Bài 2: Logic học và ngôn ngữ, ý nghĩa của logic học

Nội dung bài giảng Logic học Bài 2: Logic học và ngôn ngữ, ý nghĩa của logic học cung cấp các kiến thức về khái niệm logic học và ngôn ngữ, phân loại ngôn ngữ và ý nghĩa của logic học. Để nắm nội dung chi tiết bài giảng, mời các bạn cùng eLib tham khảo nhé!

Bài 2: Logic học và ngôn ngữ, ý nghĩa của logic học

1. Logic học và ngôn ngữ

Logic học là môn khoa học nghiên cứu các hình thức và quy luật logic của tư duy, qua đó khẳng định tính đúng đắn của tư duy, khi các tiền đề của tư duy là chân thực và quá trình tư duy tuân thủ đúng đắn các quy tắc và quy luật lôgíc thì kết luận sẽ chân thực.

Còn ngôn ngữ là phương tiện vật chất đặc biệt để diễn đạt các hình thức và quy luật của tư duy nói riêng, diễn đạt tư duy nói chung. Nó là phương tiện hình thành, gìn giữ và chuyển giao thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cầu nối cho sự hiểu biết lần nhau giữa người và người, giữa các dân tộc trên trường quốc tế. Ngôn ngữ logic học cũng dựa vào ngôn ngữ tự nhiên để hình thành và phát triển. Do vậy, có thể nói, ngôn ngữ là hình thức vật chất của tư duy nói chung và của các quy luật và hình thức của tư duy nói riêng.

Ngôn ngữ được chia thành hai loại: ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ nhân tạo.

  • Ngôn ngữ tự nhiên hình thành trong lịch sử bao gồm hệ thông thông tin ký hiệu âm thanh đặc biệt và sau đó là chữ viết. Ngôn ngữ tự nhiên được sử dụng trong lĩnh vực đời sống xã hội của các dân tộc xuất hiện trong thực tiễn và do nhu cầu giao tiếp của con người. Nó rất phong phú có khả năng hiếu thị đa dạng và rộng rãi các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Từ (hay cụm từ), câu (hay mệnh đề) là những hình thức cơ bản của ngôn ngữ tự nhiên được thường xuyên sử dụng nhằm diễn đạt các hình thức và quy luật logic.
  • Ngôn ngữ nhân tạo là hệ thống ký hiệu bổ trợ cho ngôn ngữ tự nhiên bằng cách riêng, trên cơ sở của ngôn ngữ tự nhiên nhằm đơn giản hóa và chính xác hóa việc chuyển giao các thông tin khoa học và các thông tin khác. Nó được sử dụng rộng rãi trong các ngành khoa học kỹ thuật hiện đại, như toán học, vật lý học, hóa học, máy tính điện tử... Logic hình thức sử dụng ngôn ngữ nhân tạo để phân tích về mặt lý thuyết kết cấu logic của tư duy.

Ngôn ngữ và các hình thức, quy luật logic của tư duy không đồng nhất với nhau.

Ngôn ngữ là phương tiện hay hình thức vật chất để diễn đạt các hình thức và quy luật logic của tư duy. Các dân tộc khác nhau có ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt tư duy. Còn các hình thức và quy luật logic của tư duy thì lại phố biến đối với tư duy của các dân tộc trên thế giới, phổ biến đối với tư duy của loài người.

2. Ý nghĩa của logic học

Trong quá trình tồn tại và phát triển của loài người và mỗi cá nhân con người, trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, tư duy của con người phụ thuộc vào các quy luật lôgic và diễn ra dưới các hình thức lôgic của tư duy.

  • Quy luật lôgic và các hình thức lôgic của tư duy là cái phổ biến diễn ra trong tư duy của nhân loại. Điều này cũng nói lên rằng con người suy nghĩ một cách lôgic ngay cả khi không biết rằng tư duy của mình phụ thuộc vào các quy luật lôgic. Nói tóm lại, người ta có kinh nghiệm lôgic trước khi nghiên cứu môn lôgic học và vận dụng lôgic học ở trình độ hệ thống lý luận và khoa học. Bởi vậy. chúng ta có thể nói rằng, trước hết lôgic học có vai trò tổng kết kinh nghiệm lôgic. Khoa học lôgic như ánh sáng mới chiếu rọi vào những điều đã quen biết và thực hành tư duy hàng ngày.
  • Từ thực tiễn kinh nghiệm được tổng kết, con người trừu tượng hóa, xây dựng cơ sở của lâu dài lý luận và khoa học lôgic, các phạm trù, nguyên lý, quy luật cơ bản của tư duy lôgíc hình thành. Từ đó xây dựng nên các học thuyết từ lý thuyết tổng quát đến các lý thuyết chuyên biệt và quay về với kinh nghiệm, thực tiễn.
  • Xuất phát từ hệ thống lý luận và khoa học đó, lôgic học tiến hành xem xét, đánh giá kinh nghiệm thông thường, phát hiện những bản chất sâu sắc hơn và chỉ đạo quá trình tạo lập kinh nghiệm mới, quá trình tư duy mới.
  • Lôgic học lý thuyết và khoa học về lôgic thực sự là người hướng dẫn, chỉ đường cho nhận thức và hoạt động thực tiễn đúng đắn.

Từ đó, chúng ta có thể nói một cách vắn tắt ý nghĩa của lôgic học như sau:

  • Một là, việc nghiên cứu lôgic học giúp tư duy con người chủ động - tự giác và thông minh hơn, góp phần thể hiện tính chính xác, tính triệt để, tính có căn cứ, chứng minh được các lập luận, nâng cao hiệu quả và tính thuyết phục của các tư tưởng.
  • Hai là, việc nghiên cứu khoa học lôgíc giúp con người tìm kiếm những con đường ngắn nhất, đúng đắn nhất và hiệu qua nhất để đạt tới chân lý khách quan.
  • Ba là, việc nghiên cứu lôgic học giúp chúng ta phát hiện ra những sai lầm lôgic của chúng ta và người khác, cũng như để tránh khỏi sai lầm lôgic đó vô tình hay hữu ý phạm phải.

Tư duy lôgic là tư duy chính xác, tuân thủ các quy luật và hình thức lôgic trên cơ sở tiền đề tư duy chân thực, giúp con người không phạm phải sai lầm trong lập luận, biết phát hiện ra mâu thuẫn. Phẩm chất đó của tư duy có giá trị to lớn trong hoạt động khoa học và thực tiễn, trong toàn bộ quá trình sống của con người. Tất nhiên, tư duy lôgic của con người không phải là bẩm sinh, mà do rèn luyện mà hình thành. Sự rèn luyện đó qua thực tiễn hoạt động của con người và trong giao tiếp của họ, thông qua việc học tập, nghiên cứu có hệ thống các lý luận của khoa học lôgic. Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin phát triển như vũ bão và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế hiện đang diễn ra trên thế giới, tư duy lôgic càng cần thiết hơn bao giờ hết nhằm nhận thức đúng đắn thực tế khách quan, giúp con người tìm ra con đường gần nhất tới chân lý và sự phát triển, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc nắm vững các quy luật logic cùng các hình thức tư duy logic. Vì vậy, có vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, trong hoạt động lý luận và thực tiễn để nhận thức chân lý và cải tạo thế giới.

Nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo, eLib đã tổng hợp nội dung bài giảng Bài 2: Logic học và ngôn ngữ, ý nghĩa của logic học môn Logic học và chia sẻ đến các bạn trên đây. Hy vọng tư liệu này giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.

Ngày:10/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM