Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận

eLib xin giới thiệu đến các em những bài văn mẫu phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận đã được eLib tổng hợp và biên soạn. Hy vọng rằng những bài văn mẫu này sẽ giúp các em cảm nhận được một cách đầy đủ về nỗi buồn của Huy Cận thấm đẫm trong từng câu thơ. Cùng tham khảo nhé!

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận

1. Dàn ý phân tích khổ thơ đầu trong Tràng Giang

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Huy Cận và tác phẩm Tràng giang.

- Khổ thơ đầu tiên cho người đọc những cảm nhận về nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình.

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Khi tác giả đứng trước sông Hồng vào một chiều thu năm 1939, khi tròn hai mươi tuổi, ở bờ Nam bến Chèm, cùng nỗi sầu vô tận trong tâm hồn.

- Giá trị nội dung:

+ Hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ của quê hương, ẩn sau nỗi buồn là tình yêu quê hương tha thiết.

+ Hiện lên đối lập giữa không gian rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ mênh mông là cái tôi nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng.

+ Nỗi buồn, cô đơn, sầu muộn vô cùng của con người trước thiên nhiên bao la.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Bài thơ được kết hợp giữa lối thơ cổ điển và hiện đại, thể thơ thất ngôn, chất thơ Đường nhưng được kết hợp với cái tôi của thơ mới.

+ Hình ảnh được gợi lên trong thơ vô cùng trong sáng, giàu xúc cảm.

+ Chất thơ Đường thấm đượm từ nhan đề, thể thơ, thi tứ (sự lẻ loi của con người trước tạo vật, vũ trụ to lớn), các bút pháp nghệ thuật như đối ngẫu, song đối.

- Phân tích:

+ Tác giả đứng trên bờ sông nhìn xuống dòng nước mênh mông của sông Hồng, tạo nên những hình ảnh vừa chân thực lại vô cùng giàu sức gợi.

+ Một dòng sông lững lờ trôi với những cơn sóng gợn, với chiếc thuyền nhỏ và một cành củi khô giữa dòng.

+ Hình ảnh "sóng gợn": gợi lên hình ảnh sống nước mênh mang, những con sóng gợn lăn tăn vỗ lên mặt sông. Nỗi buồn chập chùng trong lòng người thi sĩ.

+ Hai từ "tràng giang": là từ Hán Việt, với hai âm "ang" tạo nên tiếng vọng cho câu thơ, vừa gợi lên một dòng sông dài rộng và cổ kính.

+ Từ láy "điệp điệp": Những con sóng cứ nối nhau liên tiếp. Nỗi buồn miên man, không nguôi trong lòng tác giả, một nỗi buồn cụ thể.

+ Con thuyền không đảo chèo, ngược sóng mà buông thõng mái chèo, "xuôi mái", thụ động, mặc dòng nước đưa đẩy.

+ Hình ảnh thường xuất hiện trong thơ văn.

+ Thuyền và nước tưởng gặp nhau, hứa hẹn cùng nhau nhưng ở đây, sự gặp gỡ chỉ là phút chốc, để rồi lại chia lìa đôi ngả.

+ Hình ảnh "thuyền về nước lại": gợi lên cảnh chia li, xa cách.

+ "Sầu trăm ngả": Mối sầu muôn dặm, to lớn, rộng khắp.

+ Đầu tiên là nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh hình ảnh cành củi khô giữa dòng nước.

+ Nhấn mạnh sự nhỏ bé, đơn độc của một cành củi nhỏ giữa sóng nước bao la.

+ "Cành củi khô": Gợi lên sự khô héo, không còn sức sống lại ít ỏi

+ "Mấy dòng": Vừa gợi lên cảnh sông nước mênh mông, vừa gợi lên hình ảnh của dòng đời, vô số bước đường đi nhưng không biết chọn hướng nào mà bước tới.

- Kết luận chung:

+ Khổ thơ gợi lên nỗi buồn sâu lắng của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, gợi lên sự chia ly, xa cách giữa những con người, không có sự giao hoa, đặc biệt tác giả muốn nhận mạnh nỗi buồn về kiếp người nhỏ bé, lênh đênh, vô định trước cuộc đời.

+ Nghệ thuật: Huy Cận đặc biệt sử dụng thành công các hình ảnh gợi tả, cách gieo vần nhịp nhàng.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại ý nghĩa của khổ thơ.

2. Cảm nhận của em về khổ thơ đầu tiên trong Tràng Giang

Nhà thơ huy cận tên thật là Cù Huy Cận. Nhắc đến thơ của ông, người ta có thể nhớ ngay đến chất thơ chất chứa những nỗi sầu nhân thế và lòng ngợi ca cảnh đẹp của thiên nhiên. Trước Cách mạng tháng Tám, tên tuổi của Ông gắn liền với rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “ Lửa thiêng”, “ vũ trụ ca”,… Bài thơ “ tràng giang” trong tập “ lửa thiêng” là một trong những áng thơ tiêu biểu bậc nhất của Huy Cận. Bài thơ mang dòng chảy cảm xúc có chút u buồn mênh mang cho kiếp người bé nhỏ, trôi nổi giữa biết bao ngã rẽ cuộc đời. Đặc biệt đoạn thơ thứ nhất đã cuốn hút ngay người đọc theo tâm hồn thơ của tác giả rất độc đáo.

Ngay từ nhan đề, nhà thơ đã khéo léo gợi lên vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của thiên nhiên, kéo theo cả tâm trạng của lòng người. Con sông Hồng dài rộng bát ngát, uốn quanh bao trọn cả non sông Việt nam. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả lại sử dụng “tràng” thay vì từ “ trường”. Âm “ ang” mang mới cho người đọc mường tượng được bề ngoài rộng lớn của con sống kia. Đấy không chỉ là con sông của tạo hóa làm nên, mà tác giả còn muốn nhắc tới dòng sông của đời người, dòng sông chất chứa bao tâm tưởng suy nghĩ.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”

Đọc câu thơ người đọc hình dung ra một con sông mênh mang sóng nước. Cụm từ “tràng giang” cho thấy một dòng sông dài vô tận. Nhà thơ không dùng “trường giang” mà dùng từ “tràng giang” khiến cho dòng sông không chỉ có chiều dài mà còn có chiều sâu. Cụm từ “điệp điệp” cho thấy những đợt sóng cứ dập dồn, liên tiếp xô nhau vào bờ. Qua cái nhìn đa sầu đa cảm của thi nhân, từng đợt sóng được nhân hóa lên như con người, cũng biết “buồn điệp điệp”. Từng đợt sóng gợn trên sông của hình ảnh thật ấy cũng như những nỗi buồn đang trải dài vô tận. Từ láy “điệp điệp” càng nhấn mạnh nỗi buồn hết lớp này đến lớp khác, nỗi niềm mang nhiều tâm sự của nhà thơ.

Trên con sông dài, không gian rộng lớn ấy, xuất hiện một con thuyền nhỏ bé:

“Con thuyền xuôi mái nước song song”

Hình ảnh đối lập giữa cái bao la, mênh mông của sông nước với con thuyền nhỏ lênh đênh giữa dòng càng gợi lên sự nhỏ bé của con thuyền. “Con thuyền” là hình ảnh tả thực nhưng dưới cái nhìn của cái tôi lãng mạn thì con thuyền cũng chỉ những thân phận nhỏ bé, nổi trôi của kiếp người. Hình ảnh con thuyền và dòng sông vốn đã xuất hiện nhiều trong thơ ca từ cổ chí kim. Cách sử dụng hình ảnh cổ điển trong thơ cùng điệp từ “song song” càng gợi lên nỗi buồn xa vắng. Sử dụng nghệ thuật tiểu đối trong ngôn từ “buồn điệp điệp” đối với cụm từ “nước song song” tạo cho hai câu thơ nhịp thơ nhịp nhàng, chậm rãi như những tiếng thở dài não nuột đang trào dâng trong lòng nhà thơ.

Nỗi buồn của lòng người như thấm đượm vào cành vật. Trong cái nhìn sầu đau của thi sĩ, sự chia ly chậm rãi hiện diện:

"Thuyền về nước lại sầu trăm ngả"

Thuyền và nước những tưởng là hai hình ảnh song song đồng hành với nhau, đến đây lại cách xa đầy buồn tủi. Hình ảnh đối ngẫu "thuyền về nước lại" gợi sự chia lìa xót xa, thuyền một hướng, nước một hướng, sầu thương vô cùng. Thuyền lênh đênh trôi mãi đi xa chỉ còn dòng nước lặng lẽ ở lại, heo hắt, cô quạnh. Thuyền và nước ở đây không còn là sự vật vô tri vô giác của thiên nhiên mà đã được nhân hóa lên như một con người. Trước chia ly, chúng cũng có cảm xúc như con người: "sầu trăm ngả". Nỗi sầu không ngả một bên mà ngả trăm đường, lan tỏa, tràn lan như nuốt chửng cả không gian. Câu thơ vang lên mà lòng người không khỏi trùng xuống.

Nỗi buồn vẫn man mác bao trùm, khổ thơ khéo lại bằng hình ảnh vô cùng độc đáo:

"Củi một cành khô lạc mấy dòng"

"Củi" là thứ đơn sơ, mộc mạc, chưa từng xuất hiện trong thơ ca mang ý nghĩa biểu tượng. Thế nhưng dưới cái nhìn của Huy Cận, nó lại gợi lên bao cảm xúc khác lạ, mới mẻ trong lòng người đọc. "Cành củi" vốn đã mang cảm giác thật nhỏ bé, một cành củi "khô" ở đây càng gợi lên sự hoang tàn, héo úa. Một cành củi khô lạc lõng giữa dòng chảy mênh mang của dòng sông, bơ vơ, vô định. Nó thậm chí không thể xuôi dòng song song như con thuyền, bị quăng quật theo dòng nước, lạc đến mấy dòng. Lối viết đảo ngữ "củi một cành khô" được sử dụng càng nhấn mạnh nỗi cô đơn, lẻ loi, héo tàn.

Khổ thơ nói riêng cũng như bài thơ Tràng Giang nói chung đều tiêu biểu cho hồn thơ mang nỗi sầu nhân thế của Huy Cận - một nhà thơ thuộc phong trào thơ Mới vô cùng tài năng.

3. Bình giảng khổ thơ đầu của bài thơ Tràng giang

Huy Cận là cây bút tiêu biểu trong phong trào thơ Mới. Đến với thơ Huy Cận, người đọc sẽ dễ dàng rung động bởi nỗi buồn man mác quẩn quanh. Tràng Giang là một tác phẩm như thế. Bài thơ sẽ gợi lên cho chúng ta nỗi buồn nhân thế nặng sâu trong lòng tác giả. Nỗi buồn ấy đặc biệt mênh mang, heo hút giữa không gian thiên nhiên vô tận được khắc họa ở đoạn mở đầu bài thơ.

Bài thơ được Huy Cận kết hợp giữa yếu tố cổ điển với yếu tố hiện đại, ông đem tinh thần, cái tôi của thơ Mới vào trong một bài thơ thể thất ngôn với chất thơ Đường. Những hình ảnh với thi tứ cổ đầy gợi tả và sinh động. Chất thơ Đường cũng thật đậm đặc, thấm đẫm từ nhan đề thơ, đến thể thơ rồi thi tự, các bút pháp nghệ thuật (đối ngẫu, song đối).

Huy Cận đã sáng tác bài thơ khi đứng trên bến Chèm nhìn xuống dòng sông Hồng đang chầm chậm chảy, vậy nên mở đầu bài thơ, người ta mới thấy mở ra một không gian tràn đầy sóng nước cùng nỗi buồn miên man:

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp"

Một hình ảnh vô cùng chân thực và giàu sức gợi tả. Một dòng sông lững lờ trôi với những con sóng gợn lên mênh mang. Cụm từ "tràng giang" được nhà thơ đặt ngay đầu của câu thơ đầu tiên, với hai âm "ang" tạo nên tiếng vọng cho câu thơ, cũng gợi lên cho người độc chúng ta hình ảnh về một dòng sông dài, rộng, mênh mông sóng nước, lại cổ kính, xa xưa. Huy Cận đã tinh tế vô cùng khi không đặt ở đây hai từ "trường giang" mà lại là "tràng giang" khiến cho người ta thấy rằng dòng sông không chỉ có chiều dài mà còn có một chiều sâu thật bí ẩn nữa. Hai từ "tràng giang" dường như cũng gợi lên phảng phất một chút gì đó trầm buồn đang rợn ngợp trong tâm hồn nhà thơ. Từng con sóng nối nhau liên tiếp, dồn dập "điệp điệp" tràn lên nhau, xô nhau đẩy vào bờ.

"Điệp điệp", từ láy mà Huy Cận dùng ở đây để gợi lên sự liên tiếp, tiếp nối nhau không rời, không dứt. Những con sóng "gợn" lên trên mặt nước sông cứ "điệp điệp" nối nhau, vỗ lăn tăn trên mặt sông, trùng trùng như nỗi buồn trong lòng tác giả, miên man, chồng chất, trải dài vô tận, một nỗi buồn thật cụ thế. Từ láy "điệp điệp" càng nhấn mạnh cái nỗi buồn trong lòng nhà thơ.

Dòng sông dài rộng là thế, bao la là thế, đột ngột xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh mà lạc lõng vô cùng:

"Con thuyền xuôi mái nước song song"

Một chiếc thuyền nhỏ bé, lững thững chảy trôi theo dòng nước đối lập với cái bao la, mênh mang của dòng sông. Điều ấy lại càng gợi lên sự nhỏ bé, cô liêu đến vô cùng của con thuyền kia. Con thuyền ấy không như con đò trên dòng sông Đà cuồn cuộn chảy của Nguyễn Tuân cố sức vượt thác ghềnh, con thuyền của Huy Cận lại buông thõng mái chèo "xuôi mái", để dòng nước đẩy trôi một cách thụ động. Dưới con mắt nhìn của cái tôi lãng mạn, con thuyền kia phải chăng chính là những số phận nhỏ bé, những kiếp người lênh đênh giữa cuộc đời. Và dòng sông chính là dòng chảy của cuộc sống mà con thuyền chỉ là một vật thể quá đỗi nhỏ bé giữa dòng sông ấy? Từ xưa tới nay, con thuyền, dòng sông luôn là những hình ảnh gợi lên những điều xa xôi, những nỗi buồn xa vắng. Ở đây, Huy Cận cũng sử dụng cái hình ảnh cổ điển ấy để gợi lên tâm trạng, nỗi lòng của mình. Cùng với từ láy "song song", người ta lại cảng cảm nhận được sự bất lực của con thuyền kia, nó chẳng hề biết mình sẽ theo dòng chảy trôi về đâu, nó chỉ biết xuôi mái chèo "song song" cùng dòng nước, bỏ mặc tất cả.

Câu thơ thứ ba hai hình ảnh thuyền và dòng sông lại được sóng đôi cùng nhau:

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”

Con thuyền giống như đang phá vỡ quy luật của bình thường, Thuyền “xuôi mái” tức là xuôi theo dòng nước ấy bậy mà lại có sự vận động “về - lại”. Vốn chảy cùng chiều nhau nhưng đến câu ba lại có sự ngược chiều. Sự phi logic trong câu thơ giống như sự lo âu, lạc lõng, trăn trở của chính tác giả. Khổ thơ đầu tiên kết lại bằng một hình ảnh thơ rất lạ:

“Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Nhành củi là hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi nhưng nó ít khi được đưa vào trong thơ ca. Nhà thơ Huy Cận đã phá vỡ những quy tắc để lấy hình ảnh nhành củi khô trên nền thiên nhiên rộng lớn, kì vĩ. Cành củi nhỏ bé, đơn độc lạc giữa dòng nước giống như chính nhà thơ đang phải chịu đựng sự cô đơn, lạc lõng. Nó biểu tượng cho kiếp người nhỏ bé, phù du trôi nổi giữa dòng đời vô định.

Có thể nói với những hình ảnh độc đáo, tả cảnh ngụ tình tác giả đã vẽ nên bức tranh thủy mặc về cảnh sông nước. Qua khổ thơ thứ nhất ta có thể cảm nhận được nỗi buồn được thấm đẫm trong từng cảnh vật.

Ngày:19/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM