Tổng hợp những mở bài, kết bài về tác phẩm Tràng giang hay và ấn tượng nhất
Mở bài và kết bài là hai phần quan trọng và không thể thiếu trong bất kì một bài văn nghị luận văn học nào. Nhằm giúp các em có thể dễ dàng hơn khi viết mở bài và kết bài cho tác phẩm Tràng giang eLib đã tổng hợp và biên soạn những mở bài, kết bài về tác phẩm Tràng giang hay và ấn tượng nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Mở bài tác phẩm Tràng giang
1.1. Mở bài 1
Hoài Thanh đã có một nhận định về các nhà thơ mới năm 1930: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Mỗi nhà thơ đều có một phong cách riêng làm nên nét độc đáo riêng của mình. Huy Cận là một nhà thơ xuất sắc với lời thơ đượm buồn một nỗi sầu nhân thế. Bài thơ “Tràng giang” là một bài thơ đặc sắc và thể hiện rõ nỗi sầu nhân thế của Huy Cận lúc bấy giờ.
1.2. Mở bài 2
Đến với phong trào Thơ Mới, ta được hòa mình trong vườn thơ đầy hương sắc tuyệt diệu của các thi nhân. Ta không khỏi rạo rực, hứng khởi trước những vần thơ táo bạo, tràn đầy năng lượng mê hoặc của Xuân Diệu, không khỏi buồn man mác trước hồn thơ sáng trong của Thế Lữ, thổn thức trước hình ảnh thơ đầy kì dị của Chế Lan Viên, hay say sưa trước hồn thơ quê bình dị mà thân thương của Nguyễn Bính. Và đặc biệt, đến với thơ Huy Cận, ta bắt gặp nét buồn riêng biệt, độc đáo đó là một nỗi sầu rợn ngợp, u hoài, trước vũ trụ mênh mang, dường như chân trời của những nỗi buồn của nhà thơ cứ thế dài vô tận. Bài thơ “Tràng giang” là tác phẩm tiêu biểu cho nét phong cách đó của Huy Cận.
1.3. Mở bài 3
Mỗi ai khi đi xa đều mang trong mình chút hình chút bóng thân thương của dòng sông quê hương. Đặc biệt đối với các nhà thơ, nhà văn, dòng sông quê luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn, thôi thúc các nhà thơ không thể kìm lòng mà phải viết. Một dòng sông “nước gương trong soi tóc những hàng tre” trong thơ Tế Hanh, một con sông Đà trong tùy bút Nguyễn Tuân, một dòng sông Hương êm đềm trong văn Hoàng Phủ…. Và chỉ khi đến với “Tràng Giang” của Huy Cận, ta mới thấy hết được những gì đẹp nhất, thơ nhất nhưng cũng chứa chan tình quê trong cảm thức của tác giả.
1.4. Mở bài 4
Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới (1930-1945) với những tác phẩm có sự kết hợp giữa yếu tố hiện đại và cổ điển. Phong cách sáng tác của ông có sự khác biệt lớn gắn liền với hai thời điểm: trước cách mạng tháng Tám và sau cách mạng tháng Tám. Có thể nói đó là sự chuyển biến từ nỗi u sầu, buồn bã vì thời thế trước cách mạng cho đến không khí hào hứng vui tươi sau cách mạng gắn với công cuộc đổi mới. Bài thơ “Tràng giang” được viết trong thời kì trước cách mạng với một nỗi niềm chất chứa u buồn, gợi lên sự bế tắc trong cuộc sống của kiếp người trôi nổi lênh đênh. Bài thơ để lại trong lòng người đọc nhiều nỗi niềm khó tả.
1.5. Mở bài 5
Khác với hồn thơ sôi nổi, nhiệt huyết gắn với công cuộc đổi mới sau cách mạng tháng Tám. Thơ Huy Cận những năm trước cách mạng lại mang nét u sầu, buồn bã trước thời cuộc. Chẳng thế mà "Tràng giang" ra đời lại khắc họa nét cô đơn của cá thể trước không gian bao la của thiên nhiên. Cùng với nét u buồn khắc khoải trước không gian mênh mông, bài thơ còn là nỗi nhớ quê hương, thương đất nước đang chìm trong tang thương của thi sĩ.
2. Kết bài tác phẩm Tràng giang
2.1. Kết bài 1
Có hai thứ ấn tượng còn đọng lại sau khi đọc xong bài thơ là không gian vô cùng, vô tận của ngoại cảnh và nỗi buồn, nỗi cô đơn không giới hạn của lòng người. Cả hai như cùng kích ứng để càng rộng, càng lớn thì càng buồn, càng cô đơn khiến bài thơ như chất chứa, tích tụ nỗi sầu của cả ngàn năm lại vậy. Nhưng vượt lên trên hết, bút pháp đặc trưng và nhuần nhuyễn giữa chất cổ điển và hiện đại đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp dẫu có buồn. Song người đọc vẫn nhìn thấy một tình yêu quê hương đất nước thầm kín hiện lên trong Tràng giang.
2.2. Kết bài 2
Bài thơ thể hiện cái buồn chung của một thời đại trong Thơ mới. Nhưng nỗi buồn toát ra từ cái đẹp của thiên nhiên thiếu liên lạc thiếu tình người chứ không phải cái buồn vì cảnh tù túng ngột ngạt trong Nhớ rừng của Thế Lữ. Bài thơ mang phong vị cổ điển ở hình ảnh, giọng điệu nhưng vẫn mang nét đặc sắc của thơ hiện đại ở không gian sắc màu, từ ngữ đến tứ thơ.
2.3. Kết bài 3
Bài thơ “Tràng Giang” đã vẽ trước mắt ta những một bức tranh hùng vĩ, với cách nhìn độc đáo vừa gần vừa xa, vừa cao vừa sâu, nhưng bao trùm không gian ấy là một nỗi buồn. Đó không chỉ là nỗi buồn cô đơn lẻ loi của chính tác giả mà còn là nỗi buồn của một thế hệ khi phải sống trong cảnh nước mất nhà tan. Bức tranh mà Huy Cận tạo nên với những hình ảnh gần gũi như sông nước bến thuyền vừa mang một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại. Điều đó đã tô đậm thêm sự độc đáo trong thơ của Huy Cận.
2.4. Kết bài 4
Nhìn chung toàn bộ bài thơ là nỗi buồn, đây là tâm trạng của các nhà thơ lãng mạng lúc bấy giờ, nỗi buồn của cả thế hệ thanh niên lúc bấy giờ chưa giác ngộ được lý tưởng cách mạng, bài thơ này tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận “sầu ảo não”. Bài thơ “Tràng giang” được đánh giá là bài thơ dọn đường cho thơ về quê hương đất nước. Cách sử dụng ngôn từ thơ cũng như biện pháp tu từ là tạo nên một tác phẩm hay và đặc sắc.
2.5. Kết bài 5
Bài thơ "tràng giang" là bài thơ đặc sắc trong cuộc đời thơ ca của Huy Cận. Bài thơ là sự kết hợp bút pháp hiện thực đan xen bút pháp cổ điển đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên u buồn, hiu quạnh, qua đó bộc lộ tâm trạng cô liêu, đơn độc của con người và một tình yêu quê hương, mong ngóng về quê hương chân thành, sâu sắc của nhà thơ. Bài thơ "Tràng giang" của Huy Cận đã để lại rất nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Tham khảo thêm
- docx Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
- docx Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
- docx Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận
- docx Phân tích hai khổ thơ đầu bài Tràng giang của Huy Cận
- docx Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Tràng giang của Huy Cận
- docx Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang của Huy Cận
- docx Phân tích lời đề từ và nhan đề bài thơ Tràng giang của Huy Cận
- docx Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Tràng giang của Huy Cận
- docx Phân tích khổ thơ thứ hai bài Tràng giang của Huy Cận