Sinh học 8 Bài 10: Hoạt động của cơ
Trong bài học này các em được tìm hiểu hoạt động sinh ra công của cơ, nguyên nhân mỏi cơ qua đó đưa ra được các biện pháp khắc phục mỏi cơ, các hoạt động rèn luyện cơ thích hợp để cơ thể khoẻ mạnh làm việc hiệu quả cao.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Công cơ
- Khi cơ co tạo ra một lực tác động vào vật làm vật di chuyển tức là đã sinh ra công
- Công sử dụng để vận động và lao động
+ Cách tính: A = F.s
1J = 1 N.m
- Công của cơ phụ thuộc vào các yếu tố:
- Trạng thái thần kinh.
- Nhịp độ lao động.
- Khối lượng của vật.
1.2. Sự mỏi cơ
Sự mỏi cơ là hiện tượng cơ làm việc nặng và lâu → biên độ co cơ giảm dần và ngừng hẳn.
a. Nguyên nhân:
- Khi sự oxy hóa các chất dinh dưỡng do máu mang tới tạo ra năng lượng cung cấp cho sự co cơ đồng thời sản sinh ra nhiệt và chất thải là CO2.
- Nếu lượng oxy cung cấp thiếu thì sản phẩm tạo ra trong điều kiện yếm khí là axit lactic tăng và năng lượng sinh ra ít. Axít lactic bị tích tụ sẽ đầu độc làm mỏi cơ.
⇒ Nguyên nhân là do:
- Lượng ôxi cung cấp cho cơ thiếu.
- Năng lượng cung cấp ít.
- Sản phẩm tạo ra là axit lactic gây đầu độc cơ.
b. Biện pháp:
- Khi mỏi cơ cần được nghỉ ngơi, thở sâu kết hợp với xoa bóp cho máu lưu thông nhanh. Sau khi chạy nên đi bộ từ từ đến khi hô hấp trở lại bình thường mới nghỉ ngơi và xoa bóp.
- Để lao động có năng suất cao cần làm việc nhịp nhàng vừa sức.
- Rèn luyện cơ thể thường xuyên thông qua lao động thể dục thể thao.
1.3. Thường xuyên luyên tập rèn luyện cơ
- Khả năng co cơ của người phụ thuộc vào những yếu tố:
- Thần kinh: tinh thần sảng khoái, ý thức cố gắng.
- Thể tích của cơ: Bắp cơ lớn thì khả năng co cơ mạnh.
- Lực của cơ co.
- Khả năng dẻo, dai.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao vừa sức có tác dụng:
- Tăng thể tích cơ bắp.
- Tăng lực co cơ, cơ thể phát triển cân đối.
- Xương cứng chắc, hoạt động tuần hoàn, hô hấp tiêu hóa có hiệu quả.
- Tinh thần sảng khoái, năng suất lao động cao.
2. Bài tập minh họa
Cần làm gì để hết mỏi cơ? Rèn luyện cơ bằng cách nào?
Hướng dẫn giải:
- Khi mỏi cơ cần được nghỉ ngơi, thở sâu kết hợp với xoa bóp cho máu lưu thông nhanh. Sau hoạt dộng chạy (khi tham gia thể thao) nên đi bộ từ từ đến khi hô hấp trở lại bình thường mới nghỉ ngơi và xoa bóp.
- Để lao động năng suất cần làm việc nhịp nhàng, vừa sức để đảm bảo khối lượng và nhịp co cơ thích hợp. Rèn luyện thân thể thông qua lao động, thể thao làm tăng dần khả năng co cơ và sức chịu đựng của cơ.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Công của cơ được sử dụng vào mục đích nào?
Câu 2: Hãy giải thích nguyên nhân của sự mỏi cơ.
Câu 3: Nêu những biện pháp để tăng cường khả năng làm việc của cơ và các biện pháp chống mỏi cơ.
Câu 4: Hằng ngày tập thể dục đều đặn và dành 30 phút buổi chiều để tham gia thể thao. Chú ý đừng vui chơi quá sức, ảnh hưởng đến lao động và học tập. Hãy theo dõi sự phát triển của cơ sau 3 tháng.
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Hiện tượng mỏi cơ có liên quan mật thiết đến sự sản sinh loại axit hữu cơ nào ?
A. Axit axêtic.
B. Axit lactic.
C. Axit malic.
D. Axit acrylic.
Câu 2: Để tăng cường khả năng sinh công của cơ và giúp cơ làm việc dẻo dai, chúng ta cần lưu ý điều gì ?
A. Tắm nóng, tắm lạnh theo lộ trình phù hợp để tăng cường sức chịu đựng của cơ.
B. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
C. Lao động vừa sức.
D. Tất cả các đáp án trên.
Câu 3: Khi bị mỏi cơ, chúng ta cần làm gì ?
A. Nghỉ ngơi hoặc thay đổi trạng thái cơ thể.
B. Xoa bóp tại vùng cơ bị mỏi để tăng cường lưu thông máu.
C. Thở sâu.
D. Tất cả các đáp án trên.
Câu 4: Công của cơ phụ thuộc vào các yếu tố:
A. Trạng thái thần kinh.
B. Nhịp độ lao động.
C. Khối lượng của vật.
D. Tất cả các đáp án trên.
Câu 5: Điền từ còn thiếu vào chỗ trống sao cho phù hợp:
… là hiện tượng cơ làm việc nặng và lâu làm cho biên độ co cơ giảm dần và ngừng hẳn.
A. Sự co cơ.
B. Sự mỏi cơ.
C. Hoạt động của cơ.
D. Sự dãn cơ.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này các em cần:
- Chứng minh được cơ co sinh ra công, công của cơ được sử dụng vào lao động và di chuyển.
- Trình bày được nguyên nhân của sự mỏi cơ và nêu các biện pháp chống mỏi cơ.
- Nêu được lợi ích của sự luyện tập cơ từ đó mà vận dụng vào đời sống thường xuyên luyện tập TDTT.