Phân tích sáu câu thơ đầu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du

Mời các em tham khảo một số bài văn mẫu về phân tích sáu câu thơ đầu trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du. eLib hi vọng những bài văn mẫu này sẽ giúp ích cho các em trong việc học. Chúc các em học tập thật tốt!

Phân tích sáu câu thơ đầu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du

1. Dàn ý phân tích sáu câu thơ đầu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Nội dung sáu câu thơ đầu: cảnh ngộ và nỗi niềm của Thúy Kiều.

b. Thân bài:

Cảnh ngộ và nỗi niềm của Thúy Kiều:

- Cảnh ngộ “khóa xuân”:

+ Tình cảnh bất hạnh: Thúy Kiều bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, phải chôn vùi tuổi xuân ở nơi này.

+ Sự xót xa, mỉa mai cho số phận (vì Thúy Kiều không còn trong trắng nữa).

- Quang cảnh quanh lầu Ngưng Bích:

+ Rộng lớn, mênh mông, bát ngát:

Hình ảnh: “non xa”, “trăng gần” -> không gian mở ra chiều cao, chiều xa -> hình ảnh lầu Ngưng Bích chơi vơi, chênh vênh, đơn độc giữa không gian.

Từ láy “bát ngát” -> tô đậm hơn một không gian rợn ngợp cả  4 bề.

+ Trống trải, hoang vắng, không có dấu hiệu của sự sống:

Liệt kê: “cát vàng”, “bụi hồng”, “cồn nọ”, “dặm kia”  -> phủ định sự sống, gợi sự ngổn ngang của cảnh vật.

Tiểu đối: “mây sớm” – “đêm khuya”: càng gợi sự quạnh vắng, hắt hiu của cảnh.

→ Quang cảnh rộng trống, cô liêu, nhạt phai sự sống đã trở thành phương tiện để mở ra bao nỗi niềm của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.

- Tâm trạng của nàng Kiều:

+ Sự cô đơn, lẻ loi cùng cực: không một bóng người bầu bạn, chỉ có thể làm bạn với “trăng gần”, “mây sớm”. “đêm khuya” với những vật vô tri; mọi phương tiện giao cảm giữa con người với con người bị cắt đứt.

+ Ngổn ngang trăm mối âu lo, day dứt, đau khổ:

“Xa trông”: không đơn giản chỉ là nhìn mà còn là sự ngóng đợi, sự khắc khoải kiếm tìm một dấu hiệu chỉ là nhỏ nhoi nhất của sự sống, của cái ấm áp giữa nơi mà cô đơn hoàn toàn ngự trị.

Cách phác họa cảnh vật ngổn ngang -> gợi sự ngổn ngang trong lòng nàng.

+ Nỗi niềm chua xót, bẽ bàng cho cảnh ngộ, thân phận:

Lúc nào cũng chỉ có một mình, không thể chia sẻ cùng ai.

Chồng chất nỗi đau của cốt nhục chia lìa, tình yêu tan vỡ, bơ vơ nơi góc bể chân trời, trở thành một món hàng trong tay mụ Tú Bà.

Bị đày đọa giữa không gian xa xôi, hoang vắng, trong thời gian dằng dặc triền miên, trong tình cảnh cô đơn cùng cực.

ð Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình, với một hệ thống hình ảnh vừa chân thực, vừa sáng tạo, Nguyễn Du đã không chỉ phác họa được quanh cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích mà ông còn giúp bạn đọc hiểu được cảnh ngộ và tâm trạng cô đơn, lẻ loi, đầy bi kịch của Thúy Kiều.

c. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về sáu câu thơ đầu.

2. Phân tích sáu câu thơ đầu Kiều ở lâu Ngưng Bích của Nguyễn Du

Có người từng nói: "Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nâng tiếng Việt lên thành ngôn ngữ dân tộc". Quả thật vậy, càng suy ngẫm ta càng thấm thía, càng thấy độc đáo - một đại thi hào dân tộc với sự sáng tạo tuyệt vời đã làm cho ngôn ngữ dân tộc vốn đẹp giờ càng đẹp hơn. Tả cảnh ngụ tình là một cách Nguyễn Du thể hiện thành công nét độc đáo của tiếng Việt trong tác phẩm của mình. Điều đó thể hiện rõ trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Sáu câu thơ đầu là hoàn cảnh cô đơn, cay đắng, xót xa của nàng Kiều; đó là "tình" trong "cảnh", "cảnh" trong "tính":

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.ư
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng...”

Thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu được miêu tả hoang vắng, bao la đến rợn ngợp. Ngồi trên lầu cao, nhìn phía trước là núi non trùng điệp, ngẩng lên phía trên là vầng trăng như sắp chạm đầu, nhìn xuống phía dưới là những đoạn cát vàng trải dài vô tận, lác đác như bụi hồng nhỏ bé như càng tô đậm thêm cuộc sống cô đơn, lẻ loi của nàng lúc này:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”

Có thể hình dung rất rõ một không gian mênh mông đang trải rộng ra trước mắt Kiều. Không gian ấy càng khiến Kiều xót xa, đau đớn:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Một chữ bẽ bàng mà lột tả thật sâu sắc tâm trạng của Kiều lúc bấy giờ: vừa chán nản, buồn tủi cho thân phận mình, vừa xấu hổ, sượng sùng trước mây sớm, đèn khuya. Và cảnh

vật như cũng chia sẻ, đồng cảm với nàng: nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. Bức tranh thiên nhiên không khách quan, mà có hồn, đó chính là bức tranh tâm cảnh của Kiều những ngày cô đơn ở lầu Ngưng Bích. Một khung cảnh bao la, rộng lớn nhưng lại thấm đẫm một nỗi sầu của nàng Kiều. Đúng như Nguyễn Du viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong cái không gian rợn ngợp và thời gian dài đặc, quẩn quanh, "mây sớm đèn khuya" gợi vòng tuần hoàn khép kín của thời gian, tất cả đang giam hãm con người, như khắc sâu thêm nỗi cô đơn khiến Kiều càng thấy "bẽ bàng" chán ngán, chỉ biết làm bạn với "mây" và "đèn". Câu thơ "Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng" không chỉ buồn rầu, tủi hổ về thân phận, số phận cay đắng, truân chuyên mà nàng còn xót xa vì cái "tình riêng" khiến lòng nàng như bị xé! Một nửa là tâm sự của Kiều, một nửa là cảnh vật trước lầu Ngưng Bích, hai mối phụ họa với nhau mà tác động đến Thúy Kiều, chia sẻ lòng Kiều khiến cho lòng nàng tan nát, dồn tới lớp lớp những nỗi niềm chua xót đau thương.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ kể về cuộc đời con gái họ Vương có tài, có sắc bị đày đọa bi thảm mà còn nói lên nỗi đau xót của mình trong trước số phận đầy khổ đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Cái thế giới làm cho ông thương cảm, xót xa là thế giới của tất cả những con người bị giày xéo, đày đọa về thể xác cũng như về tinh thần. “Tính hiện thực vô cùng sinh động và sức tố cáo cực kỳ sắc bén của tác phẩm Nguyễn Du là hai ngọn lửa sáng chói của một cái lò đỏ rực, đó là trái tim đầy tình thương xót của Nguyễn Du đối với nỗi đau khổ của những con người bất hạnh dưới chế độ xã hội bất công, đó là tâm hồn cao cả của Nguyễn Du chan chứa một tình nhân đạo mà cảnh chiều tà của một chế độ trên bước đường diệt vong đã nhân lên ở ông mấy mươi năm, trong đó chính bản thân ông cũng đã chia sẻ với thế hệ của ông những nỗi cay đắng, tủi nhục” (Nguyễn Khánh Toàn). Nhiều lần, lời thơ Nguyễn Du nhói lên trong đau xót.

Tóm lại, vẽ nên tấm gương oan khổ, câu chuyện thê thảm của cuộc đời nàng Kiều, tiếng nói Nguyễn Du là tiếng kêu thương não nùng đau đớn trước vận mệnh của con người trong xã hội phong kiến. Tinh thần nhân đạo chứa chan là cội nguồn của tiếng kêu thương ấy.

Nguyễn Du đã xót thương cho cái số phận đầy sóng gió ấy. Thông qua bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, Nguyễn Du đã thể hiện một cách độc đáo cảnh thực ở lầu Ngưng Bích và sự xót xa, buồn tủi của nàng Kiều về tình riêng dang dở.

3. Bình giảng sáu câu thơ đầu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du

Trong khoảng đời lưu lạc của Kiều, Nguyễn Du luôn theo sát bước chân của nàng để cùng thông cảm, chia sẻ với nàng. Ngay từ đoạn đầu đời của bước đường lưu lạc “trước lầu Ngưng Bích”, nàng phải đối diện với chính mình trong nỗi đau bi kịch. Bi kịch nội tâm của phép tả cảnh ngụ tình. Kiều ở lầu Ngưng Bích là một thành tựu đặc sắc của nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.

Thúy Kiều thông minh, nhạy cảm, tài sắc, đang sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”. Nhưng bất ngờ tai vạ lại ập đến với gia đình nàng. Nàng buộc phải bán mình chuộc cha, trao cả cuộc đời cho Mã Giám Sinh lưu manh, và rồi lại rơi vào chốn lầu xanh của Mụ Tú, cái lầu Ngưng Bích mà mụ dành cho Kiều ở thật ra là cái cạm bẫy để rồi đưa nàng vào cuộc đời của một cô gái lầu xanh. Tâm trạng của Kiều ở lầu Ngưng Bích là dự cảm về những đắng cay mà nàng sắp sửa phải gánh chịu.

Đoạn thơ trích là một bức tranh buồn, một nỗi buồn xót xa của thân gái dặm trường phải đối với bao nghiệt ngã ở chính mình – một nỗi buồn xa xót, thê lương, buồn từ lòng người thấm vào cảnh vật, buồn từ cảnh vật xoáy vào lòng người; một nỗi buồn của con người hoàn toàn cô đơn giữa khung cảnh thiên nhiên vắng lặng.

Mở đầu đoạn thơ là khung cảnh bi kịch nội tâm Thúy Kiều:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”

Chỉ vài nét chấm phá của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã gợi lên một tâm trạng cô đơn, trơ trọi của Thúy Kiều trước không gian mênh mông vắng lặng. Từ lầu cao ngước mắt xa trông, nàng chỉ thấy trong tầm mắt dáng núi mờ xa và một mảnh trăng gần. Bức tranh thiên nhiên thì đẹp, nhưng lòng người thì buồn, nên cảnh cũng đeo sầu. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhìn xuống mặt đất thì cảnh vật bốn về xa trông bát ngát, bên thì “cát vàng cồn nọ” nhấp nhô, gợn sóng, bên thì “bụi hồng dặm kia” thưa thớt thoáng hiện dưới ánh trăng vàng. Bức tranh thiên nhiên dù nên thơ, thoáng đãng, nhưng lại rất tĩnh – cái tình lặng gần như tuyệt đối ấy, cái mênh mông vắng lặng ấy lại càng khắc sâu thêm nỗi niềm cô đơn, buồn tủi của nàng. Để rồi nỗi cô đơn ấy lại càng đẩy lên đến mức tuyệt đối:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Hình ảnh “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Thời gian và không gian hãm con người nơi đất lạ, miền xa. Nàng chỉ còn biết làm bạn với “mây sớm đèn khuya” để mà tự thổn thức, tự hoài niệm. Thật oái oăm cho cảnh, “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”. Một nửa là tâm sự của Thúy Kiều và nửa kia là cảnh vật trước lầu Ngưng Bích. Hai nỗi ấy đan xen vào nhau, làm choáng ngợp lòng Kiều, khiến Kiều đau đớn bơn, tan tác hơn. Nàng đắm chìm trong nỗi buồn cô đơn, tuyệt vọng.

Thiên nhiên có tác động rất lớn đến tâm hồn con người, là hình ảnh phản chiếu tâm hồn con người – Nguyễn Du từ thời đó đã nói với chúng ta như thế. Ở lầu Ngưng Bích, chỉ có mình Kiều với thiên nhiên. “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”... không phải là "dãy núi và mảnh trăng như ở cùng trong một vòm trời,  như  trong cùng một bức tranh" (Văn 9 - phần chú giải) mà là “ở chung" với nàng Kiều. Nói vậy có vẻ như thô thiển, nhưng nếu phải tìm hiểu tận cùng ngữ nghĩa, thì đúng là nàng Kiều chỉ có thiên nhiên làm bầu bạn. Tất cả mọi dáng vẻ của thiên nhiên: xa mờ như sắc núi có thể nhìn thấy lúc ban ngày đẹp trời, gần gũi như mảnh trăng lúc ban đêm... sớm lại chiều, ngày này qua ngày khác, nhìn thấy được nhưng không thể cùng nàng chuyện trò, chia sẻ... Lầu Ngưng Bích hẳn ở một nơi hoang vắng, ít người qua lại, khắp "bốn bề" và cho đến tận "xa trông", về phía nào cũng chỉ thấy bụi cây, cồn cát. Mỗi câu thơ là một cặp đối xứng: vẻ non xa - tấm trăng gần mờ ảo; cát vàng cồn nọ - bụi hồng dặm kia tầng tầng lớp lớp; mây sớm - đèn khuya vắng lặng cô đơn... Cái vẻ đối xứng tạo nên cảm giác trùng lập của hình ảnh ấy, chính là những nỗi ngổn ngang, bề bộn trong lòng nàng Kiều, không dám hi vọng, tin tưởng mà cũng không hoàn toàn là tuyệt vọng đớn đau. Vì nàng còn quá trẻ, vì dù gặp tai biến, cuộc đời cũng mới chỉ bắt đầu. Nhưng nếu nàng vừa hi vọng, dù chỉ mơ hồ, thấp thoáng, thì lại không tránh khỏi "bẽ bàng" tội nghiệp ngay trong vô vọng. “Nửa tình, nửa cảnh", buồn rồi nhớ, đợi chờ, hi vọng rồi thất vọng “như chia tấm lòng ". nối nhau đến rồi đi trong lòng nàng như thế.

Kiều ở lầu Ngưng Bích là bức tranh phong phú và sinh động về ngoại cảnh và tâm cảnh. Với những nét phác họa có chọn lọc về cảnh vật thiên nhiên, về ngôn ngữ độc thoại và hề thống ngôn ngữ dân tộc là chủ yếu, Nguyễn Du đã miêu tả những diễn biến tâm trạng nhân vật một cách sinh động, tạo được ấn tượng mạnh mẻ đối với người đọc.

Với một trái tim nhân đạo, giàu tính nhân văn sâu sắc, kết hợp với bút lực tài hoa, Nguyễn Du đã tạo nên một đoạn thơ nổi tiếng nhất trong Truyện Kiều.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM