Soạn bài Chiếu dời đô Ngữ văn 8 tóm tắt

Bài soạn "Chiếu dời đô" dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được khát vọng về một đất nước độc lập, hưng thịnh và khí phách của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Soạn bài Chiếu dời đô Ngữ văn 8 tóm tắt

1. Soạn câu 1 trang 51 SGK Ngữ văn 8 tóm tắt

Sự viện dẫn sử sách Trung Quốc nói về việc các đời vua xưa bên Trung Quốc cũng từng có những cuộc dời đô nhằm mục đích:

- Tiền đề cho lí lẽ ở phần sau, khi các đời vua không dời đô và đất nước, nhân dân phải gánh chịu nhiều hậu quả.

- Minh chứng cho việc dời đô là theo mệnh trời nên những đất nước ấy đều hưng thịnh.

2. Soạn câu 2 trang 51 SGK Ngữ văn 8 tóm tắt

- Thực ra, vì thế lực chưa đủ mạnh, nên hai triều đại trên vẫn phải dựa vào nơi hiểm yếu của vùng núi đá vôi Ninh Bình để dễ bề chống lại sự xâm lược của thế lực phương Bắc. Theo Lí Công Uẩn, kinh đô cũ ở vùng Hoa Lư (Ninh Bình) không còn thích hợp vì hai nhà Đinh, Lê đã làm theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không theo dấu cũ của Thương, Chu, "khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi".

3. Soạn câu 3 trang 51 SGK Ngữ văn 8 tóm tắt

Theo Lý Công Uẩn, những thuận lợi của thành Đại La:

- Ở nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi (thế đất đẹp theo quan niệm của thuật phong thủy).

- Có 4 ưu điểm là rộng rãi, bằng phẳng, cao ráo, thoáng đãng. Do đó dân không bị lụt, muôn vật phong phú, tốt tươi.

4. Soạn câu 4 trang 51 SGK Ngữ văn 8 tóm tắt

“Chiếu dời đô” là một bài văn nghị luận giàu sức thuyết phục bởi nó có sự kết hợp giữa lý và tình:

- Thứ tự trình bày lập luận:

+ Tác giả đã đưa ra những lí lẽ từ sách sử có ghi chép việc dời đô của thời trước đây, sau đó tác giả lấy lí lẽ khuôn thước ấy mà soi vào thực tế.

+ Đối chiếu với thực trạng hai nhà Đinh, Lê khi đóng đô ở Hoa Lư.

+ Đưa ra những ưu điểm về mặt địa hình và điều kiện tự nhiên của thành Đại La.

- Yếu tố về tình cảm:

+ Mục đích triều đại được trường tồn, trăm họ không hao tổn.

+ Dời đô nghĩa là thuận theo ý trời, noi gương lịch sử.

+ Tác giả bộc lộ sự thương xót cho trăm họ dưới triều Đinh, Lê.

+ Tôn trọng ý kiến của bề tôi - "Các khanh nghĩ thế nào?".

5. Soạn câu 5 trang 51 SGK Ngữ văn 8 tóm tắt

- Tác giả đã thể hiện khao khát muốn dời đô đến một nơi có thể phát triển đất nước về nhiều mặt, không đơn thuần, rập khuôn như những triều đại trước đây nữa. Dời đô từ vùng núi Hoa Lư ra vùng đồng bằng đất rộng chứng tỏ triều đình nhà Lý đủ sức chấm dứt nạn phong kiến cát cứ, thế và lực của dân tộc Đại Việt đủ sức sánh ngang hàng phương Bắc. Định đô ở Thăng Long là thực hiện nguyện vọng của nhân dân thu giang sơn về một mối, nguyện vọng xây dựng đất nước độc lập, tự cường.

6. Soạn câu luyện tập trang 52 SGK Ngữ văn 8 tóm tắt

- Chiếu dời đô có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa lý và tình theo mạch lập luận:

+ Tác giả đã đưa ra những yếu tố quan trọng và mục đích cho việc dời đô. Dời đô là để ở nơi có thể xây dựng và phát triển đất nước một cách tốt nhất.

+ Dẫn ra nhà Đinh, Lê tiền triều tự làm theo ý mình vẫn đóng đô ở Hoa Lư khiến có cho vận mệnh suy, dân không phát triển.

+ Khẳng định và ngợi ca vị thế của thành Đại La: vị trí địa lý, thế đất, thuận lợi giao thương phát triển kinh tế.

+ Vua Lý đánh giá Đại La là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương trời, là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn.

-> Bằng cách đưa ra những dẫn chứng cùng những lí lẽ sách sử tác giả Lí Công Uẩn đã làm nên một bài chiếu đầy tính thuyết phục. Chiếu dời đô có sức thuyết phục do nhà vua có tầm nhìn đúng đắn, sâu sắc về thành Đại La - Thăng Long. Lời dụ chiếu được trình bày qua lối văn biền ngẫu, đối thoại mở với bề tôi hợp lý, hợp tình.

Ngày:26/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM