Phân tích và cảm nhận nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em phân tích và cảm nhận được nhân vật Liên trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam. Đồng thời, các em sẽ thấy được một vài nét độc đáo trong bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam qua truyện ngắn trữ tình. Chúc các em học tốt!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
- Mở bài: Các em cần giới thiệu về tác giả, tác phẩm và giới thiệu về nhân vật.
+ Ví dụ mở bài: Thạch Lam là cây bút viết truyện ngắn nổi bật. Truyện ngắn của Thạch Lam đẹp nét đẹp của sự trong sáng, thanh dịu, nhẹ nhàng. “Hai đứa trẻ” là tác phẩm mang đậm dấu ấn của nhà văn. Sự nhạy cảm, tinh tế của Thạch Lam trong truyện được thể hiện qua cách khắc họa cảnh phố huyện, đặc biệt là trong cách xây dựng nhân vật. Nhân vật Liên trong truyện ngắn đã được Thạch Lam làm hiển hiện như bước từ đời sống vào trang sách.
- Thân bài:
+ Hoàn cảnh sống của Liên:
- Liên từng sống với gia đình mình ở Hà Nội.
- Vì cha mất việc, gia đình Liên chuyển về nơi phố huyện nghèo, cuộc sông tăm tối mịt mù.
- Tối nào Liên cùng với em cũng ngồi trong quá đến tối mịt để được nhìn thấy chuyến tàu từ Hà Nội về.
+ Vẻ đẹp tâm hồn của Liên:
- Tâm hồn tinh tế: Liên cảm nhận được những biến động tinh tế nhất của sự đổi thay của đất trời. Trước cảnh ngày tàn: Nghe thấy tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve; quan sát thấy “Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Cảnh ngày tàn cũng làm tâm hồn Liên gợi lên những “buồn man mác”. Đó là bởi Liên là cô bé nhạy cảm, tinh tế trước biến đổi của đất trời. Liên gắn bó với mảnh đất phố huyện nghèo này đến mức quen với “mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi” của phiên chợ tàn.
- Tấm lòng giàu tình yêu thương: Thương cho nững kiếp sống cơ cực, tù túng, mù mịt nơi phố huyện nghèo. Đồng thời, Liên cũng “động lòng thương” khi thấy lũ trẻ con nhà nghèo đi “nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre” còn sót lại của phiên chợ. Liên thương cái cảnh sống “ngày chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch” của chị Tí. Vất vả vậy mà cũng chả kiếm được bao nhiêu nhưng vẫn cứ đều đặn dọn hàng. Cái nhìn dõi theo của Liên khi nhìn bà cụ Thi hơi điên “đi lần vào bóng tối”, khi thấy cảnh đói rét của gia đình nhà bác Sẩm. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Liên cảm nhận sâu sắc sự bế tắc, tù đọng của cuộc sống nơi đây. Họ ngồi trong bóng tối để tìm thấy tia sáng tương lai, họ bị giam nơi ao tù nước đọng mà không thể làm gì mà chỉ có thể ngóng đợi. Song, câu văn cũng thể hiện phần nào niềm tin của Liên vào tương lai, vào ánh sáng sẽ xóa tan không khí u tối nơi phố huyện nghèo.
+ Luôn biết hướng đến ánh sáng và tương lai:
- Dẫu sống trong cái tối, từ không gian mịt mù cho đến kiếp sống cơ cực không lối thoát, Liên vẫn luôn hướng tâm hồn mình đến ánh sáng, đến tương lai, luôn kiếm tìm ánh sáng dù là nhỏ nhất.
- Từ nguồn sáng nhỏ nhất như những “quầng sáng”, “một chấm lửa”, “hột sáng”, “vùng sáng” cũng trở nên thật đặc biệt trong tâm hồn nhạy cảm của Liên.
- Dù muộn thế nào thì An và Liên cũng đều cố gang thức đợi chuyến tàu cuối từ Hà Nội về. Bởi vì con tàu ấy mang theo “một làn khói bừng sáng trắng”, “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “các toa đèn sáng trưng”, “những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Con tàu dường như đối lập hẳn với không gian nơi phố huyện, đối lập của ánh sáng và bóng tối, của sự tĩnh lặng và âm thanh ồn ào, của “những viên đá một bên sáng một bên tối” với “đồng và kền lấp lánh”. Con tàu là hiện thân của quá khứ hạnh phúc của Liên khi gia đình còn ở Hà Nội đối lập hoàn toàn so với cuộc sống nơi phố huyện nghèo ở hiện tại. Con tàu đến là mang theo hương vị quá khứ tươi đẹp cho chị em Liên. Ngóng đợi con tàu là mơ ước của Liên về sự tươi sáng của tương lai. Dù sống cảnh tối tăm mịt mù, Liên vẫn luôn tìm kiếm một niềm vui. Đó chính là chuyến tàu ấy, chuyến tàu của quá khứ nhưng cũng là mơ ước tương lai vẫn sáng lấp lánh như đôi mắt Liên khi dõi theo chuyến tàu dần đi mất. Đó là sự thức tỉnh của cá nhân trong cảnh sống nghèo đói u tối.
+ Đánh giá chung: Ngôn ngữ bình dị, thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế, sâu sắc. Ngòi bút Thạch Lam có thể hiểu và cảm nhân được từng biến đổi nhỏ nhất trong tâm hồn và ánh mắt của cô bé Liên. Dường như ánh mắt nhà văn cũng đang biến đổi theo từng ánh nhìn của Liên vậy.
- Kết bài: Nêu cảm nhận của bản thân về nhân vật.
+ Ví dụ kết bài: Bằng ngòi bút tinh tế, Thạch Lam đã làm sáng lên ở trang văn “Hai đứa trẻ” một cô bé Liên nhạy cảm, giàu lòng yêu thương và luôn biết kiếm tìm và hướng về ánh sáng. Đó cũng là tấm lòng của nhà văn khi ông khám phá ra nét đẹp tâm hồn người dù là sống trong cảnh tối tăm mịt mù.
2. Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
- Mở bài:
+ Giới thiệu truyện ngắn Hai đứa trẻ: Một truyện ngắn tiêu biểu của cấy bút truyện ngắn xuất sắc- Thạch Lam.
+ Nêu vấn đề nghị luận: Liên trong tác phẩm là một nhân vật để lại nhiều sự trân trọng nơi bạn đọc bởi những suy nghĩ, cảm nhận rất tinh tế. Nhà văn đã hướng ngòi bút khắc họa tâm trạng nhân vật để làm nổi bật điều đó.
- Thân bài:
+ Hoàn cảnh nhân vật Liên:
- Trước ở Hà Nội, từ khi bố mất việc, hai chị em về quê.
- Mẹ giao trông coi một gian hàng tạp hoá nhỏ xíu.
- Chiều nào cũng dọn hàng, đếm hàng, tính tiền, ngồi trên cái chõng sắp gãy nhìn cảnh và người phố huyện.
- Ngày chợ phiên mà chỉ bán được 2,5 bánh xà phòng, một cút rượu ti nhỏ.
⇒ Hoàn cảnh khó khăn, sa sút, mức sống eo hẹp, tù túng nơi phố huyện nghèo không có tương lai và ánh sáng.
+ Tâm trạng của Liên trước bức tranh phố huyện lúc chiều tàn:
- Cảm nhận rất rõ: “Mùi riêng của đất, của quê hương này” từ tâm hồn nhạy cảm.
- Cảnh ngày tàn và những kiếp người tàn tạ: gợi cho Liên nỗi buồn thậm thía.
- Động lòng thương những đứa trẻ nhà nghèo nhưng chính chị cũng không có tiền mà cho chúng.
- Xót thương mẹ con chị Tí: ngày mò cua bắt tép, tối dọn cái hàng nước chè tươi chả kiếm được bao nhiêu.
⇒ Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người. Đây cũng là nhân vật mà Thạch Lam gửi gắm tâm tư của mình.
+ Tâm trạng nhân vật Liên trước khi tàu đến:
- Liên cùng em trai dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức để đợi tàu bởi vì: Cô được mẹ dặn chờ tàu đến để bán hàng. Nhưng Liên không mong chờ ai đến nữa, Liên thức vì muốn được nhìn thấy chuyến tàu như một hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu, Liên chăm chú để ý từng đèn ghi, ngọn lửa xanh biếc.
- Tiếng Liên gọi em một cách cuống quýt, giục giã như thể nếu chậm một chút sẽ mất đi điều gì đó quý giá
⇒ Niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt thường ngày của Liên.
+ Tâm trạng nhân vật Liên khi tàu đến:
- Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vượt qua.
- Dù chỉ trong chốc lát, Liên cũng thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố ngời, đồng và kền lấp lánh” ⇒ Liên thấy một thế giới khác với cuộc sống thường ngày của chị.
- Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua, Liên không trả lời cau hỏi của em, trong tâm hồn cô cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống.
- Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội sáng rực và xa xăm, một Hn đẹp, giàu sang và sung sướng. Sự hồi tưởng ấy càng khiến Liên thêm tiếc nuối và ngán ngẩm cho cuộc sống hiện tại.
⇒ Tâm trạng xúc động, vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng tràn ngập trong Liên.
+ Tâm trạng nhân vật Liên khi tàu đi:
- Như bao con người khác, Liên cũng “mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho cuộc sống hằng ngày”.
- Khi tàu đi qua, Liên trở về với tâm trạng buồn như cuộc sống thường ngày nơi phố huyện.
- Con tàu như niềm vui lóe lên trong chốc lát làm con người mơ tưởng rồi lại chìm vào trong bóng đen dày đặc.
- Tất cả chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn của Liên.
⇒ Tâm trạng nuối tiếc, niềm suy tư thao thức về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Nghệ thuật miêu tả nội tâm.
- Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn.
- Kết bài:
+ Khái quát lại sự chuyển biến tâm trạng nhân vật Liên.
+ Đây là nhân vật Thạch Lam gửi gắm niềm xót thương cho những con người bé nhỏ và trân trọng niềm ước mong một cuộc sống tươi sáng hơn.
+ Ví dụ kết bài: Qua việc phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên, phải chăng Thạch Lam dường như muốn lay tỉnh những con người đang buồn chán, đang sống quẩn quanh, lam lũ hãy cố vươn tới ánh sáng tương lai. Điều này chỉ có được ở những cây bút xuất hiện từ những năm 30 của thế kỉ XX, khi họ ý thức đầy đủ về cái tôi cá nhân, cá thể. Ở đây, dường như Thạch Lam đã bắt gặp Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân,… trong việc không chấp nhận sống trong cái ao đời bằng phẳng, mòn mỏi vì tù túng, khao khát hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống của con người.
3. Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
Thạch Lam là nhà văn nổi tiếng với những truyện không có cốt truyện, những truyện ngắn được Thạch Lam sáng tác dường như không đi theo trình tự sự kiện nào cả mà chỉ đơn thuần là ông kể về cuộc sống bình dị đời thường của con người, những kiếp người nhỏ bé, đau khổ, bất hạnh. Thạch Lam rất giỏi trong việc miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật, ông không tả một cái gì trực tiếp mà thường qua những chi tiết, những hành động và lời nói của nhân vật và phác họa nên một tâm hồn phong phú, độc đáo. Nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ là một điển hình của nghệ thuật ấy, từ những cảnh chiều tàn phố thị, những kiếp người tàn nơi tỉnh lẻ, bức tranh tâm hồn và tâm trạng của Liên đã được bộc lộ một cách tinh tế và sâu sắc.
Những nhân vật của phố huyện đại diện cho những số phận nhỏ bé, mờ nhạt, hiu hắt trong cuộc đời. Thạch Lam có cách miêu tả nhân vật khá độc đáo; nhân vật của ông thường ít nói năng và hành động. Trong thiên truyện nào cũng vậy, các nhân vật của phố huyện cứ như những mảnh đời lầm lũi, được gợi ra từ rất nhiều góc độ khác nhau: ngôn ngữ, hình ảnh, tính cách, hoạt động và cả biểu tượng. Thạch Lam đã khắc họa nhân vật Liên một cách tinh tế, độc đáo bởi sự nhạy cảm của cô trước biến chuyển của thiên nhiên lúc chiều tàn. Cái khung cảnh chiều nhá nhem tối, mọi thứ cứ mịt mù dường như thấm dần vào tâm hồn Liên, tựa như bóng tối ngoài kia đang ngập dần trong mắt cô và Liên "thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn". Một cô bé mới lớn có lẽ buồn vì nhiều thứ, trước hết là cảnh sắc dẫn tâm trạng, sự hiu quạnh, yên ả của làng quê khiến tâm hồn tươi trẻ của Liên cũng dường như chùng xuống. Ngày tàn, thế là lại qua một ngày ở nơi phố huyện nghèo khó, khi màn đêm buông xuống, nơi đây lại càng trở nên lặng lẽ và hiu hắt, với những thứ ánh sáng chập chờn, với những âm thanh rời rạc, thưa thớt. Liên cảm nhận được "một thứ mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương". Cái mùi âm ẩm ấy rõ ràng không phải là một mùi thơm tho, thoải mái mà là một thứ mùi hỗn độn, khó ngửi của rác rưởi, của hơi đất, thế nhưng đối với Liên thì nó lại rất đỗi thân thuộc, Liên thấy gắn bó, thấy yêu thương cái mùi ngai ngái ấy. Như vậy chính cái tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất phố huyện này một thời gian dài đã xua đi hết những cái mùi khó chịu và thay vào đó trong tâm hồn Liên thì đó lại chính là mùi của quên hương, ấm áp, thân thuộc vô cùng.
Ở Liên người ta còn nhận thấy được một tâm hồn với vẻ đẹp nhân hậu, thương yêu con người, tâm trạng của cô đối với từng nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện rất rõ nét điều ấy. Với mấy đứa trẻ không quen biết đang lần mò, nhặt nhạnh rác rưởi "Liên động lòng thương, nhưng chị cũng không có tiền để cho chúng nó", từ câu văn ấy ta thấy được sự thương cảm với những đứa trẻ tội nghiệp, cái nghèo khổ đã hành hạ, khiến chúng phải vất vả lần mò trong cảnh chiều tàn, dẫu chúng chỉ mới bắt đầu cuộc đời thôi, nhưng đó cũng có thể là một trong những kiếp người tàn chôn vùi cuộc đời nơi phố huyện. Chị vừa thương lũ trẻ con, nhưng chính bản thân chị cũng bất lực, cũng buồn bã vì không thể giúp đỡ chúng, bởi chị cũng nghèo, chị cũng không có tiền để cho. Với mẹ con chị Tí, Liên vừa thể hiện tấm lòng yêu thương qua lời thăm hỏi, vừa bộc lộ tâm trạng xót xa, ái ngại khi kể về gia cảnh của hai mẹ con. Với bà cụ Thi, một người đàn bà già cả, hơi điên điên, ta lại thấy ở Liên sự thấu hiểu, thông cảm cho một kiếp người tàn tạ vì nghèo đói, dẫu rằng Liên có phần sợ cụ.
Liên dường như già dặn và sâu sắc hơn so với tuổi thật của mình, nhưng ở chị người ta vẫn thấy được những niềm vui thích trẻ con, cũng như An, Liên ưa thích được đi chơi như những đứa trẻ con khác, việc trông hàng quán khiến cô thấy chán nản. Nhưng ở khía cạnh khác Liên cũng lại thấy tự hào vì cảm thấy mình là người con gái lớn và đảm đang, có thể quán xuyến việc ở cửa hàng, cái xà tích và chiếc khóa rương tiền mà chị hằng yêu mến chính là minh chứng cho điều ấy.
Ngày nào cũng nơi phố huyện buồn hiu hắt, tối tăm của trời đất, Liên ngồi đợi chuyến tàu khuya, dẫu đã quen lắm rồi cảnh tối tăm của phố huyện, nhưng trong lòng Liên vẫn mãi không quên về một thời ký ức tuyệt vời ở thủ đô. Ngoài những tháng ngày sống khá giả được đi chơi hồ Tây, được ăn những thứ quà vặt ngon lành thì trong trong ký ức của Liên rõ nét nhất là ánh đèn điện của Hà Nội "một vùng sáng rực và lấp lánh, Hà Nội nhiều đèn quá!", khác hẳn với những ánh đèn chập chờn leo lét nơi tỉnh lẻ. Chính vì vậy đối với Liên, một đoàn tàu sáng rực từ Hà Nội về giữa đêm khuya chính là sự sống là hy vọng là niềm vui, là động lực của cuộc sống bế tắc và chật hẹp này. Trong tâm hồn Liên luôn phảng phất một nỗi buồn không tên đó là "những cảm giác mơ hồ khó hiểu", trước khi đoàn tàu đến. Trông mong bao nhiêu thì khi đoàn tàu vụt qua cũng để lại trong lòng Liên nhiều cảm giác nuối tiếc và hụt hẫng, ánh mắt cô cứ cố dõi theo chuyến tàu đã khuất trong màn đêm mịt mờ như để cố níu giữ điều gì đó, có thể là một chút Hà Nội chăng? Liên luôn có một đôi mắt và một tâm hồn tinh tế, đoàn tàu chỉ lướt qua trong giây lát nhưng chỉ cũng nhận thấy những khác thường "chuyến tàu hôm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sang hơn", lời nhận xét ấy, đôi khi người ta cũng nhận ra chút gì đó gọi là hụt hẫng, buồn buồn trong lòng của cô gái. "Con tàu đã đem một chút thế giới khác đi qua" thế nhưng khi nó đi qua rồi, cũng chẳng để lại gì, ngoài để lại cho Liên một lòng hoài niệm về quá khứ tươi đẹp biết bao, để lại cho cô một nỗi buồn man mác, kéo Liên về với thực tại tối tăm và lẩn quẩn.
Và rốt cuộc, ánh sáng con tàu đã khơi gợi những hy vọng, những ước mơ, nhưng chúng sẽ mãi chẳng trở thành hiện thực nếu con người ta không có những hành động thực tế. Như vậy bức tranh tâm trạng của Liên ngoài việc bộc lộ nghệ thuật xây dựng nhân vật tinh tế và tài tình của Thạch Lam, nó còn khiến độc giả phải nhận ra một thông điệp thật ý nghĩa về cuộc sống mà Thạch Lam muốn truyền đạt trong tác phẩm Hai đứa trẻ.
4. Cảm nhận về nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam
Trong truyện ngắn nhà văn luôn chọn một nhân vật để làm điểm nhìn cho tác phẩm của mình. Tất cả những sự kiện, tình tiết hay biến cố đều được nhìn nhận và đánh giá qua góc nhìn của nhân vật ấy. Nếu như Nguyễn Thi chọn điểm nhìn qua nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình thì Thạch Lam chọn nhân vật Liên để nhìn nhận sự kiện tình tiết trong tác phẩm Hai đứa trẻ. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Liên – một cô gái vẫn còn rất nhỏ nhưng sớm thấm nhuần được sự cực khổ của miền quê mình.
Chọn Liên là điểm nhìn tác phẩm nhà văn cho thấy dụng ý của mình. Tại sao lại không chọn An một trong hai nhân vật chính của truyện. Điều này cũng rất dễ lý giải bởi vì An còn quá nhỏ thì không thể nào cảm nhận được hết những hiện thực diễn ra. Hay cũng không thể chọn chị Tý hay Bác Siêu vì họ mải mê kiếm tiền và không hiểu hết được những cảm nhận của hai đứa trẻ. Vậy cho nên chỉ có thể là Liên.
Chính cuộc sống và hoàn cảnh gia đÌnh đã khiến cho Liên có một vẻ đẹp tâm hồn nhất định. Liên trước kia sống ở Hà Nội và có một cuộc sống khá đày đủ nhưng do cha thất nghiệp nên cả nhà phải dọn về quê ngoại sinh sống tại đây Liên được trải qua cuộc sống mưu sinh cho nên sớm hiểu chuyện và cảm nhận được những vất vả của cuộc đời con người. Có lẽ chính vì thế mà Liên hình thành những vẻ đẹp tâm hồn mình một cách hoàn thiện nhất.
Thạch Lam đã xây dựng nhân vật Liên là một cô gái vô cùng nhạy cảm. Là một cô gái còn nhỏ và sớm phải bước vào cuộc sống mưu sinh, sống nơi phố huyện nghèo ảm đạm Liên cảm nhận được rất nhiều thứ. Có thể nói chỉ những người có tâm hồn nhạy cảm mới cảm nhận được cái buồn phảng phất của cảnh tượng phố huyện. Cảnh tượng phố huyện cứ hiện lên qua con mắt của Liên, nói cách khác Liên đang dẫn người đọc bước đi cùng dòng thời gian từ cảnh chiều tàn, chợ tàn cho đến đêm tối và đoàn tàu từ Hà Nội về.
Cảnh phố huyện khi chiều về với tiếng trống thu không trên cái chòi của phố huyện văng ra để gọi buổi chiều và những hình ảnh của dãy tre làng, mặt trời đỏ rực. Không chỉ có màu sắc mà bức tranh phố huyện nghèo còn hiện lên với những âm thanh như tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng hay nhịp điệu chiều về qua câu văn “chiều, chiều rồi”. Tất cả những điều ấy được nhìn qua ánh mắt của Liên, cảm nhận bằng giác quan của Liên. Phải nói Liên quả thật là một cô gái nhạy cảm lắm mới có thể cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên quê hương đẹp êm ả như ru đến như thế. Không những thế bức tranh ấy giống như một bức họa đồng quê giản dị đơn sơ mộc mạc nhưng lại đậm chất thơ và nhạc. Tuy nhiên bức họa đồng quê ấy cũng mang một nét buồn phảng phất “Liên không hiểu sao lòng mình buồn man mác”. Trước hình ảnh thiên nhiên của phố huyện Liên cảm thấy lòng mình buồn. Tại sao ư? Có lẽ là tại cảnh tượng đó đẹp nhưng nó ấn định cái nghèo, xơ xác, cái tiêu điều trên từng cảnh vật khiến cho tâm trạng của Liên thấy buồn man mác.
Không những thế đến cảnh chợ tàn điểm nhìn Liên lại cho ta thấy được những cảnh tượng của rác rưởi vỏ bưởi vỏ thị. Đặc biệt chi tiết thể hiện rõ sự nhạy cảm của tâm hồn Liên chính là chi tiết Liên cảm nhận được cái mùi âm ẩm bốc lên. Đó có lẽ là mùi của đất cát và đó cũng chính là mùi quê hương. Đến đêm tối về Liên cảm nhận được những hột sáng, khe sáng leo lắt phát ra từ đèn của bác phở Siêu hay ngọn đèn chị Tý. Nhưng những ánh sáng ấy cũng không thể nào xua tan đi được bóng tối. “Tối hết cả đường từ nhà ra sông”. Thế nhưng tâm hồn Liên vẫn cứ ngập tràn trong ánh sáng của “những ngôi sao ganh nhau lấp lánh”. Và cứ thế “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát” đã thể hiện sự nhạy cảm trong tâm hồn Liên.
Hay khi ánh đèn của xe lửa về, Liên cảm nhận được sự sang trọng trong những toa có điện sáng trưng và những người lố nhố trên đó. Nó khiến cho Liên được an ủi và nhớ về những kỉ niệm khi còn được sung túc. Phải nói Liên nhạy cảm lắm thì mới có thể lấy niềm vui từ ánh sáng của chiếc xe lửa để nhớ lại những kí ức đẹp của tuổi thơ.
Không chỉ là một cô gái nhạy cảm Liên còn là một cô gái giàu lòng yêu thương con người. Cụ thể là chị thấy hình ảnh những đứa trẻ nghèo lang thang lom khom nhặt nhạnh những mảnh nứa mảnh tre còn sử dụng được. Nhìn thấy chúng Liên thương lắm nhưng hoàn cảnh của Liên cũng chắng hơn gì chúng nó. Liên thương bà cụ Thi điên nên đã rót đầy cốc rượu cho bà. Đó chỉ là một cử chỉ nhỏ để Liên xót thương cho số phận một người đàn bà đã già mà không nơi nương tựa. Không chỉ vậy Liên còn thương cho mẹ con chị Tý sáng vất vả mò cua bắt tép chiều tối về lại dựng quán nước bán tới tận đêm. Liên thương gia đình bác Xẩm hát rong nhưng chưa hát vì không có khách hay bác Siêu dọn gánh hàng nhưng cũng chưa ai ăn vì theo Liên thì phở của bác là một món quà xa xỉ tại nơi phố huyện nghèo này. Có lẽ chính hoàn cảnh đã khiến cho Liên đồng cảm với những số phận con người ấy.
Vẻ đẹp tâm hồn còn được thể hiện qua khoảnh khắc cố thức đợi đoàn tàu từ Hà Nội về. Cụ thể là nét đẹp của một cô bé sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn nhớ về quá khứ và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Nếu như những người dân trong phố huyện đợi đoàn tàu về để kiếm thêm vài đồng mưu sinh thì chị em Liên đợi đoàn tàu về để hưởng lấy thứ ánh sáng mà phố huyện này không có. Đoàn tàu như thắp sáng cho niềm tin về một tương lai đầy ắp ánh sáng hi vọng ấy. Đoàn tàu cũng gợi nhắc cho Liên về một quá khứ với ban đêm đi chơi bờ hồ được ăn những cốc kem xanh đỏ mát lạnh.
Thông qua việc miêu tả sinh động cuộc sống và tâm trạng đợi tàu của người dân phố huyện, nhất là tâm trạng của nhân vật Liên, nhà văn Thạch Lam đã thể hiện sự trân trọng, nâng niu khát vọng vươn lên cuộc sống tươi sáng của những kiếp người tăm tối. Đồng thời, nhà văn muốn gửi gắm một thông điệp: con người phải không ngừng khát khao vươn lên một cuộc sống có ý nghĩa và tươi sáng. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc của truyện.
5. Cảm nhận vẻ đẹp tính cách và tâm hồn của nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
Thạch Lam xây dựng truyện "Hai đứa trẻ" chủ yếu tập trung miêu tả các nhân vật mà như thể đang xót xa đến se lòng trước những số phận, những cảnh đời nhỏ bé nơi phố huyện nghèo. Niềm cảm thông sâu sắc với những cảnh đời, những kiếp người nhỏ bé, mờ nhạt đã giúp nhà văn cảm nhận được khát vọng xa xôi tự đáy sâu tâm hồn những con người nơi đây, lắng nghe được họ những khao khát về một cái gì đó tươi sáng hơn, cho dù niềm khao khát ấy mong manh, mơ hồ. Vì thế Thạch Lam đã thể hiện những cảm xúc, suy tư qua hình ảnh nhân vật Liên, một cô gái có tâm hồn ngây thơ và nhạy cảm.
Không phải ngẫu nhiên mà những cảnh đời và những cảm xúc, suy tư của tác giả đều được nhìn thông qua tâm trạng của cô bé Liên. Bằng sự nhập thân qua tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm của Liên, Thạch Lam dường như lắng nghe được tiếng lòng sâu kín nơi họ, thấy được những con người nơi đây dường như cũng cảm thấy một cách thấm thía về cảnh sống tù đọng, bế tắc và muốn thoát khỏi nó. Có lẽ vì thế mà điểm nhấn của thiên truyện này dường như tập trung vào chi tiết nhân vật Liên.
Thạch Lam có cách miêu tả nhân vật rất độc đáo, nhà văn đã miêu tả chi tiết tâm trạng nhân vật Liên, đó là những nét đẹp trong tính cách của Liên, hiện thân của một cô bé giàu lòng nhân hậu và tình yêu thương những cảnh đời khốn khó. Tận sâu trong trái tim non nớt của Liên là sự rung cảm dạt dào và xót xa trước những kiếp người nghèo khổ. Bày lên trước mắt Liên là hình ảnh của "những đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa" còn sót lại sau khi đã vãn chợ chiều. Đó cũng là hình ảnh đầy đau xót của mẹ con chị Tí, bác Siêu và gia đình bác xẩm với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trên vai đã chẳng bao giờ có thể thoát khỏi vòng đời nghèo khó quanh quẩn. Liên trông thấy tất cả những con người ấy trong một buổi chiều buồn ảm đạm nơi phố huyện nghèo xơ xác. Trong lòng Liên trào dâng một "lòng thương" vô hạn, một nỗi niềm xót xa không gì tả xiết. Bởi lẽ, những cảnh đời khốn khó ấy cũng không ngoại trừ gia đình Liên ra khỏi vòng tay oan nghiệt của nó khi mà với gánh nặng vật chất đang đè nén, họ đã bị xé lẻ đến nghiệt ngả. Từ nỗi buồn đơn sơ trước thời khắc của ngày tàn, Liên đã hướng nỗi buồn của mình sang những người dân nghèo nơi phố huyện cũng như đồng cảm với những cảnh đời lam lũ cơ cực. Trái tim Liên đã hòa chung nhịp đập với con người ở phố huyện - một nhịp đập sâu lắng, nhẹ nhàng mà uất nghẹn khôn nguôi.
Nhân vật Liên đã được nhà văn Thạch Lam khắc họa không chỉ ở vẻ đẹp tính cách mà còn ở vẻ đẹp tâm hồn, chúng ta có thể thấy tâm hồn Liên vẫn rạng ngời một nét đẹp ngây thơ và giàu mơ mộng. Từ chính lòng thương người và tình yêu thiên nhiên, Liên đã tự vun trồng cho tâm hồn mình thêm phong phú, cảm xúc bản thân thêm tinh tế và sâu sắc. Tình yêu đời đã khơi nguồn cho tất cả nét đẹp thánh thiện trong tâm hồn của Liên. "Liên thấy buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn" bởi lẽ sự tàn lụi đơn thuần của thời gian luôn gợi buồn thăm thẳm trong lòng những người có đời sống nội tâm sâu sắc. Hơn thế nữa, cái thời khắc đơn côi ấy luôn làm lòng người gợi nhớ đến kỉ niệm sum họp gia đình trong quây quần ấm cúng với những tình thân bền chặt. Thế nhưng gia đình Liên nào có được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy khi mà gánh nặng vật chất có hề buông tha cho họ, trói buộc họ vào vòng mưu sinh riêng lẻ. Thiếu hơi ấm tình thân vào thời khắc hiu quạnh nhất trong ngày dài, làm sao Liên có thể tránh cho mình một nỗi buồn sâu lắng? Nỗi buồn ấy dâng đầy trong mắt chị, tràn ra cả không gian để cùng hòa một nốt trầm buồn với phố huyện đìu hiu. Liên đã hướng nỗi buồn đến những nơi xa xôi để đắm chìm trong trí tưởng tượng giàu mơ mộng, mong muốn tìm được sự thanh thản trong tâm hồn Liên: "Liên lặng ngước nhìn lên các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông". Liên thả hồn mình theo bầu trời bao la, để đêm tối và những vì sao xoa dịu tâm hồn mình. Ánh sáng, và chỉ có thể là ánh sáng hiếm hoi ở nơi phố huyện tối tăm tù túng này, là thứ duy nhất thắp lên niềm hy vọng nhỏ nhoi trong tâm trí Liên. Từ ánh sáng của thiên nhiên, Liên lại mơ về "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo" với ánh sáng rực rỡ của tháng ngày quá khứ êm đềm và tràn đầy hạnh phúc. Còn gì tiếc nuối hơn những ngày tháng đã qua, Liên được hưởng tất cả niềm hạnh phúc của trẻ thơ: cùng ba mẹ và em "đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ". Hiểu một cách đơn giản, hạnh phúc trong quá khứ của Liên không bắt nguồn đơn thuần từ niềm vui vật chất mà chính là từ niềm hạnh phúc gia đình khi được ở bên nhau, cùng hưởng những niềm vui không dứt. Những biến cố không ngờ đã bứt Liên ra khỏi Hà Nội yêu dấu, rời xa niềm hạnh phúc giản dị ấy một cách đớn đau. "Vùng sáng rực và lấp lánh" trong những kỉ niệm ấu thơ giờ đã lụi tắt theo khung trời tối tăm chung quanh phố huyện- một khung trời chật hẹp vẫn ngày đêm cắt những vết thương lòng sâu cay vào trái tim non nớt của Liên. Liên càng đau đớn bao nhiêu thì ngọn lửa ước mơ trong chị lại càng cháy khát bấy nhiêu, như muốn thiêu rụi cả không gian chán chường, buồn tẻ nơi phố huyện. Để rồi khi ngọn lửa ấy bùng cháy mãnh liệt nhất trong một ước mơ khôn nguôi, Liên đã khát khao bỏng rát một tương lai tươi sáng sẽ soi rọi cho những số kiếp lầm than khốn khổ vẫn cứ mãi mỏi mòn trong một ao đời phẳng lặng. Tất cả những ước mơ thầm kín ấy, những khát khao cháy bỏng ấy vẫn cứ ngày đêm âm ỉ một niềm hy vọng trong tâm hồn Liên, giờ đây đã theo đoàn tàu "sáng trưng" và "huyên náo" bay về những chân trời vô định của mộng tưởng ở một miền đất rất xa xăm...
Nhưng do đó trong thất vọng sẽ nảy mầm hy vọng. Và từ trong hy vọng, ta lại phát hiện và thêm trân trọng một tâm hồn đẹp vẫn luôn luôn tỏa sáng chống lại đêm đen, tuôn trào không bao giờ cạn một nguồn sống đầy những ước mơ, làm bừng lên sức sống từ trong sự điêu tàn của nghịch cảnh.
Truyện ngắn "Hai đứa trẻ" được nhà văn Thạch Lam tái hiện thành công và đặc sắc qua hình ảnh nhân vật Liên, Liên là hiện thân đại diện cho những con người nơi phố huyện nghèo nhưng vẫn nuôi hy vọng và tin vào tương lai tươi sáng ở phía trước. Và bất cứ ai trong chúng ta một khi đã đọc qua câu chuyện của Liên sẽ có một niềm tin rằng: dù buổi chiều hôm ấy cũng như buổi chiều của những ngày hôm sau có lụi tàn đi trong vầng dương cháy bỏng hay đêm tối tĩnh mịch thì tâm hồn và tính cách của Liên sẽ còn mãi ngời tỏa sâu sắc trong lòng tất cả chúng ta.
6. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
Thạch Lam đã dựng nên hình ảnh cô bé Liên chỉ mới 8 tuổi nhưng đã sớm có những quan sát, nhạy cảm trước sự thay đổi của cuộc sống. Để từ đó Thạch Lam đã nhập thân vào nhân vật Liên để khám phá, cảm nhận phố huyện tăm tối, nghèo nàn như thế nào. Thạch Lam cũng vô cùng tinh tế khi miêu tả rất thành công những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật Liên, nhân vật Liên cũng là nơi mà nhà văn muốn gửi gắm thông điệp sống ý nghĩa: hãy nhìn về phía trước.
Chị em Liên cứ mỗi buổi chiều, sau khi đóng cửa hàng Liên lại lôi cái bàn tính ra để tính số tiền đã bán được trong ngày, mặc dù chẳng cần làm việc ấy bởi chẳng bán được bao nhiêu, Liên vào mỗi buổi chiều luôn rót sẵn một chén rượu cho bà cụ Thi điên, Liên quan sát những gánh hàng xung quanh, trông chờ đoàn tàu qua phố huyện để bán được hàng hay chính là trông chờ ánh sáng vào ngày mai tươi sáng.
Khi cả phố huyện chìm vào bóng tối, con người cũng bước ra, sinh hoạt trong bóng tối rồi lại lầm lũi đi vào màn đêm đen đặc. Trong cảm nhận của Liên, buổi đêm với bóng tối thật ghê gớm "tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa". Đêm tối đối với Liên "quen lắm, chị không sợ nó nữa". "Không sợ nó nữa" nghĩa là đã từng sợ, nhưng giờ đã quen rồi hay Liên đã nhẫn nhục, cam chịu bởi không thể thoát được? Nhưng tâm hồn ấy vẫn khao khát ánh sáng qua việc kiếm tìm vòm trời vạn ngôi sao lấp lánh để tìm sông Ngân hà và con vịt theo sau ông thần nông, qua việc tìm kiếm những "hột sáng", "khe ánh sáng", "đốm sáng", "vệt sáng" nơi phố huyện.
Xây dựng nhân vật Liên và tập trung miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật Liên là thể hiện lòng nhân hậu của Thạch Lam, nhà văn không muốn dìm mãi người đọc trong cái tăm tối, mòn mỏi, nghèo khổ mà còn tha thiết hướng con người về phía ánh sáng của sự sống để khơi lên niềm khao khát hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhà văn đã tập trung miêu tả cung bậc khác nhau nơi tâm hồn Liên qua việc Liên khao khát đợi chuyến tàu đêm. Liên mong ngóng con tàu từ phương xa, hồi hộp vui sướng khi con tàu đến gần và buồn bã thất vọng khi còn tàu biến mất.
Chính cuộc sống nơi phố huyện tù đọng, bế tắc, không lối thoát nơi phố huyện nghèo, tăm tối. Chuyến tàu đêm chính là hi vọng cho những con người nơi đây, nó như ánh sáng của sự sống. Liên dõi theo con tàu từ phía xa khi trông thấy "ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất, như ma chơi". Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi. Đoàn tàu xuất hiện làm cho khung cảnh phố huyện khuấy động lên chút ít, làm không gian mới thực sự là phố huyện chứ không phải miền đời bị quên lãng. Liên thoáng trông thấy toa hạng trên sang trọng, kền và đồng lấp lánh, tiếng hành khách ồn ào khe khẽ. Đó mới là thế giới của những con người nghèo khổ này ao ước được sống, dù là trong giây lát. Hình ảnh đoàn tàu làm nảy sinh tâm trạng đợi tàu trong chị em Liên, An và nó đã trở thành thói quen, nếu không được trông thấy chuyến tàu đêm đi qua chắc hai chị em không còn nhớ những giây phút sống trong mơ ước, khát khao.
Mỗi khi chuyến tàu đi qua khiến chị em Liên nhớ lại thời quá khứ tươi đẹp cùng gia đình sống ở Hà Nội. Con tàu từ Hà Nội về là tia hồi quang nhắc chị em Liên nhớ về một thời "lúc thầy Liên chưa mất việc được đi chơi bờ hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ". Sống trong hiện tại nhưng chưa bao giờ hai chị em thôi khao khát về quá khứ và dường như con tàu là động lực sống mạnh mẽ nhất cho Liên. Liên chìm trong những hồi tưởng đẹp đẽ đó cho đến khi con tàu chuyển bánh, lại lao vào màn đêm không cùng mang theo ánh mắt tiếng nuối của hai chị em.
Như vậy, qua việc miêu tả tâm trạng của Liên, Thạch Lam thể hiện niềm trân trọng, thương xót đối với những kiếp người nhỏ bé, sống trong nghèo nàn tăm tối, buồn chán nơi phố huyện, nói rộng ra là sống ở đất nước còn chìm đắm trong đói nghèo, nô lệ đương thời. Điều này, đương thời Thế Lữ cũng đã nhận xét “Sự thật tâm hồn Thạch Lam diễn ra trong văn chương phức tạp, nhiều hình nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương. Nếu Thạch Lam theo một chủ kiến nào trong công việc viết văn của anh, thì chủ ý ấy diễn ra và gợi lên sự xót thương”.