Phân tích và cảm nhận tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Nội dung bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em hiểu hơn về tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao. Từ đó, các em sẽ có cơ sở để phân tích tác phẩm "Chí Phèo" một cách toàn diện nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích và cảm nhận tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

1. Dàn ý phân tích tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm Chí Phèo và nhà văn Nam Cao.

- Dẫn dắt vào vấn đề cần phân tích.

b. Thân bài:

- Khái quát chung.

- Xuất xứ: Nam cao đặt tên cho tác phẩm này là "Cái lò gạch cũ", 1941 đổi lại là "Đôi lứa xứng đôi", 1945 sửa lại là Chí Phèo, in trong tập Luống cày.

- Đề tài: Viết về người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám.

- Nhan đề:

+ Nhan đề đầu tiên: Cái lò gạch cũ (nhan đề giản dị, có ý nghĩa, nơi lần đầu tiên phát hiện ra Chí, nơi Chí bị bỏ rơi, quy luật hiện tượng Chí Phèo...).

+ Nhan đề thứ hai: Đôi lứa xứng đôi khi in thành sách lần đầu (NXB Đời mới, Hà Nội, 1941), nhà xuất bản tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi, chủ yếu tạo sự tò mò và làm cho sách bán chạy.

+ Nhan đề thứ ba: Chí Phèo do chính Nam Cao thay đổi khi in truyện ngắn này vào tập Luống Cày năm 1946. Ông lấy tên nhân vật trung tâm để đặt tên truyện.

+ Chủ đề: Qua số phận của nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã lên án sâu sắc xã hội tàn bạo, chà đạp lên nhân phẩm con người đồng thời thể hiện tình thương yêu sâu sắc và niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.

- Phân tích nhân vật Chí Phèo:

+ Trước khi vào tù:

  • Là con người bất hạnh: “... trần truồng và xám ngắt.. bên cái lò gạch bỏ không, người làng nuôi, bị Bá Kiến ghen đẩy vào tù...”.
  • Là con người lương thiện: Hắn cảm thấy nhục khi bà ba kêu hắn bóp chân, mà cứ bóp lên trên nữa, hắn từng ao ước “...ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải...”.

+ Sau khi ra tù:

  • Biến dạng nhân hình: “... cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen, hai mắt gườm gườm, cái ngực phanh đầy nét chạm trỗ...”.
  • Biến dạng nhân tính: uống rượu say khướt, đánh nhau, rạch mặt ăn vạ, làm tan nát biết bao nhiêu gia đình...

-> Chính nhà tù thực dân phong kiến là nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính của Chí Phèo.

- Ý nghĩa tiếng chửi Chí Phèo:

+ Về nội dung: Khao khát muốn giao tiếp với mọi người nhưng bị xã hội cự tuyệt.

+ Về nghệ thuật: Tạo tâm thế tò mò cho người tiếp nhận.

-> Là con người lương thiện bị xã hội tha hóa thành quỷ dữ, bị loại ra khỏi xã hội con người.

- Thức tỉnh lương tâm:

+ Đến với Thị Nở bằng bản năng: ăn nằm với nhau... ngủ say dưới trăng.

+ Nhớ lại quá khứ: “hắn ao ước có một gia đình nhỏ.

+ Ý thức được hoàn cảnh bản thân: “... già mà vẫn còn cô độc, cái dốc bên kia của đời...”.

+ Phục thiện: “... muốn làm hòa với mọi người”.

-> Từ quỷ dữ, thức tỉnh lương tâm thành người lương thiện.

- Ý nghĩa bát cháo hành:

+ Thể hiện tình thương của Thị Nở dành cho Chí Phèo.

+ Là ngọn lửa nhen nhóm cho tính thiện bị vùi tắt bấy lâu nay trong con người Chí. Giúp Chí quay trở về con đường hoàn lương.

+ Tình cảm nhân đạo của nhà văn.

+ Thể hiện tài năng miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật của Nam Cao.

- Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa trở thành người lương thiện:

+ Bà cô Thị Nở ngăn cản mối tình Chí - Thị: “... ai lại đi lấy thằng Chí Phèo...”.

+ Đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện: đâm Bá Kiến rồi tự sát.

+ Định kiến xã hội đối với Chí Phèo: “Thằng nào chứ thằng ấy chết thì không ai tiếc... tre già măng mọc, thằng ấy chết còn thằng khác...”.

- Hình tượng nhân vật Bá Kiến:

+ Tàn bạo, quỷ quyệt, lọc lõi.

+ Chính sách thống trị: mềm nắn rắn buông, dùng thằng đầu bò trị thằng đầu bò, nắm thằng có tóc chứ ai nắm thằng trọc đầu.

+ Nhân cách ti tiện, bỉ ổi, dâm đãng, ghen tuông, độc ác.

-> Điển hình cho loại địa chủ cường hào ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng.

- Những đặc sắc nghệ thuật tác phẩm:

+ Ngôi kể: Ngôi thứ ba đảm bảo tính khách quan, tạo cảm giác chân thật của câu chuyện.

+ Cấu trúc đối thoại làm cho tác phẩm có cái nhìn đa giọng điệu, đa điểm nhìn.

+ Giọng điệu: đa giọng điệu.

+ Đối lập, tương phản giữa các kiểu người, các tính cách sống.

+ Xây dựng nhân vật điển hình.

+ Kết cấu truyện: kết cấu vòng tròn, hiện tượng Chí Phèo tiếp tục được lặp lại ở làng Vũ Đại.

c. Kết bài:

- Nêu nhận xét, đánh giá chung về truyện ngắn Chí Phèo.

- Mở rộng vấn đề bằng suy nghĩ và liên tưởng của mỗi cá nhân.

2. Phân tích tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

Nhắc đến tác phẩm "Chí Phèo" người ta nhớ ngay đến nhà văn Nam Cao, một nhà văn nhân đạo trong văn học Việt Nam. Nam Cao một trong những tác giả nổi bật nhất trong thời kì 1945 - 1954. Dưới ngòi bút chân thực của mình, đời sống, thân phận và những nỗi thống khổ của người nông dân được ông lột tả một cách vô cùng chân thực. Điển hình là các tác phẩm Chí Phèo, Lão Hạc, Một bữa no… Có một điểm chung giữa các tác phẩm của ông là khi trang sách đã khép lại, người đọc vẫn mường tượng ra rõ những đau thương của số phận con người trước cách mạng tháng Tám vẫn còn ẩn khuất đâu đó, và cũng từ đây toát lên được giá trị nhân văn mà tác giả muốn truyền tải qua mỗi tác phẩm.

Nam Cao luôn tập trung ngòi bút của mình vào những người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám, tiêu biểu chính là nhân vật Chí Phèo. Tác phẩm "Chí Phèo" là tác phẩm hay nhất của nhà văn Nam Cao viết về người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Từ hình tượng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã rất xuất sắc khi xây dựng lên một hình ảnh người nông bị tha hóa đến mức cùng cực bởi xã hội thực dân nửa phong kiến đầy thối nát, để rồi người nông dân ấy phải tự tìm đến cái chết như lối thoát cuối cùng của cuộc đời mình.

Tác phẩm mở đầu thật đặc sắc và đầy ấn tượng với tiếng vừa đi vừa chửi của Chí Phèo, và xung quanh hắn chỉ có mấy con chó đứng chầu chực sủa. Ngoài mấy con chó, không có ai đáp lời hắn. Mở đầu truyện ngắn rất đỗi tài tình và tự nhiên, giống như chúng ta đang chứng kiến khung cảnh ấy vậy. Những âm thanh hay cụ thể là những tiếng chửi của Chí Phèo lại làm cho mọi thứ trở nên sống động,mọi hình ảnh như mở ra trước mắt.Có thể nói hình ảnh Chí say rượu, vừa đi vừa chửi,chửi những gì mà hắn thấy. Có lẽ, dường như mọi người ở cái làng Vũ Đại đã quen với hình ảnh này của nó, cho nên cứ khi nào hắn chửi mọi người cũng chẳng để ý và nghĩ rằng:” chắc hắn trừ mình ra”. Tới đây ắt hẳn mọi người lại ngạc nhiên tại sao hắn lại có hành động như vậy, theo thông thường người ta chửi bới khi uất ức một chuyện gì hay quá áp lực.

Quả là như vậy, hắn vốn là đứa trẻ từ khi mới đẻ ra đã bị bỏ rơi trong cái lò gạch bỏ hoang, được người làng nhặt về nuôi, đi ở cho nhiều nhà khác nhau, cuối cùng đến năm 20 tuổi thì về làm canh điền cho Lí Kiến. Vì ghen tuông với sự trẻ trung lực lưỡng của hắn và vì bà Ba để ý tới hắn, nên Bá Kiến tìm cách bỏ tù hắn, để hắn không thể xuất hiện nữa. Như có một sự vô cớ, Chí Phèo vốn dĩ là một người lương thiện, nghèo đói nên đi ở, nhưng trong xã hội đó,ai có tiền có quyền người đó được làm mọi thứ, và cứ thế từ một con người lương thiện, Chí dần bị đẩy vào con đường tha hóa và lưu manh hóa.

Tác giả Nam Cao đã thể hiện giá trị nhân đạo trong tác phẩm của mình bằng cách cho nhân vật Thị Nở xuất hiện làm thức tỉnh Chí Phèo. Sự xuất hiện của nhân vật Thị Nở trong tác phẩm có một ý nghĩa thật đặc sắc. Con người xấu ma chê quỷ hờn kia chính là niềm tin cho Chí bước đến cánh cửa lương thiện. Lần đầu tiên trong cuộc đời Chí tỉnh dậy. Chợt nhận ra nơi căn lều ẩm thấp là ánh nắng ngoài kia rực rỡ biết bao, nghe được tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải… Những âm thanh ấy ngày nào chả có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Chao ôi là buồn! Chính cuộc sống đã lay động trong tiềm thức xa xôi của Chí làm sống dậy ước mơ một thời trai trẻ: ”có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Rồi cũng trong cái phút giây tỉnh táo ấy, Chí Phèo như đã thấy “tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc – cái này còn sợ hơn đói rét và ốm đau”.

Có thể nhận thấy tác phẩm như một lời tố cáo của Nam Cao với xã hội phong kiến bất công đã đẩy người nông dân đến bước đường cùng. Xã hội phong kiến nghiệt ngã, không để cho Chí Phèo được làm người lương thiện khi bà cô của Thị Nở xuất hiện. Bà cô phản đối chuyện Thị Nở và Chí Phèo, còn dùng những từ cay độc để mắng mỏ Chí Phèo. Bà cô là hiện thân của xã hội phong kiến, cự tuyệt khát khao làm người, quyết dồn Chí vào bước đường cùng. Chính điều này đã khiến cho Hắn đau, rơi vào tuyệt vọng và quyết tìm đến nhà Bá Kiến để giết Bá Kiến.

Cái kết của tác phẩm "Chí Phèo" khiến người quá đau lòng, đau đến rơi nước mắt. Một cái kết quá bi thương cho Chí Phèo và ám ảnh cho người đọc. Hình ảnh ám ảnh người đọc là hình ảnh Chí Phèo đành đạch, nằm giữa vũng máu ở sân nhà Bá Kiến. Hắn giết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình. Trước khi chết Chí phèo còn hét lên “Ai cho tao làm người lương thiện”, xã hội này không cho, con người cũng không cho. Đúng là một bi kịch quá đau lòng đối với người nông dân trong xã hội đầy rẫy bất công.

3. Cảm nhận tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

Nam Cao đã sáng tác thành công tác phẩm "Chí Phèo" bằng cách khắc họa nhân vật trong tác phẩm một cách độc đáo và đặc biệt. Chí Phèo là câu chuyện về đoạn cuối cuộc đời của một con người trong xã hội thực dân phong kiến diễn ra và được ghi lại bởi Nam Cao (1917 - 1951), một ngòi bút bậc thầy cách nay đã hơn sáu mươi năm.

Tác giả xây dựng tình huống mở đầu của tác phẩn "Chí Phèo" vô cùng đặc biệt, mở đầu bằng một nhân vật bị tha hóa về nhân tính lẫn nhân hình. Mở đầu tác phẩm Chí Phèo xuất hiện trong tư thế của kẻ say rượu vừa đi vừa chửi. Hắn chửi vung tất cả. Chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi những đứa không chửi nhau với hắn. Đây chính là lí do để ngay phần tiếp theo, tác giả kể về lai lịch của Chí. Hắn vốn là đứa trẻ từ khi mới đẻ ra đã bị bỏ rơi trong cái lò gạch bỏ hoang, được người làng nhặt về nuôi, đi ở cho nhiều nhà khác nhau, cuối cùng đến năm 20 tuổi thì về làm canh điền cho Bá Kiến. Có thể vì ghen tuông, nghi cho bà ba vốn tính lẳng lơ có tư tình với anh canh điền khoẻ mạnh, Bá Kiến cho người bắt Chí giải lên huyện và đẩy vào lao tù.

Khi hiểu ra rằng xã hội không công nhận mình, Chí Phèo vật vã đau đớn. Hắn lại uống, nhưng điều lạ là, hôm nay "hắn càng uống càng tỉnh ra". Đúng hơn là tuy say, trong tâm thức Chí Phèo lúc này vẫn có một điềm tỉnh: nỗi đau khôn cùng về thân phận, và "hắn ôm mặt khóc rưng rức". Rồi như để chạy trốn bản thân, chạy trốn nổi đau, hắn "lại uống... lại uống... đến say mềm người". Rồi hắn đi với một con dao và vừa đi vừa chửi... như mọi lần. Nhưng lại hoàn toàn khác mọi lần: hôm nay, Chí Phèo quằn quại đau đớn vì tuyệt vọng, càng thấm thía hơn bao giờ tội ác của kẻ thù, đã đến thẳng trước Bá Kiến "trợn mắt, chỉ tay vào mặt" lão, dõng dạc đòi quyền làm người, đòi lại bộ mặt người đã bị vằm nát của mình. Kẻ chết vì ý thức nhân phẩm đã trở về, anh không thể chấp nhận trở lại kiếp sông thú vật được nữa. Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống, chết trong tâm trạng bi kịch đau đớn. Thế là, trước đây, để bám lại sự sống, Chí Phèo phải từ bỏ nhân phẩm, bán linh hồn cho quỷ; giờ đây, ý thức nhân phẩm thức dậy, linh hồn trở về. Nhiều người nghi ngờ tâm lòng của Nam Cao đối với nông dân, vì thấy người nông dân của nhà văn phần nhiều xấu xa dữ tợn. Vậy mà chính ở những người khốn khổ có bộ mặt và tính cách không mấy "đáng yêu" đó, nhiều khi ý thức nhân phẩm còn mạnh hơn cả cái chết. Lão Hạc bề ngoài dường như lẩm cẩm, gàn dở nhưng lão đã lặng lẽ tìm đến cái chết để giữ trọn lòng tự trọng trong cảnh cùng đường (Lão Hạc). Lang Rận cũng tìm đến cái chết vì không chịu nổi điều nhục nhã đang chờ ông ta hôm sau (Lang Rận) và ở đây là Chí Phèo?

Chí Phèo đã chết quằn quại trên vũng máu trong niềm đau thương vô hạn, khao khát lớn lao, thiêng liêng là được làm người lương thiện đã không thực hiện được. Lời nói cuối cùng của Chí Phèo, vừa đanh thép, chất chứa phẫn nộ vừa mang sắc thái triết học và âm điệu bi thống đầy ám ảnh, làm người đời sững sờ và day dứt không thôi..."Ai cho tao lương thiện?".

Cả tác phẩm khiến người đọc phải rùng mình vì tiếng chửi của Chí Phèo, tiếng chửi nhằm tố cáo xã hội đã đẩy con người đến vực thẳm của kiếp người. Làm thế nào để con người được sống cuộc sống con người? Đó là "một câu hỏi lớn không lời đáp chẳng những Bá Kiến không thể hiểu mà xã hội khi ấy cũng chưa thể trả lời Câu hỏi ấy được đặt ra một cách bức thiết, day dứt trong hầu như toàn bộ sáng tác Nam Cao trước cách mạng. Và đặt ra bằng một tài năng lớn, độc đáo, khiến cho nhiều sáng tác của Nam Cao - trước hết là Chí Phèo - thuộc vào những trang hay nhất của nền văn xuôi Việt Nam.

Cái kết của câu chuyện quá đau thương, khiến người đọc phải xót xa. Chí Phèo chính là đại diện cho những người nông dân bị tha hóa, bị dồn đến bước đường cùng trước cách mạng. Chết là cái kết quá đau thương nhưng nếu sống mà làm con quỷ dữ trong cái xã hội đầy nhơ nhuốc ấy thì cái chết chắc sẽ là cách giải quyết tốt nhất. Đó là cái chết để bảo toàn lương tri, lương tâm, cái chết thức tỉnh cả một xã hội phong kiến cổ hủ để rồi câu nói "Ai cho ao lương thiện?" vang vọng và ám ảnh mãi không nguôi. Đúng là một bi kịch quá đau lòng đối với người nông dân trong xã hội đầy rẫy bất công.

Tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc những ám ảnh về cuộc sống khốn khổ của nhân dân lao động, những con người bị chà đạp không thương tiếc. Để làm nên một "Chí Phèo" thành công và vang bóng đến tận hôm nay ngoài nội dung, ý nghĩa của tác phẩm còn phải kể đến sự thành công trong việc xây dựng nhân vật, phân tích tâm lý nhân vật, cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, vận dụng đối thoại, độc thoại phù hợp để bộc lộ được hết thông điệp nhà văn muốn gửi gắm. Ngòi bút hiện thực Nam Cao đã đưa đến cho người đọc những dòng cảm xúc chân thực nhất, phải chăng vì thế mà khi nhắc đến Nam Cao thì Chí Phèo sẽ làm người ta gợi nhớ đầu tiên.

Ngày:24/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM