Giải SBT Địa lí 12

Với mong muốn giúp các em học sinh có thêm nhiều kiến thức và tài liệu học tập để học thật tốt môn Địa lí 12, eLib đã tổng hợp các bài tập SBT Địa lí 12 bao gồm phương pháp giải và gợi ý làm bài cụ thể cho từng bài tập trong sách giáo khoa. Mời các em cùng tham khảo nhé!

1. Phương pháp học tốt môn Địa lí 12

1.1. Nắm chắc kiến thức cơ bản

Các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11.

Chương trình Địa lý 12 gồm 4 chủ đề (tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế); chương trình Địa lý 11 gồm 2 chủ đề (khái quát nền kinh tế – xã hội thế giới, địa lí khu vực và quốc gia).

Các em nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề. Ở mỗi vấn đề quan trọng, thí sinh chỉ cần nắm "từ khóa" nói lên nội dung của vấn đề đó chứ không nên học thuộc lòng.

1.2. Tư duy đồng tâm, khái quát vấn đề

Mấu chốt môn Địa không phải học thuộc lòng mà là bạn phải có tư duy đồng tâm, khái quát vấn đề và ghi nhớ theo cách riêng của mình.

Ví dụ, trong Địa lí bao gồm Địa Tự nhiên và xã hội, trong địa tự nhiên bao gồm vị trí địa lí, khí hậu, địa hình, đất, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên...; địa xã hội bao gồm lịch sử phát triển lãnh thổ, dân cư (dân số, chủng tộc...), các ngành kinh tế (nông, công nghiệp, dịch vụ...).

Phần đầu SGK Địa 12, phân tích các yếu tố tự nhiên, xã hội ở VN nói chung đây là cơ sở để ta phân tích các thành phần tự nhiên, xã hội, mạnh yếu của các 7 vùng lãnh thổ khác nhau.

Nhiều bạn thường học tủ các nội dung của 7 vùng lãnh thổ vì nghĩ là nội dung trọng tâm và làm ngơ các nội dung mang tính đại cương. Một khi đã nắm vững những khái niệm tổng quát nhất, tiếp tục đối chiếu với từng vùng, chú ý những mạnh yếu của từng vùng rồi tiến đến so sánh thuận lợi, hạn chế giữa những vùng có nhiều tương đồng hay khác biệt về mặt tự nhiên hay KT-XH.

Tóm lại, dựa trên tư duy này cộng với vốn sống tích lũy từ sách báo, các em có thể nắm vững một cách rõ ràng, có định hướng phần lí thuyết môn Địa. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi viết bài luận, không nhất thiết phải viết nguyên văn diễn đạt trong SGK, dựa trên cách hiểu của mình, mình có thể làm chủ ngòi bút, vận dụng uyển chuyển cũng cùng một nội dung kiến thức cho nhiều dạng đề khác nhau.

1.3. Kỹ năng sử dụng Atlat Địa lí

Các em cần rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý để ôn tập kiến thức. Mỗi trang bản đồ trong Atlat ứng với từng bài học, từng chủ đề trong sách giáo khoa nên các em cần thường xuyên trong quá trình ôn tập.

Để sử dụng Atlat hiệu quả, các em cần xem kỹ trang 3 ký hiệu chung vì hầu hết các đối tượng địa lý biểu hiện trên các bản đồ đều được thể hiện ở đây.

Bên cạnh đó, các em cũng cần nắm được nội dung các trang bản đồ thông qua trang 31 mục lục. Các em cần kết hợp kỹ năng tính toán, nhận xét, phân tích, giải thích các số liệu và biểu đồ có trong Atlat.

2. Bí quyết đạt điểm cao môn Địa lí 12

2.1. Bám sát cấu trúc đề tham khảo 

Các em cần bám sát cấu trúc đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Phân tích đề này theo nội dung kiến thức, cấu trúc có 7 câu về địa lý tự nhiên; 8 câu địa lý ngành kinh tế; 3 câu địa lý dân cư; 6 câu địa lý vùng kinh tế; 12 câu hỏi liên quan khai thác Atlat; 4 câu kỹ năng biểu đồ, bảng số liệu, trong đó có 2 câu kiến thức lớp 11 về biểu đồ và bảng số liệu.

Tuy nhiên, đề tham khảo chỉ mang tính chất định hướng chủ đề ôn tập nên các em cần có sự linh hoạt, tránh tình trạng "học tủ". Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình hơn, kiến thức rộng hơn so với thi tự luận.

2.2. Rèn kỹ năng nhận xét, phân tích biểu đồ và bảng số liệu

Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp đó là biểu đồ thể hiện nội dung nào, lựa chọn nhận xét "đúng" hoặc "không đúng" dựa vào biểu đồ đã cho.

Để không mất điểm ở những câu hỏi này, các em phải nắm vững kiến thức về đặc tính thể hiện của từng loại biểu đồ: thể hiện cơ cấu (biểu đồ tròn, miền), tốc độ tăng trưởng biểu đồ đường biểu diễn hay đồ thị, thể hiện quy mô và cơ cấu (biểu đồ tròn bán kính khác nhau).

Các dạng câu hỏi về bảng số liệu thường gặp là lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất với bảng số liệu, yêu cầu đã cho hoặc chọn nhận xét "đúng" hay "không đúng".

Để giành điểm tối đa, ngoài nắm vững kiến thức để nhận diện loại biểu đồ như đã trình bày ở trên, thí sinh phải quan sát bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất. Các em tuyệt đối không nên lựa chọn đáp án theo chủ quan, cảm tính.

2.3. Phân bố thời gian, lựa chọn các câu hỏi để làm trước

Khi làm bài các em nên làm tuần tự từ trên xuống dưới của đề thi, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến các em có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn. Thí sinh cần tránh sa đà vào những câu khó ngay từ đầu sẽ khiến bản thân rơi vào trạng thái hoang mang, mất kiểm soát.

Thí sinh cần đọc kỹ câu dẫn và đáp án của các câu hỏi, gạch chân dưới các từ khoá. Trong 4 lựa chọn, chỉ có một phương án duy nhất đúng, còn lại là các phương án "nhiễu", được xây dựng trên cơ sở có liên quan đến nội dung lời dẫn.

Đặc biệt, các em phải lưu ý những dạng câu hỏi mà lời dẫn ở thể phủ định như "không đúng", "không phải". Với dạng này, thí sinh cần nghiên cứu kỹ yêu cầu để tính toán, lập luận, phân tích, so sánh 4 lựa chọn để tìm ra phương án đúng.

Thí sinh cũng cần sử dụng kỹ năng phỏng đoán - loại trừ. Phỏng đoán chưa bao giờ là một cách hay, nhưng với những câu hỏi các em không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách logic và khoa học là một trong những giải pháp tốt nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM