Soạn bài Làng tóm tắt Ngữ văn 9 tóm tắt

Bài soạn Làng Ngữ văn 9 tập 1 giúp các em nắm được giá trị nội dung của truyện ngắn và những đặc sắc nghệ thuật trong truyện: xây dựng tình huống tâm lí, miêu tả sinh động diễn biến tâm trạng và ngôn ngữ nhân vật quần chúng. eLib đã biên soạn nội dung bài này một cách vắn tắt và dễ hiểu nhất. Mời các em tham khảo, chúc các em học tập tốt.

Soạn bài Làng tóm tắt Ngữ văn 9 tóm tắt

1. Soạn câu 1 trang 174 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

- Trong truyện ngắn Làng, Kim Lân đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống hết sức độc đáo để nhân vật tự bộc lộ tính cách, tâm trạng và nhất là tình yêu làng tha thiết của mình.

- Đó là việc ông Hai nghe được tin “thất thiệt”: làng Chợ Dầu thân yêu của ông đã phản bội lại Cách mạng đi theo Tây. Ông Hai là một lão nông, cần cù, chất phác, giàu lòng yêu quê hương, đi đâu ông cũng khoe về làng mình. Nhưng sau đó, ông Hai và gia đình phải bất đắc dĩ xa làng Chợ Dầu thân yêu, nỗi vui buồn trong quá khứ và hiện tại chứa chất đầy trong lòng ông. Ông thấp thỏm, lo âu ngóng tin về làng. Một hôm vô tình ông Hai gặp lại những người đồng hương từ Gia Lâm lên. Tưởng được nghe tin vui thắng trận, nhưng không thể tưởng tượng được là làng Chợ Dầu của ông theo Tây làm Việt gian. Từ đó, ông Hai sống trong cuộc, vò xé tâm can, ám ảnh khủng khiếp về sự thực đó. Ông trốn tránh, sợ hãi và cảm thấy nhục nhã, ê chề. Không những thế, tin đó còn đẩy gia đình ông và bà con làng Chợ Dầu lên đây ngụ cư vào một bi kịch mới: sống lang thang, không ai chịu chứa chấp. Nhưng, khi bi kịch lên tới đỉnh điểm thì ông Hai lại được giải thoát khỏi nỗi ám ảnh đó. Tin thất thiệt về làng ông được chính người chủ tịch làng có uy tín, đáng tin cậy “cải chính”. Ông Hai vui sướng không tả xiết, ông lại tiêp tục đi khoe với mọi người về làng Chợ Dầu của ông.

2. Soạn câu 2 trang 174 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện:

- Khi nghe được tin dữ đó ông Hai cảm thấy xấu hổ không dám ngẩng mặt lên nhìn ai, thậm chí ông còn không dám bước chân ra ngoài cả ba bốn hôm liền. Bởi ông không muốn đối diện với sự thực ấy, ông biết rằng đó là một thứ tội mà cả dân làng, cả đất nước này lên án: “Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”. Tâm trạng của ông ngày càng u uất, đau đớn đến quặn thắt. Lúc đầu khi mới nghe tin ông còn khóc được, có khi còn chửi thề được một câu chua chát. Nhưng nỗi đau đó hành hạ ông và khiến ông trở thành một con người lầm lũi, nơm nớp lo sợ, lúc nào cũng nghe ngóng xem ngươi ta đang bàn tán gì về cái làng Chợ Dầu và dân làng Chợ Dầu lên đây tản cư.

- Bi kịch của ông Hai được đẩy lên đến đỉnh điểm khi bà chủ nhà lên tiếng đuổi vợ chồng, con cái ông đi khỏi nhà bởi “không ai muốn chứa chấp cái lũ Việt gian bán nước”. Đó là bi kịch chung của những người dân làng Chợ Dầu đi tản cư. Họ đã bị cả xã hội lên án, ruồng rẫy, khinh bỉ. Ông Hai lại rơi vào một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt đế chọn cho cả gia đình nghèo khổ của ông một lối đi, một sự giải thoát. Là người đàn ông trụ cột trong gia đình, ông Hai chẳng thể làm gì hơn trước sự cư xử tàn nhẫn của bà chủ nhà, đang tâm cướp đi chỗ trú thân của gia đình ông. Một lần nữa, nỗi đau trong ông trào thành những giọt nước mắt tủi cực. Trong giây phút bế tắc ấy cũng chính là lúc ý nghĩ quay về làng Chợ Dầu vụt loé lên trong đầu ông. Thế mối biết làng luôn thường trực, ấp ủ trong trái tim dạt dào tình yêu của ông Hai. Ông yêu làng cả trong những lúc sung sướng, vui vẻ và cả những lúc đau đớn nhất, tủi hổ nhất.

- Nhưng rồi một ngày bi kịch của người yêu làng đến bỏng cháy như ông Hai đã được giải thoát. Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây, ông Hai đau đớn hơn ai hết vì thế khi cái tin thất thiệt “cả cái làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây” được cải chính thì ông Hai là người sung sướng nhất. Ông “tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”, mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ. Ông như trở lại đúng vói con người mình: hồ hởi thích “khoe” về làng. Ông Hai đi khắp làng bô bô thông báo tin vui mừng ấy. Cùng một câu nói (giống nhau tuyệt đối không khác một chữ) nhưng ông nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần, với một thái độ khẳng định dứt khoát “Tây nó đốt… Toàn là cái sự mục đích cả!”. Ông muốn báo cho cả làng, cả tổng thể làng Chợ Dầu của ông vẫn một lòng thuỷ chung với cách mạng không thể có chuyện theo Tây làm Việt gian. Mặc dù làng ông đã bị đốt sạch, đến nhà của ông cũng bị giặc đốt nhưng thông tin ấy lại làm ông sung sướng vô cùng bởi đó là bằng chứng cho tinh thần cách mạng của dân làng Chợ Dầu, trong đó có ông.

--> Kim Lân thành công trong việc khắc hoạ tính cách, tâm trạng, nhất là tình yêu làng của ông Hai. Bằng việc xây dựng tình huống truyện hết sức độc đáo, đặt nhân vật vào một bi kịch, tác giả đã để tự nhân vật bộc lộ tình yêu làng, yêu cách mạng của mình trong một cuộc giằng xé. Càng yêu làng bao nhiêu, ông Hai lại càng đau đốn khi nghe tin làng theo giặc bấy nhiêu. 

3. Soạn câu 3 trang 174 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

- Ông Hai thực sự bị đẩy vào sự bế tắc đến cùng cực. Có ai hiểu cho tấm lòng, trái tim đang quặn thắt của ông? Không ai cả. Bởi ông không muốn thấy thái độ khinh bỉ của mọi người. Ông lại càng không dám tâm sự nỗi lòng của mình lúc này. Bởi những ngươi làng Chợ Dầu như ông đang bị mọi người quay lưng lại, ghê tởm và khinh rẻ, không ai thèm nói chuyện với một “tội phạm” đang mắc trọng tội như ông. Chính vì vậy, ông đã tìm đến đứa con út còn nhỏ dại, ngây thơ rất đáng yêu để giãi bày, tâm sự, thô lộ lòng mình. Phải tìm đến đứa con nhỏ dại còn chưa biết đến thế nào là cách mạng, là Việt gian… để trút bầu tâm sự là minh chứng hùng hồn cho sự bế tắc đến cùng cực của ông.

- Nhưng cảm động nhất là ông tìm đến đứa con nhỏ cốt để khẳng định lại một lần nữa lòng sắt son trước sau như một của mình với kháng chiến, với Cụ Hồ. Mặc dù ông Hai đã phải đau đốn dứt khoát chấp nhận trong nước mắt “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Ông Hai yêu làng không chỉ bằng trái tim cháy bỏng mà con bằng khối óc sáng suốt.

- Đối với một đứa trẻ, tình yêu làng, ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh cũng hiến nhiên như việc con của u thầy hay quê ở làng Chợ Dầu vậy. Đáng yêu, xúc động và thiêng liêng biết bao. Câu trả lời của đứa bé làm người đọc bất ngờ và cảm động. Lời nói dứt khoát của một đứa trẻ thơ làm cho ông Hai giàn dụa nước mắt. Có lẽ ông khóc vì sung sướng, vì cảm động trước tấm lòng của một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng.

- Lời của đứa con út hay chính là lời từ đáy lòng ông Hai muốn gửi gắm? Ông hỏi không phải để tìm câu trả lời mà để “nói lòng mình, để minh oan cho mình nữa”. Ông Hai không còn cách nào để có thể bộc lộ nỗi u uất, sự đau đớn và cả tấm lòng sắt son của mình nên ông đành nhờ một đứa con thơ. Thì ra, trong lòng bố con ông, tình yêu với làng, thuỷ chung sắt son với cách mạng, với Cụ Hồ Chí Minh cũng tự nhiên, bình dị và tất yếu như tình yêu với cha mẹ vậy.

--> Qua lời tâm sự với đứa con út – thực chất là lời tự nhủ với chính mình của ông Hai, ta thấy ông là người có tình yêu làng sâu nặng và thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng. Đó là những tình cảm gắn bó chặt chẽ với nhau và rất đỗi thiêng liêng.

4. Soạn câu 4 trang 174 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

- Tác giả đặt nhân vật  vào tình huống thử thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trang.

- Tác giả miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ,... đặc biệt, diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

- Ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ, lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu, do truyện được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn của nhân vật ông Hai.

- Ngôn ngữ nhân vật ông Hai vừa có nét chung của người nông dân, lại mang đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động.

5. Soạn câu 1 luyện tập trang 174 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

- Đoạn văn:

"Cổ họng ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…"

---> Nghe tin làng mình theo giặc ông Hai vô cùng bất ngờ. Ông cảm thấy tuyệt vọng tột cùng làng của mình, dường như sự hụt hẫng về làng  kháng chiến mà ông tự hào bấy lâu nay, giờ trở thành hư vô.

6. Soạn câu 2 luyện tập trang 174 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

- Những truyện ngắn, bài thơ viết về tình cảm quê hương, đất nước: Tre Việt Nam (Nguyễn Duy), Quê hương (Đỗ Trung Quân).

- Nét riêng của truyện ngắn Làng:

+ Tình yêu làng trở thành niềm hãnh diện.

+ Tình yêu làng, yêu nước phải thống nhất với tinh thần kháng chiến.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM