Địa lí 9 Bài 38: Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - đảo

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - đảo trong chương trình Địa lí 9, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 38 Địa lí 9. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 9 Bài 38: Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - đảo

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Biển và đảo Việt Nam

a. Vùng biển nước ta

- Việt Nam có đường bờ biển dài 3260km và vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2.

- Vùng biển nước ta là một bộ phận của biển Đông, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

- Cả nước có 28 (trong số 63) tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển.

Sơ đồ cắt ngang vùng biển Việt Nam

b. Các đảo và quần đảo

- Vùng biển nước ta có hơn 4000 đảo lớn nhỏ.

   + Hệ thống đảo ven bờ của nước ta phân bố tập trung nhất ở vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang.

   + Các đảo lớn có dân cư khá đông: Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Lí Sơn.

   + Các đảo xa bờ: đảo Bạch Long Vĩ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Các đảo có nhiều tiềm năng du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.

Lược đồ một số đảo và quần đảo Việt Nam

1.2. Phát triển tổng hợp kinh tế biển

Sơ đồ các ngành kinh tế biển ở nước ta

a. Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản

  • Điều kiện phát triển:

- Tổng trữ lượng hải sản khoảng 4 triệu tấn.

- Vùng biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trên 100 loài tôm, nhiều loài đặc sản như hải sâm, bào ngư… tạo điều kiện cho đánh bắt hải sản.

- Ven biển có nhiều vũng vịnh, cửa sông, đầm, phá,…thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.

  • Tình hình phát triển:

- Ngành thủy sản đã phát triển tổng hợp cả khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản.

- Khai thác thủy sản còn nhiều bất hợp lý, chủ yếu đánh bắt gần bờ.

  • Phương hướng phát triển:

+ Ngành thủy sản ưu tiên phát triển khai thác hải sản xa bờ.

+ Nuôi trồng thủy sản đang được đẩy mạnh phát triển.

+ Phát triển đồng bộ và hiện đại hóa công nghiệp chế biến hải sản.

b. Du lịch biển – đảo

  • Điều kiện phát triển:

- Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú: 120 bãi cát rộng, dài, phong cảnh đẹp từ Bắc vào Nam.

- Nhiều đảo ven bờ có phong cảnh kì thú, hấp dẫn khách du lịch.

  • Tình hình phát triển:

- Du lịch biển được phát triển nhanh trong những năm gần đây.

- Hạn chế: du lịch chỉ mới khai thác hoạt động tắm biển, chưa đa dạng hoá và tạo nhiều sản phẩm du lịch.

2. Luyện tập

Câu 1: Quan sát hình 38.1, hãy nêu giới hạn từng bộ phận của vùng biển nước ta.

Gợi ý làm bài

Giới hạn từng bộ phận của vùng biển nước ta:

Vùng biển của nước ta bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải,vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Nội thủy: vùng nước tiếp giáp với đất liền và ở phía trong đường cơ sở.

 - Lãnh hải: vùng biển có chiều rộng 12 hải lí, tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới phía ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.

- Vùng tiếp giáp lãnh hải: vùng biển có chiều rộng 12 hải lí, tính từ ranh giới phía ngoài của lãnh hải ra phía biển.

- Vùng đặc quyền kinh tế: vùng biển phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển rộng 200 hải lí, tính từ đường cơ sở.

-  Vùng thềm lục địa: gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế, có độ sâu khoảng 200m hoặc hơn nữa, thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam.

Câu 2: Dựa vào hình 38.3 và kiến thức đã học, hãy nêu những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển ở nước ta.

Gợi ý làm bài

a) Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản:

- Vùng biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trong đó khoảng 110 loài có giá trị kinh tế như cá nục, cá trích, cá thu, cá ngừ, cá hồng,... Trong biển có trên 100 loài tôm, một số loài có giá trị xuất khẩu cao như tôm he, tôm hùm, tôm rồng. Ngoài ra còn có nhiều loài đặc sản như hải sâm, bào ngư, sò huyết,... 

 - Tổng trữ lượng hải sản khoảng bốn triệu tấn (trong đó 95,5% là cá biển), cho phép khai thác hàng năm khoảng 1,9 triệu tấn.

- Cả nước có 4 ngư trường trọng điểm: Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa -Vũng Tàu, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Cà Mau - Kiên Giang.

- Ven biển có nhiều vũng vịnh, đầm phá, cửa sông, rừng ngập mặn...thuận lợi để nuôi trồng thủy sản.

b) Du lịch biển - đảo

- Dọc bờ biển nước ta, suốt từ Bắc vào Nam có trên 120 bãi cát rộng, dài, phong cảnh đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng.

- Nhiều đảo ven bờ có phong cảnh kì thú, hấp dẫn khách du lịch. Đặc biệt, vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

c) Khai thác và chế biến khoáng sản biển:

- Biển nước ta  là nguồn muối vô tận, dọc bờ biển nhiều vùng có điều kiện thuận lợi để sản xuất muôi. Hằng năm các cánh đồng muối cung cấp hơn 900 nghìn tấn muối, các cánh đồng muối nổi tiếng là Cà Ná, Sa Huỳnh.

- Dầu khí là tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất ở thềm lục địa phía Nam. Nước ta có 8 bể trầm tích: sông Hồng, Hoàng Sa, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chinh- Vũng Mây, Trường Sa, Thổ Chu -Mã Lai; trong đó hai bể trầm tích lớn nhất là Nam Côn Sơn và Cửu Long.

- Vùng biển nước ta nhiều sa khoáng với trữ lượng công nghiệp: titan, cát thủy tinh (Quảng Ninh, Khánh Hòa).

d) Giao thông vận tải biển:

- Nước ta nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông.

- Dọc bờ biển có nhiều cửa sông, vũng vịnh kín gió, thuận lợi xây dựng các cảng nước sâu (cảng Hải Phòng, Cái Lân, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu,..).

Câu 3: Tại sao cần ưu tiên phát triên khai thác hải sản xa bờ?

Gợi ý làm bài

Cần ưu tiên phát triên khai thác hải sản xa bờ vì:

- Hiện nay, nguồn hải sản ven bờ nước ta đang dần cạn kiệt do tình trạng khai thác quá mức và trái phép.

- Khuyến khích đánh bắt xa bờ nhằm khai thác hợp lí và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nước ta. Đồng thời còn giúp bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.

Câu 4: Ngoài hoạt động tắm biển, chúng ta còn có khả năng phát triển các hoạt động du lịch biển nào khác?

Gợi ý làm bài

Ngoài hoạt động tắm biển, chúng ta còn có khả năng phát triển các hoạt động du lịch biển khác như: lặn, thể thao trên biển (lướt sóng).

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Biết được tên và vị trí của các đảo và quần đảo lớn.

- Phân tích ý nghĩa kinh tế của biển, đảo đối với việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.

- Trình bày các hoạt động khai thác tài nguyên biển đảo như khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, du lịch biển – đảo.

Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM