ tương ứng nhưng không sử dụng ⇒ Câu không trong sáng.

  • Delay: chậm trễ
  • Confirm: xác nhận

d. Sử dụng từ ngữ "vô tổ chức" không đúng chuẩn mực → Câu văn không trong sáng.

  • Sửa lại: thay từ vô tổ chức bằng "lộn xộn"

e. Câu văn trong sáng, sử dụng từ mượn phù hợp, cần thiết.

f. Nhà thơ Tố Hữu sử dụng từ ngữ sáng tạo, ông đã dựa vào chuẩn mực về tu từ từ vựng để so sánh 2 sự vật khác loại “Hồn tôi và vườn hoa lá” ⇒ Câu không trong sáng.

Câu 3: Trong các câu sau, có những từ dùng sai. Hãy phân tích và chữa cho đúng.

a. Dưới danh nghĩa phục hồi văn hoá truyền thống, nhiều nơi đã vô tình làm sống lại những thủ tục thời phong kiến.

b. Các em học sinh ở đây thường được thưởng thức những vai điệu tuyệt vời của các cô văn công.

c. Chỉ cần dùng keo hoá học để gắn bó hai mảnh vỡ lại với nhau là chiếc bình vỡ sẽ như cũ.

Gợi ý làm bài

Mỗi câu đều có từ dùng sai. Cần đọc cả câu để nắm bắt ý mà người viết diễn đạt. Từ đó phát hiện từ sai và thay bằng từ đúng (từ phù hợp với quan hệ ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp với các từ khác trong câu).

a. Từ sai : thủ tục. Chữa : thay bằng hủ tục.

b. Từ sai : vai điệu. Chữa : thay bằng giai điệu hoặc vai diễn.

c. Từ sai : gắn bó. Chữa : thay bằng gắn.

3. Kết luận

Qua bài học, các em cần:

  • Có lòng yêu mến và trân trọng tiếng nói dân tộc.
  • Hiểu được những đặc điểm, quy tắc, chuẩn mực tiếng Việt để sử dụng tiếng Việt đúng, hay.
  • Có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, luôn nâng cao hiểu biết và rèn luyện các kĩ năng sử dụng tiếng Việt.
Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM