Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài thơ Bếp lửa - Bằng Việt

Với Bằng Việt, kỉ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất của mình là hình ảnh người bà tần tảo sớm hôm. Hiện diện cùng bà là hình ảnh bếp lửa. Nó đã khơi nguồn cảm xúc để tác giả nhớ về bà và viết về bà qua bài thơ đậm chất trữ tình: Bếp lửa. Bài thơ đã khắc họa chân thật hình ảnh người bà gắn liền với những kỷ niệm trong quá khứ để từ đó tác giả bộc lộ tâm trạng nhớ nhung cùng với những tình cảm yêu thương xen lẫn cảm phục của mình đối với người bà thân yêu. Dưới đây eLib xin giới thiệu đến các em một số bài văn mẫu cảm nhận hai khổ cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Mời các em tham khảo, chúc các em học tập tốt.

Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài thơ Bếp lửa - Bằng Việt

1. Dàn ý phân tích hai khổ thơ cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

a. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Bằng Việt

+ Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

+ Thơ Bằng Việt có giọng điệu tâm tình, trầm lắng, cảm xúc tinh tế, do đó tạo được sức lôi cuốn với bạn đọc.

- Giới thiệu tác phẩm: Bếp lửa

- Giới thiệu khái quát về hai khổ cuối

b. Thân bài

1. Khổ thơ "Lận đận... bếp lửa!"

- Những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ, của đứa cháu về cuộc đời của bà:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

- Những vần thơ chan chứa bao nghĩa nặng tình sâu của đứa cháu đối với bà. Bà quen dậy sớm để tiếp tục nhóm lên ngọn lửa:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

2. Khổ thơ "Giờ cháu... lên chưa?"

- Cháu đã lớn khôn, đã được sống trong cuộc đời mới thật vui thật đẹp, giữa ngọn khói trăm tàu lửa trăm nhà. Nhưng cháu vẫn không thể quên bếp lửa đơn sơ ấm áp của bà để rồi mỗi ngày đều tự hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?". Câu hỏi mà cũng là lời khẳng định: Cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được bà và bếp lửa vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ cháu đã được nuôi dưỡng và lớn lên từ đó.

c. Kết bài

- Với giọng điệu sâu lắng, ngôn ngữ biểu cảm, kết hợp với miêu tả và tự sự, đoạn thơ thể hiện sâu sắc tình cảm bà cháu thiêng liêng, đẹp đẽ

- Tình yêu thương, lòng biết ơn đối với bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước

2. Phân tích hai khổ thơ cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Bằng Việt có giọng điệu tâm tình, trầm lắng, cảm xúc tinh tế, do đó tạo được sức lôi cuốn với bạn đọc. Bài thơ "Bếp lửa" được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài, đã thể hiện tình cảm bà cháu tha thiết qua những dòng hồi tưởng của tác giả chân thành và cảm động. Điều này được bộc lộ rõ nét qua hai khổ cuối của bài.

Suốt dọc bài thơ, mười lần xuất hiện hình ảnh bếp lửa là mười lần tác giả nhắc tới bà. Âm điệu những dòng thơ nhanh mạnh như tình cảm đang trào lớp lớp sóng vỗ vào bãi biển xanh thẳm lòng bà. Người bà đã là, đang là và sẽ mãi mãi là người quan trọng nhất đối với cháu dù ở bất kì phương trời nào. Bà đã trở thành một người không thể thiếu trong trái tim cháu. Giờ đây, khi đang ở xa bà nửa vòng trái đất, Bằng Việt vẫn luôn hướng lòng mình về bà. Đoạn thơ cuối cùng vẫn tiếp tục mạch cảm xúc nhớ thương khôn nguôi thể hiện kín đáo tình cảm biết ơn sâu nặng của tác giả đối với người bà đã từng cưu mang, đùm bọc mình:

“Giờ cháu đã đi xa. 
Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Giờ đây, tác giả đã sống xa xứ, đã trưởng thành, đã rời xa vòng tay người bà. Đứa cháu ấy đã được mở rộng tầm mắt để nhìn thấy “khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả”. Cuộc sống đầy đủ vật chất hơn, nhưng vẫn không nguôi ngoai tình cảm nhớ thương bà. Tình cảm ấy đã trở thành thường trực trong tâm hồn tác giả. Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ thật khéo, thật hay, có sức ám ảnh day dứt tâm trí người đọc. Nhà thơ hỏi nhưng cũng là nhắc nhở chính mình phải luôn nhớ tới ngọn lửa quê hương, nhớ tới người bà đã trở thành chỗ dựa tinh thần của đứa cháu ở phương xa. Đó là nỗi nhớ tha thiết, da diết. Hình ảnh bếp lửa cứ trở đi trở lại trong bài thơ, vừa là một hình ảnh rất cụ thể, vừa có sức khái quát sâu sắc. “Bếp lửa ấp iu nồng đượm” đã trở thành biểu tượng của tấm lòng người bà, mãi mãi sưởi ấm tâm hồn nhà thơ. Thật không ngờ, một bếp lửa bình thường như trăm ngàn bếp lửa khác lại có tác dụng xúc động đến như vậy.

Xa vòng tay chăm chút của bà để đến với chân trời mới, chính tình cảm giữa hai bà cháu đã sưởi ấm lòng tác giả trong cái mùa đông lạnh giá của nước Nga. Đứa cháu nhỏ của bà ngày xưa giờ đã trưởng thành nhưng trong lòng vẫn luôn đinh ninh nhớ về góc bếp, nơi nắng mưa hai bà cháu có nhau. Đứa cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của đứa cháu đã được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó.

Người cháu năm xưa giờ đã trưởng thành, đi xa. Trước mắt có những “niềm vui trăm ngả”, “có khói trăm tàu”, “có lửa trăm nhà”, một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ được hiện ra. Nhưng đứa cháu vẫn không ngừng hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Mỗi ngày đều tự hỏi “Sớm mai này” là mỗi ngày cháu đều nhớ về bà, Hình ảnh người bà luôn làm ấm lòng và nâng đỡ cháu trên bước đường đi tới.

Từ những suy ngẫm của người cháu, khổ thơ cuối bài thơ “Bếp lửa” biểu hiện một triết lý sâu sắc: Những gì thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng bước con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu đất nước bắt nguồn từ lòng yêu quý ông bà, cha mẹ, từ những gì gần gũi và bình dị nhất.

3. Cảm nhận hai khổ thơ cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Khi lớn lên ai cũng nhớ về những kỉ niệm của tuổi thơ. Có thể là kỉ niệm với người mẹ thân yêu, với người cha tôn kính, có thể là với người bà trân trọng. Với Bằng Việt, kỉ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất của mình là hình ảnh người bà tần tảo sớm hôm. Hiện diện cùng bà là hình ảnh bếp lửa. Nó đã khơi nguồn cảm xúc để tác giả nhớ về bà và viết về bà qua bài thơ đậm chất trữ tình: Bếp lửa. Bài thơ đã khắc họa chân thật hình ảnh người bà gắn liền với những kỷ niệm trong quá khứ để từ đó tác giả bộc lộ tâm trạng nhớ nhung cùng với những tình cảm yêu thương xen lẫn cảm phục của mình đối với người bà thân yêu.

Xuyên suốt cả bài thơ là bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu bên bà. Được bà chăm sóc, được bà dạy, bà chứng kiến sự trưởng thành của cháu. Như một thước phim quay chậm, mọi kỷ niệm ùa về trong tâm trí tác giả khiến ông bồi hồi, xúc động. Hồi ức vẫn còn đó, hiện tại trong tâm trí nhà thơ chợt xuất hiện những dòng suy ngẫm với triết lí sâu xa:

"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm".

Cảm xúc "biết mấy nắng mưa" được lặp lại giống ở khổ một, đầu bài thơ:

"Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Có phải đó là lời nhấn mạnh, sự tô đậm những nỗi cơ cực của cuộc đời bà? Cuộc đời người bà gói gọn trong hai chữ "lận đận". Bao nhiêu khó khăn, vất vả, gian nan, "biết mấy nắng mưa", bà âm thầm chịu đựng để được lo lắng, chăm sóc cho con cháu.

Đã mấy chục năm rồi, chiến tranh vẫn đi qua, gian khổ nhọc nhằn vẫn chưa vơi bớt, bà vẫn "giữ thói quen dậy sớm". Cuộc đời bà cứ gian nan, vất vả như vậy tưởng chừng như không bao giờ dứt. Bà là người thức khuya dậy sớm, chịu nhiều vất vả nhất trong nhà nhưng bà cũng chính là người nhóm lên trong gia đình ngọn lửa của tình yêu thương:

"Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ".

Từ "nhóm" được lặp đi lặp lại nhiều lần trong khổ thơ như lời khẳng định: bà chính là người nhóm lên trong lòng cháu ngọn lửa của tình yêu thương, của đức hy sinh cao cả. Khi nhóm lên "lửa ấp iu nồng đượm", bà đã dạy cho cháu tình yêu thương những người ruột thịt. Nhóm tình quê "khoai sắn ngọt bùi", bà dạy cháu tình yêu thương xóm làng, yêu mảnh đất quê nghèo. "Nhóm nồi xôi gạo mới mẻ chung vui", bà dạy cháu phải luôn mở lòng ra với mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, bà cũng nhắc nhở cháu rằng không bao giờ được quên đi những năm tháng nghĩa tình, những năm tháng khó khăn mà hai bà cháu đã cùng trải qua. Không chỉ nhóm lên ngọn lửa đó ấm nồng và cháy sáng mãi trong lòng mọi người. Người bà kì diệu ấy đã nhóm dậy, khơi dậy, giáo dục, bồi đắp cho người cháu về cả thể xác lẫn tâm hồn, về ước mơ, lẽ sống của "tâm tình tuổi nhỏ".

Bếp lửa của bà khó khăn, nhọc nhằn, vất vả. Bà nuôi cháu khôn lớn bằng bếp lửa ấy. Vậy mà giờ đây, cháu đã du học tận trời Nga xa xôi, xa bà, xa quê hương, xa Tổ quốc. Cuộc đời của cháu như một câu chuyện cổ tích. Và ở đấy, bà là bà tiên hiền hậu, luôn nâng đỡ từng bước đi của cháu. Cháu đã trưởng thành từ bếp lửa của bà. Từ cuộc sống nghèo khổ, bà ươm mầm ước mơ cho cháu đi du học phương xa. Tất cả những gì cháu có được ngày hôm nay chính là nhờ ngọn lửa trong bà, ngọn lửa ấy chắp cánh cho người cháu tự tin bay vào cuộc đời cao rộng.

Đứa cháu không thể trưởng thành, hay dù trưởng thành về thể xác nhưng tâm hồn cũng chẳng thể lớn khôn nếu không được nuôi dưỡng bằng ngọn lửa, bằng chính tấm lòng của người bà rất đỗi yêu thương. Người bà có một sức mạnh kì diệu từ trái tim, đã nhóm dậy trong tâm hồn đứa cháu biết bao tình cảm cao đẹp, chắp cánh cho ước mơ bay cao, bay xa để mai này cháu khôn lớn thành người.

Âm điệu câu thơ dạt dào, lan tỏa như lửa ấm hay đó chính là cảm xúc đang dâng trào trong trái tim để rồi nhà thơ phải thốt lên:

"Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!"

Câu thơ chỉ có tám chữ mà có sức khái quát cả suy nghĩ lẫn tình cảm của tác giả dành cho hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà - người giữ lửa, nhóm lửa, truyền lửa, người xây đắp nên tuổi thơ cho cháu. Bà và bếp lửa đã trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tác giả dù cho lúc này, hai bà cháu đang chia xa.

Thật vậy, chỉ khi nào con người ta phải sống xa gia đình, xa người thân thì những ký ức mới hay trở về. Và với tác giả cũng vậy. Dù giờ đây, tuy không được ở gần bên bà, ở gần quê hương nhưng tâm hồn của người cháu vẫn luôn hướng về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi có người bà lặng lẽ, cô đơn:

"Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhớ:

- Sớm mai này bà nhóm lửa lên chưa?..."

Bao năm dài đằng đẵng trôi qua. Đứa cháu năm xưa nay đã khôn lớn, được bà và tình yêu thương của bà chắp cánh bay tới những phương trời xa, rộng lớn; bay tới những cuộc sống đầy đủ, với nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khắp nơi, khắp chốn. Vậy mà cháu vẫn không nguôi nhớ bà, không quên ngọn lửa của bà. Câu hỏi tu từ như một lời tự vấn, lời độc thoại:

"- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?..."

Khép lại bài thơ thật khéo, thật hay, có sức ám ảnh day dứt trong tâm trí người đọc. Người cháu đang tự nhắc nhở bản thân mình luôn phải nhớ về "Bếp lửa" của quê hương, nhớ về bà, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng cháu phương xa. "Bếp lửa" vừa thực tế, vừa có ý nghĩa biểu tượng cho sự yêu thương, niềm tin, nguồn cội gia đình và quê hương, sức sống bền bỉ của con người.

Bài thơ khép lại bằng một dấu câu đặc biệt, dấu chấm lửng. Dấu câu như gợi mở về một bài học đạo lý tha thiết: sống chung thủy, nhân nghĩa; phải có lòng biết ơn, có cách đối xử ân tình với gia đình, với láng giềng, với quê hương, với nguồn cội.

Bằng Việt đã sáng tạo hình tượng “bếp lửa” vừa mang ý nghĩa thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Giọng điệu tâm tình trầm lắng, giàu chất suy tư đã làm say lòng người đọc. Và bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt như một triết lí thầm kín. Những gì đẹp đẽ của tuổi thơ đáng được trân trọng và nó sẽ nâng đỡ con người suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Bằng Việt đã thể hiện lòng yêu thương, biết ơn bà sâu sắc. Lòng biết ơn chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương, đất nước khi đã đi xa.

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM