Đề cương ôn thi môn Tâm lý học đại cương trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh

Nhằm giúp các bạn ôn thi dễ dàng, eLib.VN đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn Đề cương ôn thi môn Tâm lý học đại cương trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh dưới đây, hy vọng tài liệu này sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích cho các bạn trong quá trình ôn tập nâng cao kiến thức trước khi bước vào kì thi của mình.

Đề cương ôn thi môn Tâm lý học đại cương trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh

Câu 1:  Khái niệm, đặc điểm, vai trò của cảm giác và tri giác

Cảm giác

Khái niệm: Cảm giác là một quá trình nhận thức phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính bề ngoài của sự vật và hiện tượng, những trạng thái bên trong của cơ thể khi chúng đang trực tiếp tác động vào các cơ quan cảm giác tương ứng của chúng ta.

Đặc điểm:

  • Cảm giác là 1 quá trình tâm lý, nghiĩa là nó có mở đầu, diễn biến và kết thúc 1 cách rõ ràng, cụ thể.
  • Cảm giác mới chỉ phản ánh riêng rẽ từng thuộc tính của sự vật, hiện tương thông qua từng cơ quan cảm giác riêng rẽ.
  • Muốn có cảm giác thì sự vật, hiện tượng phải trực tiếp tác động đến các cơ quan cảm giác tương ứng của con người
  • Hình ảnh của cảm giác bao giơ cũng thuộc về 1 sự vật, hiện tượng nhất định 

Vai trò:

  • Là hình thức định hướng đầu tiên của con người trong hiện thực khách quan, tạo nên mối liên hệ trực tiếp giữa cơ thể và môi trường xung quanh
  • Là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các quá trình nhận thức cao hơn, là nguồn gốc của hiểu biết.
  • Là điều kiện quan trọng để đảm bảo trạng thái hoạt động của vỏ não, nhờ đó đảm bảo hoạt đông thần kinh của con người được bình thường
  • Là con đường nhận thức hiện thực khach quan đặc biệt quan trọng đối với người khuyết tật

Tri giác

Khái niệm: Tri giác là một quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan khi chúng đang trực tiếp tác động vào các cơ quan cảm giác tương ứng của chúng ta

Đặc điểm:

  • Là một quá trình tâm lí, tức là có 3 giai đoạn :nảy sinh, diễn biến và kết thúc.
  • Tri giác phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng, thể hiện sự phản ánh ở mức độ cao hơn của tri giác so với sự phản ánh của cảm giác.
  • Muốn có hình ảnh của tri giác thì sự vật, hiện tượng phải tác động trức tiếp đến các cơ quan cảm giác của con người. Nó thể hiện tính trực quan trong sự phản ánh của nhận thức cảm tính.
  • Cũng như cảm giác, hình ảnh của tri giác bao giờ cũng thuộc về 1 sự vật, hiện tượng nhất định, đặc điểm này thể hiện tính cụ thể trong sự phản ánh của nhận thức cảm tính.

Vai trò: Tri giác định hướng cho hoạt động của con người. Cung cấp tài liệu cho quá trình nhận thức cao hơn “Tất cả các hiểu biết của con người đều bắt nguồn từ kinh nghiệm, từ cảm giác, tri giác” - V.l. Lê - nin

Câu 2: Khái niệm, các mức độ biểu hiện và các quy luật cơ bản của đời sống tình cảm

Khái niệm

Xúc cảm, tình cảm là thái độ của cá nhân đối với hiện thực khách quan có liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu của cá nhân dưới hình thức những rung cảm.

Các mức độ biểu hiện:

Màu sắc xúc cảm của cảm giác: Là mức độ thấp nhất, thường đi kèm với cảm giác. Ví dụ màu đỏ cho ta cảm thấy rạo rực....

Xúc cảm: Là những rung cảm xảy ra nhanh, mạnh, rõ rệt, ngắn, nhất thời, hay thay đổi, không ổn định. Theo E.Izard có 8 loại xúc cảm làm nền tảng: hứng thú, hồi hộp, vui sướng, ngạc nhiên, đau khổ, căm giận, ghê tởm, khiếp sợ, xấu hổ, tội lỗi... 

Các loại xúc cảm:

  • Xúc động: là một dạng của xúc cảm có cường độ rất mạnh, xảy ra trong một thời gian ngắn và xâm chiếm toàn bộ hoạt động của con người một cách nhanh chóng.
  • Tâm trạng: là một dạng khác của xúc cảm có cường độ vừa phải hoặc tương đối yếu, tồn tại trong khoảng thời gian tương đối dài, chi phối hành vi của con người trong suốt thời gian tồn tại tâm trạng đó. 

Tình cảm:

  • Đó là thái độ ổn định của con người đối với hiện thực xung quanh và đối với bản thân. Nó mang tính ổn định và là thuộc tính tâm lý của nhân cách.
  • So với các mức độ của đời sống tình cảm đã nêu trên, tình cảm có tính khái quát hơn, ổn định hơn và được chủ thể ý thức một cách rõ ràng hơn.

Các quy luật cơ bản của đời sống tình cảm:

Quy luật về tính hai mặt của đời sống tình cảm: Khi thỏa mãn một nhu cầu nào đó thì một số nhu cầu khác bị kìm hãm ức chế. Điều đó tạo ra hai thái cực trong đời sống tình cảm con người. Đó là tính hai mặt của đời sống tình cảm.

Quy luật “lây lan”: Xúc cảm, tình cảm có thể lan truyền từ người này sang người khác.

Quy luật “thích ứng”: Một xúc cảm, tình cảm nào đó được lặp đi lặp lại nhiều lần một cách không đổi, thì cuối cùng sẽ bị suy yếu, bị lắng xuống. Đó là sự “chai sạn” của tình cảm.

Quy luật “tương phản”: Một xúc cảm, tình cảm nào đó có thể làm tăng cường hoặc suy yếu một xúc cảm, tình cảm khác đối cực với nó.

Quy luật “di chuyển”: Xúc cảm, tình cảm của con người có thể lan truyền từ đối tượng này sang đối tượng khác.

Quy luật “pha trộn”: Ở một con người, trong cùng một thời điểm và đối với cùng một đối tượng có thể cùng tồn tại hai hay nhiều cảm xúc khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Chúng không loại trừ nhau mà quy định lẫn nhau.

Quy luật về sự hình thành tình cảm: Tình cảm được hình thành từ những xúc cảm cùng loại do quá trình tổng hợp hóa, động hình hóa, khái quát hóa mà thành.

Câu 3: Trí nhớ và các giai đoạn của quá trình trí nhớ? Quá trình quên?

Khái niệm:

Trí nhớ là quá trình phản ánh những kinh nghiệm đã trải qua của con người dưới hình thức những biểu tượng, bao gồm quá trình ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện những tác động trước đây.

Phản ánh những cái đã qua, những cái không còn trực tiếp tác động.

Biểu tượng vừa mang tính trực quan, vừa mang tính khái quát.

Các giai đoạn của quá trình trí nhớ:

  • Quá trình ghi nhớ: Là quá trình hình thành dấu vết của đối tượng trên vỏ não, đồng thời hình thành mối liên hệ giữa các phần của đối tượng đang được ghi nhớ và mối liên hệ giữa đối tượng đang ghi nhớ với những đối tượng khác có sẵn trong kinh nghiệm. Hình thức ghi nhớ: Ghi nhớ không chủ định, Ghi nhớ có chủ định. Cách ghi nhớ: Ghi nhớ máy móc, Ghi nhớ ý nghĩa.
  • Quá trình giữ gìn: Là quá trình củng cố vững chắc những dấu vết đã được ghi nhận trên vỏ não. Hình thức giữ gìn: Giữ gìn tiêu cực và Giữ gìn tích cực
  • Quá trình tái hiện: Là quá trình làm xuất hiện những dấu vết đã ghi nhận và củng cố trên vỏ não trước đây. Hình thức tái hiện: Nhận lại. Nhớ lại. Hồi tưởng.
  • Quá trình quên: Là biểu hiện của sự không tái hiện được hoặc tái hiện sai những tác động trước đây vào một thời điểm nhất định. Các mức độ: quên tạm thời, quên hoàn toàn, quên cục bộ, quên một phần… Nguyên nhân quên: Nguyên nhân khách quan, Nguyên nhân chủ quan. Quy luật quên: Trình tự quên: Quên cái tiểu tiết, vụn vặt trước, quên cái đại để, chính yếu sau. Tốc độ quên: Lúc đầu rất nhanh, sau đó giảm dần. Nhịp độ quên: Phụ thuộc vào nội dung và khối lương thông tin.

Câu 4:  Khí chất và các kiểu khí chất.

Khái niệm: Khí chất là đặc trưng chung nhất về cường độ, tốc độ và nhịp độ của các hoạt động tâm lý, thể hiện sắc thái riêng về hành vi và cử chỉ của người đó.

Các kiểu khí chất:

  • Khí chất linh hoạt: Những người có khí chất này thường nhận thức nhanh, nhưng hời hợt, chủ quan. Họ là những người hoạt bát, vui vẻ, dễ tiếp xúc, giao tiếp rộng, dễ thích nghi với mọi điều kiện, giàu sáng kiến, nhiều mưu mẹo. Họ nhiệt tình, tích cực trong mọi công tác, nhưng thiếu kiên trì, chóng chán. Cảm xúc của họ bộc lộ phong phú, sôi động nhưng tình cảm không bền vững, hay đổi thay. Những người có khí chất linh hoạt thích hợp với những công việc có tính chất đổi mới, có nội dung hoạt động sôi nổi, linh hoạt. Còn đối với những công việc đơn điệu, kém thú vị thì họ sẽ chóng chán.
  • Khí chất bình thản (điềm tĩnh): Những người này thường tỏ ra ung dung, bình thản. Họ có thể kìm chế được cảm xúc và những cơn xúc động. Trong quan hệthường đúng mực, hơi kín đáo và tỏ ra thờ ơ, thiếu nhiệt tình với những người xung quanh. Họ thường nhận thức hơi chậm, nhưng sâu sắc và chín chắn. Trong hoạt động có sự đều đặn, cân bằng, có tính kế hoạch, tính nguyên tắc, không thích mạo hiểm. (Trong hoạt động quản lý những người này thường thích hợp với công tác kế hoạch, tổ chức, nhân sự, những công việc đòi hỏi tính cẩn thận và tính nguyên tắc).
  • Khí chất nóng: Là người tỏ ra có sức sống dồi dào, các biểu hiện tâm lý bộc lộ mạnh mẽ. Họ thường vội vàng, hấp tấp, làm việc sôi động, phung phí sức lực. Trong quan hệ họ thường nóng nảy, thậm chí đôi khi tỏ ra cục cằn, thô bạo, họ dễ bị kích động, nhưng không để bụng lâu. Họ thường nhanh chóng say sưa với công việc, nhưng cũng nhanh xẹp. Họ ít có khả năng làm chủ bản thân trong các trường hợp bất thường, ít có khả năng đánh giá hành động của người khác một cách khách quan. Những người này không thích hợp với những công việc mang tính tổ chức, nhân sự, những công việc mang tính tỷ mỷ. Họ có thể thích hợp với những công việc mang tính xông xáo.
  • Khí chất ưu tư: Những người này có dáng vẻ chậm chạp, dễ xúc động, thường sống trầm lặng, kín đáo, ngại va chạm, ngại giao tiếp. Họ thường đắn đo, suy nghĩ chi tiết, thận trọng trong công việc sắp làm. Họ có tính kiên trì, chịu khó trong những công việc đơn điệu. Trong quan hệ với mọi người, tuy họ ít cởi mở nhưng tình cảm sâu sắc, bền vững và tế nhị. Nó chung họ thường là những người tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức tổ chức, kỷ luật cao. Trong hoạt động họ cần có sự khuyến khích, động viên, tin tưởng giao việc cho họ và không nên phê bình, góp ý một cách trực tiếp.

Câu 5: Tính cách và các kiểu người dựa vào đặc điểm của tính cách?

Khái niệm: Tính cách là sự kết hợp độc đáo các đặc điểm tâm lý ổn định của con người, những đặc điểm này quy định phương thức hành vi điển hình của người đó trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, thể hiện thái độ của họ đối với thế giới xung quanh và bản thân.

Các kiểu người dựa vào đặc điểm của tính cách:

Kiểu 1: Nội dung tốt – hình thức tốt: đây là loại người toàn diện, vừa có bản chất tốt, thái độ tốt, vừa có hành vi, cử chỉ, cách ăn nói cũng tốt. Những người này thường có trình độ, có hiểu biết, có kinh nghiệm sống và vì thế họ có cơ hội được sự tín nhiệm của mọi người và được quần chúng tin tưởng.

Kiểu 2: Nội dung tốt – hình thức chưa tốt: là loại người có bản chất tốt, nhưng chưa từng trải. Là loại người vụng về trong giao tiếp, trong quan hệ vì vậy họ đôi khi bị hiểu lầm là người không tốt. Nếu họ được huấn luyện, giáo dục sẽ trở thành loại người kiểu 1.

Kiểu 3: Nội dung xấu - hình thức tốt: thường là những người cơ hội, thủ đoạn, thiếu trung thực. Đây là những người lọc lõi, hiểu đời, nhưng bản chất không tốt. Họ thường dùng những hành vi, cử chỉ, lời nói để nịnh hót, tâng bốc người khác nhằm mục đích trục lợi cho riêng mình.

Kiểu 4: Nội dung xấu – hình thức cũng xấu: là loại người xấu toàn diện, xấu cả bản chất, thái độ, và hành vi, cử chỉ, cách nói năng.

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ Đề cương ôn thi môn Tâm lý học đại cương trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh!

Để củng cố kiến thức và nắm vững nội dung bài học mời các bạn cùng làm Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Tâm lý học đại cương có đáp án dưới đây

Trắc Nghiệm

Ngày:16/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM