Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em thấy được tình mẫu tử thiêng liêng không gì có thể ngăn cản được. Đồng thời, tài liệu này còn rèn luyện cho các em kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học hay và đặc sắc nhất. Cùng eLib tham khảo nhé!

Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go

1. Dàn ý phân tích tình mẫu tử trong Mây và sóng

a. Mở bài:

- Ta-go là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch lớn, ông được coi là một đại thi hào, hay một thiên tài của Ấn Độ

- Mây và sóng, tác phẩm thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng dưới lăng kính của một cậu bé qua những câu chuyện cậu kể với mẹ.

b. Thân bài:

- Câu chuyện mây rủ cậu bé đi chơi xa:

+ Trong thế giới của Ta-go ông luôn khẳng định rằng tình mẫu tử là cao quý nhất, là thiêng liêng nhất.

+ Tìm cách lên mây với câu hỏi ngây thơ “Nhưng làm thế nào mình lên đó được”, sự đơn giản của việc hòa nhập vào với mây trời đó chỉ là tới tận cùng trái đất và đưa tay lên trời.

+ Nhớ tới mẹ và tự nghĩ ra trò chơi mới: “Con là mây và mẹ sẽ là trăng, hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”.

- Câu chuyện sóng rủ cậu bé đi chơi xa:

+ Sau mây thì những con sóng lại tiếp tục cất tiếng gọi vui chơi nơi đại dương, sóng kể về những chuyến đi của mình với cậu bé nghe, nói với cậu về niềm vui ca hát cả ngày.

+ Tìm cách hòa mình vào sóng để được nô đùa.

+ Nghĩ tới mẹ và tiếp tục nghĩ ra trò chơi mới: “Con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ, con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”.

- Tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt:

+ Tác giả đã vẽ lên một bức tranh thật đẹp về tình mẫu tử, chính tình cảm mẹ dành cho con đã tạo nên một người con luôn nhớ đến mẹ của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

+ Nhà văn cũng muốn nhắn nhủ tới người đọc một chân lí không thể thay đổi đó là không có thứ gì có thể thay đổi được tình mẫu tử, đó là tình cảm thiêng liêng và vĩnh hằng.

c. Kết bài:

- Cảm nghĩ về bài thơ: Bằng tình cảm tận sâu trong tim của bản thân cùng với sự yêu mến, tin tưởng vào tương lai trẻ thơ tác giả đã thể hiện rất thành công trong cách xây dựng nhân vật và truyền tải thông điệp tới người đọc.

2. Bài văn cảm nhận về tình mẫu tử trong Mây và sóng

Ta-go là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch lớn, ông được coi là một đại thi hào, hay một thiên tài của Ấn Độ, những sáng tác của ông đã có đóng góp rất lớn trong nền văn học của thế giới. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Mây và sóng, tác phẩm thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng dưới lăng kính của một cậu bé qua những câu chuyện cậu kể với mẹ.

Trong thế giới của Ta-go ông luôn khẳng định rằng tình mẫu tử là cao quý nhất, là thiêng liêng nhất và là thứ tình cảm không có gì có thể thay thế được. Qua bài thơ ta có thể thấy được sự ngây thơ hồn nhiên, tinh nghịch của cậu bé khi được mây trời rủ đi chơi xa, lướt dạo trên mây cao. Đối với một đứa trẻ thì việc được đi chơi, được vui đùa cả ngày có lẽ là điều tuyệt vời nhất và đối với cậu bé này cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy khi nhận được lời mời gọi từ mây cậu đã không ngại ngần hỏi đường để lên mây “Nhưng làm thế nào mình lên đó được”, sự đơn giản của việc hòa nhập vào với mây trời đó chỉ là tới tận cùng trái đất và đưa tay lên trời.

Em bé tâm sự với mẹ về lời rủ rê của những người trên mây. Lời rủ rê ấy thủ thỉ, tâm tình, gần gũi, gợi lên trong em bé một thế giới phóng khoáng, tự do, sinh động, thú vị! Nếu lên với mây, em sẽ được bay bổng trên bầu trời cao rộng, trong ánh sáng và những sắc màu tươi đẹp, lung linh của “bình minh vàng” và “vầng trăng bạc”. Rất thú vị là em được vui chơi thỏa thích, vô tư không cần biết đến thời gian. Trẻ em nào chẳng thích được mải miết vui chơi, mà ở đó lại là một thế giới thơ mộng, mời gọi, hấp dẫn! Em bé rất thích được đi cùng những người trên mây nên mới hỏi: “Nhưng làm thế nào mà mình lên đó được?” Phần nào em bé đã bị lôi cuốn bởi những người bạn trên mây. Theo lời họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”, rất dễ dàng và nhẹ nhàng, em sẽ được bay bổng trên mây cao như đi vào cõi mơ vậy.

Nhưng không! Dẫu sao thì việc xa rời mẹ mình là điều rất khó đối với em: “Mẹ mình đang đợi ở nhà”,“Làm sao có thể rời mẹ mà đến được”. Thường thì trẻ em rất ham vui, thích được làm bạn với thiên nhiên. Chúng có thể vui chơi với bất cứ thứ gì chúng có thể tìm được giữa vạn vật xung quanh mình, có khi chỉ với một cành cây khô gãy cũng trở thành một thứ đồ chơi đầy thú vị của chúng.“ Em bé ơi, em sung sướng biết bao/ Khi em ngồi suốt cả buổi mai trong đất bụi/ Chơi với một cành cây gãy. Với bất cứ một thứ gì em đã tìm ra/ Em đều tạo được những trò chơi thú vị (Đồ chơi- tập Trăng non). Ở đây, em bé rất thích đi chơi nhưng lại yêu mẹ hơn. Làm sao em có thể rời mẹ hiền để đi chơi xa như thế! Khước từ lời mời gọi để mẹ ở nhà khỏi phải chờ đợi, để luôn được gần mẹ, em bé quả là đứa con ngoan, hiếu thảo, luôn thương yêu mẹ, không thể rời mẹ mình để đi chơi được.

Đứa trẻ nào chẳng ham chơi ham vui, lại còn thấy những hình ảnh sống động từ sóng thì làm sao có thể cưỡng lại được mong muốn đó, rồi cậu bé cũng được sóng chỉ cho cách để có thể hòa mình vào những con sóng để nô đùa nhưng lại một lần nữa cậu nhớ đến mẹ, tự nhủ với bản thân làm sao có thể đi chơi khi mẹ còn đang ở nhà và trò chơi mới tiếp theo lại ra đời: “Con là sóng và mẹ là bến bờ kì lạ, con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”.

Sự đơn giản để hòa nhập với trò chơi ấy là chỉ cần đi đến tận cùng trái đất, đưa tay lên trời là em bé sẽ được nhấc bổng lên mây. Đang vui và háo hức khi chuẩn bị được hòa nhập với trò chơi mới thì bỗng nhiên chú bé nhớ đến một điều gì đó đang chờ mình ở nhà. Điều đó không gì khác đó chính là người mẹ.

Trong vũ trụ bao la, trong ngôi nhà rộng lớn của thiên nhiên mà con tưởng tưởng ra ấy, ở đâu cũng có tình mẫu tử! Tình mẫu tử luôn có ở khắp nơi trên thế gian này, thiêng liêng và bất diệt! Từ xưa đến nay, hình ảnh sóng và bến bờ không lạ trong thơ văn, nhưng ở đây lại trở thành hình ảnh thơ độc đáo bởi nó đã ngợi ca, nâng tình mẹ con lên tầm kích vũ trụ, đem đến cho độc giả thông điệp đậm chất nhân văn về tình mẹ cao cả trên đời!

Qua những hình ảnh kì diệu của tự nhiên là mây và sóng tác giả đã vẽ lên một bức tranh thật đẹp về tình mẫu tử, chính tình cảm mẹ dành cho con đã tạo nên một người con luôn nhớ đến mẹ của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Quá trình nuôi dưỡng khó khăn nhọc nhằn để con không lớn chính là tình cảm bất diệt trong lòng con cái, đối với con cái ba mẹ chính là điểm tựa, là động lực thúc đẩy cho con cái có niềm tin bước vào cuộc sống, là nguồn động viên khi con gặp thất bại và là niềm tự hào khi thấy con mình thành công. Nhà văn cũng muốn nhắn nhủ tới người đọc một chân lí không thể thay đổi đó là không có thứ gì có thể thay đổi được tình mẫu tử, đó là tình cảm thiêng liêng và vĩnh hằng.

Bằng tình cảm tận sâu trong tim của bản thân cùng với sự yêu mến, tin tưởng vào tương lai trẻ thơ tác giả đã thể hiện rất thành công trong cách xây dựng nhân vật và truyền tải thông điệp tới người đọc.

3. Em hãy phân tích tình mẫu tử trong Mây và sóng

Ra-bin-đra-nát Ta-go (1861-1941) là nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ, là nhà văn đầu tiên của châu Á được nhận giải thưởng Nobel về văn học (1913). Ông để lại một gia tài văn hóa nghệ thuật đồ sộ với 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, khoảng một trăm truyện ngắn, rất nhiều bút ký, luận văn, diễn văn, thư tín… và trên 1500 bức họa và một số lượng ca khúc rất lớn. Ông đã có những đóng góp xuất sắc cho nền thơ ca Ấn Độ và thế giới. Thơ Ta-go thể hiện tinh thần dân tộc, dân chủ sâu sắc, tính nhân văn cao cả và chất trữ tình, chất triết lý nồng đượm.

Bài thơ “Mây và Sóng” viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập “Si-su” (Trẻ thơ) ra đời năm 1909, được tác giả dịch sang tiếng Anh, in trong tập thơ “Trăng non” năm 1915. Vốn rất am hiểu về tâm lý, những tình cảm và ước mơ của trẻ em, vì vậy trong tập thơ, ông đã lựa chọn và sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ và những câu chuyện gần gũi với các em nhất để ca ngợi những nét hồn nhiên, tình cảm đẹp và dễ thương trong tâm hồn trẻ. Trong “Mây và Sóng”, bằng cách hóa thân vào lời trò chuyện ngây thơ của em bé với mẹ, Ta -go đã làm hiện lên tình thương yêu mẹ, tình yêu thiên nhiên tha thiết và trí tưởng tượng tuyệt vời trong tâm hồn trẻ em. Từ đó, gieo vào trong lòng độc giả những suy ngẫm sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt trên đời.

Đang cảm thấy háo hức vì sắp được dạo chơi thì trong cậu hình bóng người mẹ hiện lên, đứa trẻ nhớ về người mẹ đang ở nhà chờ mình thì làm sao bản thân có thể đi chơi xa được, và tình cảm mà mẹ dành cho bé đã lưu giữ bước chân cậu lại. Khi từ chối khéo léo thì chính cậu đã nghĩ ra trò chơi mới cho bản thân mình, vẫn muốn chơi đùa nhưng là chơi đùa trong vòng tay mẹ: “Con là mây và mẹ sẽ là trăng, hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”

Sau mây thì những con sóng lại tiếp tục cất tiếng gọi vui chơi nơi đại dương, sóng kể về những chuyến đi của mình với cậu bé nghe, nói với cậu về niềm vui ca hát cả ngày, chính điều đó đã lại một lần lay động lòng ham chơi của đứa trẻ, chỉ cần nghe đến việc được ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn thôi đã làm cho cậu thấy thích thú rồi, hơn thế nữa còn được đến những nơi mà không biết rằng đó là nơi nào càng kích thích tính tò mò của cậu bé.

Cũng thú vị trong khoảng thời gian khá dài từ sáng sớm cho đến hoàng hôn với sự ngao du không bao giờ biết chán. Điều đó đã có sức lay động đến lòng ham chơi của đứa trẻ. Đứa trẻ nào mà chẳng ham chơi, ham vui, muốn khám phá thế giới này. Sóng ngoài đại dương bao la đang đến với đứa trẻ với lời nói ngọt ngào thủ thỉ mời gọi về một cuộc viễn du đại dương hết sức thú vị. Em bé muốn đến để hòa nhập vào cuộc ngao du đầy thú vị ấy. Nhưng làm sao để đến được đó ? Đơn giản hơn lần trước, chỉ cần nhắm mắt lại khi đứng ngoài rìa biển cả là sẽ được con sóng nâng đi. Đang say sưa với sự thú vị của trò chơi mới, ước mơ đi xa nhưng lại có vẻ lưỡng lự ngập ngừng bởi bỗng nhiên như sự thức dậy của tiềm thức, đứa trẻ nhớ đến người mẹ, nhớ đến rằng mình không thể nào rời mẹ được vào mỗi buổi chiều về. Từ sự nhớ nhung bất chợt trong niềm ham chơi khó lòng mà cưỡng lại được, đứa trẻ một lần nữa lại nhận ra hay nói cách khác là tưởng tượng ra một trò chơi mới còn thú vị hơn nhiều lần trò chơi này.

Rồi với trí tưởng tượng tuyệt diệu, em bé đã sáng tạo ra trò chơi rất thú vị: “Con là mây và mẹ là mặt trăng/ Hai bàn tay con ôm lấy mẹ và mái nhà ta là bầu trời xanh thẳm”. Em đã sáng tạo ra một trò chơi tuyệt vời, chính em bé làm mây và mẹ làm mặt trăng ngay trong mái nhà êm ấm của mình là bầu trời xanh thẳm. Như thế, em bé không chỉ được hòa hợp cùng thiên nhiên thơ mộng mà còn được gần gũi trong vòng tay yêu thương của mẹ hiền, của gia đình em. Tình yêu thiên nhiên và đặc biệt là tình yêu mẹ đã thắp sáng và nâng cánh cho trí tưởng tượng tâm hồn trẻ thơ bay bổng, đắm mình trong giấc mơ hạnh phúc cùng người mẹ yêu quý của mình. Phải chăng tình yêu là khởi nguồn cho sự sáng tạo và tình yêu mẹ là khởi nguồn cho những sáng tạo kỳ diệu của con người?

Cũng như một sự diệu kỳ trong việc tạo ra hình ảnh ẩn dụ sóng đôi giữa bờ biển với con sóng, sự so sánh độc đáo: con sẽ là sóng, còn mẹ là bến bờ kì lạ. Sự kì lạ ấy đã có sức lôi cuốn sự khám phá của đứa trẻ. Mà sự lôi cuốn ấy còn hấp dẫn hơn bất kỳ trò chơi nào. Khi lăn vỗ vào bến bờ kì lạ của tình mẹ ấy, đứa trẻ sẽ cười vang trong sự đón nhận tình cảm yêu thương của mẹ. Tình mẹ như vỗ về an ủi, nâng niu đứa trẻ.

Mượn hai hình tượng mây và sóng để Ta-go vĩnh viễn hoá sức mạnh kỳ diệu của tình mẫu tử. Sự bất tử của tình mẹ sẽ là nguồn nuôi dưỡng tốt nhất cho mỗi tâm hồn trẻ thơ. Và đó chính là triết lý sâu sắc trong bài thơ mang đậm tính cách trẻ thơ này. Hầu như nhà thơ lớn nào cũng vậy, trong tác phẩm nghệ thuật của mình không quên dành cho trẻ em những bài thơ hay để khuyên bảo và ca ngợi các em, mong mỏi các em phát huy và giữ gìn phẩm chất tốt đẹp để các em nuôi chí lớn phục vụ tổ quốc và xã hội. Tagore làm thơ cho trẻ em cũng xuất phát từ tình cảm chân thành của người ông, người cha, người thầy, yêu mến các em, tin tưởng vào tương lai của các em. Trong bài thơ Mây và sóng, thể hiện tình cảm đó của ông. Hướng tâm hồn trẻ thơ sống trong sự bất tử của tình mẹ. Giọng điệu của bài thơ thật ngộ nghĩnh, thủ thỉ rất phù hợp với tâm lí trẻ thơ.

Ngày:26/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM