Cảm nhận hình tượng nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng

"Chiếc lược ngà" là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Quang Sáng. Truyện ca ngợi tình cha con thiêng liêng, cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Truyện đã khắc họa ấn tượng nhân vật ông Sáu - một người cha yêu thương con hết lòng. eLib xin giới thiệu đến các em một số bài văn mẫu cảm nhận hình tượng nhân vật ông Sáu. Nội dung những bài văn mẫu này giúp các em hiểu được tình thương con vô bờ bến của người cha qua nhân vật ông Sáu. Mời các em tham khảo ba bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Cảm nhận hình tượng nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng

1. Phân tích hình tượng nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng là cây bút tiêu biểu của mảnh đất Nam Bộ. Với vốn sống, sự gắn bó am hiểu sâu sắc về mảnh đất quê hương nên hầu hết các tác phẩm của ông đều viết về cuộc sống con người Nam Bộ trong chiến tranh cũng như sau hòa bình. "Chiếc lược ngà" là tác phẩm tiêu biểu của ông. Truyện ca ngợi tình cha con thiêng liêng, cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Truyện đã khắc họa ấn tượng nhân vật ông Sáu - một người cha yêu thương con hết lòng. 

Trong khói lửa chiến tranh, tình yêu của anh Sáu con vẫn rực sáng hơn bao giờ hết. Anh đi lính khi đứa con đầu lòng- bé Thu chưa đầy một tuổi. Nỗi mong nhớ con da diết mà chưa một lần tận mắt nhìn ngắm, vỗ về con khiến anh nôn nao buồn. Anh chỉ nhìn con qua tấm ảnh chị Sáu mang tới, nỗi niềm gặp con, mong được nghe con gọi một tiếng “ ba” luôn thường trực trong lòng anh. Tác giả là người đồng chí- anh Ba thân thiết của anh nên những dòng cảm xúc, tâm trạng được tái hiện một cách chân thực qua việc quan sát tỉ mỉ. Một lần về thăm quê, đó là cơ hội hiếm có để anh xoa dịu nỗi niềm nhung nhớ.  Niềm vui xốn xang làm anh Sáu khi anh bắt gặp đứa trẻ tầm tám tuổi đang chơi ở nhà chòi. Linh cảm người cha mách bảo, đứa nhỏ đó chính là đứa con bé bỏng. Một loạt động từ liên tiếp cho thấy niềm xúc động mạnh mẽ của anh: “ vội vàng với những bước dài, vừa bước vừa khom người, không ghìm nổi xúc động, chầm chậm bước tới...”. Nhưng niềm vui sướng, hồ hởi ấy được đáp lại bằng sự sợ hãi của con bé, nó bỏ chạy. Chi tiết đặc biệt cái thẹo xuất hiện nó “ đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ”, có lẽ điều đó làm bé Thu hoảng sợ mà anh không hay biết. Còn gì đau đớn hơn khi con không nhận ra mình, nỗi đau quặn thắt trong lòng làm anh không khỏi thất vọng: “ trông anh thật đáng thương và hai cánh tay buông xuống như gãy”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng với lối trần thuật tài hoa khi đẩy mâu thuẫn truyện ngay từ phút đầu hai cha con gặp nhau tạo nên ấn tượng sâu sắc. Trong suốt ba ngày về thăm quê, anh chẳng muốn đi đâu chỉ ở nhà dỗ dành con bé. Có lẽ anh mong rằng với khoảng thời gian ngắn ngủi có thể bù đắp phần nào những mất mát của nó nhưng bé Thu đâu biết trân trọng điều đó. “ Nhưng anh càng vô về con bé càng đẩy ra. Anh mong một tiếng “ ba” của con bé nhưng nó chẳng bao giờ chịu gọi”. Anh Sáu không hiểu nổi thái độ của con, nhiều khi buồn quá không khóc ra được nên anh đành cười vậy thôi. Đến ngày thứ hai, trong bữa cơm anh thể hiện tình thương khi gắp cho bé Thu một cái trứng cá  to vàng. Không kiềm chế nổi tức giận trước hành động ương bướng của nó: “ bất thần hất tung cái trứng cá ra, cơm văng tung tóe cả mâm”, anh giơ tay đánh vào mông nó. Dường như anh cũng bất lực và không biết làm sao để đứa con hiểu được lòng mình. Đến ngày thứ ba, anh phải lên đường. Chắc chắn anh nghĩ rằng sẽ phải ra đi với niềm buốt nhói trong tim, “ anh nhìn con với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”. Lúc anh tuyệt vọng nhất thì nhận được tiếng kêu như tiếng xé của con: “ Ba...a...a...ba!”. Anh vỡ òa trong khoảnh khắc niềm vui sướng. Tình cha con dội về, “ một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. Niềm hạnh phúc trào dâng bóp nghẹt tim anh và giây phút đó còn xé lòng mỗi người.

Anh Sáu không chỉ là người cha tốt mà anh còn là một người chiến sĩ can đảm. Nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng với Tổ Quốc khiến anh quyết tâm dứt áo ra đi dù lòng nặng trĩu tình phụ tử cao đẹp. Anh mang theo lời hứa khi trở về mua cho con một cây lược ngà. Ở chiến khu anh không lúc nào nguôi nỗi nhớ con, những lúc ấy anh tự giày vò mình lúc đánh con. Niềm ân hận trong anh dịu đi trong những ngày anh cần mẫn đẽo gọt khúc ngà voi, tự tay làm chiếc lược tặng con. Lớp bụi ngà mỗi ngày một dày lên, phải chăng tình yêu con có phép lạ khiến người lính tay cầm súng trở thành một nghệ nhân với tác phẩm nghệ thuật duy nhất, ý nghĩa nhất. Mong chờ ngày trở lại trao món quà cho con nhưng sự hi sinh đột ngột trong một trận càn của giặc làm cản trở ước mong đó. Lúc hấp hối, “ tình cha con không thể là không thể chết được”, chỉ khi người bạn hứa trao tận tay bé Thu anh mới nhắm mắt đi xuôi. Bom đạn giết chết thân xác anh chỉ có tình yêu thương chân thành, cao cả của anh Sau là bất tử.

"Chiếc lược ngà" là câu chuyện cổ tích thời hiện đại: tác phẩm vừa giúp ta thêm trân trọng tình cảm gia đình vừa khiến ta hiểu sâu sắc hơn về những người lính cách mạng, họ không chỉ dũng cảm, kiên cường mà họ còn giàu tình cảm yêu thương. 

2. Cảm nhận hình tượng nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng, tình phụ tử cũng cũng cao cả như thế. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thành công xây dựng hình tượng ông Sáu trong truyện ngắn “ Chiếc lược ngà” không chỉ đậm tô hình ảnh người cha hết mực thương yêu con còn khắc họa người chiến sĩ dũng cảm.

Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Mặc dù viết về người lính trong chiến tranh nhưng "Chiếc lược ngà" lại không viết về người lính trên mặt trận mà viết về góc thẳm riêng tư của họ - tình cảm gia đình, tình cha con. Ông Sáu là nhân vật chính trong tác phẩm. Trong đoạn trích, nhân vật ông Sáu được đặt vào tình huống bất ngờ, gặp lại con sau tám năm xa cách nhưng con không nhận ông là ba. Đến lúc con nhận ra ba thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường. Trở lại căn cứ, ông dồn hết tình cảm nhớ thương làm cho con chiếc lược ngà nhưng khi cây lược hoàn thành thì ông lại hi sinh. Đặt nhân vật vào tình huống kịch tính bất ngờ như vậy, tác giả đã làm nổi bật tình yêu thương con thiết tha, sâu nặng của ông Sáu - người chiến sĩ cách mạng. 

Ông Sáu - một người cha yêu thương con hết lòng - điều đó trước hết được thể hiện trong chuyến về phép thăm nhà. Xa cách con từ lúc con chưa đầy một tuổi, mãi tám năm sau mới có dịp về thăm nahf, thăm con, biết bao nhớ mong, yêu thương, "cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh". Nhất là khi trông thấy một đứa trẻ độ 8-9 tuổi, đoán biết là con, ông không thể chờ xuồng cập bến mà nhón chân nhảy thót lên bờ, bước vội những bước dài, rồi gọi con, giọng lặp bặp run run, khom người dang tay đón chờ con. Vết thẹo bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật... Đáp lại tình cảm ấy của người cha lại là sự sợ hãi, bỏ chạy của đứa con khiến ông Sáu sững sờ, đau đớn: "anh đứng sững lại đó... mặt anh sầm lại... hai tay buông xuống như bị gãy... "

Trong những ngày nghỉ phép, ông Sáu chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con, mong được nghe tiếng gọi ba của con bé. Nhưng ông càng tìm cách gần gũi nó thì nó càng phản ứng quyết liệt và kiên quyết đẩy ông ra xa. Ông không giận mà chỉ thương con. Trong bữa cơm, khi ông Sáu gắp bỏ cái trứng cá vào bát nó thì con bé hất tung ra - giận dữ quá không kịp suy nghĩ, ông đã vung tay đánh con. Dường như ông bế tắc trong việc thể hiện tình yêu thương con. Thời gian nghỉ phép không còn nữa mà ông không hiểu vì sao con lại phản ứng quyết liệt như vậy. Nhưng cuối cùng người cha ấy cũng được hưởng niềm hạnh phúc khi được ôm con vào lòng, được nghe tiếng gọi ba. 

Không chỉ vậy, ông Sáu - người cha yêu thương con hết lòng - điều đó được thể hiện khi ông trở lại căn cứ. Khi trở lại căn cứ, ông Sáu mang theo tâm trạng vừa nhớ con vừa ân hận vì đã trót đánh con. Ông dồn tất cả tình cảm ấy vào việc làm cho con một cây lược - hoàn thành lời hứa buổi lên đường. Khi kiếm được khúc ngà - mặt ông hớn hở như đứa trẻ được quà. Anh lấy vỏ đạn hai mươi li làm thành một cây cưa nhỏ cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rảnh rỗi, ông cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Không bao lâu, cây lược hoàn thành, ông tỉ mẩn khắc từng nét: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Nhưng thật không may, ông Sáu lại hi sinh. Trước lúc hi sinh, "hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được", anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho bác Ba và nhìn một hồi lâu. Chỉ đến khi bác Ba hứa sẽ mang về trao tận tay cho con gái thì ông mới nhắm mắt đi xuôi. 

Truyện ngắn đã khắc họa thành công nhân vật ông Sáu với tình huống truyện tự nhiên, kịch tính bất ngờ có tính chất đảo ngược tình thế tạo cho câu chuyện hấp dẫn. Cách lựa chọn ngôi kể thứ nhất nhưng người kể chuyện không phải là nhân vật chính song lại chứng kiến toàn bộ câu chuyện tạo cho cách kể linh hoạt, vừa kể vừa bình luận, dẫn dắt người đọc. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế qua chuỗi tình huống, qua hành động, lời nói, ánh mắt. Ngôn ngữ kể chuyện mang đậm màu sắc Nam Bộ. Với những nét nghệ thuật đặc sắc ấy, tác phẩm làm nổi bật hình ảnh ông Sáu - người cha giàu tình yêu con. Qua nhân vật ông Sáu, truyện không chỉ ca ngợi tình cha con thiêng liêng, cao cả mà còn thấm thía những hi sinh mất mát của đồng bào Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ. 

Bằng việc sáng tạo tình huống tự nhiên, bất ngờ, nhà văn khắc họa nhân vật anh Sáu với những nét đẹp bình dị: tình người cha sâu nặng và người đồng chí dũng cảm, còn ám ảnh mãi tâm trí người đọc.

3. Nêu suy nghĩ của em về hình tượng nhân vật ông Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

"Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một truyện ngắn viết về tình phụ tử sâu nặng của cha con ông Sáu sau chiến tranh. Đây là một truyện ngắn giản dị nhưng chứa đầy sức bất ngờ. Đoạn trích trong SGK Ngữ Văn 9 đã cho thấy một khoảnh khắc nhỏ mà trong đó có sự cao cả thiêng liêng về tình phụ tử.

Chiếc lược ngà là câu chuyện về tình cha con sâu nặng, tha thiết của ông Sáu và cô con gái tên Thu. Một câu chuyện đẹp nhưng buồn, có sức lay động sâu xa, gợi lên trong lòng độc giả bao thế hệ nỗi niềm xót xa, thương cảm, day dứt khôn nguôi về chiến tranh và sự tàn phá của nó. Những ám ảnh ấy như khắc sâu vào tâm khảm mỗi người, khiến ta thấm thía hơn sự hi sinh của những người chiến sĩ của một thời chiến tranh gian khổ và ta biết yêu kính hơn, trân trọng họ hơn. Bằng lời văn dung dị, nhẹ nhàng, nhiều âm vang với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhà văn đã thể hiện thật sâu sắc và cảm động tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Phải chăng sức nặng của những ám ảnh đó chính là bởi tình phụ tử thiêng liêng, sâu nặng toát ra từ mỗi lời văn, va đập vào trái tim độc giả, lắng đọng và day dứt mãi không thôi ?

Ngay từ đầu câu chuyện, người đọc đã có thể cảm nhận sâu sắc tình yêu con tha thiết của ông Sáu. Người lính đã trải qua khói lửa chiến tranh, gió sương núi rừng, có một khuôn mặt lạnh, một ý chí thép nhưng trái tim người cha trong ông thì vẫn ấm nóng. Vì vậy mà, mới chỉ nghĩ đến việc được gặp con thôi, ông đã thấy “nôn nao mãi“. Hành động vội vàng: “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra”, “bước vội vàng với những bước chân dài, rồi dừng lại, kêu to: “Thu ! Con” đã khắc họa rõ nét nỗi lòng khao khát, mong mỏi của người cha. Tiếng gọi con lần đầu như vỡ oà trong tình yêu quá lớn bị dồn nén bao năm. Hình ảnh “vết thẹo dài trên má phải đỏ ửng lên, giần giật…” là biểu hiện của sự xúc động tột độ. Tiếng xưng “ba” sau bao ngày nhớ mong, mòn mỏi, vừa muốn vỡ oà, vừa lại như bị dòng cảm xúc quá lớn kìm xuống, khiến nó nghẹn lại trong “giọng run run”: “Ba đây con”. Nhưng chính nỗi mong mỏi, niềm hạnh phúc, mong chờ quá lớn ấy lại khiến ông đau đớn bội phần khi đứa con gái không đáp lại sự vồ vập của ông, “mặt nó tái đi, rồi vụt chạy”. Cả bầu trời như sụp xuống trước mắt người cha. Niềm đau, sự hụt hẫng bóp nghẹt trái tim ông. Ông “đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.

Không nản lòng, trong ba ngày ở nhà, ông Sáu dành hết tình cảm cho bé Thu. Ông ân cần, nhẹ nhàng chăm chút con bé. Trước sự cự tuyệt, bướng bỉnh của cô con gái, người cha ấy vẫn hết sức bền bỉ, nhẫn nại. Đó là sự bao dung của một người làm cha, của nỗi niềm khao khát “mong được nghe một tiếng gọi ba của con gái”. Và rồi, khi tình cảm quá lớn lại gặp phải sự cự tuyệt kiên quyết của bé Thu, nó như bị thúc ép, khiến ông không giữ được bình tĩnh “vung tay đánh mạnh vào mông" con bé và hét lên: ‘‘Sao mày cứng đầu quá vậy ?”. Ông Sáu đánh con vì tức giận, đau đớn và bất lực. Thời gian ông có thể ở bên con không còn nhiều, vậy mà con bé vẫn không chịu thừa nhận ông. Hành động đánh con của ông là một sự kìm nén của nỗi lòng mong mỏi quá lớn. Nhưng cũng chính điều đó đã giày vò tâm trí ông, trở thành mối khổ tâm suốt những năm tháng sau này khi phải xa con.

Vào thời khắc cuối cùng được ở nhà, được nhìn thấy con gái, trái tim của người cha đã được xoa dịu khi bé Thu nhận ra ba. Lúc chia tay, ông Sáu cố nén lòng, kìm giữ cảm xúc của mình. Ông “cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng cũng lại sợ nó giãy lên, lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó“. Chỉ cần nhìn thấy sự hiện diện của con thôi, ông cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Và bao nhiêu tình yêu ông dồn cả vào ánh mắt nhìn con – “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu“. Ánh mắt ấy vừa muốn bộc lộ hết tình yêu tha thiết với con, vừa thể hiện nỗi khao khát bị kìm nén, nỗi buồn của sự chia xa và cả nỗi đau của sự bị khước từ. Để rồi, tất cả như vỡ oà theo tiếng gọi “ba” bất ngờ của bé Thu: “Ba… a… a… ba !”. Tiếng gọi ông Sáu khao khát, trông chờ, tưởng chừng mòn mỏi bao lâu đã vang lên, khiến tim ông như muốn vỡ ra vì hạnh phúc. Người đọc như cũng lạc nhịp tim trong giây phút âm thanh yêu thương ấy cất lên. Ông Sáu “không ghìm được xúc động”, “một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”. Những dòng nước mắt tuôn trào từ trái tim yêu thương cháy bỏng của người cha.

Có thể nói, Nguyễn Quang Sáng đã thật tài tình khi xây dựng nhân vật ông Sáu. Toàn bộ câu chuyện về người chiến sĩ ấy đều gắn với sự bộc lộ tình yêu con. Từ những hành động đến những chi tiết miêu tả ngoại hình, tâm trạng. Vì thế mà trong tâm trí người đọc, hình ảnh ông Sáu hiện lên với tình yêu con thiết tha, sâu nặng. Những ngày ở chiến trường, tình yêu con được ông Sáu dồn vào việc làm cây lược tặng con. Dõi theo quá trình làm chiếc lược của ông Sáu, từ vẻ mặt “hớn hở” khi nhặt được khúc ngà đến khi tỉ mỉ ngồi giũa cây lược “như người thợ bạc”, ta có thể cảm nhận được tình yêu sâu nặng của ông. Dòng chữ khắc trên cây lược “yêu nhớ tặng Thu con của ba‘’ thể hiện trọn vẹn nỗi lòng người cha đối với cô con gái ngàn lần dấu yêu nơi quê nhà. Chiếc lược ngà ấy đã “gỡ rối đi phần nào tâm trạng” của ông. Lời hứa của ông đối với con đã thành hiện thực. Chiếc lược là chỗ dựa tinh thần mỗi khi ông nhớ con. Đó là kỉ vật cuối cùng lưu giữ tình yêu sâu nặng của ông Sáu dành cho con, ông khao khát được tận tay trao cho con gái. Sự khốc liệt của cuộc chiến tranh đã khiến nguyện ước của ông không thành nhưng cây lược sẽ là minh chứng cho tình yêu con của ông.

Tình yêu của ông Sáu dành cho con thật sâu sắc. Bao cung bậc cảm xúc của ông được người đọc thấu cảm, sẻ chia. Trong chiến tranh, có những việc tưởng chừng rất bình dị như nghe một tiếng con gọi “ba”, tự tay tặng cho con một món quà nhỏ, được ôm con trong vòng tay,… cũng trở thành mơ ước của rất nhiều người và cũng rất nhiều người trong số họ giống như ông Sáu đã không thực hiện được ước nguyện đó. Nhưng cũng chính trong sự khốc liệt của chiến tranh, tình cảm tha thiết, trái tim ấm nóng của người cha lại được bộc lộ rõ nhất. Nó lắng đọng ngân vang mãi trong lòng ta.

Với việc lựa chọn ngôi kể phù hợp, bác Ba người thân thiết gần gũi bên cạnh ông Sáu đã giúp cho câu chuyện trở nên chân thực, đáng tin cậy. Câu chuyện về tình phụ tử thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt càng cho thấy rõ hơn những nỗi đau mà chiến tranh gây ra đối với con người. Nhưng cao cả hơn, đó chính là tình cảm phụ tử thiêng liêng, bất diệt.

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM