Sinh học 9 Bài 35: Ưu thế lai

Trong bài học này, các em sẽ được tìm hiểu về khái niệm và nguyên nhân của ưu thế lai, từ đó biết được trong thực tế ưu thế lai được ứng dụng như thế nào để phục vụ cho mục đích của con người.

Sinh học 9 Bài 35: Ưu thế lai

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Ưu thế lai là gì?

- Khái niệm: Ưu thế lai là hiện tượng cơ thể lai F1 có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, chống chịu tốt hơn, các tính trạng năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội hơn cả hai bố mẹ.

Hiện tượng ưu thế lai ở ngô  a và c) Cây và bắp ngô ở 2 dòng tự thụ phấn  b) Cây và bắp ngô ở cây F1

- Ưu thế lai được tạo ra khi lai các dòng thuần có kiểu gen khác nhau.
+ Ví dụ:

  • AAbbDDeegg × aaBBddEEGG
  • aabbddEEgg × AABBDDeeGG

- Ưu thế lai cũng được biểu hiện khi lai giữa các thứ hoặc các nòi với nhau. Giữa hai loài khác nhau cũng có thể tạo ưu thế lai (Vịt × Ngan).

1.2. Nguyên nhân của hiện tượng ưu thế lai

- Khi các dòng thuần mang gen trội về một số tính trạng nào đó lai với nhau thì ở cơ thể lai F1 sẽ tập trung đầy đủ các gen trội có lợi từ bố và mẹ, lấn át sự biểu hiện của các gen lặn có hại.
+ Ví dụ

- Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở F1 sau đó giảm dần qua các thế hệ vì tỉ lệ dị hợp giảm (hiện tượng thoái hóa).
- Muốn duy trì ưu thế lai phải sử dụng phương pháp nhân giống vô tính như giâm, chiết, ghép, nuôi cấy mô…
- Ưu thế lai thường xuất hiện khi lai các tính trạng số lượng (tính trạng do nhiều gen quy định).

1.3. Các phương pháp tạo ưu thế lai

a. Các phương pháp tạo ưu thế lai ở cây trồng

- Có 2 phương pháp tạo ưu thế lai ở cây trồng: lai khác dòng và lai khác thứ.

+ Lai khác dòng: tạo 2 dòng tự thụ phấn rồi cho giao phối với nhau.

  • Ví dụ: Ngô lai F1 năng suất cao hơn 20-30% so với giống hiện có.

+ Lai khác thứ: kết hợp giữa tạo ưu thế lai và tạo giống mới.

  • Ví dụ: Lúa DT17 tạo ra từ tổ hợp lai giữa giống lúa DT10­ (năng suất cao) với OM80 (chất lượng cao) có năng suất và chất lượng cao.

- Phương pháp lai khác dòng thường được sử dụng nhiều hơn để tạo ưu thế lai trong trồng trọt vì phương pháp này tạo ra nhiều giống cây trồng cho năng suất cao hơn so với các giống cây thuần tốt nhất.

b. Phương pháp tạo ưu thế lai ở vật nuôi

- Lai kinh tế: Là cho giao phối giữa 2 cặp vật nuôi bố mẹ khác nhau rồi dùng con lai F1 làm sản phẩm (không dùng làm giống).

  • Ví dụ: Lợn ỉ Móng Cái × lợn Đại bạch → lợn lai, khối lượng mới sinh nặng 0,8kg, tăng khối lượng nhanh, tỉ lệ nạc cao.

2. Bài tập minh họa

Cho các dòng gen sau đây: AABbDD, AaBBDD, AAbbDD, Aabbdd, aaBBdd, aabbdd. Chọn ngẫu nhiên 2 dòng gen cho lai với nhau. Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở con lai của phép lai nào? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Thế hệ F1 ở phép lai giữa 2 dòng thuần AAbbDD × aaBBdd biểu hiện ưu thế lai rõ nhất, vì F1 đồng nhất 100% về kiểu gen và kiểu hình, đồng thời ở con lai mang đầy đủ các gen trội từ bố và mẹ, biểu hiện tính trạng vượt trội hơn cả bố và mẹ.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Ưu thế lai là gì? Cho biết cơ sở di truyền của hiện tượng trên? Tại sao không dùng con lai F1 để nhân giống? Muốn duy trì ưu thế lai thì phải dùng biện pháp gì?

Câu 2: Trong chọn giống cây trồng, người ta dùng phương pháp gì để tạo ưu thế lai? Phương pháp nào được dùng phổ biến nhất, tại sao?

Câu 3: Lai kinh tế là gì? Ở nước ta, lai kinh tế được thực hiện dưới hình thức nào? Cho ví dụ.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất khi thực hiện phép lai giữa:

A. Các cá thể khác loài
B. Các dòng thuần có kiểu gen khác nhau
C. Các cá thể được sinh ra từ một cặp bố mẹ
D. Hoa đực và hoa cái trên cùng một cây

Câu 2: Để tạo ưu thế lai, khâu quan trọng đầu tiên là

A. Lai khác dòng
B. Lai kinh tế
C. Lai phân tích
D. Tạo ra các dòng thuần

Câu 3: Trong việc tạo ưu thế lai, lai thuận và lai nghịch giữa các dòng thuần chủng có mục đích

A. phát hiện biến dị tổ hợp.

B. xác định vại trò của các gen di truyền liên kết với giới tính.

C. đánh giá vai trò của chất tế bào lên sự biểu hiện tính trạng.

D. để tìm tổ hợp lai có giá trị kinh tế nhất.

Câu 4: Phương pháp nào dưới đây không được sử dụng để tạo ưu thế lai?

A. Lai khác dòng đơn.

B. Lai khác dòng kép.

C. Giao phối gần.

D. Lai kinh tế.

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bày và phân tích được nguyên nhân của ưu thế lai.
  • Giải thích được tại sao không sử dụng con lai F1 biểu hiện ưu thế lai làm giống. 
Ngày:08/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM