Bài tập ôn thi môn Tâm lý học đại cương có đáp án

eLib.VN đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn Bài tập ôn thi môn Tâm lý học đại cương có đáp án dưới đây, hy vọng tài liệu này sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích cho các bạn trong quá trình ôn tập nâng cao kiến thức trước khi bước vào kì thi của mình.

Bài tập ôn thi môn Tâm lý học đại cương có đáp án

Câu 1: Phân tích bản chất xã hội và đặc điểm của tư duy. Ứng dụng các đặc điểm của tư duy vào cuộc sống như thế nào cho hiệu quả.

Tư duy là một quá trình nhận thức, phản ánh một cách gián tiếp những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ - quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng mà trước đó ta chưa biết.

1/ Bản chất xã hội của tư duy:

- Hành động tư duy đều dựa trên cơ sở kinh nghiệm mà các thế hệ trước đã tích lũy, tức là dựa vào kết quả họat động nhận thức mà xã hội lòai người đã tích lũy từ trước tới nay.

- Tư duy dựa vào vốn từ ngữ mà các thế hệ trước đã sáng tạo ra với tư cách là một phương tiện biểu đạt, khái quát và giữ gin các kết quả họat động nhận thức của con người.

- Bản chất của quá trình tư duy do thúc đẩy của nhu cầu xã hội, nghĩa là ý nghĩ cua con người được hướng vào việc giải quyết các nhiệm vụ nóng hổi nhất của thời đại.

- Tư duy mang tính tập thể, nghĩa là phải sử dụng các tài liệu thu được trong các lĩnh vực tri thức liên quan, nếu không sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ đặt ra.

- Tư duy mang tín chất chung của loài người vì nó được sử dụng để giải quyết vấn đề.

2/Các đặc điểm của tư duy:

Tư duy thuộc mức độ nhận thức lý tính với các đặc điểm sau:

 Tính có vấn đề của tư duy:

- Vấn đề là những tình huống, hoàn cảnh chứa đựng một mục đích, một vấn đề mới mà những hiểu biết cũ, những phương pháp hành động cũ tuy còn cần thiết song không đủ sức giải quyết.

- Tư duy chỉ xuất hiện khi gặp những hoàn cảnh, tình huống có vấn đề. Muốn giải quyết vấn đề đó con người phải tìm cách thức giải quyết mới. Tức là con người phải tư duy.

Ví dụ: Giả sử để giải một bài toán, trước hết học sinh phải nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ của bài toán, sau đó nhớ lại các quy tắc, công thức, định lí có liên quan về mối quan hệ giữa cái đã cho và cái cần tìm, phải chứng minh để giải được bài toán. Khi đó tư duy xuất hiện.

Tính gián tiếp của tư duy:

- Tư duy con người không nhận thức thế giới một cách trực tiếp mà có khả năng nhận thức nó một cách gián tiếp. Tính gián tiếp của tư duy được thể hiện trước hết ở việc con người sử dụng ngôn ngữ để tư duy. Nhờ có ngôn ngữ mà con người sử dụng các kết quả nhận thức (quy tắc, khái niệm, công thức, quy luật…) và kinh nghiệm của bản thân vào quá trình tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát…)để nhận thức được cái bên trong, bản chất của sự vật hiện tượng.

Ví dụ: Để giải một bài toán thì trước hết học sinh phải biết được yêu cầu, nhiệm vụ của bài toán, nhớ lại các công thức, định lí…có liên quan để giải bài toán. Ta thấy rõ rằng trong quá trình giải bài toán đó con người đã dùng ngôn ngữ mà thể hiện là các quy tắc, định lí… ngoài ra còn có cả kinh nghiệm của bản thân chủ thể thông qua nhiều lần giải toán trước đó.

- Tính gián tiếp của tư duy còn được thể hiện ở chỗ, trong quá trình tư duy con người sử dụng những công cụ, phương tiện (như đồng hồ, nhiệt kế, máy móc…) để nhận thức đối tượng mà không thể trực tiếp tri giác chúng.

Ví dụ: Để biết được nhiệt độ sôi của nước ta dùng nhiệt kế để đo.

- Nhờ có tính gián tiếp mà tư duy của con người đã mở rộng không giới hạn khả năng nhận thức của con người, con người không chỉ phản ánh những gì diễn ra trong hiện tại mà còn phản ánh được cả quá khứ và tương lai.

Ví dụ: 1)Dựa trên những dữ liệu thiên văn, khí hậu con người thu thập được mà con người dự báo được bão.

2)Các phát minh do con người tạo ra như nhiệt kế, tivi… giúp chúng ta hiểu biết về những hiện tượng thiên nhiên, thực tế nhưng chúng ta không tri giác trực tiếp.

3)Dựa vào những thành tựu và tri thức các nhà khoa học lưu lại mà chúng ta tính toán được nhiều về vũ trụ, mà kết quả là chúng ta phát hiện thêm nhiều thiên hà mới mà chúng ta chưa một lần đặt chân đến.

Tính trừu tượng và khái quát của tư duy:

- Khác với nhận thức cảm tính, tư duy không phản ánh sự vật, hiện tượng một cách cụ thể và riêng lẻ. Tư duy có khả năng trừu xuất khỏi sự vật, hiện tượng những thuộc tính, những dấu hiệu cá biệt, cụ thể, chỉ giữ lại những thuộc tính bản chất chung cho nhiều sự vật hiện tượng, trên cơ sở đó mà khái quát những sự vật hiện tượng riêng lẻ, nhưng có những thuộc tính chung thành một nhóm, một loại, một phạm trù.

+ Trừu tượng là dùng trí óc để gạt bỏ những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ, quan hệ thứ yếu không cần thiết và chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết cho tư duy.

+ Khái quát là dùng tri óc để hợp nhất nhiều đối tượng khác nhau thành một nhóm, một loại, một phạm trù theo những thuộc tính, liên hệ, quan hệ chung nhất định.

⇒Trừu tượng và khái quát có mối liên hệ mật thiết với nhau ở mức độ cao. Không có trừu tượng thì không thể tiến hành khái quát, nhưng trừu tượng mà không khái quát thì hạn chế quá trình nhận thức.

Ví dụ: Nói về khái niệm “cái cốc”, con người trừu xuất những thuộc tính không quan trọng như chất liệu, màu sắc, kiểu dáng mà chỉ giữ lại những thuộc tính cần thiết như hình trụ, dùng để đựng nước uống. Đó là trừu tượng. Khái quát gộp tất cả những đồ vật có những thuộc tính cơ bản nói trên dù làm bằng nhôm, sứ, thủy tinh…có màu xanh hay vàng…tất cả điều xếp vào một nhóm “cái cốc”.

- Nhờ có đặc điểm này mà con người không chỉ giải quyết được những nhiệm vụ hiện tại mà còn có thể giải quyết được những nhiệm vụ của tương lai, trong khi giải quyết nhiệm vụ cụ thể vẫn có thể sắp xếp nó vào một nhóm, một loại, một phạm trù để có những quy tắc, những phương pháp giải quyết tương tự.

Ví dụ: Khi tính diện tích hình chữ nhật ta có công thức: S = (a x b).Công thức này được áp dụng cho nhiều trường hợp tương tự với nhiều con số khác nhau.

Tư duy quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ:

- Tư duy mang tính có vấn đề, tính gián tiếp, tính trừu tượng và khái quát là do nó gắn chặt với ngôn ngữ. Tư duy và ngôn ngữ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu không có ngôn ngữ thì quá trình tư duy của con người không thể diễn ra được, đồng thời các sản phẩm của tư duy (khái niệm, phán đoán…)cũng không được chủ thể và người khác tiếp nhận.

Ví dụ: Nếu không có ngôn ngữ thì những công thức toán học sẽ không có và không thể hiện được những hiểu biết về tự nhiên.

Ví dụ: khi tiến hành lập trình PASCAL, người ta dùng ngôn ngữ để ghi lại để có một chương trình lập trình hoàn chỉnh. Nếu không có ngôn ngữ để ghi lại thì cả chủ thể lẫn người học đều không thể tiếp nhận được trọn vẹn tri thức.

- Ngôn ngữ cố định lại kết quả của tư duy, là phương tiện biểu đạt kết quả tư duy, do đó có thể khách quan hóa kết quả tư duy cho người khác và cho bản thân chủ thể tư duy. Ngược lại, nếu không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là những chuỗi âm thanh vô nghĩa. Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là tư duy mà chỉ là phương tiện của tư duy.

- Ngôn ngữ của chúng ta ngày nay là kết quả của quá trình phát triển tư duy lâu dài trong lịch sử phát triển của nhân loại, do đó ngôn ngữ luôn thể hiện kết quả tư duy của con người.

Ví dụ: Công thức tính diện tích hình vuông S = (a x a) là kết quả của quá trình con người tìm hiểu tính toán. Nếu không có tư duy thì rõ ràng công thức này vô nghĩa.

 Tư duy có mối quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính:

- Nhận thức cảm tính bao gồm cảm giác và tri giác, trong đó:

+ Cảm giác là một quá trình tâm lí phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật hiện tượng đang trực tiếp tác động vào giác quan của ta.

+ Tri giác là quá trình tâm lí phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào giác quan của ta.

- Tư duy phải dựa vào nhận thức cảm tính, dựa trên những tài liệu cảm tính, trên kinh nghiệm, trên cơ sở trực quan sinh động. Tư duy thường bắt đầu từ nhận thức cảm tính, trên cơ sở nhận thức cảm tính mà nảy sinh tình huống có vấn đề. Nhận thức cảm tính là một khâu của mối liên hệ trực tiếp giữa tư duy với hiện thực, là cơ sở của những khái quát kinh nghiệm dưới dạng những khái niệm, quy luật… là chất liệu của những khái quát hiện thực theo một nhóm, một lớp, một phạm trù mang tính quy luật trong quá trình tư duy.

Ví dụ: Khi có một vụ tai nạn giao thông xảy ra mà ta thấy. Thì trong đầu ta sẽ đặt ra hàng loạt các câu hỏi như: Tại sao lại xảy ra tai nạn ? Ai là người có lỗi ?...như vậy là từ những nhận thức cảm tính như : nhìn, nghe…quá trình tư duy bắt đầu xuất hiện.

- Ngược lại, tư duy và những kết quả của nó ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối khả năng phản ánh của nhận thức cảm tính: làm cho khả năng cảm giác của con người tinh vi, nhạy bén hơn, làm cho tri giác của con người mang tính lựa chọn, tính ý nghĩa. Chính vì lẽ đó, Ph.Angghen đã viết: “nhập vào với mắt của chúng ta chẳng những có các cảm giác khác mà còn có cả hoạt động tư duy của ta nữa”.

3/ Ứng dụng các đặc điểm của tư duy vào cuộc sống có hiệu quả:

 - Khi gặp một vấn đề trong cuộc sống không nên bi quan, bế tắc, cần bình tĩnh tìm cách tư duy giải quyết vấn đề.

- Khi tư duy giải quyết vấn đề cần tư duy tích cực tránh lối tư duy lệch lạc tiêu cực.

- Trong hoạt động giáo dục và quản lý cần khuyến khích lối tư duy đột phá đễ tìm ra thành công mới.

- Học sinh, sinh viên cần tập lối tư duy logic, phát triển khả năng tư duy đễ học tập hiệu quả và nhanh chóng.

- Học sinh sinh viên cần năng nổ hoạt động để có nhiều trải nghiệm giúp cho tư duy trong học tập và trong cuộc sống tốt hơn.

- Muốn kích thích học sinh tư duy thì phải đưa học sinh vào những tình huống có vấn đề và tổ chức cho học sinh độc lập, sáng tạo giải quyết tình huống có vấn đề.

- Việc phát triển tư duy phải được tiến hành song song và thông qua truyền thụ tri thức. Mọi tri thức đều mang tính khái quát, nếu không tư duy thì không thực sự tiếp thu, lại không vận dụng được những tri thức đó.

- Việc phát triển tư duy phải gắn với việc trau dồi ngôn ngữ. Bởi lẽ có nắm vững ngôn ngữ thì mới có phương tiện để tư duy có hiệu quả.

- Tăng cường khả năng trừu tượng và khái quát trong suy nghĩ.

- Việc phát triển tư duy phải gắn liền với việc rèn luyện cảm giác, tri giác, năng lực quan sát và trí nhớ. Bỡi lẽ, thiếu những tài liệu cảm tính thì tư duy không thể diễn ra được.

- Để phát triển tư duy không còn con đường nào khác là thường xuyên tham gia vào các hoạt động nhận thức và thực tiễn. Qua đó tư duy của con người sẽ không ngừng được nâng cao.

Ngoài ra cần tránh một số vấn đề như:

- Quá định kiến trong tư duy.

- Tránh những trường hợp bị ám ảnh, bị áp lực.

- Chủ thể mang một tư duy hoang tưởng mà điển hình dễ thấy nhất là người bị ám ảnh bởi tội lỗi.

Câu 2: Nêu các giai đoạn của quá trình tư duy. Phân tích các thao tác tư duy. Nêu mối quan hệ giữa các thao tác đó.

1/ Các giai đoạn của quá trình tư duy:

Xác định vấn đề và biểu đạt vấn đề

- Tư duy chỉ nảy sinh khi con người nhận thức được tình huống. Tình huống là điều kiện quan trọng của tư duy. Song, không phải tình huống nào cũng nảy sinh tư duy. Chỉ có những tình huống mà con người nhận thức rằng “có vấn đề” và cần phải giải quyết nó đễ thỏa mãn nhu cầu thì trong tình huống đó tư duy mới nảy sinh.

Ví dụ: một bài toán nhân sẽ là vấn đề đối với một học sinh lớp hai nhưng không phải là vấn đề đối với một sinh viên đại học.

- Mỗi người sẽ nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau tùy thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và nhu cầu cá nhân. Một người càng có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó càng dễ dàng nhìn ra một cách đầy đủ các mâu thuẫn.

- Và nhu cầu của mỗi người cũng rất quan trọng. Nếu người nào có nhu cầu cao trong vấn đề đó thì sẽ nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn những người có nhu cầu cơ bản.

Ví dụ: Nhà quản lý có kiến thức cao, từng làm việc nhiều năm có nhiều kinh nghiệm và có nhu cầu giải quyết vấn đề cao thì sẽ nhìn nhận vấn đề sâu sắc và toàn diện hơn nhà quản lý có kiến thức thấp mới đi làm và không có mong muốn giải quyết vấn đề.

- Trong giai đoạn này cần chú ý tránh xác định chệch hướng vấn đề. Nếu xác định sai sẽ ảnh hưởng đến những bước sau và có thể không tìm ra phương pháp giải quyết.

- Đây là giai đoạn đầu tiên và quan trọng của quá trình tư duy.

 Huy động các tri thức, kinh nghiệm

Chủ thể tư duy huy động các tri thức, kinh nghiệm liên quan đến vấn đề cần giải quyết từ đó xuất hiện các liên tưởng. Sau khi xác định vấn đề chủ thể tư duy bắt tay vào việc tìm kiếm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau và tập hợp những kinh nghiệm của bản thân hoặc kinh nghiệm học hỏi từ người đi trước có liên quan đến vấn đề, từ đó liên tưởng trong đầu những nội dung có liên quan đến vấn đề.

Sàng lọc các liên tưởng và hình thành giả thuyết

- Các tri thức kinh nghiệm thoạt đầu mang tính chất rộng rãi, bao trùm nên cần được sàng lọc cho phù hợp với nhiệm vụ. Chủ thể tư duy tìm kiếm thông tin từ nhiều phía nên lượng thông tin thu được rất lớn nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác, cần phải lựa chọn những thông tin phù hợp và đáng tin cậy đễ đưa vào giải quyết vấn đề.

Ví du: sau khi thu thập thông tin về một vấn đề tâm lý nào đó thông qua những tờ trắc nghiệm người ta không dùng thông tin của tất cả các phiếu mà chỉ dùng những phiếu có nội dung chân thực đễ sử dụng.

- Từ cơ sở dữ liệu vừa thu được hình thành một số phương án có thể có đễ giải quyết nhiệm vụ nhanh chóng và tiết kiệm thời gian.

Kiểm tra giả thuyết

- Nên trải qua một quá trình kiểm tra trước khi thực hiện các phương án. Cần kiểm tra xem phương án nào tương ứng với điều kiện và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Nếu:

+ Phương án được khẳng định thì sẽ đi đến giải quyết vấn đề bằng phương án đó.

+ Phương án bị phủ dịnh thì hình thành một quá trình tư duy mới tìm ra phương án mới phù hợp hơn đễ giải quyết vấn đề.

- Trong giai đoạn này sau khi kểm tra các phương án đôi khi chủ thể tư duy sẽ phát hiện ra một số nhiệm vụ mới cần giải quyết.

Giải quyết vấn đề

- Là khâu cuối cùng của quá trình tư duy.

- Khi giả thuyết đã được kiểm tra và khẳng định thì sẽ được thực hiện, nghĩa là đi đến câu trả lời cho vấn đề được đặt ra.

- Sau khi giải quyết vấn đề đôi khi một số vấn đề mới lại nảy sinh. Lúc đó, một quá trình tư duy mới lại bắt đầu.

- Trong quá trình giải quyết nhiệm vụ, con người thường gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân thường gặp:

+ Chủ thể không nhận thấy một số dữ kiện của bài toán (nhiệm vụ).

+ Chủ thể đưa vào bài toán một điều kiện thừa.

+ Tính chất cứng nhắc, khuôn sáo của tư duy.

Ví dụ: Sinh viên A cuối tháng hết tiền không có tiền ăn, tiền tiêu nhưng còn đến một tuần nữa mới đến hạn nhận tiền nhà gửi. Vấn đề đặt ra cho sinh viên này là làm sao sống qua một tuần nữa chờ đến ngày ở nhà gửi tiền vào. Và sinh viên A  bắt tay vào vệc tìm cách giải quyết vấn đề.

- Sau khi tham khảo ý kiến của các bạn và cộng thêm kinh nghiệm của bản thân qua những lần hết tiền trước đây sinh viên A đã tìm ra một số phương án giải quyết như sau:

+ Vay tiền bạn bè sống tạm một tuần, sau khi nhận tiền sẽ gữi lại.

+ Bảo gia đình gửi tiền sớm hơn

+ Ăn chịu.

- Sinh viên A bắt tay vào việc kiểm tra xem phương án nào có thể thực hiện được.

+ Đầu tiên là đi hỏi thăm các bạn vay tiền nhưng cuối tháng ai cũng hết tiền không thể vay được.

+ Tiếp theo là hỏi cô chủ ăn chịu nhưng cô chủ quán không bán.

+ Cuối cùng là điện về nhà nói với gia đình và gia đình đồng ý gửi sớm hơn, nhưng gửi ít hơn thường lệ.

- Và vấn đề của sinh viên này đã được giải quyết nhưng một vấn đề mới lại nảy sinh là với số tiền ít hơn sinh viên A phải chi tiêu thế nào đễ đủ cho tháng tiếp theo. Và một quá trính tư duy mới lại nảy sinh.

2/ Các thao tác của tư duy:

Phân tích – tổng hợp:

- Phân tích là quá trình chia cái toàn thể ra các bộ phận, là tách bạch từng thuộc tính hay từng phía cạnh của sự vật, hiện tượng.

Ví dụ: khi phân tích về cái cây ta có thể tìm hiểu về cái lá, hoa, quả, rễ của cây,…

- Tổng hợp là quá trình dùng trí óc để liên hợp những bộ phận hay những dấu hiệu thành một nhóm hay một bộ phận hoàn chỉnh, tức tạo thành một hình ảnh.

Ví dụ: sau khi phân tích cái cây, chúng ta có thể biết nó thuộc loại cây họ gì….

- Phân tích và tổng hợp là hai thao tác hoàn toàn trái ngược nhau, song luôn đi kèm và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phân tích chỉ tiến hành theo phương hướng tổng hợp, còn sự tổng hợp được tiến hành trên kết quả của quá trình phân tích.

So sánh:

- Là dùng trí óc để đối chiếu các đối tượng với nhau, xem chúng giống nhau hay khác nhau, thống nhất hay đối lập.

Ví dụ: So sánh về màu sắc (màu trắng với màu không trắng), về hình thù của sự vật, về công cụ…

So sánh là thao tác quan trọng trong trí tuệ, Xê-chê-nốp, nhà sinh lý học người nga coi so sánh là kho tang trí tuệ quý báu nhất của con người.

Trừu tượng hóa và cụ thể hoá:

- Trừu tượng hóa là quá trình con người dùng trí óc để gạt bỏ những mặt, những thuộc tính không quan trọng, chỉ giữ lại những mặt, những thuộc tính quan trọng trong một tình huống có vấn đề cụ thể để tư duy.

Ví dụ: Muốn phân loại học sinh theo học lực, điều duy nhất muốn giữ lại là kết quả điểm số học tập

- Cụ thể hóa là dùng trí óc đưa cái chung, cái trừu tượng về cái cụ thể.

Ví dụ: khái niệm kim loại là những nguyên tố mang tính nóng chảy và dẫn điện, bao gồm các nguyên tố: đồng, vàng, nhôm hoặc sắt,…

- Sự cụ thể hóa làm cho ta hiểu sâu sắc hơn các đối tượng cùng loại, hiểu được cái chung của chúng.

Khái quát hóa và hệ thống hóa:

- Khái quát hóa là quá trình con người dùng trí óc để hợp nhất nhiều đối tượng khác nhau nhưng có chung những thuộc tính liên hệ, quan hệ thành một nhóm, một loại.

Ví dụ: Các nhà động vật học quy các con vật về loài bò sát, gặm nhấm, động vật có sương sống, động vật đẻ con và nuôi con bằng sữa, động vật đẻ trứng,…

- Khái quát hóa là quá trình đêm lại một cái chung nào đó, cái chung trong cái khái quát hóa đối với những đối tượng khác nhau có hai thuộc tính:

+ Những thuộc tính chung là những thuộc tính giống nhau

Ví dụ: Động vật khác nhau với thực vật là có ăn uống, di chuyển, sinh sản.

+ Những thuộc tính chung là thuộc tính bản chất mà mất nó đi thì không còn là sự vật , hiện tượng đó nữa.

Ví dụ: cá voi là động vật có vú, đẻ con và nuôi bằng sữa, thở bằng phổi và có não bộ phát triển.

+ Hệ thống hóa là sắp xếp những đối tượng, những khái niệm theo những tiêu chuẩn nhất định, theo những logic nhất định thành những hệ thống khác nhau.

Ví dụ: dựa theo những tiêu chuẩn, người ta chia ra hệ thống các nước phát triển, các nước đang phát triển, các nước chậm phát triển.

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ Bài tập ôn thi môn Tâm lý học đại cương có đáp án!

Để củng cố kiến thức và nắm vững nội dung bài học mời các bạn cùng làm Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Tâm lý học đại cương có đáp án dưới đây

Trắc Nghiệm

Ngày:06/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM