Sinh học 9 Bài 53: Tác động của con người đối với môi trường

Qua nội dung Bài 53: Tác động của con người đối với môi trường giúp các em tìm hiểu về quá trình sinh trưởng và phát triể của con người qua các thời kì xã hội. Đồng thời nắm được những tác động của con người đến môi trường xung quanh. Từ đó giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sống.

Sinh học 9 Bài 53: Tác động của con người đối với môi trường

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tác động của con người với môi trường.

Con người trải qua các thời kì lịch sử khác nhau đã tác động đến môi trường sống.

a. Thời kì nguyên thủy

  • Biết dùng lửa để nấu ăn, sưởi ấm và xua đuổi thú dữ.
  • Đốt rừng, đào hố săn bắt thú dữ → giãm diện tích rừng.

b. Xã hội nông nghiệp

- Con người đã bắt đầu biết trồng cây lương thực như: lúa, ngô … và chăn nuôi dê, cừu, lợn, bò …

→ chặt phá rừng và đốt rừng lấy đất canh tác, chăn thả gia súc.

Đốt rừng làm nương rẫy

- Hoạt động cày xới đất canh tác → thay đổi đất và nước tầng mặt → nhiều vùng đất bị khô cằn, suy giảm độ màu mỡ. 
- Nền nông nghiệp hình thành → định cư → rừng chuyển đổi thành các khu dân cư và khu sản xuất nông nghiệp.  
+ Lợi ích: tích lũy thêm nhiều giống cây trồng, vật nuôi và hình thành các hệ sinh thái trồng trọt.

Giống cây trồng

Giống vật nuôi

c. Xã hội công nghiệp

- Tạo ra nhiều máy móc, khai thác tài nguyên nhiều, đô thị hóa ngày càng tăng, khu công nghiệp phát triển → diện tích đất ngày càng thu hẹp.

Khu công nghiệp Vsip

- Lượng rác thải lớn → môi trường ô nhiễm.

Xã hội công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

+ Lợi ích: 

  • Cải tạo môi trường
  • Sản xuất nhiều loại phân bón, thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật   ​ \(\rightarrow\)  tăng sản lượng lương thực và khống chế nhiều loại dịch bệnh.
  • Nhiều giống vật nuôi và cây trồng quý hiếm được lai tạo và nhân giống.

1.2. Vai trò của con người trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên

- Nhiều hoạt động của con người tác động tới môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái môi trường. Tuy nhiên, với sự hiểu biết ngày càng tăng, con người đã và đang nỗ lực khắc phục tình trạng đó, đồng thời bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên.

+ Những biện pháp chính:

  • Hạn chế phát triển dân số quá nhanh.
  • Sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên.
  • Bảo vệ các loài sinh vật.
  • Phục hồi và trồng rừng mới.
  • Kiểm soát và giảm thiểu các nguồn chất thải gây ô nhiễm.
  • Hoạt động khoa học của con người góp phần cải tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao.

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Trong xã hội nông nghiệp, khi con người biết chăn nuôi, trồng trọt đã tác động tới môi trường như thế nào?

Hướng dẫn giải:

- Trong xã hội nông nghiệp, con người đã biết trồng trọt và chăn nuôi. Họ trồng ngũ cốc, đỗ, lạc vừng, một số cây ăn quả, các loại rau..., họ chăn nuôi một số gia súc, chủ yếu là chó, dê, cừu, bò...
- Nền nông nghiệp phát triển đã đem lại một lượng lương thực, thực phẩm dồi dào hơn thời kì nguyên thuỷ và đồng hành với điều đó là dân số gia tăng.

- Sự phát triển này đã:

+ Dẫn con người tới viêc chặt phá rừng, đốt rừng để lấy đất canh tác và chăn thả gia súc. Một số rừng nguyên sinh và nhiều diện tích rừng bị biến thành đất trồng trọt và bãi chăn thả gia súc. Diện tích rừng bị thu hẹp không ít.
+ Hoạt động cày xới đất trồng trọt đã làm thay đổi đất và nước tầng mặt, gây ra nhiều vùng đất bị khô cằn và suy giảm độ màu mỡ.
+ Cùng với sự phát triển chăn nuôi và trồng trọt, con người đã sống định cư và do đó nhiều diện tích rừng bị biến thành các khu dân cư và khu sản xuất nông nghiệp.

- Tuy vậy, ở thời kì này, tác động của con người vào tự nhiên còn yếu so với thời kì sau.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Con người đã tác động đến môi trường qua các thời kì phát triển như thế nào?

Câu 2: Trong thời kì nguyên thủy, khi con người biết dùng lửa đã tác động đến môi trường như thế nào?

Câu 3: Tác động của con người tới môi trường tự nhiên là gì? có lợi hay có hại?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Nền sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn xã hội công nghiệp được tiến hành chủ yếu bằng các phương tiện:

A. Thủ công

B. Bán thủ công

C. Sức kéo động vật

D. Cơ giới hoá

Câu 2: Cách sống của con người trong thời kì nguyên thuỷ là:

A. Săn bắt động vật hoang dã

B. Săn bắt động vật và hái lượm

C. Đốt rừng và chăn thả gia súc

D. Khai thác khoáng sản và đốt rừng

Câu 3: Con người bắt đầu chăn thả gia súc và trồng trọt ở giai đoạn nào dưới đây?

A. Thời kì nguyên thuỷ

B. Xã hội công nghiệp

C. Xã hội nông nghiệp

D. Khai thác khoáng sản và đốt rừng

Câu 4: Tác động đáng kể nhất của con người đối với môi trường trong thời kì nguyên thuỷ là:

A. Hái lượm cây rừng và săn bắt động vật hoang dã

B. Biết dùng lửa nấu chín thức ăn và sưởi ấm cơ thể, xua thú dữ

C. Trồng cây lương thực

D. Chăn nuôi gia súc

Câu 5: Thành quả kĩ thuật được xem là quan trọng tạo tạo điều kiện để con người chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng máy móc là:

A. Chế tạo ra máy hơi nước

B. Chế tạo ra các động cơ điện

C. Sản xuất ra máy bay và tàu thuỷ

D. Chế tạo ra xe ô tô

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần nắm được các yêu cầu sau:

  • Giúp các em chỉ ra được các hoạt động của con người làm thay đổi thiên nhiên từ đó ý thức được trách nhiệm của bản thân, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường cho hiện tại và tương lai.
  • Rèn cho các em kĩ năng thu thập thông tin từ sách báo, hoạt động nhóm, khái quát kiến thức.
  • Giáo dục cho các em lòng yêu thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên.
Ngày:21/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM