Phân tích tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan

eLib xin gửi đến các em tài liệu dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em thấy được xã hội phong kiến suy đồi, phê phán mạnh mẽ những phong trào vô bổ làm khổ nhân dân ta. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích tác phẩm Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan

1. Dàn ý phân tích truyện ngắn “Tinh thần thể dục”

a. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn truyện ngắn “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan.

b. Thân bài:

- Đặc sắc của kết cấu truyện: Gồm những cảnh khác nhau tưởng như rời rạc (cảnh van xin, đút lót, thuê người đi thay, bị áp giải đi xem bóng đá...), nhưng tất cả đều tập trung biểu hiện chủ đề: bọn quan lại cầm quyền cưỡng bức dân chúng để thực hiện một ý đồ bịp bợm đen tối.

- Mâu thuẫn và tính chất trào phúng truyện:

+ Việc xem bóng đá vốn mang tính chất giải trí bỗng thành một tai hoạ giáng xuống người dân.

+ Sự tận tuỵ, siêng năng thực thi lệnh trên của lí trưởng đã gặp phải mọi cách đối phó của người dân khốn khổ.

- Đặc điểm ngôn ngữ truyện:

+ Ngôn ngữ người kể chuyện: Rất ít lời, mỗi cảnh có khoảng 2 dòng, như muốn để người đọc tự hiểu lấy ý nghĩa.

+ Ngôn ngữ các nhân vật: Lời đối thoại giữa các nhân vật rất tự nhiên, sinh động,... thể hiện đúng thân phận và trình độ của họ. Ngôn ngữ của lí trưởng không mang “kiểu hành chính” nào cả ...Qua ngôn ngữ các nhân vật, người đọc có thể hình dung đó là một xã hội hỗn độn.

- Giá trị hiện thực và ý nghĩa phê phán của truyện: Tác giả dùng bút pháp trào phúng để châm biếm trò lừa bịp của chính quyền. Nội dung truyện không phải hoàn toàn bịa đặt. Để tách người dân khỏi ảnh hưởng của các phong trào yêu nước, thực dân Pháp đã bày ra các trò thể dục, thể thao (đua xe đạp, thi bơi lội, đầu bóng đá...) để đánh lạc hướng. Do đó, truyện “cười ra nước mắt” này có ý nghĩa hiện thực, có giá trị châm biếm sâu sắc.

c. Kết bài: Qua tác phẩm, cần thấy được mối quan hệ giữa văn học và thời sự; văn học và sự thức tỉnh xã hội.

2. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về văn bản “Tinh thần thể dục”

Nguyễn Công Hoan là "bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại", "là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam... Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng". Ông viết văn với ngòi bút lạc quan, dùng tiếng cười làm thứ vũ khí của kẻ mạnh để đánh vào cái chế độ thực dân - nửa phong kiến đầy thối nát, xấu xa, với đa số những đề tài được ông khai thác từ trong cuộc đời nghèo khổ, lầm lũi của tầng lớp nhân dân dưới đáy xã hội. Tinh thần thể dục đã phản ánh một cách sâu sắc thực trạng đời sống nhân dân cũng như xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Khi nền văn minh Âu Tây mà thực dân Pháp đem đến Việt Nam đã làm xáo trộn, tạo nên một xã hội hỗn độn giữa lúc nhân dân đang bị bóc lột bần cùng. Tính bi hài kịch của truyện đã tạo ra những đòn tấn công sắc nhọn đối với chế độ thực dân, phong kiến, lột mặt nạ "văn minh", để lộ ra một cách rất rõ ràng hiện thực tăm tối và khốn khổ của nhân dân do nạn bóc lột, cường hào, tham nhũng với cường quyền nữa, trong đó có "nạn thể dục thể thao”.

3. Phân tích tác phẩm “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Công Hoan là nhà văn hiện thực trước Cách mạng tháng tám. Ông thường viết các thể loại truyện ngắn, truyện dài nhưng sở trường là truyện ngắn trào phúng. Ngôn ngữ truyện của ông gần gũi, đời thường, tự nhiên, linh hoạt. Tinh thần thể dục được Nguyễn Công Hoan cho in báo năm 1939, nội dung đả kích phong trào thể thao do thực dân Pháp bày ra để đánh lạc hướng thanh niên.

Nhan đề truyện ngắn chứa tương phản trào phúng cơ bản của truyện và ý nghĩa phê phán toát ra từ sự tương phản ấy. Tinh thần thể dục thể thao bình thường luôn đem lại sự hào hứng, hăng say, phấn chấn; thể hiện tinh thần tự nguyện, tranh đua, mang đến niềm vui lành mạnh. Nhưng trong truyện thì ngược lại hoàn toàn, chỉ thấy ép buộc, răn đe, không khí căng thẳng, điêu đứng, là nỗi đau khổ, là thứ tai họa giáng xuống, xóm làng bị một phen náo loạn, tan tác.

Nguyễn Công Hoan đã tái hiện lại năm cảnh với những hoàn cảnh khác nhau mà nhân dân lao động gặp phải. Nội dung cảnh thứ nhất là việc anh Mịch đến xin ông lí không đi xem đá bóng vì phải "đi làm trừ nợ cho ông nghị" nhưng không được chấp thuận. Ông lí không quan tâm đến việc anh Mịch có thể sẽ bị ông nghị đánh chết vì anh ta không đi làm trừ nợ, ông lí cũng không quan tâm đến việc vợ con anh ta sẽ chết đói mà chỉ quan tâm đến số lượng, quan tâm đến chỉ thị của cấp trên: "Chết đói hay chết no, tao đây không biết, nhưng giấy quan đã sức, tao cứ phép tao làm. Đứa nào không tuân, để quan gắt, tao trình thì rũ tù". Cảnh thứ hai mở ra với lời lạy thưa của bác Phô gái xin cho chồng mình không đi xem đá bóng vì ông ấy bị ốm. Nhưng ông lí đã đáp lại nguyện vọng của bác Phô bằng những lời lẽ sắc lạnh: "Ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi, thì người ta đá bóng cho chó xem à"? Ông không chấp nhận người đàn bà đi xem thay chồng vì "nữ nhân ngoại tộc". Ngay cả đến những người ốm yếu ông lí cũng không tha mà bắt đi xem đá bóng cho bằng được. Con trai của cụ phó Bính vì hôm đó bận đi ăn cưới nên bà cụ chọn cách thuê người đi thay và đút lót cho ông lí ba hào để ông làm phúc. Tuy vậy ông lí vẫn chưa yên tâm vì "việc quan nào phải việc chơi, ông sợ thằng Sang "ăn mặc như thằng ăn mày" lại không đúng với yêu cầu của quan rằng tất cả mọi người đi xem phải "ăn mặc tử tế".

Thằng Cò cũng được ông lí bắt đi xem đá bóng. Hắn đi xem đá bóng thì sẽ mất một buổi làm, con hắn sẽ chịu đói. Vả lại, hắn "không mượn đâu được quần áo" để đi! Hắn phải trốn trong đống rơm khi nghe tiếng ông lí quát, ông lí nói oang oang, khi tiếng dạ râm ran của bọn tuần cất lên "giữa những tiếng chó rống dậy". Hình ảnh cha con thằng Cò thật thảm hại: thằng bé con nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy bố, sợ quá không khóc được; còn thằng Cò bị bọn tuần "ỉôỉ xềnh xệch" điệu ra đinh. Với thằng Cò thì việc phải đi xem đá bóng là một tai hoạ. Không đi cũng không được, trốn tránh cũng không xong. Hắn sẽ bị ông lí "đánh sặc tiết".

Làng Ngũ Vọng nhận được lệnh phải cử đủ 100 người, "ai đi đến sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách"; rồi lại phải "có 5 lá cờ, sẵn sàng từ mười giờ sáng", ai "không tuân lệnh sẽ bị cữu".

Tiếng cười ở đây bật lên là do có mâu thuẫn giữa một bên là tinh thần tự nguyện của thể dục thể thao, một bên là mệnh lệnh hết sức nghiêm khắc; một bên là tình yêu, hứng thú của người dân đối với bóng đá với một bên là sự ép buộc. Tiếp sau bức trát quan là những cảnh người dân tìm cách trốn tránh, với những cuộc săn lùng ráo riết của ông lí.

Cái việc ông sắp xếp thời gian cho mọi người lên huyện cũng thật nực cười: trận bóng đá tận ba giờ chiều mới khai mạc, thế mà người xem phải tập trung từ ba giờ sáng, lại còn phải chuẩn bị cơm nắm từ chiều hôm trước... Nguyễn Công Hoan là cây bút trào phúng xuất sắc, do đó, ta thấy tiếng cười của ông vừa thâm thuý vừa sâu cay. Nghịch lí thể hiện ngay ở tiêu đề của tác phẩm: "Tinh thần thể dục". Đáng lẽ tiêu đề ấy là để ca ngợi thể dục thể thao mới đúng. Nhưng khi đọc những trang truyện chúng ta lại thấy điều ngược lại.

Tất cả đã tạo nên một tiếng cười trào phúng châm biếm sâu cay mang ý nghĩa phê phán mạnh mẽ. Đó là tiếng cười của Nguyễn Công Hoan, mang nét riêng của một cây bút trào phúng bậc thầy để ném tiếng cười đó vào cái chế độ thực dân phong kiến!

  • Tham khảo thêm

Ngày:12/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM