Giải SBT Sinh 7 Bài 19: Một số thân mềm khác
Tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh 7 do ban biên tập eLib tổng hợp nhằm giúp các em ôn tập và củng cố các kiến thức về đặc điểm, cấu tạo và đời sống của một số loài động vật thuộc ngành Thân mềm như: sò, ốc sên,....Nội dung chi tiết các em tham khảo tại đây.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 4 trang 39 SBT Sinh học 7
Dựa trên quan sát ở thực hành, hãy nêu các đặc điểm cấu tạo của ốc sên và vỏ của chúng.
Phương pháp giải
Xem lý thuyết về đặc điểm cấu tạo ngoài của Một số đại diện Thân mềm
Hướng dẫn giải
Ốc sên đại diện cho các loại ốc khác nhau tập hợp thành lớp Chân bụng. Chúng sống ở nước, kể cả trên cạn. Chúng có chung các đặc điểm sau :
- Cơ thể gồm: đầu, chân và thân. Một số loài có vỏ tiêu giảm (sên trần).
- Ở phần đầu có miệng và xung quanh là tua miệng. Trên hay ở cạnh tua miệng có mắt.
- Dưới bụng là chân có cơ phát triển giúp chân di chuyển trên giá thể. Phần thân xoắn ốc, dấu trong lòng vỏ đá vôi xoắn ốc. Giữa vỏ và cơ thể có một khoang trống gọi là khoang áo. Ở ốc sên, khoang áo đóng vai trò của phổi.
- Vỏ ốc sên : hình ống, xoắn ốc và gồm đỉnh vỏ, miệng vỏ, lớp sừng ở ngoài, lớp xà cừ ở trong.
2. Giải bài 5 trang 40 SBT Sinh học 7
Trình bày cấu tạo của mực thích nghi với di chuyển tích cực trong nước biển.
Phương pháp giải
Mực là đại diện của ngành Thân mềm có lối sống bơi lội tự do ở biển
Hướng dẫn giải
Mực cùng các họ hàng của chúng tập hợp thành lớp Chân đầu, chúng chỉ gặp ở biển gồm: mực nang, mực thẻ và bạch tuộc... Chúng có đặc điểm cấu tạo như sau:
- Có vỏ đá vôi tiêu giảm hoặc chỉ giữ lại dưới dạng tấm (như mai mực ở phía lưng) để nâng đỡ cơ thể.
- Cơ thể mực chỉ gồm: thân và đầu. Đầu có miệng, quanh miệng có 10 tua miệng (bạch tuộc có 8 tua). Trên tua có các giác bám phát triển. Ở 2 bên đầu có đôi mắt to.
- Lớp áo tạo ra ở mặt bụng một khoang áo rộng có thành cơ phát triển và thông với ngoài qua phễu khoang áo. Đây là cơ quan di chuyển tích cực của mực. Mỗi khi khoang áo phồng ra, nước được hút vào, rồi khi co bóp lại, nước phụt ra qua phễu bụng, làm cơ thể chúng chuyển động ngược lại theo kiểu phản lực.
3. Giải bài 6 trang 40 SBT Sinh học 7
Hãy so sánh cấu tạo của 3 đại diện chính của Thân mềm là : trai, ốc và mực.
Phương pháp giải
3 đại diện chính của Thân mềm có lối sống khác nhau: Trai sống ở đáy hồ ao, sông ngòi; mực bơi lội tự do ở biển; ốc sống cả ở môi trường cạn và nước
Hướng dẫn giải
Trai, ốc và mực là đại diện cho 3 kiểu cấu tạo cơ thể chính của ngành Thân mềm. Chúng giống và cũng khác nhau do thích nghi với lối sống như sau :
Giống nhau :
+ Có cùng sơ đồ cấu tạo gồm : đầu, thân và chân. Thân có lớp áo phát triển tạo nên khoang áo.
+ Có tim chia ngăn, hệ mạch hở và các cơ quan khác giống nhau về mức độ tổ chức.
Khác nhau : So sánh tóm tắt ở bảng sau:
4. Giải bài 2 trang 42 SBT Sinh học 7
Giữa trai sông và mực thì đại diện nào có kiểu dinh dưỡng chủ động? Tại sao?
Phương pháp giải
Dựa vào kiểu dinh dưỡng khác nhau giữa trai sông và mực.
Hướng dẫn giải
Căn cứ vào bài thực hành thì trai sông có kiểu dinh dưỡng thụ động, còn mực có kiểu dinh dưỡng chủ động vì:
- Chúng chủ động bơi để săn bắt mồi.
- Có các tua trang bị giác bám để bắt mồi đưa vào miệng.
- Cơ quan tiêu hoá hoàn chỉnh : có dạ dày và tuyến gan phát triển.
5. Giải bài 7 trang 43 SBT Sinh học 7
Khả năng di chuyển cao nhất của Thân mềm là
A. mực.
B. Trai sông.
C. ốc sên.
D. ốc nhồi.
Phương pháp giải
Trai sông sống ở đáy bùn, ốc sên di chuyển chậm chạp ở trên cạn, ốc nhồi sống bám.
Hướng dẫn giải
Khả năng di chuyển cao nhất của Thân mềm là mực: bơi lội tự do
Chọn A
6. Giải bài 17 trang 45 SBT Sinh học 7
Lớp Chân bụng (đại diện là ốc sên) khác lớp Chân rìu (đại diện là trai sông) ở đặc điểm nào trong số các đặc điểm đưới đây ?
1. Có khoang áo phát triển
2. Có 1 vỏ đá vôi hình ống, xoắn ốc.
3. Phần đầu phát triển.
4. Có tua miệng, mắt và khứu giác.
Tổ hợp đúng là:
A. 1,2,3.
B. 1,3,4
C. 1,2,4.
D. 2,3,4.
Phương pháp giải
Xem lý thuyết về đặc điểm cấu tạo ngoài của một số thân mềm khác
Hướng dẫn giải
Lớp Chân bụng (đại diện là ốc sên) khác lớp Chân rìu (đại diện là trai sông) ở đặc điểm: 2,3,4.
Chọn D
7. Giải bài 18 trang 45 SBT Sinh học 7
Đặc điểm nào sau đây không phải của lớp Chân đầu (đại diện là mực) ?
1. Vỏ đá vôi phát triển.
2. Tua miệng có 8 hay 10 tua.
3. Vỏ đá vôi tiêu giảm.
4. Khoang áo có hệ cơ phát triển góp phần vào cơ chế di chuyển ở chúng.
5. Có lối sống thụ động, chậm chạp.
Tổ hợp đúng là :
A. 1,2. B. 1,5
C.3,4. D. 1,3,5.
Phương pháp giải
Lớp Chân đầu (đại diện là mực) có đời sống bơi lội tự do
Hướng dẫn giải
Đặc điểm không phải của lớp Chân đầu (đại diện là mực): Vỏ đá vôi phát triển và có lối sống thụ động, chậm chạp.
Chọn B