Nghị luận văn học lớp 9

Những bài văn mẫu lớp 9 được biên soạn theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình sách giáo khoa lớp 9. eLib tập hợp các đề văn mẫu bám sát nội dung chương trình môn Ngữ văn lớp 9 để các em tham khảo và rèn luyện kỹ năng viết của mình, biết cách dẫn dắt vấn đề, phát triển vấn đề dựa trên những gì đã được học. Chúc các em học tốt!

1. Giới thiệu văn mẫu nghị luận văn học 9

Lớp 9 là một giai đoạn đánh dấu bước trưởng thành về cả nhận thức và kỹ năng của tất cả các em học sinh. Lúc này các em đang đứng trước một kì thi quan trọng đó là kì thi 9 vào 10. Để thi tốt kì thi này thì các em phải học rất nhiều môn khác nhau trong đó có môn Ngữ văn. Hơn nữa Ngữ Văn 9 là một môn học khó và được tổng hợp từ nhiều kiến thức khác nhau về đọc hiểu và làm văn. Vì vậy mà nhiều em vô cùng lo lắng, đặc biệt là trong các dạng đề nghị luận văn học, các em thường lúng túng, không biết sẽ bắt đầu như thế nào và triển khai ra sao cho hợp lý, vừa đảm bảo đúng, đủ nội dung và thể hiện được sự sinh động và hấp dẫn trong bài viết của mình. Nắm bắt được những khó khăn đó, eLib đã tổng hợp và chia sẻ đến các em Hệ thống bài văn mẫu nghị luận văn học lớp 9 với những bài văn hay nhất, sáng tạo nhất. Tin rằng, đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em học tập, ôn luyện hiệu quả. Mời các em tham khảo nội dung từng bài văn chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Một số yêu cầu về kĩ năng làm bài nghị luận văn học 9

- Bài văn nghị luận văn học cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học.Trong quá trình viết bài văn nghị luận văn học, muốn chứng minh một cách thuyết phục sự thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật ở tác phẩm văn học thì cần xác định trúng cái hay, cái lạ của các phương thức, thủ pháp nghệ thuật (cách dùng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu,… trong thơ; cách miêu tả nhân vật, dẫn dắt cốt truyện,… trong tác phẩm tự sự) cũng như mối quan hệ của nó với chủ đề tư tưởng của tác phẩm; từ đó khẳng định được rằng việc tác giả lựa chọn sử dụng hình thức nghệ thuật ấy là “phương án tối ưu” để thể hiện nội dung (ví dụ: với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình trong Truyện Kiều, Nguyễn Du được đánh giá là bậc thầy về nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,…).

- Để phân tích, lí giải thấu đáo vấn đề cần nghị luận, cần đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể và ý đồ sáng tác của nhà văn. Mỗi nhà văn đều gắn với một thời đại, một bối cảnh xã hội – lịch sử nhất định. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, được nhà văn sáng tạo trong một hoàn cảnh cụ thể và gửi gắm vào đó những nhận thức, những tình cảm,… của mình đối với cuộc sống và con người. Do đó, trong quá trình nghị luận, người viết không chỉ tiếp xúc với văn bản tác phẩm mà còn cần phải tìm hiểu, xem xét các yếu tố ngoài văn bản như bối cảnh xã hội, trào lưu văn học, hoàn cảnh sáng tác,… để có thể đưa ra những lí giải thấu đáo. Ví dụ: Bàn về số phận của người nông dân Việt Nam trong các tác phẩm Lão Hạc (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố) cần liên hệ với hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 để ,lí giải vì sao các nhân vật lão Hạc, chị Dậu bị đẩy vào con đường cùng quẫn, bế tắc. Khi phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khi con tu hú cần liên hệ với hoàn cảnh người tù cộng sản đang bị giam cầm nơi ngục tù, trong khi cuộc đấu tranh cách mạng ở bên ngoài đang diễn ra sục sôi,… để lí giải tâm trạng khao khát muốn được thoát khỏi ngục tù, vượt ra ngoài với bầu trời tự do của nhân vật trữ tình. Hoặc khi phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ cần liên hệ với hoàn cảnh sáng tác (nhà thơ Thanh Hải viết bài thơ này trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi ông đang nằm trên giường bệnh) để khẳng định ý nghĩa sâu sắc và cảm động của khát vọng sống và cống hiến của một con người dù là lúc tuổi đôi mươi hay là “khi tóc bạc” và cận kề cái chết vẫn muốn được làm một “mùa xuân nho nhỏ” để “lặng lẽ dâng cho đời”.

- Cùng với việc giảng giải, phân tích, cần liên hệ mở rộng và vận dụng thao tác so sánh cũng như khả năng cảm thụ văn chương và vốn tri thức về nhiều lĩnh vực để khái quát, tổng hợp nên những kết luận, đánh giá nhằm khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần nghị luận. Ví dụ: Khi phân tích hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, cần đặt bài thơ vào hoàn cảnh đất nước trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; liên hệ, so sánh với những thành công, hạn chế của dòng thơ viết về anh bộ đội lúc bấy giờ để đánh giá được những đóng góp đáng ghi nhận của nhà thơ Chính Hữu.

- Trong bài nghị luận văn học, hệ thống luận điểm cần rõ ràng, mạch lạc; các luận cứ đưa ra phải đúng đắn, sinh động; lập luận phải chặt chẽ, thuyết phục. Các ý trong bài văn được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, liên kết thành một hệ thống chặt chẽ, mạch lạc. Bài văn nghị luận văn học vừa yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của nhũng luận cứ, vừa đòi hỏi tính khái quát của các luận điểm. Nếu sa vào liệt kê dẫn chứng cụ thể mà không rút ra được những nhận định, đánh giá khái quát thì sẽ không làm nổi bật được vấn đề cần nghị luận và không gây được ấn tượng cho người đọc. Do vây, việc kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, bình giảng,… các chi tiết, hình ảnh cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà HS cần rèn luyện.

- Cách diễn đạt trong bài nghị luận văn học cần chuẩn xác, trong sáng, thê hiện những rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết. Khi viết một bài văn nghị luận văn học, yêu cầu đặt ra không chỉ ở chỗ viết cái gì mà quan trọng còn là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Cần cân nhắc từ cách dùng từ đến cách đặt câu, dựng đoạn. Ngôn từ, giọng văn phải làm sao vừa phù hợp với thể văn nghị luận, vừa diễn tả được các cung bậc cảm xúc của người viết. Cần lưu ý rằng cách thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ diễn đạt trong nghị luận văn học không giống với văn miêu tả, văn biểu cảm (với các câu cảm thán kiểu “Chao ôi!”, “Đẹp làm sao!”,…) mà phải là những rung cảm trong tâm hồn người viết, được hình thành trong quá trình người viết tiếp xúc và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

3. Các dạng bài nghị luận văn học lớp 9

3.1. Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Trong nghị luận văn học có một kiểu bài khá quen thuộc: nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích). Đối tượng nghị luận của kiểu bài này là các tác phẩm tự sự (có thể là tác phẩm trọn vẹn hoặc đoạn trích), sau đây gọi chung là tác phẩm truyện.

a. Hình thức nghị luận

- Nghị luận về tác phẩm truyện khá phong phú, có thể bao gồm:

+ Phân tích tác phẩm truyện (phàn tích giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của truyện (hoặc một đoạn trích); phân tích nhân vật; phân tích một đặc điểm nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích);…);

+ Phát biểu cảm nghĩ vể tác phẩm truyện (cảm nghĩ về tác phẩm (đoạn trích); cảm nghĩ về một nhân vật; cảm nghĩ về một chi tiết đặc sắc;…);

+ Bình luận về tác phẩm truyện (bình luận về một nhân vật, một chủ đề của tác phẩm truyện,…).

- Việc phân định, tách bạch ranh giới giữa các hình thức nghị luận nêu trên chỉ là tương đối, trong thực tế có thể đan xen các hình thức nói trên. Tuỳ vào từng yêu cầu cụ thể của đề bài mà xác định mức độ, phạm vi, hình thức nghị luận chính cũng như sự kết hợp các hình thức nghị luận khác.

b. Các bước triển khai bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

- Xây dựng dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến đánh giá chung nhất vể tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) được nghị luận. Hoặc: Giới thiệu nội dung nghị luận; dẫn ra tác phẩm cẩn nghị luận.

+ Thân bài: Hệ thống luận điểm của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đóạn trích) có thể được hình thành dựa trên:

  • Nội dung được tác giả đề cập tới trong tác phẩm (hoặc đoạn trích).
  • Giá trị của tác phẩm (hoặc đoạn trích) (bao gồm giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật; nếu bàn về giá trị nội dung thì tập trung vào giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo,…; nếu bàn về giá trị nghệ thuật thì tập trung vào kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ, tình huống,…).
  • Trong quá trình triển khai luận điểm, cần sử dụng một hệ thống luận cứ phong phú, xác đáng để minh hoạ nhằm tăng thêm độ tin cậy và sức thuyết phục cho những ý kiến đánh giá về tác phẩm.

+ Kết bài: Nêu khái quát nhận định, đánh giá chung về tác phẩm truyện (đoạn trích).

- Triển khai luận điểm: Các luận điểm có thể được triển khai theo hình thức diễn dịch, quy nạp hoặc tổng- phân- hợp,… Cần bám sát những chi tiết, những hình ảnh được coi là đặc sắc, có giá trị nhất trong tác phẩm để khai thác. Khi làm bài, cần thể hiện những suy nghĩ, những cảm xúc riêng được hình thành trong quá trình tiếp cận, khám phá tác phẩm.

- Viết thành bài văn hoàn chỉnh: Để bài văn có tính liên kết chặt chẽ giữa các phần, các đoạn, cần quan tâm sử dụng các hình thức chuyển ý (có thể thông qua các từ ngữ chuyển tiếp như: mặt khác, bên cạnh đó, không chì… mù còn… hoặc chuyển ý thông qua các câu văn có ý nghĩa liên kết giữa các đoạn).

c. Một số điểm cần lưu ý khi viết bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

- Nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần rõ ràng, chính xác, có lập luận thuyết phục xuất phát những đánh giá về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm (hoặc đoạn trích). Những nhận xét, đánh giá này có thể hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: từ những rung động, xúc cảm của bản thân người viết khi tiếp cận và khám phá tác phẩm; từ những nhận xét, đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học,… Việc phối hợp, dung hoà các điểm nhìn, các ý kiến trên sẽ góp phần làm cho nội dung nhận xét, bình luận về tác phẩm thêm xác đáng, sâu sắc, toàn diện, tránh được sự suy diễn theo ý chủ quan của người viết. Các nhận xét, đánh giá ấy phải được thể hiện thành những luận điểm và sắp xếp theo một trình tự chặt chẽ, lô-gíc.

- Trong quá trình nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích), cần sử dụng phương pháp liên hệ, so sánh, đối chiếu (liên hệ với cuộc đời và phong cách sáng tác của tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm; liên hệ, so sánh, đối chiếu với các tác phẩm khác cùng đề tài, cùng chủ đề;…). Nếu nghị luận về một đoạn trích của tác phẩm truyện thì phải đặt đoạn trích ấy trong mối quan hệ với chỉnh thể tác phẩm (về cả kết cấu nghệ thuật cũng như nội dung chủ đề), trên cơ sở đó mà phân tích, đánh giá, khẳng định vị trí, vai trò của đoạn trích trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Lời văn trong bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) phải vừa linh hoạt, khúc chiết, chặt chẽ để đảm bảo đặc trưng của văn nghị luận, vừa phải có sự uyển chuyển, tinh tế cho phù hợp với đối tượng nghị luận là tác phẩm văn học.

3.2. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của người viết về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy. Hình thức chính của kiểu bài nghị luận này là phân tích hoặc bình giảng.

a. Các bước triển khai bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

- Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đưa ra ý kiến khái quát nhất thể hiện cảm nhận và suy nghĩ của người viết về đoạn thơ, bài thơ. Hoặc: Giới thiệu đề tài (hoặc chủ đề) và vị trí của mảng đề tài (hoặc chủ đề) ấy trong dòng chảy văn học, trên cơ sở đó dẫn ra tác phẩm và nêu nhận xét, đánh giá chung.

+ Thân bài: Triển khai các luận điểm chính của bài viết. Các luận điểm cần được sắp xếp theo trình tự hợp lí, có hệ thống và đảm bảo tính liên kết.

+ Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ; từ đó nhấn mạnh ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ đối với sự nghiệp sáng tác của tác giả, đối với nền văn học và đối với bạn đọc…

- Triển khai luận điểm:

+ Mỗi luận điểm nên viết thành một đoạn văn và cần lựa chọn cách triển khai đoạn văn hợp lí (diễn dịch, quy nạp hoặc tổng- phân- hợp,…). Trong đoạn văn triển khai luận điểm, các luận cứ phải cụ thể, rõ ràng kèm theo các dẫn chứng minh hoạ sinh động. Lời văn phải thể hiện được cảm xúc của người viết đối với đối tượng nghị luận (đoạn thơ, bài thơ).

+ Trong quá trình triển khai luận điểm, cần chú ý:

  • Việc trích dẫn thơ để minh hoạ cho ý kiến nhận xét, đánh giá phải có sự chọn lọc, tránh trích dẫn tràn lan.
  • Những câu thơ, đoạn thơ trích dẫn phải được phân tích, bình giảng để làm nổi bật cái hay, cái đẹp, cái độc đáo. Có thể vận dụng haì hình thức trích dẫn thơ: dẫn trực tiếp (trích nguyên vẹn cả câu thơ, đoạn thơ) hoặc dẫn gián tiếp (nêu ý của lời thơ).

b. Một số lưu ý khi viết bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

- Trong quá trình nghị luận để rút ra những nhận xét, đánh giá về tư tượng, tình cảm cũng như giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ, HS cần thể hiện được năng lực cảm thụ văn chương (khả năng thẩm bình để tìm được cái hay, cái đẹp của thơ) và khả năng diễn đạt, tạo lập văn bản: vừa súc tích, chặt chẽ, thể hiện chính kiến của người viết (yếu tố nghị luận) lại vừa gợi cảm, sinh động, thể hiện sự rung động đối với tác phẩm (yếu tố văn chương).

- Thơ thuộc phương thức trữ tình, là cách biểu đạt bằng lời trực tiếp của chủ thể trữ tình, được thể hiện dưới hình thức cái tôi trữ tình hoặc hoá thân vào một nhân vật trữ tình. Do đó, nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần khai thác được mạch cảm xúc và tư tưởng của cúi tôi trữ tình trong tác phẩm. Muốn vậy, cần nhận ra được đó là lời của ai, tức là xác định chủ thể trữ tình trong dạng nhân vật trữ tình nào. Sự nhận biết này thường thông qua hệ thống ngôn từ, giọng điệu, qua những từ ngữ dùng để xưng hô trong bài thơ (nhân vật người cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt; tôi – ta trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải… ); hoặc là sự hoá thân của nhà thơ vào một nhân vật trữ tình để thể hiện tâm trạng nhân vật – còn gọi là cái tôi nhập vai (bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận…). Có trường hợp, trong bài thơ, ngoài cái tôi trữ tình chủ thể còn có một vài nhân vật khác, là đối tượng giao tiếp và đối tượng cảm xúc của chủ thể trữ tình (người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, vầng trăng trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy…). Và nhiều khi, cái tôi trữ tình lại có vai trò là đường viền để làm nổi bật nhân vật được gọi là đối tượng cảm xúc của chủ thể trữ tình này (Bếp lửa).

- Kết cấu là yếu tố thứ hai cần khai thác trong kiểu bài nghị luận về một bài thơ. Có nhiều cách kết cấu đối với tác phẩm trữ tình, nhưng về cơ bản thì kết cấu bài thơ chính là mạch diễn biến tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nếu bố cục của một bài thơ là hình thức tổ chức bề mặt của nó (có thể chia tách được thành các khổ, các đoạn thơ) thì kết cấu lại là toàn bộ tổ chức phức tạp của bài thơ, bao gồm mọi yếu tố và tầng bậc của tác phẩm. Kết cấu chi phối việc tổ chức mọi yếu tố của tác phẩm (ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, cảm xúc,…) nhưng yếu tố cơ bản quy định kết cấu bài thơ lại chính là mạch diễn biến của cảm xúc, thể hiện thông qua hệ thống ngôn ngữ, hình tượng thơ. Nói đến kết cấu, cũng cần đề cập tới hai khái niệm: tứ và cấu tứ. Hiểu một cách đơn giản, tứ là sự hoá thán của ý tưởng và cảm xúc vào hình tượng thơ; còn cấu tứ là cách tổ chức tứ thơ. Một tứ thơ hay phải là tứ thơ tạo ra sự mới lạ, độc đáo, đem lại cho độc giả những bất ngờ thú vị thông, quạ việc tạo .tình huống nghệ thuật. Ví dụ: Bài Ánh trăng có tứ thơ độc đáo xoay quanh hai nhân vật chính là người và trăng, và sự thay đổi trong; mối quan hệ giữa hai nhân vật này được đặt trong các chặng thời gian khác nhau: Thuở nhỏ, thời chiến tranh ở rừng; thời hoà bình về thành phố… Để rồi trong tình huống bất ngờ “Thình lình đèn điện tắt”, vầng trăng tình nghĩa đột ngột xuất hiện đối diện với người.vô tình, như là sự khơi gợi, nhắc nhớ về nghĩa tình, về sự thuỷ chung đối với quê hương, đồng đội, với nhân dân, với quá khứ…

- Ngôn ngữ thơ là yếu tố thứ ba cần được quan tâm khai thác trong quá trình nghị luận đối với tác phẩm trữ tình. Trong thơ, ngôn ngữ có chức năng biểu hiện, cụ thể là tâm trạng, cảm xúc, suy tư của chủ thể trữ tình. Khi phân tích ngôn ngữ thơ, cần chú ý khai thác các biện pháp nghệ thuật tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ, câu hỏi tu từ,…),…

- Để sự phân tích, đánh giá, nhận xét thêm sâu sắc, người viết có thể viện dẫn ý kiến của người khác (thường là ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học). Đồng thời, trong khi phân tích, đánh giá đoạn thơ, bài thơ, cần có sự lịên hệ, so sánh, đối chiếu với những câu thơ, đoạn thơ, bài thơ khác cùng đề tài (có thể của cùng tác giả hoặc của tác giả khác) để nội dung phân tích, bàn luận được sâu sắc, toàn diện hơn.

4. Những lưu ý quan trọng để đạt điểm cao bài nghị luận văn học lớp 9

4.1. Đọc nhiều để trau dồi vốn từ ngữ phong phú

Với trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng cho rằng một trong những vấn đề mấu chốt giúp học sinh viết văn hay cũng như có khả năng cảm thụ tốt đó là nhờ vào vốn từ ngữ phong phú. Bên cạnh đó học sinh phải có vốn hiểu biết rộng, nghĩa là phải biết quan sát đời sống xung quanh, các hiện tượng thực tế và từ đó suy ngẫm về chúng để tích lũy vốn sống cho mình. Thầy Hùng chia sẻ: “Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, văn chương được cấu tạo từ chất liệu là từ ngữ, các câu văn và các đoạn văn. Do đó để viết văn hay thì chúng ta cần phải có sự tích lũy vốn từ ngữ sao cho thật phong phú và giàu có. Để tích lũy vốn từ ngữ một cách bài bản, đầy đủ và có hệ thống thì thầy khuyên các con phải đọc thường xuyên. Đọc để biết cách dùng từ, các cấu trúc câu hay cách diễn đạt ấn tượng, vì thế khi đọc chúng ta phải có ý thức tìm hiểu và gom góp vốn từ thì những từ ngữ đó mới lưu lại trong đầu của mình.” Vì vậy trong quá trình đọc học sinh cần lựa chọn nên đọc cái gì, với học sinh thì nên ưu tiên đọc sách về tác phẩm văn học để tiếp thu kiến thức, vốn từ cũng như gia tăng khả năng cảm thụ tác phẩm văn học. Ngoài ra để mở rộng phạm vi vốn từ ngữ thì học sinh nên đọc thêm báo, tạp chí và sách tham khảo liên quan đến văn học; thường xuyên xem thời sự để cập nhật các vấn đề mới của xã hội.

4.2. Xác định đúng yêu cầu của đề, viết đúng chủ đề

Một bài văn nghị luận văn học được đánh giá là hay thì trước hết phải viết đúng chủ đề và phải bám sát vào tác phẩm văn học mà đề yêu cầu, các luận điểm phải nêu bật được chủ đề chính của bài văn. Ví dụ đề yêu cầu là phân tích tinh thần yêu nước của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân thì học sinh phải gắn liền nhân vật với tác phẩm để phân tích và đưa ra các dẫn chứng là các trích đoạn trong tác phẩm để làm sáng tỏ cho luận điểm của mình và thuyết phục được người đọc. Hoặc đối với tác phẩm thơ cũng tương tự như vậy, nên có trích dẫn thơ và bám sát vào đó để đưa ra ý kiến bình luận, diễn giải ý.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng mà các em phải lưu ý trong quá trình học và viết văn là phải làm sao để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nghĩa là phải dùng từ sao cho chuẩn, có nghĩa và dễ hiểu.  Ngoài ra trong quá trình viết văn đảm bảo bài văn đúng chủ đề, đầy đủ ý, các câu văn và đoạn văn mạch lạc, có sự liên kết với nhau, muốn bài văn thu hút được người đọc người nghe thì cần phải có khâu lập dàn ý. Việc lập dàn ý có thể làm phác thảo nhanh trên giấy, còn với những học sinh có kỹ năng và năng khiếu viết văn tốt thì có thể lập dàn ý trước ở trong đầu. Tránh trường hợp đặt bút viết bừa theo cảm hứng sẽ khiến bài văn bị lan man, dễ lạc đề.

4.3. Nắm chắc các kỹ năng cơ bản

Ngoài kiến thức và vốn từ ngữ thì học sinh phải có các kỹ năng cơ bản để viết bài văn hay và thuyết phục. Ví dụ: Với một tác phẩm thơ thì cần phải tìm hiểu các hình ảnh thơ, từ ngữ, nhịp điệu, cách gieo vần, biện pháp nghệ thuật của bài thơ. Để từ đó tìm ra được cảm xúc của nhân vật trữ tình và ý tứ mà tác giả gửi gắm trong bài thơ. Còn với một tác phẩm văn xuôi thì cần tập trung vào phân tích nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, các chi tiết trong tác phẩm. Để từ đó làm sáng rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm đó. Tóm lại với mỗi một thể loại văn học, một tác phẩm cụ thể thì học sinh cần phải biết vận dụng thao tác phù hợp để làm nổi bật được cái hay, cái đẹp của tác phẩm cũng như giá trị văn học của chúng. Từ đó mới thuyết phục được người đọc, người nghe.

4.4. Luyện viết nhiều

Để viết văn tốt, tiến bộ nhanh thì học sinh phải thường xuyên luyện tập, viết nhiều, đọc nhiều sẽ giúp tăng vốn từ cũng như khả năng diễn đạt, kết hợp các phương pháp làm văn thuần thục hơn. Đặc biệt, trong quá trình viết, các em cũng thấy được những hạn chế của bản thân để khắc phục, triển khai bài tốt hơn trong các bài viết sau.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM