Cảm nhận và bình giảng hình tượng nhân vật Hoạn thư đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán

Dưới đây là một số bài văn mẫu phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư. Nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về tính cách của nhân vật Hoạn thư. Mời các em tham khảo những bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Cảm nhận và bình giảng hình tượng nhân vật Hoạn thư đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán

1. Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” của Nguyễn Du

a. Mở bài

- Sơ lược về đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán.
- Giới thiệu nhân vật Hoạn Thư.

b. Thân bài

- Sơ lược về mối duyên của Thúy Kiều với Thúc Sinh.
- Sự thâm hiểm của Hoạn Thư khi bắt có Thúy Kiều về làm tỳ nữ trong nhà với cái tên Hoa Nô, rồi liên tục hành hạ, làm nhục nàng.
- Sự khéo léo chia rẽ tình cảm của Thúy Kiều với Thúc Sinh, bằng cách ép Thúy Kiều tự nguyện đi tu cắt đứt mối duyên với chàng Thúc.
- Hoạn Thư khi gặp lại Thúy Kiều lòng không khỏi sợ hãi, vội vàng thức thời "khấu đầu dưới trướng" mà lòng thì lo "liệu điều kêu ca".
=> Hoạn Thư là một người phụ nữ rất thông minh, gặp nguy dẫu sợ nhưng đầu óc đã nhanh nhạy tính kế xoay chuyển, tìm đường thoát thân.
- "Tôi chút phận đàn bà/Ghen tuông thì cũng là chuyện người ta thường tình", có thể thấy Hoạn Thư là người mồm mép nhanh nhạy, giỏi lươn lẹo ứng biến, lấy cái lý lẽ thường tình trong cuộc đời để lấp liếm cho những chuyện ác mà bản thân mình làm ra.
- "Nghĩ cho khi gác viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo", nhắc lại chuyện bản thân đã nhân từ lưu lại con đường cho Thúy Kiều thoát thân để có ngày hôm nay.
- Sự thông minh và giảo hoạt của Hoạn Thư còn thể hiện ở nghệ thuật nắm bắt tâm lý con người, nắm thóp được Thúy Kiều bên ngoài mạnh mẽ thế thôi nhưng sâu thẳm trong nàng vẫn là một trái tim yếu đuối và trong sáng, dễ cảm thông.
+ "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai", đã khơi gợi nên trong lòng Kiều sự thông cảm cho thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến
+ Khéo léo nhắc việc "chung chồng" tức cũng ngầm ám chỉ rằng chuyện khi xưa một phần lỗi cũng là tại do Thúy Kiều, đang không lại trở thành người chen ngang hạnh phúc gia đình của Hoạn Thư khiến nàng ta phải chịu sự ghẻ lạnh của chồng suốt một quãng thời gian.
=> Đả kích, khơi gợi lên trong lòng nàng sự day dứt, áy náy với Hoạn Thư.
- Hoạn Thư lần lượt đưa ra những lý lẽ từ việc ghen tuông là lẽ thường tình, đến ơn nghĩa với Kiều, rồi đến nỗi khổ chung chồng đã đưa Kiều vào thế khó xử "Tha ra thì cũng may đời/Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen".
=> Có thể nhận định rằng Hoạn Thư biết chắc rằng với tấm lòng lương thiện và lối sống cao cả cũng như sự đồng cảm của mình Thúy Kiều sẽ xá tội cho nên nàng ta mới lươn lẹo, lý lắc như thế. Và cuối cùng nhờ đầu óc nhanh, khả năng ứng biến và sự khéo léo của mình quả thật Hoạn Thư đã thoát khỏi sự báo oán của Thúy Kiều.

c. Kết bài

Nêu cảm nghĩ của em về tác giả và tác phẩm.

2. Bình giảng hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” của Nguyễn Du

“Đoạn trường tân thanh” hay “truyện Kiều” là một thiên tuyệt bút mà Nguyễn Du để lại cho đời. Tác phẩm đã miêu tả cuộc sống của biết bao số phận con người trong đó có Hoạn Thư. Nếu như Kiều là một hồng nhan bạc phận, là người mà khiến cho bao người đọc phải thương cảm thì Hoạn Thư, nhắc đến, người ta chỉ thấy có sự tàn ác, nanh nọc, ghen tuông. Thế nhưng, phải đọc hết cả tác phẩm, hiểu nó thì mới biết được Nguyễn Du cũng đã cảm thông và trân trọng người phụ nữ này thế nào!

Hoạn Thư là con gái của Thượng Thư bộ lại vào thời Minh triều thời đó, tương đương với chức Thủ tướng bây giờ, là người có quyền sắp xếp mọi công việc trong triều đình. Khi mụ ta lấy Thúc Sinh một người đàn ông có địa vị và tài sản thua xa so Hoạn Thư, yếu thế hơn thì dĩ nhiên là thế lực của Hoạn Thư mạnh hơn Thúy Kiều rất nhiều.

Và thật lạ lùng thay, hầu như ai cũng biết đến cái tên Hoạn Thư dù đã đọc hay chưa đọc truyện Kiều bởi nó trở thành một "đại danh từ" biểu tượng cho sự ghen tuông tàn độc của người đàn bà.

Nếu như so sánh cái ghen của Hoạn Thư đối với thời đại ngày nay thì Hoạn Thư còn hiền so với cách đánh ghen của chị em phụ nữ bây giờ, bởi vì Hoạn Thư là một người có ăn có học, bà ta đánh ghen đều có tinh toán, sắp xếp đâu ra đấy hết, chứng tỏ bà là một người thông minh, xảo quyết. Thể hiện qua những cái lời nói đối đáp với Kiều, để đủ hiểu bà ta là người không phải nông cạn. Hoạn Thư đánh ghen phải để trả thù Thúy Kiều, chà đạp lên cái nhân phẩm của người con gái đó, mà bà ta làm như thế đề trả thù Thúc Sinh. Trong truyện tác giả cũng có nhắc tới việc Hoạn Thư đã mở cửa cho Thúc Sinh đưa Kiều về ra mắt nhưng Thúc Sinh sợ lại không dám đưa nàng về. Hoạn Thư là một con người có hiểu biết, có trí tuệ và cách trả thù với người chồng bạc nghĩa không nông nổi, hồ đồ.

Trong đoạn trích này tác giả nói về sự trả thù của Thúy Kiều, theo nguyên tác thì sự trả thù của Thanh Tâm tài nhân là vô cùng độc ác, nhưng sau khi được Nguyễn Du dùng cái tâm và văn hóa của người Việt để làm cho sự trả thù của Thúy Kiều trở nên nhân văn, nhân bản phù hợp với phong tục tập quán và văn hóa của đất nước ta. Để hiểu hơn về tính cách của Hoạn Thư thì ta cần tìm hiểu qua đoạn Thúy Kiều đối đáp với Hoạn Thư trong cảnh báo oán.

Sau khi đã báo đáp ân nghĩa cho Thúc Sinh đã cứu mình khỏi cảnh lầu xanh, cảnh tì thiếp là cảnh Thúy Kiều cho gọi Hoạn Thư vào để báo oán. Khi mời Hoạn Thư lên công đường thấy bà ta Thúy Kiều đã lập tức chào hỏi.

Ban đầu, trước những lời nói và thái độ của Thúy Kiều, Hoạn Thư như "hồn lạc, phách xiêu", nhưng với bản chất khôn ngoan của mình Hoạn Thư đã nhanh chóng trấn tĩnh lại để "liệu điều kêu ca". Những điều Hoạn Thư "kêu ca" thực chất là lí lẽ để Hoạn Thư tự gỡ tội cho mình hay nói đúng hơn là đang tự biên minh cho mình:

Trước hết, Hoạn Thư đã đưa ra tâm lí thường tình của phụ nữ:

"Rằng: "Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình."

Với lí lẽ này, sự đối lập giữa Thúy Kiều và Hoạn Thư đã bị xóa bỏ. Hoạn Thư khôn khéo đưa Kiều từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung "chút phận đàn bà". Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ: "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai". Từ "tội nhân", Hoạn Thư đã lập luận để mình trở thành "nạn nhân" của chế độ đa thê.

Sau đó, Hoạn Thư kể lại "công" của mình đối với Kiều:

"Nghĩ cho khi gác viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo."

Hai câu thơ nhắc lại việc Hoạn Thư cho Thúy Kiều ra viết kinh ở gác Quan Âm, và không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn. Từ tội nhân thành nạn nhân rồi thành "ân nhân",con người này thật khôn ngoan, giảo hoạt.

Sau khi đã cố biện minh cho tội lỗi của mình, Hoạn Thư đã cố gắng lôi kéo Thúy Kiều về phía của mình và trông chờ vào sự khoan dung, độ lượng của nàng để được Thúy Kiều tha cho. Biết được điểm yếu và bản chất hiền lành, lương thiện, thương người của nàng, Hoạn Thư đã:

"Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng."

Qua sự đối đáp, biện hộ của mình trước Thúy Kiều, biến mình từ thế bị động sang chủ động đã cho thấy Hoạn Thư là một người tinh ma xảo trá như thế nào và đặc biệt bà ta là một người "sâu sắc nước đời", hiểu các thể loại người để đối phó và tìm cách lươn lẹo.

Lời lẽ của Hoạn Thư thật có lí có tình, Kiều phải buộc miệng khen:

"Khen cho: Thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời."

Vì là người hiền từ, nhân hậu dù đã bị Hoạn Thư hại cho ra nông nỗi này nhưng trước lời lẽ của bà ta, Thúy Kiều có đôi chút băn khoăn, không biết nên trả thù nữa hay không hay là tha thứ cho mụ ta.

"Tha ra, thì cũng may đời,

Làm ra, thì cũng ra người nhỏ nhen."

Dân gian có câu: "Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Hoạn Thư đã biết lỗi, Kiều cũng độ lượng thứ tha, dù rằng bà ta đã gây cho nàng biết bao nhiêu vết thương, nhưng đứng trên phương diện của một người đàn bà bị người chồng của mình bội bạc như thế thì ai cũng hành xử như Hoạn Thư mà thôi.

Hoạn Thư có khá nhiều nỗi oái ăm, bi kịch trong cuộc đời đặc biệt bi kịch lớn nhất là bi kịch tình yêu, sống mà không có được tình yêu của chồng mình, đó là một nỗi đau tột cùng của người phụ nữ trong mọi thời đại. Qua nhân vật Hoạn Thư, tác giả đã nói lên tiếng nói cảm thông với người phụ nữa xưa chịu nhiều thiệt thòi; ca ngợi vẻ đẹp trí tuệ, sắc sảo nhưng đồng thời cũng lên tiếng phê phán thói ghen tuông mù quáng đã góp phần làm cho cuộc đời của người khác chịu nhiều đau khổ, sóng gió.

3. Cảm nhận hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” của Nguyễn Du

Đoạn trường tân thanh - một tác phẩm sống mãi với thời gian của đại thi hào dân tộc Việt Nam - Nguyễn Du, trong tác phẩm của mình, ông đã xây dựng bao hình tượng độc đáo và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Chắc hẳn cũng có rất nhiều người ấn tượng với nhân vật người phụ nữ trong câu chuyện vừa tài giỏi thông minh, giàu có nhưng lại có số phận bất hạnh, đó chính là Hoạn Thư một nhân vật được coi như là nhân vật phản diện của tác phẩm nhưng ẩn sâu trong “ vai diễn” ấy, nàng lại là một người có tình cảnh éo le không mấy gì khác Kiều.

Trong Truyện Kiều, có hai người phụ nữ thuộc vào dạng “Thông minh vốn sẵn tính trời” là nàng Kiều và Hoạn Thư. Trong truyện, chính Kiều là nạn nhân bị Hoạn đày đọa “cho đau đớn, ê chề” cũng phải hai lần thừa nhận Hoạn Thư “cao tay” hơn mình một bậc. Lần thứ nhất là ở Quan Âm các, khi được hoa tỳ cho biết Hoạn Thư : “đến đã lâu / Rón chân đứng núp độ đâu nửa giờ / Rành rành kẻ tóc chân tơ / Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường / Bao nhiêu nỗi khổ đoạn trường / Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than / Ngăn tôi đứng lại một bên / Chán tai rồi mới bước lên trên lầu”, Thúy Kiều đã “kinh xiết”, “sởn gai rụng rời” và thừa nhận “Ấy mới gan, ấy mới tài… Người đâu sâu sắc nước đời / Mà chàng Thúc phải ra người bó tay”. Lần thứ hai, trong màn báo ân báo oán, Kiều lại khẳng định một lần nữa : “Khen cho : ‘thật đã nên rằng / Khôn ngoan tới mực nói năng phải lời’”. Trong hai hoàn cảnh khác nhau (bị lệ thuộc và làm chủ), với đối tượng đã có sự thay đổi vị thế với mình (chủ nhân rồi phạm nhân, kẻ thù gây ra đau khổ và kẻ bị mình xử án), Kiều đều phải thừa nhận Hoạn Thư thông minh hơn người. Những lời này xuất phát từ sự tâm phục khẩu phục của Kiều vốn thông minh, sâu sắc, đủ cho thấy Hoạn Thư tài giỏi, bản lĩnh đến bực nào.

 

Thật vậy, trái với người chồng là Thúc Sinh bản tính nhu nhược, nửa vời, trong mỗi việc làm của mình, Hoạn Thư đều tỏ ra chín chắn, quyết đoán và nắm chắc phần thắng. Bằng cách riêng của mình, Hoạn Thư biết cách “Làm cho trông thấy nhãn tiền / Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Nhất là với “tình địch”, họ Hoạn biết cách “Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên… Làm cho cho mệt cho mê / Làm cho đau đớn, ê chề cho coi”. Bằng sự thông minh và bản lĩnh của người phụ nữ “sâu sắc nước đời”, Hoạn Thư đứng ra một tay đạo diễn vở kịch trả thù tình yêu tay ba vô cùng hoàn hảo đến nỗi Kiều vì quá kinh hãi mà bỏ trốn, còn Thúc Sinh chỉ biết ngậm ngùi than thở “Thấp cơ thua trí đàn bà” mà không thể làm gì được vợ. Trong màn Kiều đền ân trả oán, lúc được giải đến, vừa nghe lời “chào thưa” của Kiều, quả Hoạn Thư có phần sợ hãi (Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu). Nhưng rồi bằng những lời lẽ có tình, có lí của một người đủ bản lĩnh, Thư đã “lội ngược dòng” một cách ngoạn mục, được Kiều “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay” cùng với lời khen không thể khác “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”.

Rõ ràng, khác với một Hoạn Thư trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ biết trả thù mù quáng để rồi nhận kết cục thảm hại trong màn Kiều báo oán, Hoạn Thư trong Truyện Kiều ở một tầm cao hơn nhiều. Nàng không hề bị sự ghen tuông làm cho mất lí trí như trong suy nghĩ của không ít người. Trái lại, trong những tình huống quan trọng, Hoạn Thư biết làm chủ được cảm xúc, giải quyết sự việc hết sức bình tĩnh, thấu tình đạt lí và đặc biệt rất hiệu quả. Nếu trong kế hoạch trả thù Thúc Sinh, Hoạn Thư chiếm phần chủ động thì trong màn báo ân báo oán, dù ở thế bị động, Thư vẫn có thể lật ngược tình huống, làm chủ tình thế, tự cứu nguy cho mình mà không cần đến người chồng vừa được đền ơn rất hậu đang ở cạnh bên mình. Một người phụ nữ khôn ngoan, sắc sảo, bản lĩnh như vậy đâu dễ gặp, nhất là trong xã hội phong kiến, người nữ luôn ở trong thế thụ động, bị coi thường. Đây là một trong những phẩm chất đáng quý nơi Hoạn Thư, dù rằng hành động trả thù của nhân vật này có phần nặng tay.

Không chỉ thông minh và bản lĩnh, Hoạn Thư còn làm được nhiều hơn như vậy. Trong Truyện Kiều, từ trước đến sau tiểu thư họ Hoạn vẫn giữ đúng đạo lí làm vợ với chồng là Thúc Kỳ Tâm, dù Thúc là người chồng phản bội. Đã có nhiều lần Thư đã kìm nén được cảm xúc để giữ tròn đạo nghĩa phu thuê, dẫu rằng ở địa vị danh gia vọng tộc của mình, Hoạn Thư hoàn toàn có quyền làm điều người lại, bởi lỗi vốn thuộc về Thúc Sinh.

Lần thứ nhất, khi có hai người đến mách tin Thúc Sinh có lòng trăng gió để được tâng công (Tuần sau bỗng thấy hai người / Mách tin ý cũng liệu bài tâng công), ngay lập tức, “Tiểu thư nổi giận đùng đùng” quát mắng “Gớm tay thêu dệt, ra lòng trêu ngươi / Chồng tao nào phải như ai / Điều này hẳn miệng dông dài thị phi” và “Vội vàng xuống lệnh ra uy / Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng” hai kẻ đưa tin để “Trong ngoài kín mít như bưng / Nào ai còn dám nói năng một lời”. Trong trường hợp bất ngờ này, không phải Hoạn Thư chưa hay biết điều gì (ngay khi Hoạn Thư vừa xuất hiện trong truyện, tác giả đã cho nhân vật này biết hết mọi sự tình, Từ nghe vườn mới thêm hoa / Miệng đời đã lắm, tin nhà vắng không và cho biết nhân vật không thôi nghĩ về việc chồng “đen bạc ra lòng trăng hoa”, bằng chứng là trong nội tâm nhân vật có sự dằn xé rất lớn “Lửa tâm càng dập càng nồng”); mà là do tiểu thư họ Hoạn muốn giữ thanh danh cho chồng và thể diện cho gia đình mình. Hoạn Thư là người thông minh, nàng thừa biết rằng nếu chuyện vỡ lỡ ra, “Xấu chàng mà có ai khen chi mình”. Đành rằng, mục tiêu của Hoạn Thư nằm đằng sau sự lặng im này là kế hoạch làm “cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Nhưng rõ ràng, Hoạn Thư đã giữ đúng đạo lí một người làm vợ, điều này không phải người vợ nào cũng làm được, nhất là với những người xuất thân quyền uy như Hoạn Thư “con quan Lại bộ”.

Lần khác, khi Thúc Sinh về thăm nhà, vì không nghe lời dặn của Kiều trước lúc từ giã ở Lâm Tri và nghĩ rằng “Đà bưng kín miệng bình / Nào ai có khảo mà mình lại xưng”, Thúc đã giấu vợ chuyện “vườn mới thêm hoa” trong khi chính Hoạn Thư đã gợi ý bằng “những lời đâu đâu” bóng gió. Trong trường hợp này, Hoạn Thư có quyền nổi giận vì người chồng bạc tình phản bội. Nhưng thay vì to tiếng, nàng vẫn hết sức từ tốn, lễ độ : “Trong ngọc đá vàng thau / Mười phần ta đã tin nhau cả mười / Khen cho những miệng dông dài / Bướm ong lại đặt những lời nọ kia / Thiếp mà vụng, chẳng biết suy / Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười”. Đây là những lời nhắc khéo, nhưng trong đó ta vẫn thấy ở Hoạn Thư chút gì như là hi vọng chồng hồi tỉnh quay đầu. Từ đầu đến cuối, trong mọi trường hợp Hoạn Thư đều chưa một lần có lời nào phạm thượng đến chồng. Chính vì điều này phải Thúc một mặt phải thừa nhận mình “thấp cơ thua trí đàn bà” nhưng mặt khác cũng không thể trách giận gì được vợ mình.

Đặc biệt, Hoạn Thư luôn ý thức sâu sắc bổn phận làm vợ của mình. Chế độ phong kiến quy định nghiệt ngã “trai năm thê bảy thiếp” nhưng phụ nữ lại phải “chính chuyên một chồng”, dù họ có thuộc gia cấp thống trị đi nữa (trong lịch sử thời trung đại, đã từng có những bài hoàng có nhiều đời chồng, hoang dâm vô độ, nhưng đó là các trường hợp cá biệt mà thôi). Xuất thân trong gia đình quý tộc, được đào tạo bài bản, chắc chắn Hoạn Thư biết rất rõ điều này. Khi nghe tin “vườn mới thêm hoa”, tiểu thư họ Hoạn đã có có những suy nghĩ rất tích cực và chín chắn “Ví chăng thú thật cùng ta / Cũng dung kẻ dưới mới lạ lượng trên / Dại chi chẳng giữ lấy nền / Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình”. Ở đây, Hoạn Thư sẵn sàng chấp nhận để Thúc Sinh lấy Kiều làm thiếp với điều kiện chồng mình biết thật lòng thú nhận việc mình trót lỡ gây ra. Tiếc thay, họ Thúc không hiểu được điều này. Đây chính là nguyên nhân quan trọng để Hoạn Thư nổi giận và lên kế hoạch trả thủ “Làm cho nhìn chẳng được nhau / Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên / Làm cho trông thấy nhãn tiền / Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”.

Trong địa vị của Hoạn Thư, nàng đủ khả năng làm điều ngược lại, tức là không nhất thiết phải giữ trọn vẹn đạo lí vợ chồng, bởi như đã nói, lỗi thuộc về Thúc Sinh là người phản bội. Ta nên nhớ họ Hoạn là con nhà đại quan quyền uy, từ đầu đến cuối Thúc Sinh vẫn hãi trước uy quyền này. Mặt khác, Thúc là người ở bên ngoài “quen thói bốc rời”, có thể “trăm nghìn đổ một trận cười như không” nhưng khi về nhà lại rất sợ vợ, chưa bao giờ họ Thúc thoát ra được khỏi ám ảnh này. Việc cấm chồng lập thiếp, thậm chí cấm chồng không được ra khỏi nhà là điều nàng hoàn toàn có thể làm được. Thế nhưng Hoạn Thư vẫn làm đúng đạo lí một người làm vợ trong xã hội phong kiến phương Đông. Không phải ai trong vị thể của Hoạn Thư cũng có thể làm được như vậy. Rõ ràng, Hoạn Thư ở một tầm cao hơn so với Hoạn Thư trong suy nghĩ của nhiều người. Trong Truyện Kiều không hề có nàng Hoạn Thư ghen tuông mù quáng, chỉ có một Hoạn Thư cao tay trả thù một cách tàn nhẫn bởi nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa một bên là ý thức giữ tròn đạo lí phu thê với một bên là hiện thực người chồng phản bội, dối trá, thất vọng. Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng, Hoạn Thư đáng phục hơn là đáng ghét, đáng thương hơn là đáng trách, và dĩ nhiên, đau khổ hơn hả hê.

Hoạn Thư không chỉ biết ghen tuông và trả thù như ấn tượng về nàng trong suy nghĩ của nhiều người. Hoạn còn biết hi vọng, rồi thất vọng, biết khổ đau. Với người khác, đâu phải nàng chỉ biết hằn học thù hèm, ở Hoạn Thư còn có sự mến tài, thương tài.

Khi Kiều được phu nhân (mẹ Hoạn Thư) “cho về bên ấy theo đòi lầu trang” để “sớm khuya khăn mặt, lược đầu” hầu hạ Hoạn Thư, nhân “phải đêm êm ả chiều trời”, tiểu thư họ Hoạn “trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày”. Sau khi nghe những cung đàn “nỉ non thánh thót dễ say lòng người” nơi Kiều, Nguyễn Du viết về Hoạn Thư như sau : “Tiểu thư xem cũng thương tài / Khôn uy dường cũng bớt vài bốn phân”. Duy chỉ một lần bị đánh đập “trúc côn ra sức đập vào” ở phủ phu nhân, còn từ khi về dinh tiểu thư làm “phận con hầu”, Kiều không hề bị hành hạ về thể xác nữa. Rõ ràng, thái độ của Hoạn Thư đối với Kiều đã có sự thay đổi so với lúc chưa gặp Kiều.

Lần khác, Hoạn Thư bắt Thúc Sinh “Cậy chàng tra lấy thực tình cho nao” về Kiều. Khi Kiều “thân cung nàng mới dâng qua một tờ” về cuộc đời lênh đênh chìm nổi của mình để “diện tiền trình với tiểu thơ”, Nguyễn Du đã miêu tả rất hay diễn biến tâm trạng thoáng hiện lên ở Hoạn Thư như sau : “Thoắt xem, dường có ngẩn ngơ chút tình”. Rõ ràng, Hoạn Thư không phải là người gỗ đá, trong tận sâu tâm khảm của một người phụ nữ vốn cũng có nhiều khổ đau, Hoạn Thư cũng ít nhiều cảm thông, đồng cảm với Kiều. Đây là lí do để ngay sau đó, nàng lên tiếng : “Tài nên trọng mà tình nên thương / Ví chăng có số giàu sang / Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên /  Bể trần chìm nổi thuyền quyên / Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời”. Ta chú ý điển tích “nhà vàng”. Xưa Hán Vũ Đế khen nàng Át Kiều xinh đẹp rằng nếu sau này lấy được Át Kiều thì sẽ xây nhà bằng vàng ròng cho nàng ở (xem phần chú thích tr. 131 trong Truyện Kiều, Vũ Hữu Tiềm bình giải, chú thích và minh họa, Nxb Thanh Niên, 2008). Hoạn Thư dùng điển này, ý muốn nói, với tài và sắc ấy, Kiều xứng đáng được ở nhà vàng. Bởi chính Hoạn Thư cũng đã thừa nhận Kiều là kẻ “hữu tài”.

Trong Truyện Kiều, nhiều người biết tài, khen tài Thúy Kiều trong đó có Hoạn Thư. Nhưng tiểu thơ họ Hoạn lại là người đặc biệt hơn cả. Nếu như Kim, Thúc, Từ mến tài nàng Kiều họ Vương vì yêu thương, ngưỡng mộ; Mã Giám Sinh, Tú Bà càng biết tài của Kiều vì đó là cả một món lợi lộc có thể trao qua, bán lại để làm thỏa mãn “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” của “phường bán thịt”, “quân buôn người”; Giác Duyên, Tam Hợp đạo cô biết tài Kiều ở vị thế ngoài cuộc trong sự chiêm nghiệm về quan hệ tài mệnh tương đố “tài tình chi lắm cho trời đất ghen” thì Hoạn Thư là hoàn toàn khác. Trước hết, Thư mến tài Kiều là kẻ tình địch của mình, đây là điều hiếm khi xảy ra. Nhưng quan trọng hơn, dù ở địa vị cao sang quyền quý, Hoạn Thư vẫn tỏ ra ít nhiều cảm thông, thấu hiểu nỗi đau của số kiếp người phụ nữ trong xã hội ngày trước, trong đó có nàng. Thư quý tài Kiều bằng tấm lòng đồng cảm, xót thương. Bởi xét cho cùng, Thư cũng là một người phụ nữ khổ đau, không hơn không kém.

Trong Truyện Kiều, có ít nhất ba người phụ nữ đau khổ là Kiều, Vân và Thư. Nếu Kiều đau đớn bởi tình đầu tan vỡ, số phần hồng nhan bạc mệnh chìm nổi truân chuyên, phải rơi vào bi kịch càng ý thức sâu sắc về quyền sống, về danh dự thì càng bị nhấn chìm xuống vũng bùn nhơ nhớp khổ đau để rồi chỉ có biết phó mặc cho số phận “Cũng đành nhắm mắt đưa chân / Để xem con tạo xoay vần đến đâu” thì Hoạn Thư và Thúy Vân có những nỗi đau tương đồng về một chí tuyến khác. Đó là nỗi đau hôn nhân không tình yêu, dù rằng cuộc đời êm ấm, và nhất là với Thư, nỗi đau của bi kịch bị phản bội niềm tin.

Trong Truyện Kiều, cũng như nhân vật người em Thúy Vân, Hoạn Thư không hề có được một cuộc sống hôn nhân như ý muốn, dù nàng xứng đáng với điều đó (con nhà quyền quý, lại thông minh, biết đạo lí). Nguyễn Du không hề nhắc gì đến chuyện tình cảm của Thúc Sinh đối với vợ mình, nếu có thì cũng trong tương quan với người tình mới : “Tin nhà ngày một vắng tin / Nặng tình cát lũy, lạt tình tào khang”. Thúc Sinh bản tính ăn chơi bốc rời, lại là con nhà buôn vì theo cha đi làm ăn ở xa (Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri) nên ít khi ở nhà. Ngay cả trong những thời gian ít ỏi bên vợ, họ Thúc cũng không thoát ra được cái bóng sợ vợ ám ảnh mình từ đầu đến cuối thì thử hỏi làm sao vợ chồng có tình cảm được. Thúy Vân đau khổ vì mười lăm năm sống cạnh người chồng hờ Kim Trọng nhưng ít ra vẫn hạnh phúc hơn Hoạn Thư vì dù sao Vân cũng được gần gũi bên chồng, có con cái đề huề. Còn tiểu thư họ Hoạn, đến những hạnh phúc sơ đẵng, tối thiểu nhất của một người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ cũng không có. Tác giả không hề nói gì về đời tư của Hoạn Thư, bề ngoài có vẻ mạnh mẽ bản lĩnh của nàng đủ che giấu được những những điều thầm kín trong lòng. Nhưng ta thấm thía được nỗi đau quá lớn nơi Hoạn Thư. Phải chăng vì điều này mà hai kẻ “tình địch” không đội trời chung Thư-Kiều dễ dàng tha thứ cho nhau (lúc Kiều bỏ trốn, Hoạn Thư thừa biết nhưng “khỏi cửa dứt tình chẳng theo” và ngược lại, trong màn báo oán, chỉ sau vài câu nói của Hoạn Thư, Kiều đã “truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”) ?

Nếu như Kiều có một may mắn rất lớn trong đời là được ba người yêu mình hết mực, ai cũng có thể vì mình mà làm tất cả thì Hoạn Thư cả một người yêu thật lòng cũng không có. Hoạn Thư chỉ có một người chồng nhưng đó lại là người chồng phản bội. Trong nghĩa vợ chồng “ngọc đá vàng thau”, nàng tin tưởng chồng mình tuyệt đối “mười phần ta đã tin nhau cả mười” thì họ Thúc đã không làm được như vợ mình mong đợi. Thậm chí cả khi “Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu” ngầm ám chỉ sự việc đã được phát hiện, Thúc Sinh quá hời hợt đến độ không biết gì để rồi không nghe lời Kiều là thú nhận cùng chính thất chuyện đã trót rồi. Rõ ràng, trước khi lên kế hoạch trả thù, Hoạn Thư đã cho Thúc Sinh một cơ hội, thậm chí nếu Thúc làm như Kiều dặn, với những suy nghĩ chín chắn trước đó của Hoạn Thư, mọi chuyện đã tốt đẹp hơn nhiều. Hoạn Thư là hiện thân  của nỗi đau niềm tin bị phản bội, của người chọn nhầm mặt gửi vàng.

Qua đoạn trích nói riêng và cả truyện Kiều nói chung, ta thấy Hoạn Thư là một con người có ăn có học, nó thể hiện qua cái cách đánh ghen và những lời đối đáp có lý có tình với Kiều, nhưng vì tình yêu, vì sự bội bạc của người chồng nhu nhược, nhút nhát đã khiến cho cả hai người đàn bà của anh ta đều đau khổ.

Ngày:23/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM