Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh thiên nhiên thơ mộng và tràn đầy sức sống, trong bức tranh thiên nhiên ấy thể hiện những cung bậc cảm xúc, tâm trạng của thi nhân một cách rõ nét. eLib xin mời các em cùng tham khảo những bài văn mẫu phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ đã được eLib tổng hợp và biên soạn. Chúc các em có những bài văn thật hay!

Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

1. Dàn ý phân tích tâm trạng của nhà thơ

a. Mở bài:

- Khái quát vài nét về tác giả Hàn Mặc Tử.

- Giới thiệu được nội dung chính của văn bản Đây thôn Vĩ Dạ.

- Giới thiệu và cảm nhận về sự nghiệp, phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử.

- Cảm nhận khái quát nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ.

b. Thân bài:

- Tâm trạng khát khao được trở về với cuộc sống trần gian đầy tươi đẹp:

+ Câu hỏi:" Sao anh không về chơi thôn Vĩ" vừa là lời mời( của một cô gái với tác giả), vừa là lời trách( Hàn Mặc Tử tự trách chính bản thân mình sao đã quá lâu không trở về thăm lại chốn xưa). Niềm khát khao được về lại một cuộc sống tươi đẹp, về lại với mọi người.

+ Hàn mặc tử khát khao được trở về thôn Vĩ, vì cuộc sống quá đẹp, tràn đầy sinh khí và nhựa sống, Hàn Mặc Tử yêu say đắm vẻ đẹp đó.

+ Càng khao khát nhớ nhung, Hàn mặc tử lại càng tiếc nuối cuộc sống.

- Tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình:

+ Nhân vật trữ tình phải chịu đựng nỗi đau đầy bất hạnh: dù đang trong quãng thời gian thanh xuân đẹp nhất cuộc đời nhưng lại phải xa lìa cuộc sống, xa lìa với tất cả những gì thân thương nhất.

+ Hình ảnh gió đi đường gió/ mây đường mây làm liên tưởng đến bi kịch cuộc đời của tác giả.

+ Chính vì đau đớn, Hàn Mặc Tử chỉ còn cách tìm đến ánh trăng bầu bạn, điều này cho thấy sự cô đơn đến tuyệt vọng của tác giả.

+ Nhưng ánh trăng ấy có thể không về kịp, Hàn Mặc Tử bày tỏ nỗi lo lắng, bồn chồn.

+ Hàn Mặc Tử thực sự khát khao được chia sẻ và đồng điệu.

- Tâm trạng hoài nghi:

+ Hàn Mặc Tử nhận thức rõ sự khác biệt giữa thế giới mình đang sống và thế giới của mọi người

+ Ông hoài nghi rằng trong một thế giới như vậy, thì" ai biết tình ai có đậm đà"?

c. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị tác phẩm.

- Nêu cảm nhận của bản thân.

2. Suy nghĩ về tâm trạng của tác giả

“Đây thôn Vĩ Dạ” rút trong tập “Thơ điên” xuất bản năm 1940, sau khi nhà thơ qua đời. Bài thơ nói rất hay về Huế, về cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, về con người xứ Huế, nhất là các cô gái duyên dáng, đa tình, đáng yêu - tình yêu thơ mộng say đắm, lung linh trong ánh sáng huyền ảo. Bài thơ giãi bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khao khát về hạnh phúc của thi sĩ đa tình, có nhiều duyên nợ với cảnh và con người Vĩ Dạ.

Câu đầu “dịu ngọt” như một lời chào mời, vừa mừng vui hội, vừa nhẹ nhàng trách móc người thương biết bao nhớ đợi chờ. Giọng thơ êm dịu, đằm thắm và tình tứ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Có mấy xa xôi. Cảnh cũ người xưa thấp thoáng trong vần thơ đẹp mang hoài niệm. Bao kỷ niệm sống dậy trong một hồn thơ. Nó gắn liền với cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế mộng mơ.

Âm điệu, giọng thơ từ những vần đầu của thi phẩm là một phần vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ quyết định âm hưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ hành trình cảm xúc của tác phẩm. Về những đoạn sau, âm hưởng, nhạc điệu của bài thơ có đa dạng, biến hóa hơn lúc đầu thế nào đi nữa thì ý thức thơ và tư duy thơ của người đọc cũng như của nhân vật trữ tình hay của tác giả vẫn bị ảnh hưởng, chi phối mạnh bởi cấu thanh ấy. Cảm xúc chính: Quá khứ sống dậy trong miền nhớ. Cảm xúc chính của nhân vật trữ tình ở đây là xao xuyến, bâng khuâng, nhớ nhung da diết.

Câu thơ lắng lại trong một nội lực phù sa xúc cảm đầy mạnh mẽ, nỗi buồn từng phá nhuốm trên từng con chữ vần thơ, mặc cảm chia lìa, dáng dấp của một nỗi sầu chia ly tan tác quyết định cái tôi của Mặc Tử, và đổ bóng xuống cảm quan không gian, nó dựng lên bối cảnh tương quan trong Đây thôn Vĩ Dạ, thiên nhiên trong thơ bị chi phối bởi tâm trạng con người, nó là một thực tại cô đơn, phiêu tán: gió bay đi, mây trôi đi, sông cũng lặng lờ buồn thiu chảy về miền xa vắng – cái hiện thực, cảnh tượng ấy ám ảnh một cái nhìn khác đời, ngang trái và trớ trêu: gió mây, hai vật thể gắn chặt ấy làm sao có thể rách rời (gió thổi mây bay, mây không thể tự nhiên mà di chuyển được, mây và gió cũng không thể đi ngược hai luồng), nếu nhìn qua lăng kính của đôi mắt không thôi, thì Hàn Mặc Tử chắc chắn không thể viết nên những vần thơ như thế, khung cảnh thiên nhiên đã được Tử ghi lại bằng rung cảm tâm hồn đầy “mặc cảm”, và, “mặc cảm ấy đã chia lìa những thứ tưởng không thể chia lìa”.

Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. Thuyền em hay “thuyền ai” vừa thân quen, vừa xa lạ. Chất thơ mộng ảo “Đây thôn Vĩ Dạ” là ở những thi liệu ấy. Câu thơ gợi tả một hồn thơ đang rung động trước vẻ đẹp hữu tình của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn.

Hàn Mặc Tử đã để lại cho ta một bài thơ tình thật hay. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng, ngạc nhiên và thẫn thờ bao hình ảnh và cảm xúc đẹp hội tụ trong ba khổ thơ thất ngôn, câu chữ toàn bích.Cảm nhận tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ bằng sự thấu hiểu, cảm thông chúng ta có thể thấy đây là một bài thơ tình tuyệt tác. Cái màu xanh như ngọc của vườn ai, con thuyền ai trên sông trăng, và cái màu trắng của áo em như đang dẫn hồn ta đi về miền sương khói của Vĩ Dạ thôn một thời xa vắng.

3. Cảm nhận chung về diễn biến tâm trạng của thi nhân

Theo ông Quách Tấn, người bạn chí thân và đồng thời cũng là người hiểu khá rõ về nhà thơ Hàn Mặc Tử, thì bài thơ này, tức bài Đây thôn Vĩ Dạ được sáng tác vào năm 1939, ngay sau khi tác giả nhận được một bức bưu ảnh, một "phiến phong cảnh" kèm với lời hỏi thăm sức khỏe của cô Hoàng Cúc – cố nhân, người yêu cũ của Hàn. Chính lời hỏi thăm của người con gái ấy đã khiến tứ thơ vụt sáng trong đầu thi nhân, trong lúc thi nhân đang lâm vào nghịch cảnh, thời điểm bi đát nhất của cuộc đời mình.

Bài thơ được Hàn chia thành ba đoạn, mỗi đoạn là một cung bậc cảm xúc xong đều bị chi phối bởi một sắc màu phức cảm nhất định.

Tác giả đã tốc ký về cái khoảnh khắc bâng khuâng, bồng bềnh phiêu lắng trong cõi mộng, đau đáu dõi theo bóng của một ảo ảnh trên con thuyền chở trăng với khát khao mong tìm được "chân ảnh" của kẻ thi nhân lạc loài cô đơn ham sống đang tìm về "cõi mộng mong nhập thế". Song, cảnh thiên tiên đẹp mấy cũng sẽ tàn, mộng nơi trần gian say lâu rồi cũng tỉnh, trong phút chốc, mọi cá thể hư ảo đều hóa ra thành mây khói: ánh nắng của những khổ thơ trước đã tan, sắc trăng đã tắt, nhân ảnh hư mờ, cả đoạn thơ bao phủ bởi một màu trắng gắt đến lặng cả những vần thơ. Thi nhân bị đẩy lại nơi trần thế đầy nghịch cảnh. Chữ quá như nghẹn ngào, như xót xa tiếc nuối trong nỗi đau của mặc cảm chia lìa.

Đi tìm cái đẹp của cõi thực, cõi thực hờ hững. Đi tìm sự đồng cảm, đồng điệu trong cõi mộng, cõi mộng hư ảo, mù mịt. Cho nên, đắm say rồi nguội lạnh, bằng gió, mộng rồi lại tỉnh. Đó là logic vận động tâm trạng của một cái tôi ham sống, yêu đời trong Đây thôn Vĩ Dạ. Cảnh lúc như gần, lúc như xa, lúc rất thực, càng về sau càng trở nên hư ảo, huyền hồ. Sắc điệu tiếng nói trữ tình lúc âm u, lúc chói lạnh. Cảm nhận tâm trạng của nhân vật trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ cũng chính là tiếng lòng khắc khoải của Hàn Mặc Tử vừa đẹp nhưng lại đau thắt tới tận cùng.

Hàn Mặc Tử đắm chìm trong cảnh vật nhưng vẫn không thôi trăn trở. Thôn Vĩ và con người thôn Vĩ hiền lành phúc hậu, xinh đẹp, tất cả cũng chỉ là phiếm định, là “ai” mà thôi. Cuộc trở về trong hoài niệm càng mơ hồ đến cuối cùng nhà thơ trở nên xa lạ trong kí ức của mình.” Khách đường xa là ai?” Ai mơ khách đường xa? Có phải là hình dáng của “thuyền ai” “vườn ai”? Hay tác giả lại là một khách đường xa đang trở về trong mơ nên :”Áo em trắng quá nhìn không ra”, tất cả tạo thành một lời trăn trở “Ai biết tình ai có đậm đà“. Đó là câu hỏi tu từ đặt ở cuối bài thơ khiến cho nỗi niềm riêng của nhà thơ càng trở nên xót xa, làm tăng lên nỗi cô đơn trong tâm một con người thiết tha yêu đời yêu người. Hỏi mà không biết ai hỏi, hỏi ai. Hỏi mà không có câu trả lời. Câu hỏi rơi vào hư vô, day dứt ám ảnh không nguôi để lại dư âm trong lòng người đọc.

"Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Đây thôn Vĩ Dạ sẽ mãi là tiếng lòng của một tâm hồn yêu thương con người, tạo vật nhưng đầy bất hạnh.

Ngày:20/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM