Phân tích bài thơ Bài ca phong cảnh Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên của dãy núi Hương Sơn. Từ đó, các em có thái độ yêu mến thiên nhiên. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích bài thơ Bài ca phong cảnh Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh

1. Dàn ý phân tích bài thơ "Bài ca phong cảnh Hương Sơn"

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả Chu Mạnh Trinh và bài thơ Hương Sơn phong cảnh ca, một trong những tác phẩm có giá trị nhất miêu tả vẻ đẹp của dãy núi Hương Sơn.

b. Thân bài:

- Bốn câu thơ đầu:

"Bầu trời cảnh Bụt:

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non, nước nước, mây mây,

Đệ nhất động hỏi là đây có phải?"

+ Vẻ đẹp chốn bồng lai tiên cảnh, núi non hùng vĩ, mây trời bảng lảng, sông nước mênh mông, một vẻ đẹp siêu thực mà con người ao ước bấy lâu được diện kiến.

+ Câu thơ hỏi khẳng định vẻ đẹp "đệ nhất động", hang động đẹp nhất.

- 12 câu thơ tiếp theo:

"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.

Nhác trông lên ai khéo họa hình,

Đá ngủ sác long lanh như gấm dệt

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,

Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt"

+ Từng khung cảnh, từng sự vật đều mang không khí thần tiên mà không kém phần hùng vĩ. Suối dẫn tới chùa, hang nối tiếp động, hệ thống núi nước được thiên nhiên ban tặng có một không hai.

+ Trong cảm xúc choáng ngợp về khung cảnh Hương Sơn, tác giả bày tỏ tình yêu và lòng ngưỡng mộ đối với quê hương, đất nước.

- Ba câu thơ cuối:

"Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật;

Cửa từ bi công đức biết là bao!

Càng trông phong cảnh càng yêu"

+ Màu sắc linh thiêng và kì bí của Phật pháp.

+ Người đọc cảm nhận được sự giao thoa và hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, không chỉ có núi non nước ngự trị mà còn có cả đình chùa do con người xây dựng, lòng hướng Phật do con người truyền bá.

c. Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, vẻ đẹp nước non phong cảnh hữu tình của cảnh sắc Hương Sơn.

2. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về "Bài ca phong cảnh Hương Sơn"

Chu Mạnh Trinh là một nhà nho tài tử sống ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, đây cũng là thời kì mà xã hội Việt Nam có rất nhiều biến loạn, tang thương. Mặt khác, ông thuộc dòng dõi có truyền thống về văn chương nên những chiêm nghiệm thực tiễn, những điều mắt thấy tai nghe cùng với tài năng văn chương thiên phú đã để lại trong thơ văn của Chu Mạnh Trinh nhiều dấu ấn mang đặc trưng, cá tính riêng biệt của nhà thơ. Chu Mạnh Trinh có rất nhiều sáng tác hay và độc đáo, nhưng do thất lạc nên số lượng thơ văn hiện thời còn lại rất ít. Trong số những tác phẩm thơ của Chu Mạnh Trinh không thể không kể đến bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca”, đây là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của tác giả. Bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” là một trong những tác phẩm thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Chu Mạnh Trinh, bài thơ thể hiện được cảnh sắc tươi đẹp của một địa danh nổi tiếng - Hương Sơn, đây cũng là địa danh gắn liền với loại hình tôn giáo - Phật giáo. Vì vậy qua bài thơ này, nhà thơ vừa thể hiện được sự tự hào trước cảnh đẹp của non sông, gấm vóc mà còn thể hiện được một cảm xúc trào dâng khi có dịp đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, tươi đẹp mà mình luôn muốn đến đấy.

3. Phân tích tác phẩm "Bài ca phong cảnh Hương Sơn"

Cảnh sắc luôn là thứ khiến cho tâm hồn con người ta xao động, ngay cả người bình thường,đứng trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cũng phải mềm lòng. Cho nên, đứng trước một cảnh tượng như thế những thi sĩ không thể không kiềm lòng mình lại. Sự nhạy cảm của một tâm hồn tràn ngập thơ ca, cũng khiến cho không ít thi gia bối rối và phải đặt ngay ngòi bút xuống, để cho cảnh sắc đó ngấm vào cơ thể rồi mới lay ngòi bút xuống trang giấy. Cũng bởi chới với trước vẻ đẹp của thiên nhiên Hương Sơn, mà tác giả Chu Mạnh Trinh quả thật không sai khi đã dùng những mỹ từ để ca ngợi vẻ đẹp nơi đây.

Cùng với những sự nhạy cảm của bản thân và một con mắt tinh tế, mọi thứ ở Hương Sơn đã trở thành một đề tài cho giới văn nghệ sĩ tìm tới. Không chỉ xuất hiện trong các bài thơ mà còn xuất hiện trong những câu hát, người ta thấy Hương Sơn hiện ra như cảnh ở chốn tiên giới. Đây quả thực là một món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người chốn nhân gian. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc con người càng làm cho bài thơ thêm đẹp đẽ. Đối với Chu Mạnh Trinh thì Hương Sơn chính là chốn thoát ra khỏi vẻ đẹp trần tục ở nhân gian. Chính vì vậy, ngay từ khi mở đầu, chỉ với bốn từ mà tác giả đã lột tả được đa số cái thần thái nơi đây:

"Bầu trời cảnh bụt"

Ba câu thơ tiếp theo giới thiệu bao quát toàn cảnh Hương Sơn và trực tiếp nêu cái thú ban đầu khi đến với Hương Sơn của tác giả:

"Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non, nước nước, mây mây

Đệ nhất động hỏi là đây có phải?”

Chu Mạnh Trinh đã khái quát cảnh sắc Hương Sơn bằng một nhận xét tinh tế: vừa là danh lam thắng cảnh do tạo hoá ban tặng vừa là công trình tôn giáo. Thể hát nói tạo nên tính nhạc du dương, cảnh đẹp thiên nhiên đượm mùi Thiền, được miêu tả và cảm nhận qua tâm hồn nghệ sĩ tài hoa là nét đặc sắc của bài thơ này. Phong cảnh Hương Sơn được tả từ xa trong tầm mắt của du khách. Giọng thơ trang trọng, từ điệu khoan thai thể hiện du khách vừa đi vừa đứng lại ngắm cảnh và suy ngẫm. Một thiên nhiên mênh mông chan hòa với màu sắc Phật giáo. Hương Sơn là thiên tạo nhưng cũng là cảnh Bụt đã và đang vẫy gọi người đời. Đi lễ hội chùa Hương là thú vui, là niềm ước ao bấy lâu nay của nhiều người.

Cảnh núi non trùng điệp cảnh mây trời lồng lộng cảnh sông nước hữu tình, càng làm cho không gian của Hương Sơn mở rộng ra, làm cho chúng ta cảm nhận như tác giả đang đứng từ trên một điểm cao để có cái nhìn bao quát nhất về phong cảnh hương Sơn. Những nơi được xem là danh thắng đều là chốn sơn thủy hữu tình, có núi non, có rừng suối, với những chim bay, cá lượn. Hương Sơn cũng thế! Nhưng Hương Sơn là cảnh bụt. Những thức xung quanh hương Sơn cũng bị thấm nhuần trở nên có linh hồn, có suy nghĩ.

"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng"

Bằng nghệ thuật nhân hóa những sinh vật ở đây có hồn, có suy nghĩ có tâm niệm, nhưng không chỉ là có tâm niệm không thôi, chúng cũng bị ảnh hưởng bởi vẻ linh thiêng nơi đây. "Chim cúng trái, cá nghe kinh", những nhân vật ở đây giống như những tín đồ của chốn này. Du khách tới đây không chỉ để thưởng thức phong cảnh mà còn để hòa mình vào không khí nơi đây. Những âm thanh "thỏ thẻ", hình ảnh "dáng cá lửng lơ" và kết thúc là tiếng chày kình tạo nên không khí chỉ có ở Hương Sơn.

Hai khổ thơ ba và bốn tiếp theo là hai khổ đội của bài hát nói. Hương Sơn có biết bao cảnh đẹp nên thi sĩ phải sử dụng khổ dôi để diễn tả cảm xúc và miêu tả cảnh vật. Du khách như đi dần vào thế giới Hương Sơn, nơi bầu trời cảnh Bụt. Chu Mạnh Trinh dùng biện pháp tu từ liệt kê và điệp từ để tả, để vẽ, để tạo nên nhạc điệu trầm bổng của vần thơ. Hai cặp song hành với bức tranh tứ bình nối tiếp hiện ra. Bốn chữ này vang lên như bốn nốt nhấn của khúc ca:

“Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng

Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh”

Cách phối thanh bằng, trắc trong hai câu thơ này cũng cho thấy bút pháp điêu luyện, tài hoa của tác giả để làm nổi bật tính nhạc của bài hát nói. Hương Sơn có rất nhiều di tích thắng cảnh nhưng Chu Mạnh Trinh chỉ giới thiệu bốn cảnh điển hình, chỉ gợi ra mà không tả. Suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Quynh mỗi di tích mỗi thắng cảnh đều đem đến cho ta nhiều liên tưởng và hướng thiện lòng người hành hương. Ai cũng cảm thấy mình đang cùng nhà thơ chan hòa vào cảnh Bụt, được sống lại giây phút mà chỉ có bầu trời, cảnh Bụt nơi Hương Sơn mới ban phát cho mình. Cảm hứng tín ngưỡng về đạo Phật được thể hiện qua những vần thơ nói về suối, chùa, am, động như mời gọi du khách, lắng nghe tiếng chuông chùa xa đưa lại mà ngạc nhiên, mà ngỡ ngàng…

Nhác trông lên ai khéo họa hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt

Chập chờn mấy lối uốn thang mây

Chừng giang sơn còn đợi ai đây

Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt?"

Hang đá Hương Sơn không chỉ đẹp bởi sự điểm xuyết của những viên đá ngũ sắc, không chỉ ở những hình thù độc đáo, kì dị mà còn có sự giao lưu với thế giới bên ngoài, tuy là hang nhưng sự thông thoáng của mặt hang còn làm cho ánh trăng chiếu rọi “Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt”, và dưới ánh trăng ấy, cảnh vật không tồn tại độc lập mà nó đan lồng với ánh trăng, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo. Những lối vào, đường đi vào hang cũng không phải những con đường thẳng tắp mà là những lối đi uốn khúc, mà trong cảm nhận của nhà thơ thì nó như một lối uốn thang mây “Chập chờn mấy lối uốn thang mây”.

Những bước chân cuối của du khách khi đến với Hương Sơn cũng đến chỗ dừng chân. Nhưng hình ảnh đấy hiện ra vẫn đẹp đẽ mĩ lệ. Những từ ngữ được tác giả sử dụng như đính thêm những hạt pha lên trong suốt trên nền màu sắc rực rỡ, càng làm thêm vẻ tráng lệ của Hương Sơn. Những cảm xúc của tác giả khiến chúng ta cũng như vừa bước ra khỏi thế giới thần tiên. Tác giả như dẫn dắt chúng ta đi từ một nơi trần tục tới một nơi thần tiên thanh tịnh. Cho nên, cũng không kiềm lòng trước cảnh sắc ấy cho nên mới thốt lên".

Như vậy, bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” của nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã phác họa ra một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp về địa danh Hương Sơn, bức tranh ấy không chỉ sống động về màu sắc mà còn chân thực về âm thanh, và điều đặc biệt nữa là tràn đầy cảm xúc thiết tha, say đắm của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đây là niềm đam mê đầy chất nghệ sĩ của một hồn thơ đa cảm. Và trong bức tranh này không chỉ có cảnh sắc mà còn thiêng liêng hơn nữa đó chính là văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng được duy trì từ bao đời nay trên địa danh này.

  • Tham khảo thêm

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM