Giải bài tập SBT Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ

Giải bài tập SBT Địa lí 12 Bài 39 Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ được eLib tổng hợp lại, hy vọng là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các bạn học sinh lớp 12.

Giải bài tập SBT Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ

1. Giải bài 1 trang 124 SBT Địa lí 12

Quan sát lược đồ vùng Đông Nam Bộ dưới đây, hãy điền:

- Tên các tỉnh, thành phố được đánh dấu trong lược đồ

- Tên các vùng tiếp giáp trong lược đồ

- Tên các trung tâm kinh tế trong lược đồ

Phương pháp giải

Dựa vào lược đồ vùng Đông Nam Bộ đối chiếu với lược đồ trống ở trên để xác định các tỉnh, thành phố, các vùng tiếp giáp và trung tâm kinh tế theo yêu cầu đề bài.

Gợi ý trả lời

- Tên các tỉnh, thành phố được đánh dấu trong lược đồ:

1. Bình Phước

2. Tây Ninh

3. Bình Dương

4. Đồng Nai

5. Tp Hồ Chí Minh

6. Bà Rịa-Vũng Tàu

- Tên các vùng tiếp giáp trong lược đồ:

+ Vùng A: Tây Nguyên.

+ Vùng B: Duyên Hải Nam Trung Bộ.

+ Vùng C: Đồng bằng sông Cửu Long.

- Tên các trung tâm kinh tế trong lược đồ:

+ Trung tâm a: Thủ Dầu Một.

+ Trung tâm b: Biên Hòa.

+ Trung tâm c: TP. Hồ Chí Minh.

+ Trung tâm d: Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lược đồ vùng Đông Nam Bộ

2. Giải bài 2 trang 125 SBT Địa lí 12

- Tại sao Đông Nam Bộ lại tiến hành khai thác lãnh thổ theo chiều sâu?

- Nhân tố nào đã giúp cho Đông Nam Bộ khai thác lãnh thổ theo chiều sâu?

- Trình bày phương hướng khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của Đông Nam Bộ?

Phương pháp giải

- Để giải thích nguyên nhân Đông Nam Bộ lại tiến hành khai thác lãnh thổ theo chiều sâu, dựa vào đặc điểm về:

+ Diện tích tự nhiên

+ Tài nguyên

+ Thu hút đầu tư nước ngoài

+ Vấn đề môi trường.

- Để chỉ ra những nhân tố giúp cho Đông Nam Bộ khai thác lãnh thổ theo chiều sâu dựa vào lợi thế về:

+ Vị trí địa lí

+ Nguồn lao động

+ Chính sách phát triển 

- Cần nắm rõ phương hướng khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong

+ Nông nghiệp

+ Công nghiệp

+ Dịch vụ

Gợi ý trả lời

- Đông Nam Bộ lại tiến hành khai thác lãnh thổ theo chiều sâu vì:

+ Diện tích tự nhiên hẹp 2,3 triệu ha mà dân số khá đông, gần 9 triệu người.

+ Tài nguyên thiên nhiên không phong phú đa dạng.

+ Là vùng rất hấp dẫn với đầu tư hợp tác nước ngoài và các xí nghiệp liên doanh đầu tư hợp tác nước ngoài.

+ Ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên là hai vấn đề cần được giải quyết.

- Nhân tố giúp cho Đông Nam Bộ khai thác lãnh thổ theo chiều sâu là những ưu thế về:

+ Vị trí địa lí

+ Nguồn lao động lành nghề

+ Cơ sở vật chất kĩ thuật

+ Chính sách phát triển phù hợp

+ Thu hút được các nguồn đầu tư trong và ngoài nước,...

- Phương hướng khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của Đông Nam Bộ

+ Trong công nghiệp:

  • Tăng cường và cải thiện phát triển nguồn năng lượng.
  • Nâng cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhất là giao thông vận tải và thông tin liên lạc
  • Mở rộng hợp tác, đầu tư với nước ngoài, chú trọng các ngành công nghiệp trọng điểm.
  • Khi phát triển công nghiệp cần phải luôn quan tam đến môi trường, tránh làm tổn hại đến ngành du lịch .

+ Trong nông nghiệp:

  • Mùa khô kéo dài,có nhiều vùng trũng thấp dọc theo sông Đồng Nai, sông La Ngà bị ngập úng vào mùa mưa.
  • Nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng
  • Giải quyết nước tưới cho các vùng khô hạn về mùa khô và tiêu nước cho vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà

+ Trong dịch vụ:

  • Các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng.
  • Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các hoạt động dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng: dịch vụ thương mại, ngân hàng, tín dụng, thông tin, hàng hải, du lịch,…
  • Dẫn đầu cả nước về sự tăng trưởng nhanh và phát triển có hiệu quả các ngành dịch vụ.

3. Giải bài 3 trang 126 SBT Địa lí 12

So với các vùng khác trong nước, Đông Nam Bộ là vùng

A. có cơ cấu kinh tế phát triển nhất.

B. có số dân ít nhất.

C. có nhiều thiên tai nhất.

D. có GDP thấp nhất.

Phương pháp giải

Cần nắm rõ điểm nổi bật của vùng Đông Nam Bộ so với các vùng khác trong nước để chọn đáp án đúng:

- Tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp

- Tỉ trọng công nghiệp - xây dựng

- Tỉ trọng dịch vụ

Gợi ý trả lời

Đông Nam Bộ là vùng có nền kinh tế phát triển nhất: tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 6,2%, công nghiệp - xây dựng chiếm tới 65,1% và dịch vụ chiếm 28,7%.

Chọn A.

4. Giải bài 4 trang 126 SBT Địa lí 12

Biểu hiện nào không thể hiện được Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển nhất?

A. Có tổng GDP lớn nhất.

B. Có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất.

C. Có GDP bình quân đầu người lớn nhất.

D. Có mật độ dân số lớn nhất.

Phương pháp giải

Cần nắm rõ biểu hiện cho thấy Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển nhất, dùng phương pháp loại trừ để chọn đáp án thích hợp.

Gợi ý trả lời

Thước đo của sự phát triển: GDP, GDP/người, giá trị sản xuất công nghiệp

=> D không đúng.

Chọn D.

5. Giải bài 5 trang 126 SBT Địa lí 12

Nhân tố quan trọng nhất để Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta là

A. tiềm năng đất badan và đất xám phù sa cổ tập trung thành vùng.

B. khí hậu cận xích đạo, có sự phân mùa.

C. ít có các thiên tai.

D. mạng lưới sông ngòi dày đặc, có nhiều hồ lớn.

Phương pháp giải

Dựa vào tiềm năng về đất badan và đất xám phù sa để xác định nhân tố để Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất

Gợi ý trả lời

Nhân tố quan trọng nhất để Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta là tiềm năng đất badan và đất xám phù sa cổ tập trung thành vùng.

Chọn A.

6. Giải bài 6 trang 126 SBT Địa lí 12

Biểu hiện nào không chứng minh cho Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta?

A. Là vùng chuyên canh cao su lớn nhất nước ta.

B. là vùng chuyên canh cà phê lớn thứ hai cả nước.

C. Là vùng chuyên canh điều lớn nhất cả nước.

D. Là vùng chuyên canh dừa lớn nhất cả nước.

Phương pháp giải

Cần nắm rõ các biểu hiện cho thấy Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta, dùng phương pháp loại trừ để chọn đáp án đúng.

Gợi ý trả lời

Đông Nam Bộ không phải là vùng chuyên canh dừa lớn nhất cả nước.

-> D không đúng.

Chọn D.

7. Giải bài 7 trang 126 SBT Địa lí 12

Vấn đề năng lượng của vùng Đông Nam Bộ sẽ được giải quyết theo hướng

A. phát triển nguồn điện và mạng lưới điện.

B. nhập điện từ nước ngoài.

C. sử dụng điện nguyên tử.

D. sử dụng nguồn địa nhiệt.

Phương pháp giải

Cần nắm rõ hướng giải quyết của vấn đề năng lượng của vùng Đông Nam Bộ để chọn đáp án đúng.

Gợi ý trả lời

Vấn đề năng lượng của vùng Đông Nam Bộ sẽ được giải quyết theo hướng phát triển nguồn điện và mạng lưới điện.

Chọn A.

8. Giải bài 8 trang 127 SBT Địa lí 12

Cây công nghiệp có vị trí quan trọng nhất đối với vùng Đông Nam Bộ là

A. cà phê.                     B. cao su.

C. hồ tiêu.                     D. chè.

Phương pháp giải

Để chọn đáp án đúng cần ghi nhớ cây công nghiệp quan trọng số 1 của vùng Đông Nam Bộ là cao su.

Gợi ý trả lời

Cây công nghiệp quan trọng số 1 của vùng Đông Nam Bộ là cao su.

Chọn B.

9. Giải bài 9 trang 127 SBT Địa lí 12

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 28 hãy:

- Trình bày cơ cấu ngành của các trung tâm công nghiệp:

+ TP. Hồ Chí Minh:

+ Thủ Dầu Một:

- Giải thích vì sao TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta?

Phương pháp giải

- Dựa vào kĩ năng đọc bản đồ để xác định cơ cấu ngành của các  trung tâm công nghiệp ở:

+ TP. Hồ Chí Minh: Công nghiệp sản xuất ô tô, luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, chế biến nông sản,...

+ Thủ Dầu Một: Công nghiệp cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng,..

- Để đưa ra những dẫn chứng giải thích TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta cần dựa vào những đặc điểm thuận lợi về:

+ Vị trí địa lí

+ Tự nhiên

+ Kinh tế xã hội 

Gợi ý trả lời

- Cơ cấu ngành của các trung tâm công nghiệp:

+ TP. Hồ Chí Minh: Công nghiệp sản xuất ô tô, luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, điện tử, đóng tàu, dệt may, hóa chất – phân bón và nhiệt điện.

+ Thủ Dầu Một: Công nghiệp cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, điện tử, dệt may, hóa chất – phân bón. 

- TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta vì hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế xã hội:

+ Vị trí địa lí:

  • Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm: TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
  • Gần các cảng biển lớn và thông ra vùng biển phía Đông rộng lớn, có ý nghĩa giao lưu quốc tế vô cùng quan trọng (cảng TP. Hồ Chí Minh).
  • Gần các vùng giàu có về nguyên, nhiên liệu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long).

+ Về tự nhiên: khí hậu nhiệt đới, địa hình đồng bằng rộng lớn bằng phẳng thuận lợi để xây dựng các nhà máy xí nghiệp; nguồn nước dồi dào.

+ Về kinh tế - xã hội:

  • Dân cư đông đúc, có trình độ dân trí cao và năng động. Đây vừa là lực lượng sản xuất vừa là thị trường tiêu thụ lớn.
  • Là thành phố đô thị từ lâu nên cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, có sức hút mạnh các nguồn đầu tư trong và ngoài nước.
  • Nhà nước đang thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp, là nơi đầu tiên được áp dụng các thành quả công nghệ hiện đại nhất.
  • Là các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của cả nước.
  • Là một trong hai đầu mối giao thông vận tải lớn nhất cả nước.

10. Giải bài 10 trang 127 SBT Địa lí 12

Chứng minh rằng: Đông Nam Bộ là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển?

Phương pháp giải

Dựa vào khả năng phát triển của từng ngành như:

- Khai thác khoáng sản

- Khai thác và nuôi trồng hải sản

- Du lịch

- Giao thông vận tải 

Gợi ý trả lời

Đông Nam Bộ là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển dựa trên cơ sở khả năng phát triển của từng ngành:

- Khai thác khoáng sản vùng thềm lục địa: Trữ lượng dầu khí lớn nhất cả nước, đã và đang được khai thác tại các mỏ như Hồng Ngọc, Rạng Đông, Rồng và Bạch Hổ.

- Khai thác và nuôi trồng hải sản

+ Khai thác hải sản tại các ngư trường với nguồn lợi thủy hải sản phong phú.

+ Nuôi trồng thuỷ hải sản (ven bờ và hải đảo).

- Du lịch biển - đảo

+ Một số bãi biển (Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải…) có giá trị đối với du lịch. 

+ Nguồn nước khoáng (Bình Châu…), khu dự trữ sinh quyển (Cần Giờ) có khả năng thu hút khách.

- Giao thông vận tải biển

+ Xây dựng và mở rộng hệ thống cảng (Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu).

+ Mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế.

Ngày:23/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM