Địa lí 8 Bài 28: Đặc điểm địa hình Việt Nam

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về đặc điểm địa hình Việt Nam trong chương trình Địa lí 8, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 28 Địa lí 8. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 8 Bài 28: Đặc điểm địa hình Việt Nam

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của cấu trúc địa hình Việt Nam 

Địa hình nước ta rất đa dạng.

- Đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ 

  • Chủ yếu đồi núi thấp chiếm 85% diện tích
  • Núi cao trên 2000m chỉ chiếm 1%
  • Đồi núi tạo thành một cánh cung lớn hướng ra biển đông.

- Đồng bằng lớn:

  • Đồng bằng sông Hồng
  • Đồng bằng sông Cửu Long
  • Đồng bằng chiếm 1/4 diện tích lãnh thổ đất liền và bị đồi núi ngăn cách thành nhiều khu vực

Ngoài ra còn các đảo và quần đảo.

Hình 28.1. Lược đồ địa hình Việt Nam

1.2. Địa hình nước ta được tân kiến tạo nâng lên và tạo thành nhiều bậc kế tiếp nhau

  • Địa hình nước ta do giai đoạn Cổ kiến tạo và Tân kiến tạo dựng lên.
  • Cổ kiến tạo: các vùng núi bị ngoại lực bào mòn phá huỷ tạo nên những bề mặt san bằng, thấp, thoải.
  • Tân kiến tạo: Địa hình nước ta nâng cao và phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau: đồi núi, đồng bằng, thềm lục địa.
  • Địa hình thấp dần từ nội địa ra biển, cao ở Tây Bắc thấp dần ở Đông Nam.
  • Địa hình nước ta chủ yếu theo 2 hướng Tây Bắc Đông Nam và vòng cung, ngoài ra còn có một số hướng khác trong phạm vi hẹp.

1.3. Địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới gió mùa và chịu tác động mạnh mẽ của con người

  • Địa hình nước ta luôn bị biến đổi mạnh mẽ.
  • Do tác động mạnh mẽ của môi trường nhiệt đới gió mùa ẩm và do sự khai phá của con người.
  • Đã xuất hiện ngày càng nhiều các địa hình nhân tạo (cac công trình kiến trúc đô thị, hầm mỏ, giao thông, đê, đập, kênh rạch,.) trên đất nước ta.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy tìm trên hình 28.1 (SGK trang 103) một số nhánh núi, khối núi lớn ngăn cách và phá vỡ tính liên tục của dải đồng bằng ven biển nước ta.

Gợi ý làm bài

Một số nhánh núi, khối núi lớn ngăn cách và phá vỡ tính liên tục của dải đồng bằng ven biển nước ta: Hoành Sơn, Bạch Mã, một số nhánh núi từ dãy Trường Sơn Nam đâm ra biển, nơi có đèo Cù Mông, đèo Cả...

Câu 2: Em hãy tìm trên hình 28.1 (SGK trang 103) các vùng núi cao, các cao nguyên ba dan, các đồng bằng trẻ, phạm vi thềm lục địa. Nhận xét về sự phân bố và hướng nghiêng của chúng. 

Gợi ý làm bài

Hình 28.11 (SGK):

- Vùng núi cao: dãy Hoàng Liên Sơn

- Các cao nguyên ba dan: Đắk Lắk, Plây Ku, Kon Tum, Lâm Viên, Mơ Nông, Di Linh.

- Các đồng bằng trẻ: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Duyên hải miền Trung.

- Phạm vi thềm lục địa: mở rộng ở Bắc Bộ và Nam Bộ, thu hẹp ở miền Trung.

=> Nhận xét: địa hình núi ở nước ta có hai hướng chủ yếu là tây bắc - đông nam và vòng cung. Núi, cao nguyên phân bố chủ yếu ở phía tây của lãnh thổ, đồng bằng phân bố chủ yếu ở phía đông.

Câu 3: Em hãy cho biết khi rừng bị con người chặt phá thì mưa lũ sẽ gây ra hiện tượng gì? Bảo vệ rừng có những lợi ích gì?

Gợi ý làm bài

- Khi rừng bị con người chặt phá thì mưa lũ sẽ gây ra hiện tượng: xói mòn đất, đất trượt, núi lở, lũ lụt, lũ đá.

- Lợi ích của việc bảo vệ rừng:

+ Hạn chế xói mòn rửa trôi bề mặt đất, bảo vệ đất.

+ Chống trượt lở đất đá.

+ Điều hòa dòng chảy nước góp phần hạn chế lũ lụt.

+ Bảo vệ nguồn nước ngầm.

+ Bảo vệ đa dạng sinh vật, các nguồn gen qúy.

+ Rừng là lá phổi xanh có tác dụng điều hòa khí quyển, cân bằng hệ sinh thái.

3. Kết luận

- Trình bày và giải thích được đặc điểm chung của địa hình Việt Nam.

- Địa hình đa dạng, đồi núi là bộ phận quan trọng nhất, chủ yếu là đồi núi thấp.

- Địa hình phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau.

- Hướng nghiêng của địa hình là hướng tây bắc - đông nam.

- Hai hướng chủ yếu của địa hình là tây bắc - đông nam và vòng cung.

- Địa hình mang tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm.

Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM