Phân tích hai khổ thơ đầu bài Tràng giang của Huy Cận

Hai khổ thơ đầu trong Tràng giang của Huy Cận đã tái hiện trước mắt người đọc một không gian bao la, rộng lớn nhưng con người thì lại cô đơn, lạc lõng trước không gian ấy. Để hiểu rõ hơn về hai khổ thơ này của Huy Cận eLib mời các em cùng tham khảo những bài văn mẫu dưới đây nhé!

Phân tích hai khổ thơ đầu bài Tràng giang của Huy Cận

1. Dàn ý phân tích hai khổ thơ đầu

a. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả Huy Cận và tác phẩm Tràng giàng.

- Dẫn dắt đi vào cảm nhận 2 khổ thơ đầu của bài thơ Tràng giang.

b. Thân bài:

- Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên mênh mang, bất tận:

+ Những vòng nước xô đuổi nhau đến tận chân trời.

+ Qua khổ thơ còn thể hiện nỗi buồn miên man của tác giả.

+ Sự trôi nổi, phó mặc của tác giả trên dòng sông hữu tình.

+ Tâm trạng chia ly, tán tác.

- Khổ 2: Không gian và thời gian qua bài thơ:

+ Không gian hoang vắng, đìu hiu.

+ Không gian vắng lặng, tĩnh mịch.

+ Không gian được đẩy vô tận.

+ Cảnh vật khiến con người trở nên nhỏ bé.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nhận của em về 2 khổ đầu bài thơ Tràng giang.

2. Bình giảng về hai khổ đầu trong Tràng giang

“Trên cánh đồng văn chương màu mỡ người nghệ sĩ như những hạt cát bụi bay lượn trong không khí để tìm cho mình những dư vị còn lại”. Với Huy Cận ông tìm về nơi lặng tờ của quê hương, xứ sở đó là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, nguồn cảm hứng của ông được khơi nguồn từ đó và đọng lại ở “Tràng Giang” điều đó được thể hiện trong hai đoạn thơ đầu của bài thơ.

“Thơ là tiếng nói của tình cảm và cảm xúc. Nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay ngôn từ cũng chỉ là xac chữ nằm thẳng đơ trên trang giấy”. Trước hết thi sĩ phải là người có tâm hồn, giàu rung cảm,cảm thông sâu sắc trọn vẹn với khoảnh khắc của cuộc đời thì cảm xúc mãnh liệt mới dạt dào được. Chính những cảm xúc đó đã thôi thúc tác giả sáng tác về quê hương với hình ảnh thiên nhiên quen thuộc. Huy Cận với những rung cảm, ông đã chuyển hóa thành cảm xúc mà viết thành thơ. Và Tràng giang là một trong những tác phẩm sắc của ông, bài thơ được gợi cảm xúc và một buổi chiều năm 1939 tác giả đứng ở bên bờ Nam Bến Tràng, trước cảnh sông Hồng mênh mang sông nước, những cảm xúc thời đại đã dồn về, thi sĩ thấy cái tôi của mình quá nhỏ bé với vũ trụ bao la. Nên ông đã viết bài thơ này, và hai khổ thơ đầu của bài thơ là cảnh sông Hồng mênh mang là những nỗi buồn vạn cổ của thi sĩ trước cảnh vật.

Mở đầu bài thơ, Huy Cận cho người đọc thấy được những hình ảnh rất đỗi quen thuộc: sóng, con thuyền, dòng sông để gợi nên cảm xúc:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song”

Tác giả khéo léo sử dụng âm Hán Việt “ang” cho danh từ “tràng giang” gợi một không gian rộng lớn, rờn ngợp. Đây cũng là một trong những phong cách làm thơ rất nổi bật của Huy Cận. Lúc này, tâm trạng của nhà thơ trở nên “buồn điệp điệp” – nỗi buồn được cụ thể hóa, được ví như từng đợt sóng dâng trào gối vào nhau, liên tiếp vào bờ. Nỗi u buồn ấy dường như tồn tại vĩnh cửu, cứ âm ỉ và dai dẳng mãi trong lòng tác giả. Từ láy “song song” như muốn nói đến hai thế giới, dù luôn gần gũi ở bên nhau nhưng chẳng bao giờ được gặp nhau.

Thông qua 2 câu thơ, tác giả đã cho chúng ta thấy được sự cô độc, đơn lẻ của con thuyền trên dòng sông, ẩn dụ cho hình ảnh cô độc của con người trên dòng đời. Huy Cận đã thành công sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập để tạo nên nét cổ kính cho câu thơ. Con thuyền và dòng nước luôn gắn bó mật thiết với nhau, nhưng qua cách thể hiện của nhà thơ chúng lại có hành động trái chiều, lạc nhịp gọi cảm giác cách xa, cô đơn,

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Có lẽ Huy Cận là người đầu tiên sử dụng hình ảnh cành củi khô trong lời thơ của mình, một hình ảnh độc đáo và táo bạo. Tác giả muốn cho mọi người thấy những nét phá cách trong phong trào thơ mới, khi mà trước đây những vật tầm thường rất ít được cho vào. Hình ảnh củi khô đời thường với một vẻ đẹp giản dị lại có một giá trị biểu đạt ghê gớm. Huy Cận khéo léo sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ và chọn lọc những từ đơn để miêu tả sự cô đơn của cảnh củi khô lênh đênh trong sự vô tận của dòng nước.

Đến khổ thơ thứ hai dường như nỗi hiu quạnh lại được tăng lên gấp bộ:

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu"

Hai câu thơ đầu phảng phất một khung cảnh buồn thiu, đìu hiu và vắng lặng của một làng quê thiếu sức sống. Đó có phải là quê hương của tác giả hay không. Hình ảnh “cồn nhỏ” nghe rất rõ tiếng gió đìu hiu đến tái lòng ở ven dòng sông dường như khoác lên mình một nỗi buồn mặc định.

Ngay cả một tiếng ồn ào của phiên chợ chiều ở nơi xa cũng không thể nghe thấy, hay có chăng phiên chợ ấy cũng buồn đến hiu quạnh như thế này. Một câu hỏi tu từ gợi lên bao nỗi niềm chất chứa, hỏi người hay là tác giả đang tự hỏi bản thân mình. Từ “đâu” cất lên thật thê lương và không điểm tựa để bấu víu. Khung cảnh hoang sơ, tiêu điều nơi bến nước không có một bóng người, không có một tiếng động thật chua xót.

Hai câu thơ cuối tác giả mượn hình ảnh trời và sông để đặc tả sự mênh mông vô đinh.Không phải trời “cao” mà là trời “sâu”, lấy chiều cao để đo chiều sâu thực sự là nét tài tình, tinh tế và độc đáo của Huy Cận. Hình ảnh sông nước mênh mông và một chữ “cô liêu” ở cuối đoạn dường như đã lột tả hết nỗi buồn sâu thẳm không biết ngỏ cùng ai ấy.

Hai khổ thơ đầu bài “Tràng Giang” của tác giả Huy Cận mang đến một không gian rợn ngợp với nỗi buồn và sự cô đơn trải dài vô tận. Một sự lẻ loi, đơn côi của con người trước dòng đời, không tìm thấy sự kết nối với thế giới ngoài kia. Cũng có lẽ vì vậy mà tác phẩm luôn được nhiều độc giả yêu thích, không bị bụi của thời gian phủ mờ.

3. Phân tích ý nghĩa hai khổ đầu của tác phẩm Tràng giang

Là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới, Huy Cận để lại cho kho tàng văn học Việt Nam rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Bài thơ “Tràng Giang” được ông viết trong thời kỳ trước cách mạng với một nỗi u buồn, sự bế tắc của một kiếp người, trôi nổi lênh đênh không bến đỗ. Nỗi buồn ấy được thể hiện rõ nét ngay trong 2 khổ thơ đầu.

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả"

Mở đầu là cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước, ở khổ thơ đầu tác giả sử dụng một loạt các từ: “thuyền, nước” là các từ mà nhà thơ xưa hay dùng để miêu tả cảnh thiên nhiên đẹp đẽ. Đây như là một bức tranh thủy mặc, đầy đủ cảnh sông nước lãng mạn, tĩnh lặng êm đềm nhưng lại buồn đến tê tái. Nói về nỗi buồn ấy, Hoài Thanh đã nhận xét: “thiên nhiên trong thơ mới đẹp nhưng lại thấm đượm Nỗi buồn da diết bâng Khuâng”. Nỗi buồn đó lại được Huy Cận lý giải rằng “chúng tôi lúc đó có một nỗi buồn thế hệ, nỗi buồn không tìm được lối ra nên kéo dài triền miên”. Đó là nỗi buồn của những con người sống trong cảnh nước mất nhà tan, có lẽ thế nên trong dòng Tràng Giang chỉ có một giải buồn bát ngát

“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song”

Từ “điệp điệp” là gợi tả những con sóng gợn lên hết lớp này đến lớp khác, triền miên vô tận. Buồn điệp điệp miêu tả cái buồn thiên nhiên nhưng thực chất nó đang diễn tả một nỗi buồn của thi nhân, đang gợn lên theo từng đợt sóng. Những con sóng vỗ vào bờ. Thuyền và nước là hai cảnh vật luôn đi cùng nhau gắn bó với nhau không bao giờ xa cách, vậy mà trong mắt Huy Cận nó trở nên bơ vơ lạc lõng. Từ đó mà nỗi sầu của nhà thơ lan tỏa ra vũ trụ “sầu trăm ngả” ở đây không gian vừa được mở ra về chiều rộng, vừa vươn lên theo chiều dài. 

Hình ảnh con thuyền đã trở thành một thi liệu quen thuộc, cổ điển thường gợi sự cô đơn. Con thuyền ấy trôi dạt mênh mông, vô định trên sông nước, gợi sự cô đơn và vô định của kiếp người. Thuyền và nước gắn liền nhau, ở đây nước sông và con thuyền lại chia đôi ngả, thuyền xuôi mái song song, từ đó thấy sự bơ vơ, lạc lõng của kiếp người trôi nổi. Để con thuyền và nước sông vốn gắn bó ấy mà lại chia xa, khiến cho “thuyền về nước lại sầu trăm ngả” để bỏ buồn cho dòng sông. Phải chăng chính nỗi buồn của hồn người đã bỏ buồn cho cảnh vật. câu thơ cuối khổ là một hình ảnh ngồn ngộn chất sống được đưa vào thơ, đấy cũng chính là tinh thần thơ Mới, là sự sáng tạo của Huy Cận để thấy được ý thức “tập cổ mà không nệ cổ”:

“Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Hình ảnh một cành củi khô đã được hoán đổi bằng tài năng và sự tinh tế trong chọn lựa và diễn đạt của Huy Cận. nếu thơ ca trung đại thường hay chọn những hình ảnh ước lệ sang trọng thì đến thơ Huy Cận, ông đã sẵn sàng đưa những chất sống ngồn ngộn, sống sít của đời sống thực tại phồn tạp vào thơ ca “cành củi khô”, rất chân thực và gần gũi với cuộc sống hàng ngày và khiến những vật vô tri vô giác cũng trở nên có linh hồn. cành củi khô đã gợi đến sự sống héo úa, ủ nát và mất hết dần tính chất sống, hay chính là sự chết chóc vì củi khô còn đâu nhựa sống nữa. Nhưng còn buồn bã và đau đớn hơn là cành củi khô ấy còn “lạc mấy dòng”., cho thấy sự cô đơn, lạc lõng và bế tắc của kiếp người. Hình ảnh một cành củi khô lạc mấy dòng ấy hay chính là ẩn dụ cho thân phận và số kiếp lênh đênh, lạc lõng bơ vơ của con người giữa cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp này chăng? Qua đó, kín đáo bày tỏ một niềm đau nỗi xót của Huy Cận. 

Phân tích hai khổ thơ đầu bài Tràng giang đầy thi vị nhưng tới hai câu thơ cuối cùng chính là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của tác giả chẳng biết gửi vào đâu, chỉ biết chất chứa đong đầy trong trái tim. Câu thơ của Huy Cận khiến chúng ta liên tưởng đến tứ thơ của Thôi Hiệu:

"Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Là sóng của sông hay là sóng trong lòng người".

4. Cảm nhận hai khổ thơ đầu trong Tràng giang

Mỗi một nhà thơ trong phong trào thơ Mới đều diện cho mình một bộ y phục tối tân khác nhau, một phong cách, một giọng riêng không tìm thấy trong bất kì cổ họng của một người nào khác. Và Huy Cận, bằng nỗi sầu nhân thế, sầu vũ trụ, ông đã đem lượm lặt chút buồn rải rác để góp nhặt nên những vần thơ âu sầu, ảo não trong “Tràng Giang”. Đặc biệt với 2 khổ đầu bài thơ, bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà đượm buồn cùng tâm trạng bơ vơ, bế tắc đã góp phần làm nên sắc thái rất riêng, rất Huy Cận.

Có thể nói, từng khổ thơ trong Tràng Giang đều được coi như những bài thơ riêng, mỗi khổ đều mang những hương vị vừa cổ điển, vừa hiện đại, đều chứa những đặc sắc hấp dẫn. Khổ đầu:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng"

Hình ảnh “tràng giang” gợi lên một con sông dài, rộng hùng vĩ, với những đợt sóng tung bọt trắng xóa, biểu trưng cho vẻ hùng vĩ của thiên nhiên, sông nước. Nhưng, những đợt sóng ấy lại cứ nối dài triền miên, gối đầu nhau trong những cơn buồn “điệp điệp”. Con thuyền lại một lần nữa xuất hiện, đó là hình ảnh khá quen thuộc ta từng gặp trong nhiều tứ thơ khác.

Hình ảnh con thuyền đã trở thành một thi liệu quen thuộc, cổ điển thường gợi sự cô đơn. Con thuyền ấy trôi dạt mênh mông, vô định trên sông nước, gợi sự cô đơn và vô định của kiếp người. Thuyền và nước gắn liền nhau, ở đây nước sông và con thuyền lại chia đôi ngả, thuyền xuôi mái song song, từ đó thấy sự bơ vơ, lạc lõng của kiếp người trôi nổi. Để con thuyền và nước sông vốn gắn bó ấy mà lại chia xa, khiến cho “thuyền về nước lại sầu trăm ngả”để bỏ buồn cho dòng sông. Phải chăng chính nỗi buồn của hồn người đã bỏ buồn cho cảnh vật. câu thơ cuối khổ là một hình ảnh ngồn ngộn chất sống được đưa vào thơ, đấy cũng chính là tinh thần thơ Mới, là sự sáng tạo của Huy Cận.

Cảnh vật vắng vẻ, cô quạnh ở khổ thơ thứ hai, tầm nhìn đã được mở rộng hơn:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót"

Tác giả sử dụng từ “lơ thơ”, “đìu hiu” gợi sự xuất hiện ít và thưa thớt, cảm giác của con người thoáng buồn khi đứng trước tầm nhìn rộng. Đây là sự cảm nhận bằng thị giác. Bên cạnh đó, tác giả còn có sự cảm nhận bằng thính giác: cảm nhận về âm thanh cuộc sống tiếng chợ chiều. Cảnh vật như thiếu vắng hơi ấm của cuộc sống con người, cần lắm tìm đến sự tri ân. Từ “đâu” mang nhịp chậm, giọng buồn nhuốm sầu. Không gian được thắp lên màu nắng, tăng thêm cả về chiều rộng, độ cao, chiều sâu. Từ đó tác giả đã gợi ra một không gian từ mặt nước đến đáy sông, không gian được đẩy đến tận cùng, khắc họa nỗi buồn, cô đơn của con người trước cuộc đời. Tác giả như không tìm thấy sợi dây liên hệ với cuộc đời, mang đến sự vô vọng.

Hai khổ thơ đầu bài “Tràng giang”, tác giả Huy Cận đã gợi ra cả không gian rợn ngợp, nhưng tâm trạng của con người lại mang cảm giác sầu buồn, cô đơn, nỗi buồn như trải dài vô tận. Đó là sự cô đơn, lẻ loi của con người trước dòng đời, và không tìm thấy sự giao cảm của bản thân với cuộc đời.

Ngày:20/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM