Phân tích vẻ đẹp sức mạnh của con người qua nhân vật Rô-bin-xơn trong tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em thấy được hình tượng nhân vật Rô-bin-xơn chính là đại diện cho sức mạnh của con người. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học hay và sáng tạo nhất. Cùng eLib tham khảo nhé!

Phân tích vẻ đẹp sức mạnh của con người qua nhân vật Rô-bin-xơn trong tác phẩm Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

1. Bình giảng vẻ đẹp sức mạnh con người qua Rô-bin-xơn - Bài văn mẫu số 1

Đa-ni-en Đi-phô là một nhà văn nổi tiếng người Anh, một con người có nhiều từng trải và tính cách mạnh mẽ. Từ những trải, nghiệm cuộc sống của minh và từ một câu chuyện có thực về người bạn, ông đã viết nên tác phẩm Rô-bin-xơn Cru-xô nổi tiếng thế giới. Qua đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, ta thấy hiện lên một con người giàu sức sống, lạc quan. Ta cùng bàn luận về vẻ đẹp của sức mạnh con người qua trang phục, trang bị, diện mạo của Rô-bin-xơn khi ông đã mười lăm năm sống dũng cảm, lạc quan trên đảo hoang, kề bên cái chết…

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, do nhân vật chính là Rô-bin-xơn kể lại chuyện của chính mình. Đoạn trích miêu tả và kể lúc Rô-bin-xơn đã một mình sống ngoài đảo hoang mười lăm năm. Rô-bin-xơn tự giới thiệu bộ dạng và trang phục của mình với một giọng điệu hài hước, như có một nụ cười thấp thoáng phía sau. Bộ dạng của Rô-bin-xơn được giới thiệu rất tự nhiên. Ông tự nhận nếu như có ai ở nước Anh mà gặp bộ dạng của ông thì sẽ “hoảng sợ hoặc phá lên cười sằng sặc”. Qua đó ta có thể hình dung ra Rô-bin-xơn, một con người đã sống cách xa thế giới ồn ào, một mình giữa hoang đảo rất kì dị, không giống người bình thường. Rô-bin-xơn tự giới thiệu một cách chủ động với giọng điệu khôi hài về mình. Điều đó thể hiện một con người tự chủ, hiểu mình, mặc dù sống trong thế giới cực khổ nhưng vẫn rất tỉnh táo. Một cách rất hài hước ông tự nhận xét “lắm khi tôi đứng lặng ngắm nghía bản thân mình, tôi cứ mỉm cười tưởng tượng tôi lang thang khắp miền Y-oóc-sai với trang bị và quần áo như vậy” thì chắc là nhiều người đi theo để xem lắm đó.

Rô-bin-xơn không đeo kiếm và dao găm mà lại đeo một cái cưa nhỏ và một cái rìu nhỏ, chứng tỏ trên đảo hoang chàng không có kẻ thù. Cái cưa, cái rìu rất cần thiết để cho chàng dùng vào việc chặt cây, cưa gỗ đựng lều, lấy chỗ che nắng che mưa, rào giậu xung quanh chỗ ở đề phòng thú dữ và sau này còn rào một khoảnh đất rộng để nuôi dê... Trên hòn đảo hoang này có rất nhiều dê rừng. May ma Rô-bin-xơn còn giữ được cây súng, thuốc súng và đạn ghém. Nhờ có những thứ đó mà chàng duy trì được cuộc sống qua bao nhiêu năm. Về sau, chàng còn trồng được lúa mì nhờ mấy hạt lúa tình cờ sót lại trong những thứ vớt vát từ con tàu đắm và chàng còn bẫy được cả dê về nuôi cho chúng sinh sản thành bầy.

Cũng như bộ dạng của Rô-bin-xơn thì trang phục của ông cũng rất kì cục. Trình tự miêu tả trang phục từ trên xuống dưới. Trước hết là chiếc mũ được miêu tả là to tướng, cao lêu đêu, chẳng ra hình thù gì, được làm bằng da dê, phía sau gáy cố mảnh da che mưa, nắng. Chiếc mũ thật kì dị mà trong cuộc sống của chúng ta chưa bao giờ thấy. Nhưng chiếc mũ lại là một vật rất quan trọng để Rô-bin-xơn tự bảo vệ mình trước thiên nhiên khắc nghiệt ở đảo hoang. Chiếc áo bằng da dê dài đến đầu gối cũng là một trang phục hữu ích để bảo vệ con người. Chúng ta hiểu vì sao áo lại dài đến tận đầu gối ? Có thế mới che chắn, bảo vệ được toàn thân Rô-bin-xơn. Và quần cũng được làm bằng da dê, loe đến đầu gối để tiện đi lại, di chuyển trên đảo, nó lại có lông dê ở phía gấu, vì thế cũng có thể gọi là quần, dài để bảo vệ cơ thể. Cuối cùng không có tất và giầy nhưng ông đã tự làm cho mình một đôi giống như ủng, nhưng lại rất kì cục, không ra hình dạng gì.

Nó là hai mảnh da dê túm lại thành giầy. Tất cả hình hài Rô-bin-xơn đủ chứng tỏ cuộc sống đầy khó khăn, khắc nghiệt nơi đảo hoang, và điều đặc biệt đó là sự cố gắng hết sức mình để tồn tại của Rô-bin-xơn. Những trang phục kì quái nhưng rất hữu ích, hợp lí đem lại tiện ích cho cuộc sống của mình. Hẳn phải là con người có nghị lực, sức sống mãnh liệt thì mới có thể chịu được hoàn cảnh thiếu thốn như thế. Không chỉ có vậy, ông còn tự tạo ra một cuộc sống mà không hề buồn tẻ. Nếu đọc thêm các đoạn khác ở tác phẩm ta còn thấy cuộc sống ấy với Rô-bin-xơn hình như đang diễn ra ở một khách sạn năm sao đầy đủ tiện nghi. Lạc quan đến đỉnh điểm là vậy. Ông còn trồng lúa mì, trồng nho, nuôi dê, vắt sữa dê làm pho-mát, làm rượu nho, nho khô. Tất cả những việc làm giỏi giang ấy là để phục vụ cho cuộc sống thiếu thốn khắc nghiệt nơi đảo hoang một mình của ông. Mọi vật dụng của ông đều được làm từ da dê. Qua đó ta có thể biết rằng ở hoang đảo, Rô-bin-xơn đã nuôi dê để tạo ra lương thực, đồ vật để sử dụng. Ông đã tự làm ra những vật cần thiết phục vụ cho cuộc sống của bản thân mình.

Tuy diện mạo của Rô-bin-xơn chỉ được tả bằng một đoạn văn ngắn nhưng cũng toát lên tính cách của chàng: Còn về diện mạo tôi, nó không đến nỗi đen cháy như các bạn có thể nghĩ về một kẻ chẳng quan tâm tí gì đến da dẻ của mình lại sống ở vào khoảng chín hoặc mười độ vĩ tuyến miền xích đạo. Râu ria của tôi đã có lúc tôi để mặc cho nó mọc dài đến hơn một gang tay. Nhưng vì tôi có cả kéo và dao cạo đủ dùng nên tôi cắt đi khá ngắn gọn, trừ hàng ria ở môi trên tôi xén tỉa thành một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo như ria vài gã Thổ Nhĩ Kì tôi gặp ở Xa-lê, vì người Ma-rốc không để ria theo kiểu như người Thổ; tôi chẳng dám nối cặp ria mép ấy dài đến mức có thể dùng treo mủ của tôi; nhưng chiều dài và hình dáng kì quái của chúng củng khiến cho mọi người phải khiếp sợ nếu như là ở nước Anh.Giọng kể hóm hỉnh của Rô-bin-xơn thể hiện rõ khiếu hài hước và tinh thần lạc quan của chàng.

Tác phẩm đã cho chúng ta thấy một con người Ro bin xơn hiện lên là một người có ý chí rất mạnh mẽ. Tác phẩm cũng làm một bài học đối với chúng ta là phải phấn đấu bám chắc với cuộc sống để có được một cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

2. Cảm nhận vẻ đẹp sức mạnh con người qua Rô-bin-xơn - Bài văn mẫu số 2

“Rô- bin- xơn ngoài đảo hoang” là một trích đoạn trong tiểu thuyết nổi tiếng “Rô- bin- xơn Cru- xô” của nhà văn nổi tiếng người Anh là Dê- ni- ơn Đi- phô. Trích đoạn này đã tái hiện, xây dựng thành công bức chân dung của Rô- bin- xơn, một con người thích những phưu lưu, mạo hiểm nhưng sau một sự cố anh ta đã lưu lạc trên một hòn đảo hoang. Sống một mình ở nơi hoang vu, rộng lớn không có sự sống của con người nhưng Rô bin- xơn vẫn vô cùng lạc quan, yêu đời, điều mà không phải ai cũng có thể làm được, không phải ai cũng có thể mạnh mẽ vượt qua được như vậy.

Trang phục của Rô- bin- xơn cũng rất kì quặc, đó là một chiếc áo làm bằng da dê, vạt áo dài đến lưng bắp đùi và chiếc quần rúm ró bằng da dê dài đến đầu gối. Trang bị mang trên người của Rô- bin- xơn cũng là những vật dụng kiếm được khi sóng biển cuốn chúng trôi vào bờ, đó là một chiếc cưa nhỏ và một chiếc rìu nhỏ. Qua những vật dụng này ta có thể thấy cuộc sống trên đảo hoang của Rô- bin- xơn không có những kẻ thù hay những nguy hiểm rình rập. Cưa và rìu tuy là những vật dụng đơn giản, thô sơ nhưng cũng rất hữu ích đối với Rô- bin -xơn vì chúng có thể dùng để cho việc mưu sinh của anh ta trên đảo hoang, có thể dùng để chặt cây, cưa gỗ dựng lều, lấy chỗ che mưa, che nắng, phòng trừ có thú dữ, ngoài ra còn có một khoảng đất trống dùng để nuôi dê sau này. Ta có thể thấy Rô- bin-xơn vô cùng lạc quan, vì ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất thì vẫn tin tưởng vào cuộc sống phía trước, lên kế hoạch cho tương lai. Đây là điều không phải ai cũng làm được, thể hiện một con người mạnh mẽ, đầy bản lĩnh.

Tuy là mảnh đất bị bỏ hoang, nằm giữa mênh mông sóng biển nhưng cũng thật may ở đây còn có những chú dê, vì vậy mà cuộc sống của Rô- bin- sơn có thể được duy trì. Ngoài ra anh ta còn mang theo bên mình một chiếc súng, thuốc súng và đạn gém. Nhờ vậy mà cuộc sống của anh ta ở trên đảo hoang này bớt khắc nghiệt đi rất nhiều, anh ta có thể săn dê để lấy thịt ăn, da dê thì làm trang phục, giày, bốt đi lại. Vì sự lạc quan, cùng với sức mạnh trai tráng, Rô- bin- xơn đã vượt qua mọi khó khăn, một mình vẫn có thể sống tốt nơi hoang đảo, không những thế mà về sau Rô- bin- xơn còn có thể tự trồng lúa mì nhờ những hạy lúa mì còn sót lại khi anh ta đi vớt những vật dụng còn lại khi con tàu đắm.

Tiếp đó là việc miêu tả trang bị và diện mạo của Rô-bin-xơn về trang bị thì có chiếc thắt lưng rộng bản có hai quai đeo, một chiếc cưa nhỏ và một cái rìu con, một cái đai da dê khác quàng qua vai có hai cái túi đựng thuốc súng và đạn ghém. Trên lưng Rô-bin-xơn đeo gùi, vai đeo súng, đầu có một chiếc dù bằng da dê rất xấu xí nhưng cần thiết. Những trang bị là để tự bảo vệ mình một cách tích cực. Ta thấy một con người nghị lực, không chịu đầu hàng số phận, luôn tạo mọi điều kiện để giữ gìn sự sống. Chẳng ai lại đeo bên mình rìu và cưa. Nhưng với Rô-bin-xơn ở ngoài đảo hoang thì việc đó lại là bình thường. Những thứ đó là để Rô-bin-xơn chống chọi với thiên nhiên, thú dữ.

Còn về diện mạo thì nhà văn đã để ông chọn tả hai đặc điểm đó là da và râu. Làn da phải chịu khí hậu khắc nghiệt nên dạn dày sương gió nhưng “không đến nỗi đen cháy”. Còn về râu thì được ông miêu tả rất hài hước. Nó đã từng được nuôi dài nhưng rồi lại được cắt gọn, tỉa thành một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo. Một chi tiết so sánh khôi hài, thú vị. Ông tự đùa rằng bộ ria có thể để treo mũ. Rô-bin-xơn tự cười mình trong cái gian khổ, thiếu thốn.

Qua đoạn trích đó, ta thấy được cuộc sống gian khổ khắc nghiệt nơi đảo hoang, vẻ đẹp của sức mạnh con người qua trang phục, trang bị và diện mạo Rô-bin-xơn sau mười lăm năm sống bền bỉ, đầy nghị lực trên đảo hoang, xa cộng đồng loài người.

Sống trên hoang đảo đã mười lăm năm, Rô-bin-xơn là một con người dũng cảm, không chịu đầu hàng số phận, luôn tạo ra những điều kiện để tồn tại. Hình tượng Rô-bin-xơn mãi mãi được bạn đọc thế giới mến yêu, khâm phục. Nhân vật đã gieo vào lòng người đọc một tinh thần lạc quan, một nghị lực phi thường và tinh thần tự lực cánh sinh, vượt lên số phận để sống và sống đẹp.

3. Phân tích vẻ đẹp sức mạnh con người qua Rô-bin-xơn - Bài văn mẫu số 3

Nhắc đến Đi-phô là người ta nhắc đến một đại văn hào của đất nước Anh. Mọi độc giả khắp nơi biết đến ông như một hiện tượng trong văn học bởi sự xuất hiện của một kiệt tác gắn liền với tên tuổi của ông. Đó là "Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang". Đây là một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người đọc với rất nhiều những suy nghĩ và cảm xúc.

Rô-bin-xơn là một chàng trai rất ưa thích hành động, ưa thích sự phiêu lưu và hứng thú với những miền đất lạ. Chính bản tính thích ngao du ấy khiến anh ta bất chấp mọi nguy hiểm và khó khăn để đến với những điều mới mẻ. Cuộc hành trình đầu tiên của anh là ở Hơn, theo bạn đi đến Luân Đôn qua đường biển nhưng nó không may mắn và con tàu không may bị chìm ở Y-ac-mao. Tuy vậy, Rô-bin-xơn không hề buông bỏ, anh vẫn quyết tâm có một chuyến hành trình tiếp theo khi quen với một thuyền trưởng và rời bến ở Ghi-nê. Trong hành trình đó, lần đầu tiên anh thuận lợi, may mắn. Tuy nhiên, đến lần thứ hai anh lại gặp cướp biển, bị chúng bắt làm nô lệ tại Xa-lê. Hành trình của anh vẫn chưa kết thúc. Hai năm sau, Rô-bin-xơn trốn sang Bra-xin làm trang trại. Chuyến đi mang tính bước ngoặt lớn của anh chính là khi có một chuyến buôn bán lớn, không may tàu gặp nạn, bị mất phương hướng. Rô-bin-xơn may mắn sống sót và trôi vào một đảo hoang.

Anh kể, trước kia không biết nặn nhưng cuộc sống buộc anh phải sáng tạo ra các thứ đồ dùng để chứa thức ăn, thức uống, lương thực. Anh tập nặn và cuối cùng nặn rất khéo. Ngoài bát đĩa, bình vò thường dùng, anh còn nặn một cái tẩu hút thuốc. Phải nói đó là một công trình sáng tạo đặc biệt dù nó còn thua xa thứ tẩu vẫn bán ở phố. Anh thấy tự hào tôi rất thích thú với cái tẩu hút thuốc, tôi đã có thuốc lá nay lại có cả tẩu để hút. Cũng trong hoàn cảnh đó, anh là người thợ đan giỏi. Bằng một thứ miên liễu, anh đã đan được thúng, được bồ và nhiều đồ dùng khác.

Anh còn trở thành người thuần dưỡng dê và kiên trì nhân số lượng dê từ hai con lên đến trên bốn mươi ba con dê. Anh tự mày mò tập vắt sữa, làm phó mát… Bằng bàn tay khéo léo và khối óc thông minh, Rô-bin-xơn đã làm cuộc sống từ chỗ thiếu thốn đến chỗ no đủ. Anh đã sống và biết làm cho cuộc sống đó ngày càng đàng hoàng, hạnh phúc. Anh đã có đủ lương thực, thực phẩm, hoa quả dùng cho bữa ăn không kém ở những khách sạn bình thường tại các thành phố lớn. Kết quả việc làm Rô-bin-xơn làm em liên tưởng đến kì tích của một nhân vật trong truyện cổ Việt Nam: anh chàng Mai An Tiêm. Bị đày ra đảo hoang, An Tiêm với hai bàn tay sáng tạo và cần cù của mình cũng tạo lập nên cuộc sống no đủ, và còn phát hiện ra giống dưa quý. Đó là hai con người, ở hai chân trời khác nhau, nhưng đều là hai thần tượng của em, từng cổ vũ em trong những lúc gặp khó khăn.

Trang bị của rô bin xơn là chiếc thắt lưng bằng da dê hai bên lủng lẳng những cưa và rìu. Trên vai của nhân vật lủng lẳng hai túi cũng bằng da dê và khoác súng. Sau lưng anh đeo một chiếc gùi. Một chiếc dù lớn bằng da dê được che trên đầu vô cùng xấu xí. Cách miêu tả cho thấy được bộ dạng Rô bin xơn với những đồ vật cồng kềnh, kì quái.

Cuối cùng là diện mạo của nhân vật, diện mạo của Rô bin xơn hiện lên với nước da không quá đen và hàng ria kiểu theo kiểu hồi giáo dài đến mức kì quái. Rô bin xơn đã dị hình lại còn dị tướng. Nhân vât không chỉ di hình mà còn dị tướng. Tuy nhiên đằng sau bức chân dung dị hợm ấy là cả một nghị lực sống, một tinh thần lạc quan, vượt lên trên mọi khó khăn, lao động sáng tạo và có sức mạnh chiến thắng thiên nhiên.

Tóm lại qua đoạn trích ngoài sự khôi hài bởi diện mạo quái lạ đến kì cục dị tướng của vị chúa đảo Rô bin xơn ta còn thấy được sức sống mạnh mẽ của nhân vật. Con người với ý chí của mình sẽ chiến thắng được thiên nhiên và vượt qua tất cả mọi khó khăn.

Ngày:26/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM