Phân tích khổ cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em nắm được cách phân tích khổ thơ cuối trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tốt!

Phân tích khổ cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu

1. Dàn ý phân tích khổ cuối bài Vội vàng

a. Mở bài:

- Khổ cuối thể hiện niềm say mê với cuộc sống của Xuân Diệu một cách mãnh liệt.

- Giới thiệu chung toàn nội dung của bài thơ Vội vàng.

b. Thân bài: 

- Bức tranh thiên nhiên được hiện lên một lần nữa:

+ Câu cảm thán “mau đi thôi” thể hiện sự tận hưởng thiên nhiên, cuộc sống , tận hưởng thời gian và cuộc sống.

+ Khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng được yêu thương.

- Sự cảm nhận của tác giả qua các giác quan của cơ thể:

+ Các hình ảnh mây, gió, nước, bướm.

+ Tác giả cảm nhận cuộc sống và thiên nhiên qua thị giác, khứu giác, thính giác,…

+ Thị giác cảm giác mơn trớn của thiên nhiên.

+ Khứu giác cảm nhận được mùi hương đẹp đẽ của thiên nhiên.

+ Thính giác cảm nhận được âm thanh của thiên nhiên.

+ Tình yêu cuồng nhiệt, mãnh liệt của tác giả.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nhận của em về đoạn 3 bài thơ Vội vàng.

2. Cảm nhận về đoạn thơ cuối của bài thơ Vội vàng

Thời gian chẳng bao giờ chiều lòng người, con người thì nhỏ bé nhưng khát khao lại lớn lao, càng yêu đời, yêu người bao nhiêu thì lại càng thảng thốt khi nhận ra quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Là một nhà thơ mới có cái nhìn tinh tế và trái tim dễ say đắm nhưng cũng bộn bề lo sợ – Xuân Diệu hơn ai hết luôn dằn dặt trước sự trôi chảy của thời gian và tuổi xuân. Có lẽ thế mà nhà thơ luôn sống vội vàng, sống gấp gáp và cũng yêu đắm say. Bài thơ Vội Vàng được xem là châm ngôn sống của Xuân Diệu cũng là tác phẩm thể hiện cái tôi mãnh liệt trong cảm xúc và nhiều khám phá mới mẻ ở hình ảnh thơ. Trong đó khổ thơ cuối bài với tiết tấu nhanh và mạnh như một lời kết luận cho châm ngôn sống vội của ông.

"Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Nếu như ở những vần thơ trên tác giả dùng “tôi” thì ở đây Xuân Diệu lại dùng “Ta”. Theo như Chu Văn Sơn lý giải: “Ở trên, tác giả xưng ”tôi” để đối thoại với đồng loại, ở dưới lại xưng “ta” để đối diện với sự sống”. Dưới con mắt của tác giả, sự sống hiện lên “mơn mởn”. Từ láy “mơn mởn” miêu tả sức sống căng tràn, tươi mới. Chính cái “mơn mởn” của sự sống khiến tác giả như tham lam “muốn ôm” lấy tất cả. Sự sống ấy rộng lớn lắm, bao la lắm nhưng nghệ sĩ ấy vẫn muốn ôm lấy, giữ chặt lấy.

Những gì thi sĩ muốn là được giao cảm với thiên nhiên, với sự sống: từ mây, gió, cánh bướm đến tình yêu, cỏ cây, non nước. Mức độ giao cảm cũng dần mãnh liệt hơn: từ “ôm”, “riết”, đến “say”, “thâu”, và sau cùng là “cắn”. Từng lần từ “ Ta muốn” vang lên là từng ước nguyện được nói lên. Nhân vật trữ tình như muốn ôm hết vào lòng mình “mây đưa và gió lượn”, muốn đắm say với “cánh bướm tình yêu”, muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy “một cái hôn nhiều”. Muốn thu hết vào hồn nhựa sống dạt dào “Và non nước, và cây, và cỏ rạng”. Điệp từ “ta muốn” cùng nhịp thơ dồn dập như diễn tả hơi thở gấp gáp của thi nhân và nhịp điệu hối hả của trái tim vội vàng. Phải chăng thi sĩ Xuân Diệu của chúng ta đang nồng nhiệt đối rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình? Phải chăng sống vội vàng, sống hối hả, sống nhiệt huyết như thế với Xuân Diệu mới được gọi là sống trọn vẹn?

Điệp từ “ta muốn” tạo thành một cấu trúc câu đều đặn, hối hả như thúc giục mọi người hãy yêu quý tuổi trẻ của mình, hãy làm những điều mà chỉ có tuổi trẻ mới làm được và trước hết là say đắm với thiên nhiên, tình yêu của mùa xuân. Thêm vào đó là các động từ chỉ tâm thế: ôm, riết, say, thâu, cắn diễn tả được tình cảm vồ vập và niềm khao khát tận hưởng đến tham lam. Các động từ này có sự tăng tiến rõ rệt trong ước muốn. Ban đầu chỉ là một cái ôm nhẹ nhàng nhưng đủ cho sự khát khao, phải siết mạnh thì mới cảm nhận được tình yêu. Khi gần nhà thơ say sưa thâu tóm tất cả vào mình và cuối cùng là hành động mạnh nhất là cắn, như muốn chiếm hữu làm của riêng.

Những câu thơ tiếp theo, Xuân Diệu sử dụng điệp từ cho kết hợp với tính từ “no nê, chếnh choáng, đã đầy” để khẳng định tâm thế của một con người lúc nào cũng hòa mình vào thiên nhiên, cuộc sống. Không phải chỉ vừa đủ mà để cuộc đời hóa thân thành tâm hồn, tâm hồn thì chan chứa tình yêu.

“Xuân hồng” hai từ thôi mà nghe sao mềm mại thế, nghe đằm thắm thế. Mùa xuân không chỉ còn là tên gọi mà mùa xuân trong thơ Xuân Diệu trở nên có hồn, có sức sống. Mùa xuân ấy đẹp, ngọt ngào như đôi môi người thiếu nữ khiến “ Ta muốn cắn vào ngươi”. Mùa xuân là cái hữu hình, làm sao thi nhân có thể cắn? Đúng thi nhân không thể cắn nhưng thi nhân có thể hòa mình vào mùa xuân, có thể say đắm trong cơn tình dịu ngọt của mùa xuân.

Khổ thơ cuối với ngôn từ đậm chất thơ Mới, thoát khỏi những vi phạm của quy luật chặt chẽ thơ ca trung đại đã diễn tả không chỉ cảm xúc mãnh liệt của Xuân Diệu trước cuộc đời, trước tuổi trẻ mà còn ẩn ý về một cái tôi trữ tình tràn đầy sự thèm khát được sống, được tận hưởng một cách cuồng nhiệt những thanh sắc của cuộc đời.

3. Em hãy phân tích đoạn cuối tác phẩm Vội vàng

Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình Việt Nam, là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới mẻ, thể hiện quan niệm sống mới, quan niệm thẩm mĩ độc đáo cùng nữ các tân nghệ thuật táo bạo. Được in trong tập “Thơ thơ”, “Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu cho nhịp sống vội vàng, cuống quýt của Xuân Diệu. Là người yêu đời, ham sống tha thiết, mãnh liệt nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Xuân Diệu không bao giờ bỏ cuộc, vẫn cứ bám chặt vào cuộc đời. Trong tâm thế sống “Chẳng bao giờ chán nản”, Xuân Diệu đã có giải pháp tích cực khi ước muốn níu giữ mùa xuân không thành. Sau lời hối thúc, giục giã phải sống mau, sống vội, Xuân Diệu say sưa cụ thể hóa lẽ sống vội vàng bằng lẽ sống thiết thực. Với thi sĩ, vội vàng không đơn thuần chỉ là sống gấp sống vội mà còn là sống với cường độ cao nhất: “Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn”.

"Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Một đoạn thơ ngắn mà có tới bốn, năm từ “ta muốn” được lặp đi, lặp lại như nhịp điệu hối hả, như hơi thở gấp gáp của thi nhân. Chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đối rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống. Điệp ngữ “Ta muốn” như ý nghĩa của nó đã nói lên được cái ham muốn khát thèm đến hăm hở, cuồng nhiệt của nhà thơ. Thi nhân như muốn ôm hết vào lòng mình “mây đưa và gió lượn”, muốn đắm say với “cánh bướm tình yêu”, muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy “một cái hôn nhiều”. Muốn thu hết vào hồn nhựa sống dạt dào “Và non nước, và cây, và cỏ rạng ”Để rồi, chàng như con ong bay đi hút nhụy đời cho đến say “chếnh choáng” hút cho đã cho đầy ánh sáng, “Cho no nê thanh sắc của thời tươi” mới lảo đảo bay đi.

Say đắm thiên nhiên, cảnh trời, Xuân Diệu muốn tận hưởng thiên nhiên và sự sống. Dĩ nhiên, với một trái tim xanh non biếc rờn, thiên nhiên và sự sống mà Xuân Diệu khát khao phải là thiên nhiên giữa thời tươi, phải là sự sống mới bắt đầu mơn mởn, phải là xuân hồng căng mọng, quyến rũ. Điều ấy có nghĩa là Xuân Diệu tham lam, ham hố tận hưởng tất cả những gì ngon nhất, đẹp nhất của sự sống. Nàng xuân mà Xuân Diệu đắm đuối hết sức thanh tân quyến rũ, rạo rực xuân sắc, đắm đuối xuân tình. Đến với thiên nhiên, đến với mùa xuân như đến với người tình tuyệt vời của mình, thi sĩ tình tự với thiên nhiên, ái ân cùng sự sống. Hàng loạt động từ mạnh theo trình tự tăng tiến lần lượt xuất hiện trong các dòng thơ: “ôm”, “ riết”, “say”, “thâu”, “cắn” là biểu hiện của tình yêu ngày càng say đắm mãnh liệt. Ôm chọn khắp, riết thật chặt, say sưa mê đắm và đỉnh điểm là cắn. Xuân Diệu đã tận hưởng thiên nhiên như tận hưởng ái tính. Hình ảnh “thâu trong một cái hôn nhiều” rất Tây. Đi liền đó là câu thơ thừa thãi liên từ “và”: “và non nước, và cây, và cỏ rạng”. Chính sự lặp lại có vẻ như thừa thãi ấy lại là một sáng tạo rất hiện đại của Xuân Diệu. Sự lặp lại liên tiếp liên từ “và” trong một dòng thơ đã truyền đến người đọc một cảm xúc hăm hở cuồng nhiệt của một gã suy tình trước tình nhân đắm đuối.

Điệp từ “cho” với nhịp độ tăng tiến nhấn mạnh các cấp độ khát vọng hưởng thụ đạt đến độ thỏa thuê, sung mãn, trọn vẹn. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, xuân hồng, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ.

Xuân Diệu hiện ra đúng là một gã si tình chếnh choáng men say. Hàng loạt điệp từ “cho” liên tiếp lặp lại dồn đầy cảm xúc yêu đương cuồng nhiệt, mãnh liệt đến vô biên, tuyệt đích. Lời yêu cháy bỏng không thể kìm nén trong lòng, thì thầm trong trái tim mà vang lên thành lời đối thoại dõng dạc, trực tiếp: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Đọc câu thơ, ta tưởng nhu thi sĩ đang muốn hét lo lên để cả đất trời, vũ trụ hiểu được niềm yêu cuồng nhiệt của mình. Ôm, riết, say, thâu chưa đủ, no nê, đã đầy, chếnh choáng vẫn chưa thỏa mà phải cắn vào xuân hồng, phải tận hưởng bằng cả tâm hồn, bằng cả trái tim đắp đuối, ham hố mới thỏa niềm khát khao. Ở đây, dường như có để biểu đạt niềm yêu đời cuồng nhiệt vô biên của mình, Xuân Diệu đã dùng đến yếu tố phi lí, phi hiện thực. Cũng chính vì thế mà câu thơ: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” trở thành một trong những vần thơ độc đáo, táo bạo nhất trong thơ hiện đại. Cùng với “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, Xuân Diệu đã làm cả một cuộc cách mạng lớn trong thi ca để trở thành nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.

Bài thơ là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đây chưa từng có. Đến với “Vội Vàng” Xuân Diệu kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng. Xuân Diệu đã bộc lộ một cái tôi tràn đầy sự thèm khát được sống, được tận hưởng một cách cuồng nhiệt những thanh sắc của cuộc đời. Thi sĩ như muốn giang rộng cả đôi tay, cả lồng ngực của mình để đón nhận mùa xuân của tình yêu, của tuổi trẻ. Nỗi khát thèm ấy là xuất phát từ một quan niệm nhân sinh tiến bộ, tích cực của Xuân Diệu trước cuộc đời: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ - Em, em ơi, tình non đã già rồi” . Đoạn thơ đã giúp ta hình dung được tâm hồn Xuân Diệu, một cái tôi yêu đời, giàu xúc cảm, một nhân sinh quan tiến bộ về cuộc đời. Với những gì thể hiện ở trên, Xuân Diệu rất xứng đáng với danh hiệu: “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.

4. Bình giảng đoạn cuối trong Vội vàng của Xuân Diệu

Đến với thế giới thi ca là đến với thế giới của muôn vàn cảm xúc. Ta từng biết đến một Thế Lữ "rộng mở", một Nguyễn Bính "quê mùa", một Hàn Mặc Tử "kì dị". Và thật thiếu sót khi nhắc đến đỉnh cao Thơ mới khi ta quên mất cái tên Xuân Diệu - "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Theo Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh). Ông đã thổi vào nền văn học đương đại một luồng gió mới đầy độc đáo, mới lạ và mang đầy tính nhân văn. Và một trong những vần thơ thể hiện rõ nhất quan niệm ấy là khổ cuối bài "Vội vàng".

Gần như đó là một khát khao, một ước vọng quá sức mơ hồ và phi lí. Chẳng ai có thể vượt quyền tạo hóa được bằng cách đó, một sự thiết tha và mãnh liệt tột cùng của cái tôi thơ mới, cái tôi Xuân Diệu. Hơn ai hết, một người đam mê tình yêu, đam mê khát khao và sống trọn vẹn với đời. Vì vậy ở những khổ thơ cuối, Xuân Diệu không thể thực hiện được những khát khao ước vọng như vậy. Nên Xuân Diệu đã thúc giục chúng ta, mỗi người hãy “vội vàng” nữa lên.

"Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Câu đầu tiên là Xuân Diệu đang tự thúc giục chính mình. Muốn được sống được yêu, được cống hiến và không sống hoài sống phí. Điều duy nhất ta làm được là phải tăng tốc nhịp sống lên, sống vội vàng, cuống quýt lên, hãy cố gắng sống trọn vẹn từng cảm xúc, từng khoảnh khắc, nhiệt huyết với cuộc đời này hơn nữa.

Câu thơ "Ta muốn ôm" thắt lại giữa bài khiến ta liên tưởng đến vòng tay của thi nhân ôm giữ cuống quýt cả sự sống non tơ. Không giống như người bạn thân Huy Cận lấy cảm hứng từ những không gian rộng lớn, bị ám ảnh bởi "sầu không gian" thì Xuân Diệu luôn ám ảnh bởi thời gian trôi chảy không ngừng. Với thời gian, nếu Chế Lan Viên chối bỏ mùa xuân hiện tại để quay về quá khứ "Làm cánh chim thu lạc cuối ngàn" thì Xuân Diệu say sưa, gắn bó với mùa xuân, với cuộc đời bằng cách thâu tóm mọi sự sống nhân gian. Ông theo đuổi hạnh phúc bằng lối sống cuống quýt, vội vàng để tận hưởng mọi vẻ đẹp của đất trời.

Cuộc đời đẹp thế, “mơn mởn” là thế, vậy chẳng có nghĩa gì ta lại để nó trôi qua một cách uổng phí cả. Xuân Diệu thay xưng hô, tôi bằng ta, là đổi cách để giao cảm, nói với đời. Đó là thái độ của một chàng thanh niên như muốn đối thoại với cuộc đời này, đối diện với toàn bộ những sự sống, những khát khao mãnh liệt mà mình còn muốn thực hiện. Thật sự Xuân Diệu đã cho ta thấy rõ một cái tôi rạo rực say sưa, và yêu đời thắm thiết làm sao.

Xuân Diệu qua đó cũng sử dụng những động từ mạnh, cùng với việc mở rộng những giác quan để tận hưởng cuộc đời. Nếu phần đầu là ước ao được sống thì phần sau đây thực sự là một sự lí giải tại sao phải sống vội. Cuộc đời còn đẹp thế, những “cánh bướm”, “tình yêu” và “cây, và cỏ rạng” thiên đường trong cuộc sống là đây chứ đâu.

Nghệ thuật làm thơ khó nhất là ở câu cuối vì nó vừa phải nâng cao cảm xúc vừa chứng tỏ sự vận động của tứ thơ đạt tới độ hoàn hảo không thể thêm bớt. Xuân Diệu đã vượt qua được ranh giới đó khi bật lên tiếng thơ chân thành, đầy khao khát. Ta từng biết "Mùa xuân chín" trong thơ Hàn Mặc Tử, "Mùa xuân xanh" trong thơ Nguyễn Bính nay ta bắt gặp trái xuân hồng trong thơ Xuân Diệu. Nó như một trái quả ngọt lành mà thi sĩ muốn cắn ngập răng để tận hưởng. Với câu thơ này, một nhà phê bình đã tinh tế nhận ra rằng: "Xuân Diệu giống như một con ong hút nhụy đã no nê đang lao đao bay đi". Đây quả là sự giao cảm táo bạo, mãnh liệt của một trái tim căng tràn tình yêu, sức sống.

Một sự chuyển đổi cảm giác tinh tế không chỉ gợi được sức sống mà còn gợi được cả cháy khao rực cháy hối hả cuốn quýt trong tâm hồn thi nhân. Nếu trong thi ca trung đại, thiên nhiên là tiêu chí đánh giá cho mọi vẻ đẹp của cuộc đời, là thước đo thẩm mĩ của vũ trụ thì Xuân Diệu lại đưa ra tiêu chí mới, giàu tính nhân văn sâu sắc. Con người hồng hào, tươi trẻ giữa tuổi trẻ và tình yêu mới là chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp trên thế gian. Mùa xuân như đôi môi ửng hồng của người thiếu nữ, tràn đầy sự trinh nguyên và một chút rạo rực của tình yêu.

Nhìn chung lại, đây là nhân sinh quan mới, có nét tích cực. Trong khi những cái tôi lãng mạn khác lại xa lánh cuộc sống trần gian, đi tìm cõi bồng lai ở chốn hư vô, thì Xuân Diệu không đi đâu cả mà coi trần gian chính là thiên đường và sống hết mình trong cõi trần gian ấy. Hãy biết hướng đời mình về phía ánh sáng, đừng để cho tuổi xanh trôi đi một cách uổng phí. Bởi "tuổi xanh... trở về" song nếu chỉ biết tận hưởng một cách vội vàng, cuống quýt mà không biết làm gì để cho sự tận hưởng ấy thì lại là tiêu cực.

Về nghệ thuật, nét nổi bật ở khổ thơ này là cách dùng một loạt động từ và tính từ ngày càng mạnh, càng tăng, tạo nên một giọng điệu liên hoàn, sôi nổi như khát vọng mãi không thôi.

Ngày:22/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM