Tổng hợp các đoạn văn ngắn nghị luận về tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm

Dưới đây là tổng hợp các đoạn văn nghị luận ngắn về tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ Ngữ văn 9 của Nguyễn Khoa Điềm. eLib đã biên soạn những đề văn mẫu này nhằm giúp các em nắm được cách viết một đoạn văn nghị luận ngắn và ôn tập lại kiến thức cũ. Mời các em tham khảo bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tổng hợp các đoạn văn ngắn nghị luận về tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm

1. Đoạn văn 1

Hát ru không đơn thuần là để giúp cho bé dễ ngủ, ngủ sâu. Nội dung chứa đựng trong những khúc hát ru biểu hiện những tình cảm có giá trị nhân văn: tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa con người với con người. Khi nghe hát ru, trẻ cảm nhận được tình cảm thương yêu, trìu mến, nâng niu của bà, của mẹ. Không những thế, khi tuổi thơ được tắm đẫm trong những lời hát ru ngọt ngào, đứa trẻ sẽ được lớn lên trong sự hồn nhiên, nhân cách của đứa trẻ được hình thành một cách tự nhiên trong sự gắn bó, yêu thương không chỉ giữa người với người mà còn với cả thiên nhiên, sông núi, ruộng đồng (những hình ảnh: con đò, bến nước, gốc đa, ánh trăng, lũy tre, cánh cò bay lượn… thường xuất hiện trong các bài hát ru). Và như thế, những khúc hát ru có vai trò như một hành trang tâm hồn giúp trẻ lớn lên trong sự chở che, bao bọc bởi những tình cảm rất tự nhiên và sâu nặng về quê hương. Lời ru ngọt ngào thực sự là những “dưỡng chất” bằng tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn. Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, những khúc hát ru đang dần trở nên xa vắng. Thay vì hát ru người ta mở sẵn băng, đĩa cho các con nghe. Tuy nhiên, lời hát ru vẫn còn nguyên giá trị. Những câu hát ngọt ngào, chất chứa tình cảm của bà hay mẹ vẫn sẽ là phương tiện nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ. Có thể nói hát ru là một nét đẹp của văn hóa truyền thống cần được kế thừa và phát huy trong thời đại mới. Đấy cũng là một phương tiện giáo dục có sức cảm hóa rất tự nhiên đối với trẻ thơ.

2. Đoạn văn 2

Từ những ngày còn bên nôi, ta đã được sống trong bầu không khí êm đềm, mát lành với lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. Tiếng hát ấy đưa ta vào giấc ngủ an lành của tuổi thơ, nâng giấc ta, nuôi ta trưởng thành. Đó là những thanh âm trong trẻo vang động sâu sắc tâm hồn ta. Nó không chỉ cho ta những dấu ấn đầu tiên về quê hương xứ sở mà còn găm chặt trong tim ta tình yêu của mẹ thiết tha gửi gắm. Khúc hát ru của bà mẹ Tà-ôi trong thi phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm là một khúc ru da diết, lắng đọng. Nó mang đến cho ta những cảm nhận sâu đậm về tình yêu con của người mẹ vùng chiến khu Trị Thiên trong những năm chống Mĩ ác liệt. Đó là ước mơ về ngày thống nhất non sông. Yêu con, niềm mong mỏi lớn nhất của người mẹ là con được làm người tự do. Mẹ lớn lên trong đói nghèo, nô lệ, trưởng thành trong gian khổ chiến tranh, mẹ hiểu lắm giá trị của tự do. Vì thế, mẹ không mong gì hơn là con được trở thành công dân của một đất nước tự do, độc lập. Tình yêu con của mẹ thật sâu sắc biết bao, lớn lao biết bao. Khởi nguồn của mọi hành động cao cả bắt đầu từ tình yêu bình dị nhất. Điểm xuất phát của lời ru con chính là tấm lòng mẹ thương con vô bờ bến, được biểu hiện một cách bình dị mà sâu nặng. Âm vang của tình yêu đó cất lên thành lời ru, được Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận và thể hiện trong những vần thơ giản dị mà sâu sắc. Khúc hát ru ấy sẽ còn mãi ngân vang trong trái tim và tâm hồn của những người con, để cảm nhận được những cung bậc yêu thương của tình mẹ tha thiết ấm nồng.

3. Đoạn văn 3

Văn học Việt Nam đã dựng lên nhiều tượng đài về hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nhưng nổi bật và sâu sắc nhất đó là người mẹ dân tộc Tà ôi trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ sáng tác năm 1971 là lời hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Hình tượng trung tâm của bài thơ là người mẹ bền bỉ, gắn bó với kháng chiến, nặng lòng với quê hương đất nước và yêu con tha thiết. Hình ảnh người mẹ Tà ôi đảm đang, giàu nghị lực. Mẹ đang nuôi con nhỏ, vừa phải địu con trên lưng vừa phải làm công việc lao động sản xuất ở chiến khu như giã gạo nuôi bộ đội, tỉa bắp trên núi, chuyển lán đạp rừng – công việc rất vất vả đầy gian khổ. Mang con trên lưng, nỗi vất vả của mẹ càng nhân lên gấp bội, cái rộng lớn mênh mông của núi rừng với sự nhỏ bé gầy guộc của mẹ gợi cho chúng ta cảng heo hút hoang sơ của rừng núi và nỗi vất vả của người mẹ Tà ôi, sự gian khổ đồng thời khẳng định sự bền bỉ lòng quyết tâm chịu đựng, nghị lực phi thường của người mẹ. Tình yêu con tha thiết, yêu nước sâu nặng, khát khao cháy bỏng về tương lai chiến thắng, mẹ đã xuất hiện trong những tư thế của người chiến sỹ, hòa trong nhịp sống chung của đất nước. Đứa con cùng mẹ sẻ chia những gian lao, vất vả, người mẹ lúc này thực sự đã đi đánh giặc, đã cùng bộ đội chuyển lán đạp rừng, đã giã từ ngôi nhà thân yêu của mình cùng nương rẫy để vào chiến trường. Có thể nói, hình ảnh người mẹ Tà ôi được thể hiện qua rất nhiều các công việc khác nhau, không gian khác nhau và sự trưởng thành về hình thức và hành động. Người mẹ trong bài thơ hiện lên vừa có nét đẹp truyền thống vừa mang tinh thần thời đại, vừa yêu thương con vừa yêu đất nước và giầu tinh thần chiến đấu. Bài thơ xứng đáng là một tượng đài kỉ niệm bằng thơ về hình ảnh người mẹ Việt Nam.

4. Đoạn văn 4

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là tác phẩm được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên. Bài thơ là khúc hát ru, cũng là lời tâm tình tha thiết của người mẹ Tà – ôi đối với đứa con yêu đang từng ngày lớn lên trên lưng mẹ. Qua đây, tác giả đã bộc lộ tình yêu thương đằm thắm của người mẹ đối với con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu nơi núi rừng chiến khu, dù còn gian nan vất vả. Đồng thời, bài thơ cũng gửi gắm ước vọng con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Với những hình ảnh đẹp, giàu sắc biểu đạt và biểu cảm như: “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”; “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi – Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”… bài thơ đã thực sự làm lay động đến người đọc một cách sâu sắc

5. Đoạn văn 5

Từ tuổi ấu thơ, dòng sữa ngọt lành của mẹ cùng những câu hát ru êm đềm đã nuôi ta khôn lớn. Trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, bức họa về người mẹ tiêu biểu cho những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là mẹ trong tảo tần, gánh vác bao nặng nhọc nuôi con khôn lớn. Mẹ giã gạo để đem lại hạt gạo trắng ngần, giọt mồ hơi mẹ rơi giữa bộn bề vất vả. Hình ảnh của mẹ trên những nương cao, mẹ đi tỉa bắp giữa nũi rừng đại ngàn, trong ánh mặt trời oi ả ngày hè . Hay đó là khi mẹ đi chuyển lán, đạp rừng, băng ra chiến trường để giành trận cuối. Công việc của mẹ gắn liền với tình yêu, hi sinh cho cách mạng, việc nhà cũng là việc nước. Người mẹ Tà Ôi chấp nhận mọi gian khó, hi sinh để kịp có hạt gạo, hạt ngô nuôi quân, cho trận chiến ngày mai còn ác liệt.  Nhưng bừng sáng trong tâm hồn người mẹ là tình yêu thương vô bờ bến dành cho đứa con. Từng từng hình ảnh lao động vất vả của mẹ đều có con trên lưng. Giấc ngủ của con như thấm giọt mồ hôi của mẹ, vai mẹ làm gối, lưng đưa nôi và lời hát ru từ sâu thẳm trái tim. Con còn  là mặt trời, là ánh sáng, là nguồn sống, là niềm vui, là tất cả tương lai của mẹ. Người mẹ gửi gắm vào con với những ước mơ, mơ một ngày đất nước độc lập, con được sống cuộc sống dưới bầu trời tự do. Bài thơ đã viết lên hình tượng về người mẹ Tà Ôi tảo tần, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh. Tình thương con, thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước hoà quyện vào nhau trong tấm lòng của một người mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mĩ khó khăn, gian khổ. Hình ảnh người mẹ ấy tiêu biểu cho hình ảnh về những người mẹ Việt Nam nhân dân và anh hùng.

6. Đoạn văn 6

Trong bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm, hai câu thơ sau đã dựng lên một hình ảnh thơ đặc sắc:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng”.

Mặt trời - vị thần tư nhiên mang lại ánh sáng. Sự ấm áp cho những cây bắp trên đỉnh Ka-lưi - đang tỏa rạng trên lưng đồi phía xa. Còn mặt trời của bà mẹ Tà-ôi là đứa con thân yêu đang nằm yên ngủ trên lưng gầy. Dùng hình ảnh ẩn dụ “mặt trời của mẹ con nằm trên lưng” ngầm so sánh hình ảnh người con với mặt trời, nhà thơ khẳng định vai trò của người con đối với người mẹ. Có lẽ, với mẹ, con chính là lẽ sống, là ánh sáng, là niềm tin, là động lực... Hình ảnh mặt trời “nằm trên lưng” khiến hình ảnh người mẹ chói lòa trong ánh sáng của lòng yêu thương, sự trìu mến. Đặc biệt, hai câu thơ còn có sự đối xứng nhịp nhàng: “Mặt trời của bắp” - “Mặt trời của mẹ”. Điều đó góp phần tạo nên vẻ đẹp thẩm mĩ cho hình thức thơ.

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM