Phân tích khổ 2 và 3 trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
eLib xin gửi đến các em bài văn mẫu phân tích khổ 2 và 3 trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải nhằm giúp các em có thể hệ thống hóa được nội dung chính của hai khổ thơ này. Cùng eLib tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
a. Mở bài:
- Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Thanh Hải (đặc điểm về con người, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác,...).
- Giới thiệu khái quát về bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" (hoàn cảnh sáng tác bài thơ, xuất xứ, khái quát những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ,...).
- Giới thiệu khái quát về khổ 2 và khổ 3 của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ".
b. Thân bài:
- Vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:
+ Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận và tái hiện khung cảnh mùa xuân của đất nước qua hai hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng là "người cầm súng" và "người ra đồng".
+ "Người cầm súng" và "người ra đồng" là hai hình ảnh biểu tượng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của đất nước ta ở thời điểm bài thơ ra đời.
+ Hình ảnh "người cầm súng" lại đi liền với hình ảnh "lộc giắt đầy quanh lưng" đã gợi cho người đọc liên tưởng đến những vòng lá ngụy trang của người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận.
+ Hình ảnh "người ra đồng" được sử dụng kết hợp với hình ảnh "lộc trải dài nương mạ" gợi liên tưởng đến những cánh đồng tươi tốt, xanh thẳm, màu mỡ.
+ Điệp từ "mùa xuân" và điệp từ "lộc" đã gợi lên quang cảnh mùa xuân tươi đẹp đang vươn ra những chồi lộc non và đồng thời cũng gợi lên thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Điệp từ "tất cả" được kết hợp với những từ láy "hối hả", "xôn xao" làm cho nhịp thơ trở nên gấp gáp, gợi một nhịp sống sôi động, hối hả, khẩn trương.
- Niềm tự hào, niềm tin vào tương lai tươi sáng của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước:
+ Nhà thơ Thanh Hải đã nhắc lại chặng đường 4000 năm của đất nước thông qua hệ thống các tính từ "vất vả", "gian lao".
+ Hình ảnh so sánh "đất nước như vì sao" đã mở ra nhiều liên tưởng độc đáo và giàu ý nghĩa: vừa gợi đến nguồn sáng trường tồn mãi với không gian, thời gian, vừa gợi lên niềm tin của tác giả về một tương lai tươi sáng, rộng mở của đất nước với khí thế mạnh mẽ không gì cản nổi.
+ Cấu trúc song hành "đất nước bốn ngàn năm", "đất nước như vì sao" đã diễn tả sự vận động đi lên của lịch sử và là lời khẳng định về sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước.
+ Cụm từ "cứ đi lên phía trước" như một lời khẳng định, một sự thể hiện ý chí và lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá về tương lai tươi sáng, tốt đẹp của quê hương, đất nước.
c. Kết bài:
- Khái quát những giá trị đặc sắc về nội dung, giá trị nghệ thuật của khổ 2, khổ 3 của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" và nêu cảm nhận của bản thân.
2. Cảm nhận khổ thơ thứ 2 và 3 trong tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ - Bài văn mẫu số 1
Với những vẫn thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu cùng cảm xúc chân thành và đằm thắm, những trang viết của nhà thơ Thanh Hải luôn nhẹ nhàng đi vào lòng người và để lại ấn tượng sâu sắc. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" là một trong số những sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Hải. Ra đời trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Thanh Hải, bài thơ như một sự tổng kết về cuộc đời của nhà thơ và gửi gắm những lẽ sống cao cả và đẹp đẽ. Đặc biệt, thông qua khổ 2 và khổ 3 của bài thơ, người đọc sẽ cảm nhận được rõ nét cảm xúc của nhà thơ trước khung cảnh mùa xuân của đất nước.
Nếu khổ thơ thứ nhất của bài thơ đã mở ra khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên thì khổ thơ thứ hai đã mở ra khung cảnh mùa xuân của đất nước.
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao"
Mùa xuân của đất nước với hai hình ảnh rõ nét nhất là “người cầm súng”, “người ra đồng”. Hai hình ảnh ấy biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động xây dựng đất nước. Một mặt, ý thơ nói lên một tinh thần yêu nước của mỗi con người; mặc khác, ý thơ cũng khắc họa rõ hình ảnh các chiến sĩ và các nông dân vẫn miệt mài làm việc chỉ mong đất nước được bình yên và gia đình được ấm no. Mượn ảnh “lộc” non của mùa xuân nhằm ca ngợi người cầm súng, người ra đồng quả thực rất mới lạ, tinh tế và tài tình của nhà thơ.
Có phải mùa xuân của đất trời đọng lại trong hình ảnh lộc non đã theo “người cầm súng”, “người ra đồng” hay chính là họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước? Con người, trong cuộc sống lao động và chiến đấu đang góp phần làm nên một mùa xuân yên ổn, ấm no cho dân tộc. Không khí mùa xuân với nhịp điệu vừa hối hả vừa những âm thanh con xao. Một không khí khẩn trương lại sôi động của cuộc sống mới.
Sau bao nhiêu năm tháng vất vả, đau thương, hôm nay, dân tộc ta đón chào mùa xuân bằng một tấm lòng yêu nước nồng nhiệt. Mỗi con người yêu nước một cách sâu sắc, xem đất nước như một điều gì đó thiêng liêng quá thể:
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
“Bốn nghìn năm” vĩnh tồn, đất nước như những vì sao càng ngắm nhìn càng thấy tỏa sáng, càng thêm tự hào. Một quá trình vất vả và gian lao để có thể tồn tại lâu như thế. Ta cũng có thể hiểu rằng tác giả mong muốn đất nước ta sẽ có một tầm nhìn lạc quan và tươi sáng. Mong muốn rằng tương lai đất nước sẽ ngày một tỏa sáng hơn.
Câu thơ “Cứ đi lên phía trước” nghe thấy cứ như một câu khuyên nhủ ta cứ bước đi. Chỉ cần một câu nói ấy đã có thể khích lệ tinh thần cho các chiến sĩ bên ngoài chiến trường. Điều đó cũng thể hiện dân tộc Việt Nam yêu nước một cách sâu sắc và cũng biết quan tâm tới nhau. Tình cảm giữa người với người đã được hiện hữu đâu đây. Đó là một điều tuyệt vời mà Thanh Hải đã ẩn chứa trong bài thơ.
Thể thơ năm chữ được tác giả vận dụng nhuần nhuyễn thành công. Lời thơ trong sáng, truyền cảm và giàu hình tượng. Phép đối, điệp từ, so sánh và nhân hóa được sử dụng một cách điêu luyện diễn tả cảm hứng yêu nước, tự hào của nhà thơ, tạo nên những vần thơ có nhạc điệu tha thiết dạt dào.
Có gì đẹp hơn mùa xuân? Có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu thiên nhiên, đất nước? Cảm ơn nhà thơ Thanh Hải để lại một đoạn thơ nói về mùa xuân rất hay. Chúng ta ước mong mỗi con người hãy trở thành “một mùa xuân nho nhỏ" để góp phần làm đẹp đất nước, quê hương hôm nay và ngày mai.
3. Bình giảng khổ thơ 2 và 3 của bài Mùa xuân nho nhỏ - Bài văn mẫu số 2
“Mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác năm 1980, khi nhà thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ không chỉ là cảm xúc về một mùa xuân tươi xanh mà còn là lẽ sống cao đẹp cùng với tình yêu quê hương, đất nước thiết tha. Lẽ sống và tình yêu ấy được nhà thơ thể hiện hết sức chân thành và cảm động ở khổ thơ 2 và 3 của bài thơ.
Bài thơ bắt đầu bằng những cảm xúc trực tiếp, hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên tươi xanh, gieo vào lòng người sức sống tràn trề của hoa tươi, cỏ biếc. Từ vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất trời, nhà thơ nghĩ ngợi về mùa xuân của đất nước, mùa xuân trong lòng người:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Có thể thấy, nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận và tái hiện khung cảnh mùa xuân của đất nước qua hai hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng là "người cầm súng" và "người ra đồng". Người đọc dễ dàng nhận thấy, "người cầm súng" và "người ra đồng" là hai hình ảnh biểu tượng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của đất nước ta ở thời điểm bài thơ ra đời đó chính là cùng lúc vừa chiến đấu ở tiền tuyến vừa lao động, sản xuất để xây dựng hậu phương vững chắc. Đặc biệt, hình ảnh "người cầm súng" lại đi liền với hình ảnh "lộc giắt đầy quanh lưng" đã gợi cho người đọc liên tưởng đến những vòng lá ngụy trang của người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận như đang nảy lên những chồi non xanh mơn mởn cùng các anh ra trận, mùa xuân như đang về trên khắp mọi nơi, mọi nẻo đường. Còn hình ảnh "người ra đồng" được sử dụng kết hợp với hình ảnh "lộc trải dài nương mạ" gợi liên tưởng đến những cánh đồng tươi tốt, xanh thẳm, màu mỡ được những bàn tay khéo léo, chăm chỉ, cần mẫn của những người lao động chăm bón và tạo nên. Tất cả những hình ảnh và sự kết hợp độc đáo ấy đã gợi lên một bức tranh mùa xuân tràn đầy sắc xanh, tươi mới và tuyệt diệu. Thêm vào đó, khổ thơ còn sử dụng điệp từ "mùa xuân" và điệp từ "lộc" đã gợi lên quang cảnh mùa xuân tươi đẹp đang vươn ra những chồi lộc non và đồng thời cũng gợi lên thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khổ thơ khép lại với những dòng thơ sử dụng điệp từ "tất cả" đi liền với những từ láy "hối hả", "xôn xao" làm cho nhịp thơ trở nên gấp gáp, gợi một nhịp sống sôi động, hối hả, khẩn trương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Sức sống của mùa xuân đất nước không chỉ cảm nhận trong nhịp điệu hối hả, trong âm thanh xôn xao. Mà đất nước được hình dung bằng một hình ảnh so sánh đẹp:
“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Hình ảnh so sánh gợi liên tưởng đến vẻ đẹp, ánh sáng và hy vọng. “Đất nước bốn nghìn năm”, hóa thành những vì sao đi lên, bay lên, ngời sáng lung linh. Cảm xúc của nhà thơ đối với đất nước: say mê, tự hào, tin tưởng con người và cuộc sống của quê hương, đất nước khi vào xuân.
"Mùa xuân nho nhỏ" là một sáng tạo bất ngờ, độc đáo mà tự nhiên, hợp lý của nhà thơ, bởi mùa xuân vốn là một khái niệm chỉ thời gian thế mà ở đây "mùa xuân" lại có khối, có hình, một hình hài nho nhỏ thật xinh xắn. Mùa xuân đã trở thành một ẩn dụ nói về khát vọng, một lẽ sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường góp sức mình làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên, đất nước. Điệp từ "dù là" đặt ở đầu hai câu thơ liên tiếp có ý nghĩa khẳng định cho khát vọng dâng hiến miệt mài, không mệt mỏi của tác giả.